Những con đường, những thôn xóm, những hình người quen rất là quen. Hình ảnh một quê nhà rã mục. Hàng trăm tấm hình. Tha hồ ngắm, tha hồ ngậm ngùi. Giống Việt Nam quá! Suốt chuyến đi, chúng tôi nói với nhau hoài như thế.
Trời nóng ong ong. Về tới phòng trọ, chúng tôi vội vã cất mọi thứ vào ngăn tủ, và nhanh chân ra bãi biển. Không bận tâm gật đầu chào người đàn ông vẫn ngồi như tảng đá sần sùi dưới bóng dừa, hai con mắt lúc nào cũng đăm đăm nhìn biển khơi, chúng tôi lao nhanh vào sóng nước.
Mặt trời ném tung tóe những vụn nắng lên lưng ngàn con sóng.
“Làm sao chụp được những vẩy bạc lấp lánh ấy nhỉ.” Nhã đăm đắm nhìn những lưng sóng, hít hà. “Phải như không sợ nước vào ống kính, em sẽ gỡ những vẩy bạc đính trên lưng sóng đem về Xứ Tuyết.”
Tôi nhìn những vẩy bạc lấp lánh, hình dung loài thủy quái chập chùng níu kéo nhau của cái thời cổ tích.
“Anh thấy những người đàn ông kia không, ngày nào họ cũng ngâm mình dưới nước.” Tôi nhìn theo hướng chỉ của Nhã. Những đầu người đen đúa bập bềnh trên sóng. Những người đàn ông không ra xa hẳn ngoài khơi mà cũng không lội gần bờ. “Nếu có máy hình, em sẽ chụp những đầu người nhấp nhô trên sóng biển.” Nhã xuýt xoa.
Dạo này Nhã mắc một chứng bệnh nan y; bệnh săn hình. Ði bộ đến chỗ làm, bắt gặp chiếc lá vàng lẻ loi bên gốc cây, dù biết chắc sẽ trễ giờ cũng cố tìm một góc vừa ý để chụp một tấm hình, dù chỉ bằng điện thoại.
“Làm cách nào bắt được cái hồn của chiếc lá khô, của khúc cây mục.” Câu cằn nhằn ấy tôi nghe hoài ngày này qua ngày khác.
Tôi thả nổi trên mặt nước, nheo mắt trước khung biếc xanh của bầu trời. Quanh tôi, những đầu người nhấp nhô như những trái dừa khô bập bềnh trên sóng. Ðầu những gã đàn ông. Ðầu những kẻ chết trôi sau chuyến đổ bộ bất thành ở Vịnh Con Heo thế kỷ trước. Những đầu người làm tôi nghĩ ngợi vẩn vơ.
Thắm Nguyễn
Chợt hai cái đầu dạt về phía chúng tôi. Tôi quay qua nhìn họ. Tôi mỉm cười với họ. Một người trẻ tuổi, tóc dài và ướt dán chặt lên má, lúc anh ta nhảy lên để tránh con sóng, tôi bắt gặp trái táo nhấp nhô trên chiếc cổ khẳng khiu. Người kia đứng tuổi, mặt tròn, tóc lưa thưa. Tôi đoán họ cũng là những du khách.
Người đứng tuổi liếc vào bờ rồi tiến đến sát bên chúng tôi.
“Hola!” Ông ta đưa bàn tay lên khỏi mặt nước. Chúng tôi ngơ ngác nhìn. Một vỏ ốc to đầy lòng bàn tay. Ông ta đưa chiếc vỏ ốc trắng muốt về phía Nhã. Vạn tia sáng lập lòe.
“Các bạn từ Canada tới?” Ông ta hỏi.
Tôi gật đầu, toan hỏi sao ông biết thì ông ta đã nói tiếp, “Vỏ ốc đẹp. Áp vào tai, nghe sóng biển.”
Ông ta đẩy cái vỏ ốc vào tay Nhã, hối thúc, “Try it!”
Nhã chớp mắt ngần ngừ. Người đàn ông áp cái vỏ ốc vào tai Nhã. Rồi xoay qua, liếc vội lên bờ trước khi áp vào tai tôi. Tôi bối rối nhưng cũng nghiêng đầu lắng nghe. Thuở bé tôi vẫn thường áp vỏ ốc vào tai nghe rì rầm tiếng sóng. Tiếng sóng từ vỏ ốc này hun hút sâu, nghe như vọng về từ cõi khác.
Gã trai trẻ kia vẫn đứng đó, lặng im, chìm trong sóng nước, con mắt liếc lên bờ. Tóc dán hai bên má. Gã đang nhìn cái gì thế nhỉ.
“Các bạn cũng ở đây?” Tôi hỏi.
Người đàn ông lắc đầu. Và nhanh nhẹn đọc cái tên thị trấn. Tôi nhớ cái tên ấy. Cách đây gần hai chục cây số. Ban nãy, trên đường lên thủ đô La Habana, xe chúng tôi đã chạy qua. Cô sinh viên hướng dẫn du lịch đọc cái tên ấy hai ba lần.
“Vỏ ốc đẹp,” người đàn ông nhắc. Và ông ta nhỏ giọng, “Elena thích lắm.”
“Elena?” Tôi hỏi.
Người đàn ông đứng tuổi hất hàm về phía gã thanh niên vẫn đang dõi mắt ngoài khơi xa. “Con gái của thằng em tôi. Cho nó vỏ ốc này, nó mừng, nó khóc luôn.”
“Con bé mấy tuổi?” Nhã hỏi, đôi mắt vui như đứa bé sắp được quà.
“Bốn tuổi.” Người đàn ông nheo con mắt chói nắng, “Bạn mua nhé. Chỉ có 8 pesos. 8 pesos bằng 7 dollars.”
Tôi cười. Người đàn ông này rành hối suất hơn tôi dù không là du khách. Ông ta nhún mình lên để tránh con sóng vừa ập vào, và đưa tay gạt vội nước trên mặt, “Bảy dollars ở Canada chỉ mua được một cái hamburger.”
Thấy chúng tôi vẫn ngần ngại, ông ta nói tiếp, “Ốc này sống ngoài khơi, rất khó tìm.” Và ông ta quay đầu nhìn về phía gã thanh niên, nói nhỏ đủ cho chúng tôi nghe, “Elena sẽ thích lắm.”
Một con sóng tung bụi nước lên không gian. Những giọt thủy tinh bám đầy tóc Nhã. Chúng tôi phải níu lấy nhau cho khỏi ngã. Tôi cạo nhẹ lên mặt ngoài vỏ ốc. Những đường vân ngoằn ngoèo, lấp lánh sắc cầu vồng dưới nắng. Nhìn thì thích thật, nhưng mấy hôm nay hai đứa đã nhặt bao nhiêu là vỏ ốc trên bãi biển. Có cả những vỏ mỏng như giấy viết thư, cầm trên tay chỉ chực vỡ.
“Năm pesos nhé,” Nhã trả giá. Rồi quay qua nói với tôi bằng tiếng Việt, “Mua đi anh. Tội nghiệp họ!”
Người đàn ông suy nghĩ không đầy một giây, “Hay là 5 pesos cùng với 2 cái hamburger.”
Tới lúc này gã trai trẻ mới nhập vào cuộc thương lượng. Gã gỡ sợi tóc vướng ngang mắt, nhìn tôi, nói bằng giọng khàn đục, “Tourists eat and eat and eat. Cubans no way!”
Nói xong cái lời chua chát ấy, anh ta lại ngóng ra khơi. Du khách ăn bao nhiêu cũng được, dân Cuba thì còn lâu. Tôi hiểu câu nói của anh ta như thế. Chắc Nhã cũng hiểu như thế. Chúng tôi nhìn nhau bối rối. Hai anh em, người có tuổi lại nói được tiếng Anh gẫy gọn. Và có vẻ tử tế với du khách hơn người em. Chúng tôi nhìn hai khuôn mặt sạm nắng. Ở đất nước này, họ là chủ nhân, chúng tôi chỉ là khách trọ. Những chủ nhân ông của đất nước thèm một miếng hamburger, trong khi bọn khách trọ miếng thịt hơi quá lửa đã ném ngay vào thùng rác.
“Elena thích vỏ ốc này lắm,” người đàn ông nói.
Dường như nghe được câu nói ấy, gã trẻ tuổi nói vọng về phía chúng tôi, “Ðói quá rồi, bán đi thôi!”
Tôi nhìn vào mắt gã thanh niên. Chút nôn nóng, chút giận dữ, chút bực bội, và thật nhiều u uất trong hai con mắt ấy. Bắt gặp tia nhìn của tôi, gã quay ngoắt đi. Và lại ngóng ra khơi.
Thế là chúng tôi đồng ý mua cái vỏ ốc.
“Các bạn lên bờ với chúng tôi,” Nhã đề nghị.
Hai cái đầu cùng lắc vội. “No way!”
Hai đứa tôi ngơ ngác nhìn họ.
“Policia!” Gã trai trẻ nói lớn, cố át tiếng sóng.
“Tại sao?” Nhã ngạc nhiên hỏi.
“Biển Cuba là của nhân dân Cuba, nhưng bãi biển là của công ty du lịch,” người đàn ông lớn tuổi nói một hơi. “Chúng tôi lội dưới nước bao lâu cũng được, lên bờ thì bị còng ngay.”
Câu nói làm tôi chóng mặt. Hai đứa tôi tròn mắt nhìn nhau. Và ôm nỗi ngạc nhiên, lảo đảo lội vào bờ. Bây giờ tôi hiểu vì sao lúc nào cũng có những thân người đen đúa thả nổi xa bờ, những cái đầu bồng bềnh trên sóng, những con mắt hướng về đám du khách, như mong đợi một điều gì. Chúng tôi bước đi trên cát nóng. Cố thản nhiên như thể không sắp làm điều gì cấm kỵ. Người cảnh sát mặc thường phục nhìn chúng tôi. Con mắt lạnh băng. Trên chiếc ghế gỗ thấp lè tè, ông ta là tượng đá, ngày này qua ngày khác. Bây giờ chúng tôi mới hiểu vì sao, ngoài khơi xa, người đàn ông lớn tuổi và gã thanh niên tóc dài kia cứ lấm lét nhìn lên bờ.
“Có những thứ tư nhân không được quyền làm chủ,” tôi hậm hực nói và tung chân đá văng một vỏ dừa khô nằm trơ vơ trên cát.
“Người giàu bỏ tiền ra mua mà anh,” Nhã nhỏ nhẹ.
“Tư nhân có thể làm chủ căn nhà, chiếc xe, đồ đạc, gia súc; nhưng không có chuyện tư nhân làm chủ sông, suối, ao, hồ, bãi biển, núi non, hải đảo; cũng như tư nhân không được phép làm chủ con người của bất kỳ ai khác… Phải có những quy định như thế.” Tôi nghe cái giọng gay gắt của chính mình. Cái giọng khó ưa.
“Những quy định, những luật lệ cũng do bọn giàu làm ra, anh à!”
Tôi không nói nữa. Biết nói gì bây giờ.
Nhã gọi hamburger và hotdog. Còn lấy thêm hai ly pina colada. Du lịch “trọn gói” nên du khách có thể ăn, uống bất kỳ lúc nào. Chúng tôi giấu hamburger và hotdog trong những đĩa giấy, ép sát vào người. Cát nóng xoáy lòng bàn chân. Gã cảnh sát chìm bận chuyện trò với hai người đàn bà Québec. Gã nói tiếng Pháp âm hưởng Tây Ban Nha nghe buồn cười.
Một con sóng cao hùng hổ xô vào bờ. Tôi giơ vội hai cái bánh lên đầu và nhảy lên tránh kịp. Nhã bị con sóng xô ngã. Tôi cứu được mấy cái hamburger, còn hai ly pina colada trong tay Nhã thì tan vào sóng nước.
Nhã gạt lọn tóc vướng trên trán, “Ðể em lên xin ly khác. Luôn tiện lấy thêm hamburger gửi về cho bé Elena.”
Tôi lội đến gần hai người đàn ông đang kiên nhẫn đứng chờ.
“Cô ấy đi đâu vậy?” Người đàn ông hất đầu về phía Nhã, hỏi; trong khi gã thanh niên vẫn dõi mắt ra khơi.
“Xin mấy ly nước khác. Mới bị sóng đánh.” Tôi hất hàm về phía gã thanh niên, mỉm cười, “Anh ta tìm cái gì mà ngó hoài ra khơi vậy? Cá mập chăng?”
Người đàn ông nhìn tôi. Thoáng trách móc vương trong mắt. Tôi đưa cái hamburger cho ông ta. “Vợ tôi lên xin nước ngọt, gửi cho bé Elena.”
Người đàn ông đón lấy cái hamburger, ghé sát mặt tôi, nói nhỏ, “Con bé Elena chết rồi.” Và ông liếc về phía gã thanh niên, “Nó cho vợ con theo ghe nhỏ, vượt biên, đi Miami mong đổi đời. Bị chìm ghe.”
Tôi trơ ra như pho tượng giữa biển khơi. Sóng cuộn bọt trắng chung quanh. Những con sóng này thì ra cũng chẳng tử tế gì hơn những con sóng trong vịnh Thái Lan thuở trước.
“Ðừng nhắc tới Elena nữa,” người đàn ông nói, nháy mắt về phía gã thanh niên đang gườm gườm nhìn vào những con sóng. “Nó buồn, tội nghiệp.”
Cổ họng tôi khô đắng, dù tôi đã uống không biết bao nhiêu là nước biển.
Nhã ra tới. Tóc ướt dán chặt hai bên má trông như thiếu nữ trong tranh từ một tạp chí chuyên về hội họa. Chúng tôi chìm vào những con sóng.
Trong xứ sở được tự hào là tự do đến độ một thứ nước uống còn được đặt tên Cuba Libre, chúng tôi đưa những cái bánh cho hai người luôn được tuyên dương là đang làm chủ đất nước họ. Chúng tôi làm chuyện phi pháp. Hai người đàn ông lấm lét nhìn vào bờ rồi nhanh nhẹn đón lấy thêm những cái bánh có miếng thịt bò vừa cháy xèo xèo trên bếp lửa.
Niềm vui sáng lên trong những con mắt trên hai khuôn mặt sạm nắng. Sóng tạt vung vãi lên miếng bánh. Hai cái đầu nhấp nhô. Những cánh tay giơ cao chiếc bánh về phía biển khơi để người trong bờ không thấy. Họ cắn miếng bánh một cách ngon lành, và cắn luôn cả con sóng mặn chát. Gracias! Gracias!
Nhét những đồng tiền xu vào cái túi gài ở sợi dây đeo trước ngực, họ chào chúng tôi rồi bập bềnh trong lòng biển cả, dạt dần về phía mà họ bảo là ngôi làng nơi họ cư trú. Hai mươi cây số chập chùng!
Chúng tôi đứng lặng nhìn theo họ. Mây trắng và trời xanh trên cao. Biển mênh mông trước mặt. Trời đất thênh thang, quê nhà của họ, mà sao không cho họ lên bờ!
Bất chợt Nhã xoay người, tuông chạy theo hai gã đàn ông. Tôi ngỡ ngàng một giây rồi luống cuống gạt sóng lội theo. Nhã vẫy tay ríu rít gọi hai người đàn ông vừa bán cho chúng tôi cái vỏ ốc được trả bằng 5 pesos và hai cái hamburger.
Nhã ngã nhào vào con sóng cao ngập đầu. Chúng tôi nhùng nhằng níu kéo nhau.
Người đàn ông trung niên vuốt nước trên mặt, cái nhìn ngơ ngác trong mắt. Gã trai trẻ vừa liếc lên bờ vừa ném cho chúng tôi cái nhìn cau có.
Nhã sặc nước, ho một thôi. Dứt cơn ho, Nhã chới với đưa cái vỏ ốc về phía hai người đàn ông.
“Lo siento! Chúng tôi lỡ ăn hết hamburger rồi,” người đàn ông đứng tuổi lắp bắp.
“Mấy người đã đồng ý mua…” giọng lo âu, gã trai trẻ tiếp lời.
Tôi ngơ ngác xoay qua nhìn Nhã. Bắt gặp trong đôi mắt ấy ánh nhìn quen thuộc; ánh nhìn của sự bao dung. Nhã nhào tới, giúi cái vỏ ốc vào tay người đàn ông lớn tuổi, “Gửi cho bé Elena. Please say HI to her!”
“Gracias! Gracias!” Người đàn ông lắp bắp, nắm vội lấy cái vỏ ốc, rồi nhanh chóng quay lưng, và vội vã đặt tay lên vai gã trai trẻ, đẩy gã bước đi.
Cổ họng tôi thắt lại. Tôi không thốt nên lời.
Lên tới bờ, ngồi phịch xuống cát, bên gốc cây dừa sum suê lá, Nhã tíu tít, “Mỗi lần du lịch mình đều chụp thật nhiều ảnh, nhưng những bức ảnh đẹp nhất lại chả bao giờ chụp được. Anh biết em tiếc tấm hình nào không?”
Tôi nhìn ra biển khơi, hai cái đầu ban nãy mập mờ ẩn hiện, giữa vô số những cái đầu đen đúa nhấp nhô trong sóng nước.
Không đợi tôi trả lời, Nhã tiếp, “Tấm hình có những con mắt ngơ ngác của hai ông đó lúc em đưa cho họ cái vỏ ốc, và tấm hình con bé Elena.”
“Mình có biết mặt nó đâu!” Tôi nói, cho có nói.
“Lúc ba nó đưa cho nó cái vỏ ốc, nó sẽ tròn xoe hai con mắt…” Giọng Nhã sôi nổi. “Ba nó ngâm mình dưới biển biết bao lâu mới tìm được.”
“Chắc nó thích lắm,” tôi lẩm bẩm.
“Thích chứ sao không. Trời ơi, phải chi em chụp được tấm hình ấy!”
Tôi nuốt nước bọt, thì thầm vào tai Nhã, “Những hình ảnh ấy mình không chụp lại được…”
“Tiếc quá. Những tấm hình như thế…” Nhã xuýt xoa.
Hai đứa tôi dõi mắt ra khơi. Những cái đầu bập bềnh trên sóng. Những cái đầu nhấp nhô lẫn vào những vẩy bạc trên lưng ngàn con sóng. Tôi không biết nói gì. Nên tôi lặng im.
Mãi, tôi mới nghĩ ra, tôi nói nhỏ, như thể sợ ai nghe thấy, “Không chụp được cũng là một điều hay, bởi chúng không thể bị xếp chung với bất kỳ tấm hình du lịch nhàm chán và vô hồn nào khác.”
HC