Cell phone là vật tri kỷ, gần gũi nhất với mọi người.
“Con chỉ ước được làm một chiếc điện thoại di động”
Bạn đọc của tôi hôm nay và cả những đứa trẻ 12, 13 tuổi ở Mỹ này, chắc chắn ai cũng có một cái cell phone kè kè bên mình, vì bây giờ có một cái cell phone là được nắm cả thế giới trong tay.
Trên địa cầu có 7 tỷ 12 triệu người thì hiện nay đã có 6 tỷ 880 triệu người dùng cell phone, trong đó có nhiều quốc gia mỗi người có hơn hai cái điện thoại cầm tay. Đất nước càng giàu có, dân chúng dùng cell phone càng nhiều.
Mỹ là một quốc gia có số điện thoại dùng nhiều hơn dân số, nhưng còn kém xa Saudi Arbia, ở đây một người dùng đến 1,7 cái điện thoại. United Arab Emirates có 8, 5 triệu dân, mà số điện thoại lưu hành hơn 17 triệu cái.
Việt Nam là một quốc gia thích chạy theo tiện nghi, nhất là những tiện nghi đã thành món thời trang.
Một nghiên cứu mới đây của Viện Gallup từ Mỹ cho thấy 43% người Việt Nam có Internet tại nhà, 94% có điện thoại di động, 37% có điện thoại thông minh (smartphone).
Nhiều thanh niên ăn mì gói trừ cơm nhưng thích dùng những điện thoại tối tân, đắt tiền, và cơn sốt điện thoại đã đưa đến nạn cướp giật, gây ra những vụ chém người, chặt tay người để đoạt thứ đồ chơi này.
Chúng ta cũng không lấy gì làm ngạc nhiên khi biết Cuba và Bắc Hàn là hai quốc gia ít dùng cell phone nhất vì lạc hậu và nghèo đói.
Con số này được tính vào năm 2013, trong ba năm qua, số người dùng loại phone này trên thế giới chắc chắn là tăng chứ không giảm.
Chúng ta đã biết nhiều về tiện nghi của cell phone cũng như mọi người đã nói nhiều về những điều hại khi ta dùng cell phone, như khi lái xe mà mải mê nói chuyện, thậm chí còn texting, nhắn gửi qua máy.
Nhất là khi chiếc điện thoại còn được xử dụng như một máy ảnh thì nhiều chuyện khó tin đã xẩy ra như chụp selfie mà bước giật lùi rơi xuống thác nước, xuống sông.
Theo nghiên cứu của Đại Học Baylor đăng trên tờ The Journal of Behavioral Addictions, họ đã phỏng vấn trên 164 sinh viên về thói quen dùng cell phone, theo đó những cô gái trẻ dùng cell phone trung bình mỗi ngày 10 tiếng, nam sinh viên 8 tiếng và đến 60% người thú nhận họ “ghiền” dùng điện thoại.
Họ dùng 94.6 phút để nhắn tin, 48.5 phút để đọc và gửi e-mail, 38.6 phút cho facebook, 34.4 phút để nghe nhạc.
Đi du lịch ngày nay, chủ yếu của con người là chụp ảnh mang về, mà đáng ra phải thưởng thức vẻ đẹp của phong cảnh thiên nhiên tại chỗ.
Gặp gỡ Đức Giáo Hoàng hay một tài tử nổi danh thì không ai muốn chiêm ngưỡng nhân vật mà chỉ muốn thu hình họ vào máy ảnh của mình, thay vì nhìn nhân vật người ta nhìn vào màn ảnh máy điện thoại.
Vào tiệm ăn trong khi chờ nhà hàng mang thức ăn ra, ai cũng chúi mũi vào chiếc điện thoại. Các trang thanh niên, thiếu nữ đang thời gắn bó, thương yêu, kể cả những lúc gặp gỡ, ai cũng chăm chú vào thế giới riêng tư của mình.
Thiếu niên ẩn mình trong phòng riêng để chuyện trò với bạn bè, nhắn tin nghe nhạc, xem phim, thay vì gần gũi chuyện trò với anh chị em và cha mẹ trong gia đình.
Thật sự, trong nhiều gia đình ở các nước văn minh ngày nay, vào những ngày hè, thanh thiếu niên không còn dùng cell phone mỗi ngày 8 tiếng như theo nghiên cứu của Baylor mà còn kéo dài đến 14 tiếng.
Đến giờ cơm, các em vừa ăn vừa gián mắt vào màn ảnh điện thoại để xem phim, giờ đọc sách hay làm bài cũng phải có nhạc bên tai mới chịu được, lâu trở thành thói quen không thể thiếu.
Vào giường thì phone cũng để dưới gối, nghe nhạc để ru giấc ngủ.
Các em ngày nay, có khuynh hướng cô lập với gia đình, thiếu gần gũi với cha mẹ như thời thơ ấu, mà có nhu cầu trò chuyện, nhắn tin, giải trí trong chiếc máy riêng tư của mình.
Đã lên giường trước giờ ngủ, vợ chồng mải mê theo dõi trên màn ảnh cell phone. Các bậc phụ huynh cũng mê điện thoại, bỏ bê con cái.
Thanh thiếu niên đã không còn dành thì giờ gần gũi với cha mẹ, mà cha mẹ cũng không còn gần gũi với con cái, cell phone là vật tri kỷ, gần gũi nhất với mọi người.
Nói đến điện thoại, ngày nay người ta nói đến phone cá nhân, cell phone hay là phone di động (mobile phone.)
Điện thoại vốn là phương tiện để kết nối, liên lạc, nhưng tựu trung nó làm cho người ta chia rẽ, xa cách.
Phone di động thay vì làm cho con người gần gũi với nhau hơn, thì càng làm cho họ cách xa nhau thêm?
Tổng Thống Obama đã có lần cho rằng: “Chúng ta không thể sùng bái những chiếc điện thoại, mà thờ ơ với những giá trị nhân đạo khác, đó không phải là một việc làm đúng đắn.”
Trẻ em nghĩ gì về những bậc cha mẹ ích kỷ, thích riêng tư với cái thế giới qua màn ảnh điện thoại di động, với nỗi bơ vơ, buồn phiền của những đứa con. Con chúng ta cần một bờ vai thương yêu, một lời nói bên tai, những chia sẻ vui sướng cũng như phiền muộn và những gần gũi ấm áp.
Hãy lắng lòng để nghe lời nói ngây thơ của một đứa con, đời sống và hình hài của em không bằng một cái điện thoại lúc nào cũng được gần gũi với bố mẹ.
Đây là bài luận văn của một em bé Việt Nam khi được hỏi về nỗi mơ ước của em là gì?
-“Ước mơ của con là trở thành một chiếc điện thoại di động!”
-“Bố mẹ con yêu điện thoại di động lắm. Đến mức con cảm thấy bố mẹ quan tâm đến điện thoại còn hơn quan tâm đến con.
Khi bố đi làm về, dù rất mệt mỏi nhưng bố vẫn chỉ ngồi bấm điện thoại di động chứ chẳng nhớ gì đến con.
Khi bận bịu việc gì quan trọng, nếu bất chợt có chuông điện thoại reo, bố mẹ sẽ ngay lập tức nhấc máy nghe.
Thế nhưng lúc con khóc thì bố mẹ lại chẳng sốt sắng đến thế.
Bố mẹ thích chơi trò chơi trên điện thoại di động chứ chẳng muốn chơi cùng con.
Khi nói chuyện với ai đó trên điện thoại, bố mẹ cũng chẳng bao giờ thèm nghe con nói gì, cho dù con có chuyện rất quan trọng muốn chia sẻ.
Vì thế, con chỉ ước được làm một chiếc điện thoại di động