Muốn ăn bông súng mắm kho
Thì vô Đồng Tháp ăn cho đã thèm
Muốn ăn bông súng mắm kho
Thì vô Đồng Tháp ăn cho đã thèm
Mắm kho có từ lâu đời, là món ăn thường nhật của người vùng sông nước miền Nam. Đó là mắm lóc, mắm sặc, mắm linh…v.v.
Mắm kho được chế biến đơn giản. Nồi nước được bắc lên bếp cho mắm vào nấu đến khi sôi, dùng vá, giỏ tre, hoặc lược để lọc xác con mắm (mắm lóc nguyên con hay mắm cá sặt).
Xương cá được vớt bỏ, và nồi nước lèo được thêm đường, bột ngọt, tùy theo khẩu vị sau đó lại bắc lên bếp đun sôi liu riu; khi ăn chung với các loại rau đồng, bông điên điển hoặc bông súng, rau nhút, bắp chuối bào, giá, hoăc được nhúng với nhiều loại rau khác nhau, và chỉ đơn giản là nồi mắm nhúng rau, các loại rau trồng và rau dại rau thơm như rau đắng đất, rau càng cua, rau đắng đồng, rau nhúc, rau ngổ, rau bồng bồng, bông điên điển, bông súng, rau dừa, lá mã đề, rau càng cua, lá cách, lá điều, lá đào, rau dấp cá, rau húng lũi, tía tô, lá sộp, lá muối, cà tím, đậu bắp…v.v., ăn với cơm.
Tùy địa phương, nồi mắm kho có thể loãng như canh, cũng có thể được kho đặc chấm rau.
Trong dân gian nấu nồi mắm kho với sự tiện dụng không nhất thiết theo công thức nguyên liệu, nhiều khi chỉ được gia thêm vào nồi mắm cá kèo, thịt vụn, vài con tôm bạc vừa cất vó và rau trồng, rau dại hái quanh nhà.
Sau nầy khi nồi mắm lên tới Sài Gòn đời sống dư dả trở nên cầu kỳ hơn.
Nồi mắm kho đã được bổ sung nhiều loại thịt cá giúp nồi mắm thêm hấp dẫn và bổ dưỡng.
Bên cạnh các loại rau đồng và rau dại, lẩu mắm được nấu với thịt ba chỉ, thịt quay, tôm sú, mực tươi …v.v. Nồi nước lèo luôn để sôi lăn tăn trên bếp, các loại thịt, cá và rau được nhúng vào từ từ trong khi ăn và ăn luôn khi vừa chín, còn nóng hổi.
Mùi thơm đặc biệt của mắm cùng hàng chục loại rau đã khiến lẩu mắm trở thành món ăn độc đáo.
Lẩu mắm là một trong những món ăn ngon của vùng sông nước miền Tây, trong đó có Đồng Tháp.
Lẩu mắm là sự kết hợp của các sản vật sông nước với những sản phẩm ruộng đồng. Lẩu mắm đem lại cho thực khách ngoài sự ngon mắt, ngon miệng, còn cung cấp một lượng dinh dưỡng dồi dào.
Được nấu từ mắm cá linh, mang hương vị đậm đà, thơm ngon không lẫn nơi nào được. Đơn giản cũng đã có đến hàng chục thứ rau, như rau dừa vừa giòn vừa xốp vừa thơm, cọng bông súng, đọt bí hay kèo nèo.
Rau ăn lẩu mắm có hơn 20 loại khác nhau với đủ hương vị chua, đắng, ngọt, chát kết hợp giữa hương thơm, vị đậm đà của nước lẩu, tươi xanh của rau, của hải sản, khiến món ăn càng thêm đậm đà.
Rau càng nhiều và càng phong phú thì món mắm càng hấp dẫn. Mỗi loại rau đều có một vị hương vị riêng, chính sự phối hợp đã khiến mâm lẩu mắm trở thành món ăn đáng tự hào của miền quê này.
Mắm sống, mắm kho quẹt ăn hoài cũng ngán, sẵn có cá đồng tươi và muôn loại rau ở quanh nhà, các đầu bếp gia đình nghĩ đến những cách chế biến mới. Ban đầu là nồi mắm kho, sau đó để đãi khách, nồi mắm dần thành nồi lẩu với nguyên liệu kèm theo gồm đủ loại cá đồng như lóc, rô, linh, cho đến mực tươi, tôm đất.
Yếu tố hấp dẫn nhất của lẩu mắm nằm ở những món ăn kèm, thông thường có thịt ba rọi, tôm sú, cá tra hoặc cá basa, cá kèo. Và có người còn bỏ vào nồi mắm ốc bươu, thịt bò, nấm rơm, cà tím…
Lẩu mắm thường được ăn với bún. Món ăn có mùi đặc biệt nên chỉ phù hợp với những ai chịu được mùi mắm.