Ngày liên lạc được với tôi cũng là dịp con thứ hai của anh tốt nghiệp đại học...
Năm tôi lên 9 anh Cu 12 tuổi, anh đang học lớp 6, tôi cùng lớp cùng tuổi với con Hảo em út anh nhưng tôi chơi với cả ba anh em nhà anh vì chúng tôi ở cùng xóm, hai nhà chỉ cách nhau vài căn..
Từ trong gia đình đến hàng xóm toàn gọi anh là Cu, chẳng cần biết tên thật anh là gì.. Những bà hàng xóm thường réo tên anh thoải mái:
– Cu, mẹ mày có nhà không?
– Thằng Cu, ra mà xem con em gái mày đang bị ngã ngoài ngõ kìa
Hảo đã giải nghĩa cho tôi Cu là tên loài chim Cu chứ không phải nghĩa “kia”, nhưng tôi vẫn lanh chanh hỏi lại anh cho chắc:
– Anh Cu ơi, tên anh nghĩa là loài chim Cu hay là………..
Anh trợn mắt và tức giận búng vào tai tôi đau điếng không cho tôi nói hết câu::
– Con nhỏ nhiều chuyện, tên Cu chỉ là tên gọi ở ngoài, tao tuổi con khỉ tên là Thân mày nhớ chưa?
Tôi vừa nói vừa bỏ chạy vì sợ bị anh búng tai lần nữa:
– Em cứ gọi là anh Cu, dễ nhớ hơn.
Cha anh mất sau một cơn bạo bệnh cách đây hai năm, thế là gánh nặng gia đình một mình mẹ anh lo toan, bác gái phải chạy chợ từ sáng sớm đến chiều buông mới về, bác bán hàng ở chợ Gò Vấp.
Ở nhà anh Cu bỗng trở thành người nội trợ chăm sóc hai em là thằng Toàn và con Hảo, sáng anh đi học trưa về là đâm đầu vào bếp nấu cơm rồi giặt giũ quần áo, quét dọn nhà cửa và làm đủ thứ việc trong nhà..
Tôi thường sang nhà anh chơi với Hảo và Toàn, có nhiều lúc tôi ngồi chồm hổm xem anh Cu thái quả bầu, vo gạo, xem anh rán trứng, …cho tới lúc ba anh em ngồi vào mâm cơm tôi cũng chưa chịu về để anh Cu phải mời:
– Mày có muốn ăn cơm không?
Tôi mừng rỡ:
– Cho em ăn với…
Thằng Toàn thì lườm tôi:
– Sao mày không về nhà mày ăn cơm ngon hơn, ở đây cơm nhà nghèo…
Tôi ăn cơm với trứng rán lộn xộn mà thấy ngon lành nên đáp thật thà :
– Anh Cu nấu ăn ngon hơn.
Anh Cu giải thích:
– Trứng rán với một tí mỡ đảo lộn xộn lên làm gì mà ngon cho được, tại mày ăn cơm nhà lạ nên cảm thấy ngon .
– Em nói thật mà, với lại em thích ăn cơm nhà anh vui hơn.. Ở nhà mẹ em cứ bắt ăn cơm với ruốc cho lành, ăn thịt cá cho bổ, em ngán lắm.
Ngoài món trứng rán lộn xộn tôi ăn món canh bầu nấu với tôm khô cũng thấy ngon hơn nhà mình Lạ thật, chẳng lẽ anh Cu có tài nấu ăn đến thế.
Tôi ăn chực nhà anh Cu vài lần thành quen, thành ghiền, có lần tôi lẽo đẽo theo anh ra sàn nhà sau nhìn anh rửa bát và… năn nỉ:
– Mai mốt em lớn anh Cu lấy em nhá, nấu cơm với canh bầu trứng rán lộn xộn cho em ăn nhá…
Anh Cu bỗng đỏ mặt mắc cở, anh lấy tay hất nước trong chậu rửa bát vào người tôi và đuổi tôi:
– Con nít con nôi ăn nói tầm bậy…về nhà mày đi.
Một buổi chiều thứ bảy tôi sang nhà anh Cu chơi như thường lệ, vừa vào trong nhà thì cũng là lúc có hai chị nữ sinh mặc áo dài trắng dắt xe đap dừng lại trước cửa nhà anh, tôi đoán là bạn học cùng lớp với anh, không thấy anh ở nhà trên tôi biết anh Cu đang ở dưới bếp nấu cơm nên gọi ầm ĩ lên:
– Anh Cu ơi, anh Cu ơi…có bạn anh đến..
Gọi to thế mà chưa thấy anh lên, từ dưới bếp nhìn lên nhà trên anh Cu có thể thấy thấp thoáng hình dáng hai cô bạn anh rồi mà, tôi liền chạy xuống bếp thì thấy anh đang vội vàng bắc nồi canh bầu ra khỏi bếp, xong anh quay ra….kéo tai tôi thật đau và mặt anh đỏ bừng lên vì tức giận:
– Sao mày gọi tên Cu thế hả ? này…này…lần sau chừa không được gọi Cu nếu có bạn tao đến chơi.
Anh lau tay, sửa lại quần áo cho ra vẻ dù chẳng chỉnh tề thêm là bao và đi lên nhà, tôi đi theo thấy hai chị nữ sinh nhìn anh cười cười và thay nhau trêu đùa:
– Hình như ở nhà bạn có tên…gì lạ lắm nhỉ?
– Ừ, tên …. nghe kêu lắm…
Anh Cu lại đỏ bừng mặt và liếc nhìn tôi với vẻ…căm hờn. Tôi cảm thấy mình có lỗi bèn tìm cách chuộc tội, tôi khoe:
– Hai chị ơi, anh C…
Suýt nữa thì tôi lại nói anh Cu, may mà tôi dừng kịp và vội vàng sửa lại:
– Anh Thân đang nấu cơm dưới bếp, anh ấy nấu cơm rất giỏi, ngày nào anh cũng cho nhà ăn món canh bầu và trứng rán lộn xộn ngon lắm…
Tưởng rằng lời khen của tôi sẽ làm anh vừa lòng hãnh diện không ngờ anh lại ném cho tôi cái nhìn tóe lửa làm tôi ngạc nhiên và e ngại không dám ở lại nhà anh mà lủi thủi đi về..
Hôm sau tôi sang chơi nhà anh Cu, anh vẫn không tha cho tôi, anh vẫn còn giận lắm:
– Tại sao mày lại kể với hai bạn là tao nấu cơm hả?
Tôi cãi ngay:
– Thì ngày nào anh chẳng nấu cơm, em nói có gì sai đâu..
– Nhưng đấy không phải là công việc của con trai. Còn nữa, sao mày lại khai ra nhà tao toàn ăn cơm với trứng và canh bầu hả?
Tôi lại cãi:
– Em thấy anh hay nấu món ấy, mà hai món đều ngon. Anh sợ gì? Thế lần sau em sẽ kể thêm món rau muống luộc và đậu hũ kho hả anh?
– Trời ơi, sao mày ngu thế. Không kể gì hết, hiểu chưa?
Thấy anh càng giận thêm tôi sợ hãi líu ríu:
– Vâng, em…. hiểu rồi.
Mà thật ra tôi không hiểu gì cả. Anh giỏi giang, anh nấu ăn ngon mà sao lại cấm tôi không được khoe cho người khác biết.?
Chúng tôi vẫn ở chung xóm và lớn lên, tôi vẫn gọi anh bằng tên Cu như bấy lâu nay trong nhà và hàng xóm vẫn gọi, chẳng ai thắc mắc hay ngại ngùng gì cả. Tên Cu cũng bình thường như bao cái tên khác.
Càng lớn tôi càng thấy tên Cu của anh… kỳ kỳ và đã hiểu ra cha mẹ anh gọi âu yếm thế vì anh là con trai, cũng như con gái thì người ta hay gọi là cái Gái, cái Tẹt gì đó để phân biệt giới tính, chứ không phải đặt tên anh cho giống loài chim Cu như Hảo đã nói cho đỡ “quê “ anh của nó.
Anh Cu đã là một thanh niên, anh vẫn ngoan hiền đảm đang thay mẹ lo cơm nước chăm sóc hai em và làm bao nhiêu công việc nhà.
Năm tôi 14 tuổi tôi biết mắc cỡ không ngồi lì nhà anh để đợi anh Cu mời ăn cơm nữa, mà anh có mời tôi cũng chẳng dám ăn. Món trứng rán lộn xộn và canh bầu anh nấu vẫn là món ngon trong đời tôi.
Tôi cũng hiểu ra nhiều điều, vì quả bầu và trứng là món rẻ tiền nên nhà anh ăn thường xuyên chứ không phải là món họ yêu thích.
Nhà anh dọn đi nơi khác, đến gần chợ Gò Vấp để mẹ anh thuận tiện việc đi lại buôn bán.
Chia tay ba anh em mà tôi chỉ nhớ một người, chỉ nhớ anh Cu.
Từ nhà tôi đến chợ Gò Vấp không xa, chỉ chừng hai cây số nhưng tôi không thể ngày nào cũng sang nhà anh Cu chơi được nữa.
Hôm anh về thăm xóm cũ, vừa trông thấy anh tôi mừng rỡ chạy ra và kêu lên không kềm hãm được::
– Anh Cu… anh Cu…
Lạ quá, anh không tức giận khi tôi gọi anh bằng cái tên này dù anh đã là một thanh niên cao ráo đẹp trai. Anh 18 tuổi rồi.
– Em và bố mẹ em có khỏe không?
Dĩ nhiên bây giờ anh không xưng hô với tôi “mày, tao” nữa. Tôi cũng biết điều tự ý sửa lại:
– Cả nhà em vẫn bình thường, hôm nọ Hảo nói với em là anh Thân đã thi đậu vào Đại Học Sư Phạm phải không?
– Ừ, anh sẽ học Sư Phạm.
– Anh giỏi quá, giỏi việc nhà lại học giỏi nữa.
Anh không e ngại như xưa mà còn đùa:
– Số anh… vất vả mà, bây giờ anh cũng vẫn vừa đi học vừa nấu cơm và chăm sóc hai đứa em chứ đã xong đâu. Này, anh vẫn còn làm món trứng rán lộn xộn và canh bầu, em dám… ăn không?
Tôi vẫn nhớ lời tôi đã năn nỉ và mong ước mai này lớn lên anh Cu sẽ cưới tôi vì tôi thích ăn hai món này của anh. Anh còn nhớ không hay anh chỉ vô tình nhắc lại?
Hình ảnh anh Cu ngày xưa và bây giờ luôn ở trong trái tim tôi, một thứ tình cảm nhẹ nhàng, trong veo, là tình trẻ thơ hàng xóm lâu năm, tình bạn hay tình của tuổi mới lớn bâng quơ?
Hai năm sau cả nhà tôi đi xuất cảnh sang Mỹ, tôi không có dịp tham dự ngày anh ra trường tốt nghiệp đại học như có lần tôi đã hứa với anh, mà ngược lại anh là người đưa tiễn tôi ra phi trường cái điều mà anh và tôi đều không hẹn trước.
Hôm ấy tôi buồn lắm chỉ nhìn anh mà không nói nên lời, mãi tôi mới nói được:
– Chúc anh ở lại bình an, anh sẽ ra trường và dạy học giỏi nhé.
Anh cũng buồn buồn:
– Sang Mỹ em có thèm ăn món trứng rán lộn xộn và canh bầu nấu tôm khô thì một ngày nào đó về đây anh sẽ nấu mời em.
Sau khi tôi sang Mỹ anh em Hảo và tôi thỉnh thoảng có liên lạc qua lại.
Rồi tôi và anh Cu đều đã có gia đình riêng, mỗi người bận rộn cuộc sống của mình,
Tôi và anh Cu hai phương trời cách biệt, hai cuộc đời, hai lối rẽ khác nhau.
Anh em Hảo và tôi không thân như thuở nhỏ nữa, những người bạn hàng xóm cũ của tôi đã nhạt phai dần theo chồng chất của thời gian và cuộc sống. Tất cả chỉ còn trong kỷ niệm.
Bỗng một hôm tôi nhận được điện thoại từ anh Cu. Thì ra gia đình riêng của anh đã xuất cảnh sang Mỹ nhiều năm nay.
Anh vừa tình cờ gặp một người hàng xóm cũ nào đó ở Mỹ và người này cho số điện thoại của vài hàng xóm khác, trong đó có số điện thoại của tôi để anh Cu hỏi thăm hàng xóm láng giềng nơi xứ lạ quê người..
Khi tôi hỏi thăm gia đình anh thì anh Cu nói rất ít và chỉ nói chung chung. Anh hẹn khi có dịp sẽ nói nhiều hơn.
Tôi không là đứa trẻ con năm xưa xồng xộc chạy vào nhà anh và biết hết mọi ngõ ngách tâm tư của cuộc sống từng người trong nhà anh nữa.
Và tôi cũng chỉ khoe với anh là các con tôi đã ăn học trưởng thành.
Thế là tôi và anh Cu cùng nhau nhắc lại những kỷ niệm xưa nơi xóm nhỏ khi chúng tôi còn nhỏ.
Ngày liên lạc được với tôi cũng là dịp con thứ hai của anh tốt nghiệp đại học, anh mời vợ chồng tôi tham dự, anh nhắc lại ngày xưa tôi đã không thể tham dự anh ra trường thì ngày nay hãy dự ngày ra trường của con anh và cũng là dịp bạn bè gặp lại.
Tôi đã vui vẻ nhận lời.
Nơi anh Cu ở cách nơi tôi không xa, chỉ gần một tiếng lái xe.
Tôi lái xe đến nhà anh, đây là lần đầu tiên chúng tôi tái ngộ kể từ ngày tôi đi xuất cảnh năm tôi 17 tuổi.
Vừa thấy anh, y như ngày xưa, hôm anh từ Gò Vấp lần đầu tiên trở về thăm xóm cũ tôi lại bật thốt lên mừng rỡ:
– Anh Cu……
Anh tuổi con khỉ tên Thân tôi biết thế mà sao vẫn cứ quen miệng gọi là anh Cu. Có lẽ cái tên anh Cu đã thân mến in sâu vào tâm khảm tôi suốt cả thời trẻ thơ.
Anh chẳng phiền toái tôi chút nào vì tôi vẫn dùng cái tên mà ngày xưa tôi đã có lần làm anh mắc cở với bạn bè, trái lại nét mặt anh cũng vui mừng rạng rỡ.
Anh ngạc nhiên thấy tôi đi một mình, bây giờ tôi mới kể anh nghe chồng tôi đã qua đời cách đây vài năm vì một tai nạn xe cộ khủng khiếp đã làm tôi bàng hoàng đau đớn, vì lẽ đó nên tôi ít khi nhắc đến cái chết của chồng.
Tôi ngạc nhiên hơn khi biết chuyện gia đình anh, người vợ đã lìa bỏ chồng con đi theo tiếng gọi tình yêu khác, anh đã ở vậy nuôi hai đứa con ở tuổi dở dang như các em anh ngày nào.
Anh từng có kinh nghiệm chăm sóc hai em nên săn sóc hai con rất chu đáo kể cả công việc nấu nướng cho con từng bữa ăn. Căn bếp vắng lạnh không có bóng dáng người mẹ đã có người cha thay thế….
Suốt những năm qua anh không nghĩ đến chuyện tái hôn chỉ vì muốn gần gũi để thương yêu bù đắp cho các con đã thiếu thốn tình mẹ, để các con không bị tổn thương thêm lần nữa. Mẹ đã bỏ rơi chúng, nếu cha sau đó cũng tìm hạnh phúc mới lấy vợ khác chúng sẽ cảm thấy bơ vơ và tủi thân dường nào.
Tôi cảm phục anh đến nghẹn ngào:
– Anh là một người cha tốt, là một người đàn ông tốt, từ khi người đàn ông trẻ con 10 tuổi cho đến bây giờ. Người đàn ông có tâm hồn bao la yêu thương và biết cả nấu cơm quét nhà giặt giũ, biết chăm sóc người thân của mình .….
Anh lại vui đùa:
– Ngày xưa anh đã nói với em anh là người đàn ông có số vất vả mà.
Tôi và anh cùng lẻ loi cô độc, có phải ông trời cố tình xô đẩy cho chúng tôi gặp lại nhau không?
Sau lần hội ngộ ấy anh và tôi dần dần thân nhau lại như xưa, anh thường lái xe từ thành phố anh đến thành phố tôi..
Hảo từ Vệt Nam được tin tôi và anh Cu đã gặp lại nhau nó mừng vui lắm luôn gọi phone nói chuyện để khuyến khích chúng tôi đến với nhau vì các con của tôi và con anh đều đã trưởng thành.
Hảo nói với tôi:
– Ngày nhỏ bạn thích anh Cu lắm mà, khi lớn bạn cũng thích anh ấy nhưng đã vội ra đi, tuy bạn không nói ra nhưng chơi với bạn, gần gũi bạn tôi đã hiểu thế. Bạn có biết là anh Cu đã mơ ước sau khi tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm anh sẽ hỏi cưới bạn làm vợ không?
Ngày bạn đi anh Cu buồn và hụt hẫng như một người vừa đánh mất tương lai.
Tôi cũng buồn và cảm thấy hụt hẫng như thế. Tôi và anh cùng tâm trạng mà cùng non trẻ vụng về chưa ai kịp nói lời yêu…
Không cần cô em út nói giùm..Anh đã đến thăm tôi với một bó hoa hồng đỏ thắm để cầu hôn tôi:
– Anh xin cưới em nhé. Em còn yêu anh không?
Tôi vờ ngây thơ vì chẳng còn ngây thơ như xưa nữa:
– Sao anh lại hỏi thế? Em yêu anh hồi nào mà còn hay hết?…
– Anh còn nhớ có con bé năm lên 9 tuổi đã lẽo đẽo theo anh ra sàn rửa bát sau nhà năn nỉ anh mai mốt lấy em, nấu canh bầu, trứng rán lộn xộn cho em ăn. Ngoài hai món “đặc sản” nhà nghèo ấy từ ngày chăm sóc hai con anh còn biết nấu những món ăn Âu Mỹ nữa ...
– Em chỉ thích ăn món “nhà nghèo” của anh thôi, trứng và canh bầu nấu tôm khô thôi. Thế thì số anh vẫn… khổ, vẫn vất vả. Ngày xưa nấu nướng hầu hạ cho các em của anh, rồi cho các con anh, nếu cưới em anh lại… phải nấu nướng cho em, cho cô vợ cuối mùa này nữa.
Anh vui vẻ:
– Chăm sóc cho những người mình yêu thương là anh vui rồi, anh tình nguyện làm người đàn ông số vất vả suốt đời.
Tôi dịu dàng nắm bàn tay anh:
– Em thử lòng và đùa với anh thôi, lẽ nào để anh chiều em mãi thế, em có còn là con bé hàng xóm của anh năm xưa đâu. Em sẽ thay đổi số mệnh cho anh, không để anh phải vất vả nữa. Em sẽ nấu cho anh những bữa cơm ngon để cám ơn anh ngày xưa từng mời em ăn cơm cũng như cám ơn anh đã thực hiện lời… năn nỉ của em, hôm nay xin cưới em …
Anh kéo tôi sát vào người anh và ôm tôi, vòng tay đàn ông yêu thương che chở, vòng tay này đã từng của hai em anh, của hai con anh và hôm nay thuộc về tôi:
– Cho anh xin lỗi ngày xưa đã mấy lần nổi giận búng tai và nhéo tai em nhé. Em biết không, khi ở tuổi lớn lên anh đã từng mong được bên em để nói lời xin lỗi này.
Tôi nũng nịu trách:
– Anh nhắc lại chuyện cũ em bắt đền anh đấy. Làm sao bây giờ? chả lẽ em… nhéo lại tai anh?
– Đừng em, anh sẽ đền em bằng những nụ hôn, tuy muộn nhưng vẫn là những nụ hôn đầu đời của tình yêu đầu đời chúng ta nhưng vì duyên số nên đến gần cuối đời chúng ta mới đến với nhau.