main billboard

Hồi trước thanh niên ở làng muốn đi gò gái thì phải lận lưng dăm ba bài bolero để giao lưu.     

Am Nhac
Trên đường từ Huế về làng, ghé vô cái quán cà phê chẹp chẹp ở chợ Tây Thành nghỉ chân và từ chiếc loa của quán giọng ca da diết của Quang Lê cất lên:
“Đường xưa lối cũ, có bóng tre, bóng tre che thôn nghèo. Đường xưa lối cũ có ánh trăng, ánh trăng soi đường đi.
Đường xưa lối cũ có tiếng ca, tiếng ca trên sông dài.
Đường xưa lối cũ có tiếng tiêu, tiếng tiêu ru lòng ai”…
Anh bạn là người thành phố vỗ đùi cái bép: “Tau nghe bài ni nhiều rồi nhưng chỉ có trong khung cảnh thôn dã như thế này nó mới thấm…”.

 

Hồi nhỏ mình nghe nói đến thứ nhạc vàng chi đó là loại nhạc cấm kỵ. Nhưng đã cấm thì tất sẽ có người nghe chui. Đầu xóm mình có nhà máy xay xát gạo của chú Khôi. Chú có cái máy cátxét nho nhỏ.
Lâu lâu vài ba người trong xóm tụ tập lại để nghe nhạc vàng. Mà mỗi lần nghe như rứa là chú Khôi phải nổ máy xay xát gạo lên kẻo lỡ ai đi ngoài đường nghe thấy đang mở nhạc thì khổ…
Mà nghe lui nghe tới có hai cái băng và mấy bài hát nên mình cũng bập bõm ít lời:
“Ai đang đi, trên đường đê, tai lắng nghe muôn câu hò đê mê. Vô đây em, dù trời khuya anh nhớ đưa em về…”.

Mình chỉ biết nhạc hay, dễ hát theo nên hỏi mấy người lớn: “Răng nghe nhạc mà ai cũng sợ sợ rứa?”.
Chú Túy nạt: “Mi con nít biết cái chi, lần sau hỏi nữa tau đuổi ra khỏi đây…”.
Xóm quê mình hồi trước sống thiệt chan hòa. Ví như nhà ai có con heo tự nhiên lơ ăn phải mổ thịt là cả xóm cùng chia phần, mỗi người một ít đến mùa đong lúa, chia sẻ cái xui cho hàng xóm. Mỗi lần có dịp vui, cả xóm họp mặt làm vài chai xị đế.

Ôn Thắng là chủ tịch xã nhưng rất hòa đồng: “Uống rượu mà không hát hò thì uổng. Tui thì tui chỉ thuộc mấy bài hát kháng chiến nhưng mấy chú, mấy o cứ hát tự nhiên; Bài chi hay, tình cảm nhẹ nhàng thì hát chớ đừng có ngại…”.
Rứa là đêm nớ xóm mình chơi bolero gần suốt sáng. Mà có đàn điếc chi mô, chỉ mấy cái muỗng gõ leng keng mà bài mô bài nấy vô ngọt dễ sợ.

Mình nhớ nhất đoạn chú Dũng hát:
“Theo năm tháng hoài mong – Thư gởi đi mấy lần – Đợi hồi âm chưa thấy – Anh ơi nhớ rằng đây – Còn có em đêm ngày – Hằng thương nhớ vơi đầy…” mà o Thẻo mắt ngân ngấn nước, hát nhẩm theo chồng như nhớ về cái thời hẹn hò đã xa.
Hèn chi nhiều người nói: “Nghe dạc mà dớ dau!” (nghe nhạc nhớ nhau) là ri đây…

Hồi trước thanh niên ở làng muốn đi gò gái thì phải lận lưng dăm ba bài bolero để giao lưu. Eng mô khô khan quá thì cũng cất lên được đôi ba câu kiểu:
“Tôi với nàng hai đứa nguyện yêu nhau, tha thiết từ đây cho đến ngày bạc đầu”.
Rứa mới có chuyện có eng đi gò không nói năng được chi cả, chỉ ngồi uống nước chè rồi dịp dịp (nhịp nhịp) chân mần đôi ba khúc bolero rứa mà em cũng xuôi lòng mới hay…

Thì mình đã nói rồi bolero là dạc để dớ dau (nhạc để nhớ nhau) dễ đi vào lòng người, phù hợp quang cảnh của làng quê, nó nói hộ lòng thành bằng những ngôn từ và giai điệu đơn giản nhất…
Nói thiệt, muốn khắc họa chân dung của một làng quê xứ Huế thì phải có nhạc bolero.
Ở Huế có câu hay “bolero chợ Nọ”. (Chợ Nọ là một chợ nổi tiếng của làng Dương Nỗ, ven Huế thuộc Phú Vang) ý nói nhạc bolero là nhạc quê mùa.

Nhưng bolero cũng là nhạc của phố thị, những phố thị nghèo và buồn: “Buồn vào hồn không tên – Thức giấc nửa đêm nhớ chuyện xưa vào đời – Đường phố vắng đêm nao quen một người – Mà yêu thương trót trao nhau trọn lời”.

Nhớ cái hồi cuối năm lớp 12, trong nhà mình chong đèn dầu học bài ôn thi đại học, ngoài xóm mấy thằng bạn đi tán gái về cứ lê thê:
“Tuổi em cũng như hoa mới nở – Vạn người thầm mong được đưa đón chân em – Xót xa anh còn trắng tay hoài – Sách đèn nợ chưa dứt, nên lận đận truân chuyên” nghe buồn răng là buồn…

Hàng xóm mình có bác Chiu, nông dân thứ thiệt nhưng mê nhạc bolero như điếu đổ.
Ngày mùa dẫn trâu đạp lúa không cần “tắc, ri, hò” mà cứ hát toàn nhạc bolero từ “Trăng rụng xuống cầu” đến “Em gái miền quê cuộc đời trong trắng” mà trâu cứ đi ngon ơ thiệt lạ…

Có lần mình về làng ngồi nhậu với mấy thằng bạn trong xóm rồi xin hát một bài nhạc Trịnh.
Nghe xong có thằng nói:
 “Tau không nói là bài mi hát không hay nhưng nó không hợp với cuộc nhậu ni! Không hợp với tụi tau, phải hát như ri nì:
 “Tôi xin đa tạ ngày nao súng phải thẹn thùng, ngày nao súng phải lạnh lùng.
Nắng hạ vàng rưng rưng mây trắng.
Ôi mây xóa tóc nghiêng nghiêng.
Xin đa tạ người em bé bỏng mặn mà, người em bé bỏng thật thà.
Nắng hạ vàng rơi phủ bờ vai. Lời ai ru gió hiu hiu buồn…”.

Tiếng hát nghe não nề trong tiếng ghita bập bùng và cả tiếng gõ muỗng lanh canh hòa nhịp nhưng mà đúng là bài hát quá hợp với cuộc nhậu.
Vừa nghe hát vừa tợp một ly rượu gạo nhấm nháp với món trìa xào khế chua mới thấy thấm làm sao…