main billboard

 

Lý Trưởng

Các chính sử chép rất sơ lược về tổ chức xã thôn.

- Trần Thái Tông chia nước làm 12 lộ, mỗi lộ đặt một quan cai trị gọi là An phủ sứ. Dưới An phủ sứ là quan Đại tư xã và Tiểu tư xã, mỗi viên cai quản từ 2 tới 3 hoặc 4 xã. Mỗi xã có một viên xã quan gọi là Chánh sứ giám.

- Thời kỳ thuộc Minh, xã thôn bị tổ chức theo Tàu. Xã gọi là lý, có lý trưởng đứng đầu. Ở thành thị, phường là đơn vị tương đương với lý. Ở ngoại thành gọi là tương.

- Lê Thái Tổ tổ chức xã làm 3 hạng: đại xã gồm từ 100 hộ trở lên, đặt 3 xã quan cai quản; trung xã từ 50 hộ trở lên, đặt 2 xã quan; tiểu xã từ 10 hộ trở lên, đặt 1 xã quan.

Sở dĩ sử chép sơ lược vì từ rất xưa xã thôn được tổ chức theo phong tục, các đời vua đều cho xã thôn tự trị.

Tuy nhiên dân vẫn phải có một số nghĩa vụ đối với quốc gia như: sưu thuế, sưu dịch, tòng quân và tuân theo hình luật áp dụng chung cho cả nước.

Để thi hành những nghĩa vụ này, xã phải có lý trưởng đại diện dân trong xã làm việc với quan phủ huyện.

Lý trưởng do dân trong xã bầu và được quan phủ huyện chấp thuận.

Câu tục ngữ "phép vua thua lệ làng" ngụ ý rằng ngoài những nghĩa vụ đối với vua (quốc gia), dân xã được sống theo tục lệ riêng, vua không can thiệp.

Nền Tự Trị Của Xã Thôn
Mỗi xã có một Hội đồng kỳ mục gồm những người có danh vọng như quan chức về hưu, hoặc có khoa bảng nhưng không ra làm quan, người có đạo đức được dân kính trọng, người giàu có gọi là phú hào ...

Hội đồng bầu ra một Tiên chỉ và một Thứ chỉ.

Tiên chỉ, có Thứ chỉ giúp việc, quản trị mọi việc trong xã theo điều lệ được ghi trong hương ước hoặc theo tục lệ bất thành văn được lưu truyền qua nhiều đời. Xã có sổ sách chi thu. Khoản thu gồm hoa lợi của công điền công thổ, các lệ phí về giấy tờ khi dân cần chữ ký chứng thực của hội đồng kỳ mục, tiền bán chức nhiêu xã, tiền nộp phạt của những người vi phạm tục lệ ... Khoản chi phần lớn là sửa chữa đình chùa và chi phí tế lễ Thành hoàng. Khi cần có khoản chi lớn như đại trùng tu đình chùa, dân xã phải chia nhau đóng góp.

Hội đồng kỳ mục cũng bầu ra một Khán thủ và một Trương tuần để lo việc an ninh xã.

Tuy được tự trị , dân xã vẫn phải thi hành một vài nghĩa vụ đối với triều đình.

Dân phải đóng thuế đinh, thuế điền.
Phải làm sưu dịch như xây thành, đắp lũy, đắp đê, đắp đường, đào sông ...
Phải nhập ngũ để giữ an ninh quốc gia.
Phải chấp hành hình luật áp dụng chung cho cả nước.

Lý trưởng là người đại diện dân trong xã nhận và thừa hành mệnh lệnh của quan phủ huyện.
Tiên chỉ giúp Lý trưởng huy động dân trong xã hoàn thành nghĩa vụ đối với quốc gia.

Bầu Cử Lý Trưởng
Hội đồng kỳ mục tổ chức bầu cử Lý trưởng. Dân trong xã tập trung tại đình làng (thường chỉ gồm những người có quan tâm tới việc làng hoặc những cảm tình viên của người ứng cử). Người ứng cử Lý trưởng phải đóng cho xã một khoản tiền. Số tiền này sẽ chia cho những người ký tên vào đơn bầu, gọi là tiền ký điểm hay tiền nhấp bút. Tiên và Thứ chỉ cùng ban kỳ mục và các bô lão đều phải ký tên vào đơn bầu (cũng gọi là tả đơn).

Người trúng cử được ban kỳ mục dẫn lên trình quan phủ huyện cùng với đơn bầu (tờ trình kết quả cuộc bầu cử). Quan phủ huyện duyệt xét rồi trình lên quan trên để nơi đây cấp bằng và triện (con dấu) cho lý trưởng.

Đối với quốc gia, lý trưởng có bằng và triện là đủ hợp pháp; nhưng đối với xã chưa đủ hợp lệ.

Lý trưởng còn phải sửa soạn một lễ gồm mâm xôi và thủ lợn để cúng Thành hoàng ở đình làng, sau đó mời dân làng về nhà ăn khao.

Ăn uống xong, tuần phu xếp thành hàng dọc với vũ khí thô sơ, đi từ đầu làng tới cuối làng, vừa đi vừa rúc ốc thổi tù và, gọi là xuất tuần.

Tới đây Lý trưởng mới chính thức có quyền hành trong xã.

Bùi Quý Chiến
(Đặc San Lâm Viên)

Tham khảo:

- Việt nam sử lược của Trần Trọng Kim.
- Việt nam phong tục của Phan Kế Bính.
- Xã hội Việt nam của Lương Đức Thiệp.