main billboard

Thời tiết tháng Năm và tháng Sáu ở Canada thật tuyệt vời, vừa hết lạnh là nhẹ nhàng bước vào nắng ấm 

 

 Lá thư Canada

 

 

Thời tiết tháng Năm và tháng Sáu ở Canada thật tuyệt vời, vừa hết lạnh là nhẹ nhàng bước vào nắng ấm. Hàng cây trước nhà đã đầy lá xanh, một màu xanh non mát mắt hết sức. Dân làng tôi yêu thích hai tháng này nhất, vì là tháng vừa có thời tiết lý tưởng vừa có hai đại lễ Hiền Mẫu và Hiền Phụ.

 

Viết đến đây tôi chợt nhớ một bức thư độc giả mới gửi cho. Thư nữ độc giả ở phương xa nha, mới qúy chứ. Bà nói rằng danh từ ‘hiền phụ’ nghe không ổn. Hiền phụ có thể chỉ phụ nữ. Chữ ‘ Phụ’ chỉ đàn ông nhưng cũng có thể chỉ đàn bà, như phụ nữ, như sản phụ… Nghe có lý quá chứ.

 

 Xin đội ơn người đẹp độc giả miền Québec. Vừa đọc thư của bà tôi vừa uống cà phê, tự nhiên hương cà phê thơm hẳn lên. Chưa bao giờ tôi thấy tách cà phê thơm ngon như bữa nay.

 

 Bà bảo rằng chữ hiền phụ nên đổi ra ‘từ phụ’ nghe rất là có lý. Nhưng rồi tôi chợt nghĩ : ba tiếng hiền mẫu, hiền phụ và từ phụ có lẽ không hay bằng ‘ ngày tôn vinh Mẹ, ngày tôn vinh Cha’, vì nó không lẫn vào đâu được nữa, phải không cơ?

 

Tôi đem ý này ra bàn với phe liền ông trong làng tôi, và tất cả các trượng phu vĩ đại trong làng đã gật đầu, phê rằng ‘ nghe được lắm’. Xin tạ ơn người đẹp độc giả, xin tạ ơn các triết gia đỉnh cao trong làng.

 

Trong cuộc đi bộ sáng thứ Bảy vừa qua, các nhà quân tử làng tôi đã quyết định rằng vì hai lễ kính Mẹ kính Cha là hai lễ quan trọng nên phải có người đọc diễn văn hẳn hoi.

 

 Các cụ còn nhớ cái thói quen rất đáng yêu của phe liền ông chúng tôi chứ, thói quen cứ sáng thứ Bảy là phe liền ông rủ nhau đi bộ một giờ rồi vào quán Starbucks gần ngã tư uống cà phê và bàn luận chuyện thế giới chứ ?

 

Tuần qua, sau khi chúng tôi đã bàn về việc có nên chấp thuận cho Hoa Kỳ nhận luật sư khiếm thị Trần Quang Thành từ Hoa lục sang tỵ nạn  hay không, chúng tôi đã chỉ định anh John thuyết trình về Lễ Mẹ, và ông ODP thuyết trình về Lễ Cha.

 

Các nhà quân tử còn lại thì sẽ góp lời bàn phụ họa. Mọi người vỗ tay đồng ý rồi về nhà chờ ngày trọng đại.

 

 Và ngày Lễ Mẹ đã đến. Buổi họp làng được tổ chức tại nhà cụ Chánh tiên chỉ.

 

Tôi yêu cái nhà này qúa. Nhà nở hậu. Phòng ăn trông ra một khoàng vườn lớn, đầy nắng. Gần cửa thì cụ trồng hoa, xa xa một chút thì cụ trồng các loại rau thơm. Từ ngày đọc tin rau cỏ nhập cảng từ Trung Hoa và VN có nhiều chất độc, cụ tự tay trồng lấy ngò, húng, tía tô, dấp cá. Mà rau hái trực tiếp từ vườn sao mà nó thơm và ngon kỳ lạ, các cụ có kinh nghiệm này không. 

 

 Hôm nay lễ Mẹ, cụ tiên chỉ đãi làng món ăn quê mẹ : canh chua cá kho tộ và rau muống chẻ. Ăn ba món này như ăn quê hương uống quê hương vào lòng. Trong bữa ăn thì dân làng nói toàn chuyện vui cười. Bữa ăn mà có tiếng cười, tự nhiên ai cũng thấy ngon miệng. Đúng như Cụ Tản Đà đã dạy từ ngày xưa, một bữa ăn ngon phải có 3 yếu tố : Món ăn ngon, chỗ ngồi ngon và người ngon.

 

 Sang phần tráng miệng và uống trà thì dân làng mới nghe diễn văn của anh John. Ai cũng hồi hộp. Anh cho biết anh đã lục kho sách, kho báo, kho internet tìm bài hay nhất để trình làng bữa nay. Anh thấy khó qúa, vì nói về mẹ, về tình mẹ thì nhiều tài liệu vô cùng.

 

Thấy anh bóp trán suy nghĩ hoài mà chưa đi đến quyết định nào rõ rệt, vợ anh đã nhảy vào tiếp sức. Anh bảo không ngờ nhà tôi giỏi thiệt. gốc nhà giáo có khác. Chị Ba Biên Hoà nghe chồng khen thì mặt đỏ lên, cái dáng e ấp của một cô giáo VN ngày xưa qủa là đẹp quá. 

 

 Nhà tôi góp ý rằng anh cứ lấy bài nào làm anh cảm động thì đó là bài hay nhất vì nó sẽ gây cho anh hứng thú. Anh hãy chia sẻ cái cảm động ấy với người khác. Anh nói tiếp : Giữa cái mênh mang của đề tài, giữa một rừng bát ngát tài liệu sách báo Anh Pháp Việt, tôi đã lượm ra câu chuyện tiếng Việt mà tôi thích nhất.

 

Chuyện kể rằng một ông chồng lấy vợ đã lâu, một hôm đi làm về sớm hơn thường lệ, đột nhiên đã nhìn ra hết cái đáng yêu, đáng thương, đáng ghi ơn của bà vợ. Vợ ông là một hình ảnh tuyệt vời của một bà mẹ. Nóí xong anh rút trong túi ra một tờ giấy và xin đọc cho cả làng nghe , chuyện như sau :

 

 …Hôm đó thằng út vẫn còn nghỉ tết, không phải rước con nên tôi đi làm về nhà sớm hơn mọi ngày. Đang chạy ngon trớn, đầu óc đang lơ mơ nghĩ đến bữa cơm nóng sốt của vợ đang chờ ở nhà  thì một cái xe máy từ trong hẻm băng ra, tôi giật mình  lách sang phải, lẩm bẩm ‘ Chạy vậy đó hả?’ Nhưng ngay lập tức, tôi há hốc mồm  nói không nên lời  khi trông thấy cái biển số xe…
 Trước mặt tôi là một phụ nữ  mặc chiếc áo khoác đã sỉn mầu, chiếc nón bảo hiểm  đã cũ. Điều khiến tôi chú ý  là chiếc xe Cúp 86 trông rất tội nghiệp. Nó phải gồng mình chở trên đó đủ thứ : một bọc vú sữa, trái xoài, một túm dâu Đà lạt, hai bên lủ khủ nào thịt ,cá, rau, trứng, và bao nhiêu thứ không tên khác cho bữa cơm gia đình.
 Bình thường, nếu nhìn hình ảnh ấy thì tôi sẽ nghĩ cái gã nào đó làm chồng chị ta thật sướng. Bởi trong nhịp sống tất bật hiện nay còn có mấy phụ nữ chí thú chuyện bếp núc cho gia đình như vậy. Nhưng hôm nay tôi thấy nghẹn đắng cổ họng. Một cảm xúc thật khó tả dâng đầy trong lòng. Vừa xót thương vừa tội nghiệp vừa cảm phục lại vừa thấy mình thật có lỗi…

 

Tôi cưới vợ đã 20 năm, có hai mặt con, nhưng chưa bao giờ chú ý xem vợ đi xe gì, mặc áo gì, mang giày dép thế nào…
Chỉ  một quãng đường ngắn theo sau lưng vợ về nhà mà tôi đã suy nghĩ biết bao nhiêu điều. Thú thật tôi chảy nước mắt khi nhìn cái dáng tần tảo của vợ. Trước đây, tôi đã nhìn ngắm, trầm trồ trước biết bao tấm lưng trần tươi mát của những cô gái trẻ, nhưng tôi chưa bao giờ ngắm nhìn trong một khoảnh khắc chiếc lưng đẫm mồ hôi của người phụ nữ đã gắn bó với mình, suốt hai mươi năm tảo tần vì chồng vì con như thế này.
Hôm đó, lần đầu tiên tôi xách phụ vợ những thứ lỉnh kỉnh ấy. Thât sự là nó rất nặng. Vợ tôi xách mọi thứ đi trước, tôi lẽo đẽo đuổi theo.
- Làm sao  mà em có thể  mang hết từng ấy thứ mà vẫn đi ào ào  như giông như gió vậy? Vợ tôi ngoái lại : ‘Vì anh vì con thôi, chứ em cũng mệt lắm rồi…’
Tôi cúi mặt, một nỗi ân hận bỗng dưng dâng lên trong lòng. Nếu bây giờ có ai hỏi tôi người phụ nữ nào trên thế gian này có tấm lưng đẹp nhất, đáng yêu nhất, tôi sẽ nói ngay đó là tấm lưng gầy gò tần tảo của vợ tôi…

 

Đọc đến đây rồi anh nhìn Chị Ba, mắt anh như mờ đi. Và anh tuyên bố hết chuyện. Anh bảo anh thích câu chuyện này qúa mà không biết tên tác giả vì đọc trên máy. Bạn anh thích  nên chuyển ngay cho anh, mà không ghi xuất xứ. Tôi không tìm ra nguồn. Xin đành có lỗi với tác giả.
 

 

Dân làng nghe xong câu chuyện về người vợ tần tảo, ai cũng cảm động, phái nữ thì gật gù : Đúng là hình ảnh mẹ tôi ngày xưa. Phe liền ông thì gật gù dữ hơn nữa : Đó là mẹ tôi đấy, đó là vợ tôi đấy.  Câu chuyện không gây ra tiếng cười nhưng gây ra những cái gật gù, gây ra những đôi mắt ướt.

 

 Anh John rút túi ra một tờ giấy thứ hai. Ai cũng nghĩ anh sẽ đọc thêm một chuyện nữa về mẹ, về vợ. Nhưng không phải.

 

 Anh nhìn cả làng rồi nói : Tháng này và tháng sau chúng ta có lễ  ca tụng Mẹ, ca tụng Cha. Tôi có thêm ý này : Có lẽ chúng ta cũng nên có một lễ ca tụng Con, ca tụng tình anh em chị em yêu nhau. Các con tôi đã lớn, nhưng bao giờ tôi cũng thấy chúng còn bé , còn là những thiên thần bé nhỏ ngay xưa. Tôi xin được trình làng một câu chuyện về đề tài này. Xin nghe chuyện trước rồi chúng ta sẽ góp lời bàn sau. Đây là chuyện một em bé Hoa Kỳ.

 

… Cô bé Tess 8 tuổi nghe cha mẹ nói chuyện thì thào với nhau về đứa em trai. Tess hiểu rằng em mình bị bệnh rất nặng và gia đình không còn tiền cho một cuộc gỉải phẫu tốn kém, cha mẹ tỏ ra tuyệt vọng vì vô phương. Gia đình cô lại sắp  phải bán nhà vì hết tiền.

 

 Cô nghe cha cô nói với mẹ  giọng đầy nước mắt : Chỉ có phép màu mới cứu sống được Andy! Nghe thấy thế cô bé chạy ngay vào phòng mình, lấy con heo đất được cất kỹ trong góc tủ. Cô đem ra sau hè, đập con heo đất, và đếm rất kỹ số tiền đã để dành được.

 

 Rồi cô lẻn đi cửa sau, chạy ra hiệu thuốc gần nhà. Cô đặt tất cả gói tiền lên quầy hàng. Người bán thuốc hỏi : Cháu cần gì? Cô bé trả lời ngay :  Em trai cháu bệnh nặng, cháu muốn mua phép màu.
- Cháu nói sao?
- Thưa em cháu là Andy, nó bị một bệnh gì đó trong đầu mà cha cháu nói chỉ có phép màu mới cứu được nó. Phép màu giá bao nhiêu cơ?
Người bán thuốc nở một nụ cười buồn rồi nói với cô bé:
- Ở đây không bán phép màu cháu à. Bác rất tiếc.
- Cháu có tiền mà. Xin bác cứ đếm. Nếu không đủ thì cháu sẽ tìm thêm. Xin cho cháu biết phép màu gíá bao nhiêu?
Trong cửa hàng còn có một vị khách ăn mặc rất thanh lịch. Ông khách đã xem thấy cô bé và đã nghe rõ hết câu chuyện. Ông cúi xuống hỏi cô bé :
- Cháu cần loại phép màu gì?
Cô bé trả lời, rơm rớm nước mắt :
- Cháu cũng không biết nữa, nhưng em cháu rất cần thuốc đó vì nó bệnh rất nặng, cha mẹ cháu bảo rằng nó cần phẫu thuật và hình như phải thêm phép màu nữa thì mới cứu sống được. Cháu đã lấy ra hết số tiền để dành trong mấy năm nay để đi mua phép màu mong cứu sống em cháu.
- Cháu có bao nhiêu?
Cô bé trả lời vừa đủ nghe : Một đô la và mười một xu.
Vị khách liền mỉm cười rồi nói:
- A, may qúa, thế là vừa đúng cái giá của phép màu.
Nói xong, ông khách một tay cầm số tiền cục một tay cầm lấy tay cô bé  rồi nói :
- Cháu hãy dẫn bác về nhà, bác muốn gặp em trai cháu và cha mẹ của
cháu, để bác xem em cháu có cần đúng cái phép màu mà bác có không.

 

Người đàn ông thanh lịch này chính là bác sĩ Carlton Armstrong, một phẫu thuật gia về thần kinh nổi tiếng ở Chicago. Ca mổ cho bé Andy đã hoàn tất và không mất tiền. Chỉ ít lâu sau bé Andy hết bệnh.
Mẹ cô bé luôn chắp tay nói: Chúng tôi đội ơn BS Armstrong đã mang phép màu đến đúng lúc. Chúng con tạ ơn Chúa đã cho cháu Tess có lòng yêu em mà tìm được phép màu.

 

Nghe đến đây thì cả làng đều chắp tay rồi thưa’ Tạ ơn Chúa, Amen’.
 Câu chuyện hay qúa chứ, phải không cơ. 

 

 Cụ B.95 lên tiếng hỏi : Chuyện này có thật hay là chuyện thần tiên? Anh John trả lời ngay : Chuyện này có thật. Ông BS Carlton Armstrong chính là người em ruột của ông dược sĩ bán thuốc. Chắc hôm đó là ngày nghỉ nên ông ra hiệu thuốc của người anh ngồi chơi, và nhờ vậy mới nghe rõ câu chuyên em bé Tess đi mua phép màu. Phép màu đây là phép màu nhiệm, tức là phép lạ. Chuyện này rất nổi tiếng. Bạn cứ vào internet gõ chữ ‘ Dr. Carlton Armstrong’ là thấy chuyện phép màu này  ngay.

 

Nếu cô bé Tess không có lòng yêu em mình khi biết cha mẹ đã tuyệt vọng thì đâu có việc đi mua phép màu và gặp được BS Armstrong. Lòng yêu cộng với lòng tin đã làm ra phép lạ.

 

 Nghe xong hai chuyện của anh John, không khí làng tôi tự nhiên hóa nghiêm trang hẳn ra, mọi khi đâu có thế bao giờ. Đúng lúc đó thì ông ODP lên tiếng :
- Tôi được chỉ định kể một câu chuyện về Cha. Đáng lẽ tháng sau mới kể, nhưng bây giờ tôi thấy không khí làng thích hợp nhất để nghe chuyện này. Tôi cũng như anh John đã đi tìm các chuyện ca ngợi người Cha.

 

 Chuyện thì nhiều qúa mà không biết chọn chuyện nào. Đang lúc suy nghĩ cân nhắc thì tôi chợt nhớ tới Cha Paolo. Tôi nghĩ tại sao tôi không hỏi chuyện Cha Paolo nhỉ. Có thể Cha sẽ mở ra cho mình một chân trời mới về đề tài này.

 

Thế là tôi gọi Cha Paolo. Nghe tôi hỏi xong thì ngài cười ha ha :  Khi xưa tôi cũng giống y như ông, tôi cũng bị phân vân rất nhiều khi chọn một câu chuyện hay nhất về người cha. Tôi đã đem việc này hỏi mẹ tôi. Mẹ tôi đã chỉ cho tôi một câu chuyện mà tôi nhớ đời. Hôm nay xin chuyền lại cho ông. Khi tôi hỏi mẹ tôi thì lúc đó tôi đã đỗ cha, đã làm linh mục nha, thế mà tôi đã không nhìn ra kho vàng trước mắt. Mẹ tôi bảo rằng câu chuyện dụ ngôn của Chúa giảng về lòng người cha thương đứa con hoang đàng phung phí trong Phúc Âm là chuyện hay nhất trần gian.  Ông ODP ơi, ông là người ngoài đạo, không biết ông đã bao giờ đọc chuyện này chưa. Xin mách nha : Ông tìm sách Kinh Thánh, quyển Tân Ước, phần viết của thánh Luca, chương 15.

 

Ông ODP kể tiếp : Xưa nay tôi vốn kính phục ông cha Paolo về sự đạo đức và sự thông thái. Tôi bèn tìm sách Kinh Thánh. Quả là tuyệt vời. Chuyện Chúa giảng có khác. Cách thuật truyện của sử gia Luca có khác. Tôi khen ông Luca vì Luca là một bác sĩ thời đó, là một người ngoại đạo, đã tin theo Chúa và là môn đồ của Thánh Paul. Chuyện kể theo Luca rất linh động, như thế này :

 

Một ông kia có 2 người con trai. Người con cả thì chí thú làm ăn, người con thứ thì ham chơi đàng điếm. Ngày kia người con thứ xin cha chia gia tài để đi xa làm ăn. Người cha liền chia gia tài cho hai con. Ít ngày sau thì người con thứ thu góp tất cả gia sản rồi trẩy đi phương xa, ở đó  anh ta sống phóng đãng phung phí hết tài sản của mình.

 

Khi anh ta trắng tay thì vùng ấy lâm nạn đói khủng khiếp. Anh lâm cảnh túng thiếu nên phải đi ở đợ cho một người trong vùng. Người này sai anh ra đồng chăn heo. Anh ta đói đến độ chỉ ao ước được ăn cám heo cho no bụng mà cũng không được. Bấy giờ anh ta hồi tâm và suy nghĩ : Hiện nay có bao nhiêu người làm công cho cha ta và tất cả đều được no ấm, mà ta ở đây thì chết đói.

 

Thôi ta phải đi về nhà cha và ta sẽ thưa với cha rằng : Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, con chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin cha coi con như người làm công.

 

 Thế rồi anh đứng lên và lên đường về nhà. Khi anh còn ở ngoài xa thì cha anh đã trông thấy. Ông chạy ra ôm lấy anh, hôn lấy hôn để.

 

 Bấy giờ người con vừa khóc vừa nói : Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, con chẳng còn đáng gọi là con cha nữa… Người cha không cho anh nói tiếp rồi bảo các người đầy tớ rằng : Tụi bay hãy mau  đem áo quần đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay cho cậu, xỏ dép vào chân cho cậu, rồi đi chọn con bê béo nhất làm tiệc ăn mừng, vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã lạc mất mà nay tìm thấy. Rồi cả nhà ăn mừng. 

 

 Lúc ấy người con cả từ ngoài đồng về, khi từ xa cậu ta nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa liền gọi một người đầy tớ ra hỏi. Khi biết rõ chuyện thì cậu nổi giận không chịu vào nhà. Người cha liền chạy ra năn nỉ thì cậu trả lời : Cha coi, đã bao năm con hầu hạ cha, chẳng bao giờ con dám làm trái ý cha, thế mà chưa bao giờ cha cho con một con dê béo để con đãi bạn bè, còn thằng này, sau khi tiêu hết gia tài với bọn đĩ điếm, nay nó trở về trần trụi trắng tay thì cha lại giết bê mở tiệc ăn mừng! Người cha liền đáp :
- Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha là của con. Nay ta phải ăn mừng phải vui vẻ vì em con đây đã chết mà nay sống lại, đã lạc mất mà nay tìm thấy.

 

Đọc đến đây xong thì ông ODP tuyên bố hết bài sách thánh. Rồi ông nói tiếp : Tôi đã đọc chuyện này nhiều lần và đã suy gẫm. Qủa thực câu chuyện hay thấm thía. Nó nói hết được tấm lòng yêu con vô biên của người cha.

 

 Tôi có gọi lại báo tin cho Cha Paolo và cám ơn ngài đã chỉ cho một câu chuyện tuyệt vời. Ngài thích lắm. Ngài bảo chuyện của Chúa kể mà không hay sao được. Người cha trong truyện chính là Thiên Chúa, người con phung phá trong chuyện chính là loài người chúng ta. Thiên Chúa đã yêu loài người như thế đó, và còn hơn thế nữa.
 

 

Ông ODP thấy cả làng yên lặng và chăm chú nghe mình nói thì ông cảm động lắm. Ông nhìn mọi người rồi tủm tỉm : Tôi xin chấm dứt bài giảng đạo. Xin kính chúc mọi người trong làng ai cũng có một tấm lòng yêu con mình như câu truyện trong Sách Thánh tôi vừa đọc.

 

 Cụ Chánh tiên chỉ làng chủ nhà đãi tiệc bữa nay phát biểu : Lão không ngờ hôm nay làng ta lại có không khí trang nghiêm và đạo đức như đang ở trong nhà thờ thế này. Xin tạ ơn Trời, xin tạ ơn hai diễn giả. Và như vậy là đã đủ cho ngày lễ bữa nay rồi. Anh John đâu, xin anh làm công việc mà mọi người hằng mong đợi, mục thời sự thường lệ đi.

 

 Cả làng vỗ tay hoan hô anh John. Anh kể ngay : Chuyện thời sự thì nhiều lắm, Chuyện anh Mỹ hăm he anh Tàu, chuyện anh Tàu  hăm he Biển Đông, chuyện nhóm Hồi giáo cực đoan đặt bom, chuyện tân tổng thống Pháp Hollande bị trời mưa phải thay áo 2 lần trong ngày lễ đăng quang, cũng như máy bay của ông bị sét đánh cũng hai lần… Chắc cả làng đã biết cả rồi.

 

 Riêng tôi, tôi thấy có mấy cái tin liên hệ tới người Việt là đáng đem ra trình làng bữa nay. Không phải chuyện VC cướp đất ở VN, mà là chuyện 3 người Việt gốc bình dân từ VN sang tỵ nạn bên Hoa Kỳ. Vì có hạt giống thông thái của tổ tiên VN trong người, và  gặp đất tốt nên đã sinh ra hoa trái vô cùng tốt đep. Tôi xin được lựa ra 3 chuyện tiêu biểu mà báo chí vừa đăng, nói về cái hạt giống VN vĩ đại, ta phải cố mà giữ lấy cho ta, cho con cháu ta…

 

 Chuyện thứ nhất là chuyện một cậu thiếu niên ở miền Trung, sáng đi học, chiều và tối đạp xích lô ở Tuy Hòa, năm 1981 nhờ vượt biên ké với người bà con rồi tới được Hoa Kỳ. Cậu biết thân phận mình nên đã quyết chí học hành, và đã trở thành một khoa học gia nghiên cứu vật lý nguyên tử nổi tiếng ở Los Alamos của Hoa Kỳ, đó là Tiến sĩ Võ Tá Đức.

 

 Thứ hai là chuyện cậu bé 11 tuồi quê ở Gò Vâp, Gia Định. Sáng đi học, chiều và tối phải đi bán thuốc lá dạo lê la khắp chợ để giúp mẹ nuôi 8 đứa em, và mua thuốc cho cha bị bại liệt. Năm 19 tuổi cậu vượt biên thành công, và được cắp sách đi học. Câu đã quyết chí dùi mài kinh sử  và đậu tiến sĩ ưu hạng về ngành hóa học, và trở thành một nhà khoa học lỗi lạc, được mời đi giảng dạy ở nhiều nơi. Đó là Tiến sĩ Hóa học Trương Nguyện Thành.

 

Có một mẩu chuyện về cuộc đời đáng cho nhiều bạn trẻ suy nghĩ. TS Thành kể : Cùng tới Mỹ với tôi có một anh bạn trẻ giống như tôi. Học xong trung học thì tôi lên đại học còn cậu kia đi làm cho một hãng gà tây, kiếm ra tiền liền. Việc của anh ta là móc ruột gà. Sau một năm anh ta tậu được xe hơi, sau 4 năm thì anh tậu được nhà, có TV lớn, có xe hơi sport, còn tôi thì vẫn đi xe đạp cũ, vẫn ở trọ, không có bạn gái, ăn mì gói.

 

 Xong cử nhân, trong túi tôi chỉ có 200 đôla. Tôi không nản chí, học lên và học lên nữa. Khi xong bậc tiến sĩ, tôi vừa tiếp tục khảo cứu thêm vừa đi dạy học ở Utah. Bây giờ thì tôi có tất cả. Tôi còn về VN thành lập Viện Khoa Học Công nghệ từ năm 2009. Còn anh bạn làm  hãng gà, nghe nói đã phải nghỉ việc vì bệnh xương cổ tay.  Hoa Kỳ là một miền đất cho ta rất nhiều cơ hội để thăng tiến. Vấn đề là ta có muốn tiến hay không.

 


 Và chuyện thứ ba là một cậu trai VN lau dọn nhà vệ sinh trở thành một khoa học gia với 2 bằng tiến sĩ, nhiều chục bằng sáng chế, nhiều giải thưởng trong lãnh vực vệ tinh, truyền thông di động và các hệ thống radar. Đó là Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tiến.

 

 Ông  từng được giải thưởng Người Mỹ gốc Á Châu xuất sắc năm 2000, từng làm việc cho phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực của NASA.

 

 Ông kể chuyện ban đầu ở Mỹ, rất buồn cười : Khi tới Mỹ tôi nghĩ tôi sẽ sống về nghề đánh bóng bàn, vì ở VN tôi vô địch bóng bàn ở Trường Chu Văn An, ở tỉnh Gia Định, ở Hướng Đạo toàn quốc. Khi tới Mỹ, có người giới thiệu tôi đọ sức với một nữ vô địch bóng bàn ở Cali. Tôi nghĩ tôi dư sức. Thế mà đấu 3 trận tôi đều thua cả ba. Lúc đó tôi mới sáng mắt : Mới ở câp tiểu bang mà mình đã thua thì mong gì mình sẽ thắng ở cấp cao hơn.

 

Thế là tôi bỏ mộng sống bằng nghề bóng bàn. Tôi chú tâm vào viêc học. Tôi quyết tâm học, vừa đi học vừa đi làm. Viêc đầu tiên là lau dọn nhà vệ sinh, rồi rửa chén nhà hàng. Làm việc chân tay hay việc học, cái gì tôi cũng làm hết mình. Ông Trời không bao giờ bỏ quên những người đã làm việc hết sức mình.

 

              Đây là ba trong nhiều câu chuyện thành công về viêc học của  người VN bên Mỹ. Bên Canada này thì người VN thành công cũng rất nhiều vì đều có hạt giống tốt của tồ tiên trong máu. Chẳng hạn tháng trước đây tôi đã nói tới Tiến Sĩ Bùi Tiến Rũng, Luật sư kiêm nhà văn Xuân Thúy…

 

Bà Cụ B.95 giơ tay xin nghe chuyện thời sự xã hội chứ không thích chuyện học hành thi cử. Anh John không chuẩn bị về phần này nên nháy mắt cầu cứu tôi. Tôi bèn ra tay tiếp sức ngay. Nhưng rồi lúng túng. Nhiều chuyện qúa, biết kể chuyện gì đây ? Chuyện cờ vàng VNCH, chuyện kiến nghị, chuyện biểu tình, chuyện nhớ ngày quốc hận 30/4… ai cũng biết rồi.

 

 Đang lúc bối rối thì tôi chợt nhớ tới một xuất hát đặc biệt ở Toronto mà ít người biết. 

 

Đó là  xuất hát rất trí thức, rất tây phương, hơn 150 người tham dự, ai cũng hài lòng và vỗ tay nồng nhiệt. Xuất hát mang tên ‘Songs of the Heart’, tiếng Việt là ‘ Thoáng Dư Âm’, do một bạn trẻ vì yêu văn nghệ thuần túy đã tổ chức tại rạp Todmorden  Mills Heritage Theatre vào chiều Thứ Bảy 5.5.2012 vừa qua.

 

 Bạn trẻ mang vóc dáng một triết gia tên là Hoàng Mạnh Hùng, một con người ham mê nghệ thuật hiếm có.

 

 Về nghệ sĩ trình diễn có Don Thompson, một sư phụ về nhạc Jazz và dương cầm.

 

 Anh Hùng cho tôi biết lúc anh đi thuê dương cầm, công ty nhạc cụ khi biết Don Thompson sẽ đến đệm đàn thì họ vô cùng vui mừng và đã chở một cái dương cầm hạng nhất đến tận sân khấu và không lấy một đồng tiền thuê đàn. Họ bảo đàn của họ mà được danh cầm Don Thompson đụng tới là họ đã sung sướng và hãnh diện lắm rôi.

 

 Ban nhạc chính là  Mike Field Jazz Quintet . Tôi mê cái ông Mike này qúa vì tiếng kèn trumptet tuyệt vời của ông. Khi  trình diễn, ông nhắm nghiền đôi mắt và thổi rất say mê như đưa hết cõi lòng mình vào tiếng kèn.

 

 Nhạc sĩ Nghiêm Phú Phúc, em nhạc trưởng Nghiêm Phú Phi ngày xưa của Saigon, đã ghé vào tai tôi nói nhỏ :  Lâu lắm rồi tôi mới có dịp thưởng thức một chương trình ca nhạc có giá trị như thế này. Đã bao nhiêu năm rồi hôm nay tôi mới được nghe lại những bài ca ‘ Non, Je Ne Regrette Rien’ của  Charles Dumont do Edith Piat hát ngày xưa, ‘’So In Love’ của Cole Porter’,  ‘ In My Solitude’ của Duke Ellington…Những bản nhạc nổi tiếng này tôi đã từng chơi với mấy ban nhạc ở Paris thuở xưa.

 

Lại còn nhạc sư lừng danh  Coenrad Bloemendal chơi đàn violoncelle với sự phụ họa dương cầm của người đẹp Cecilia Như Ngọc. Thành phần ca sĩ còn có Xuân Đào ở Toronto và Desirée Till đến từ Quebec.

 


 Dự buổi văn nghệ này xong ai cũng thấy lòng mình thơ thới, lên cao, khác xa cái cảm giác xô bồ ồn ào thường có khi dự các đại nhạc hội từ trước tới nay. Xưa nay đa số đi xem hát chứ không phải đi nghe hát.

 

Ta đi xem sân khấu hội trường, xem ban nhạc gõ trống và gẩy đàn. Xem ca sĩ ăn diện và uốn éo, xem thành phần người tham dự…  Ta chỉ xem chứ không nghe.  Chưa nếm được cái hay của giọng ca, lời ca, và tiếng đàn tài ba thì uổng qúa.

 Kính chúc các cụ vừa xem, vừa nghe và biết nghe nhạc nha. Trân trọng.