main billboard

Tết con Rồng qua đã lâu thế mà làng tôi vẫn còn mê nói về rồng.

 

Lần hội làng tháng trước đã nói, tháng này vẫn còn nói. Người chủ chốt vẫn là ông già ODP. Ông có nhiều ý  rất độc đáo. Chẳng hạn rồng có chân nhưng rồng không bao giờ đi hay chạy trên đất mà rồng luôn luôn bay. Chính vì rồng chỉ bay nên mới có Vịnh Hạ Long là nơi mà rồng trên trời đáp xuống, và Thành Thăng Long là nơi mà rồng dưới đất bay lên. Các cụ nhớ kỹ nha, rồng có chân nhưng rồng chỉ bay mà thôi. Rồi ông còn nói tới việc rồng bao giờ cũng đi với mây. Rồng vùng vẫy trong mây. Rồng biến mây thành mưa. Mây trắng từ phương tây gặp mây đen từ phương đông là trời mưa như trút. Rồng hút nước ở miền này rồi làm mưa tưới cho miền khác.

 

Xưa nay người Việt mình có thói quen vẽ thiệp cưới hình con rồng cuộn lấy con chim phụng. Rồng tượng trưng chú rể, phụng tượng trưng cô dâu, với lời chúc mừng ‘ Long Phụng hoà minh’, long phụng cùng chung tiếng hót.

 

Anh H.O. nghe chuyện cưới hỏi với con rồng con phụng hấp dẫn qúa bèn xin góp chuyện. Rằng sách Đông Châu Liệt Quốc có kể một chuyện tình rất lãng mạn liên quan tới Long và Phụng như sau : Thởi ấy có một chàng trai phong nhã tuấn tú tên là Tiêu Sử , chàng có tài thổi tiêu rất hay khiến  ngay cả chim chóc cũng thích chăm chú lắng nghe. Lại có một nàng công chúa  tên Lộng Ngọc có tài thổi ống địch cũng rất hay. Tiếng địch của nàng không những làm mê mẩn lòng người mà còn làm mê mẩn cả thần tiên nữa. Hai người biết tài nhau nên một hôm đã gặp nhau để tấu nhạc.

 

Tiếng tiêu của Tiêu Sử vừa cất lên thì có một con rồng bay tới chầu. Tiếng địch của Lộng Ngọc vừa cất lên thì có một con phụng bay tới để nghe. Đến khi tiếng tiêu và tiếng địch hòa lẫn vào nhau biến thành một bài hợp tấu tuyệt vời thì cả rồng cả phụng đều ôm lấy nhau mà nhảy múa phụ họa. Khi  màn hợp tấu vừa chấm dứt thì Tiêu Sử cỡi lên rồng và Lộng Ngọc cỡi lên phụng rồi cùng bay lên trời. Do sự tích này nên người ta mới vẽ rồng với phụng quấn quýt vào nhau trong thiệp cưới và lời chúc mừng ‘ Phỉ nguyền sánh phụng, đẹp duyên cưỡi rồng’ là thế.

 

Nghe xong chuyện này thì ông ODP giơ tay phát biểu : Tôi nghĩ chuyện rồng với phụng là chuyện nói sai, chép sai. Sai ở chỗ con rồng là giống đực và con chim phụng cũng là giống đực, chẳng lẽ hai con đực lấy nhau sao. Chính ra là Loan và Phụng. Con chim loan giống cái, con chim phụng giống đực. Hình vẽ trên thiệp cưới là hình hai con chim loan và phụng quấn quýt nhau mới là đúng. Nghe có lý qúa, phải không cơ?

 

Rồi ông ODP lại thao thao nói tới rồng trong ca dao và tục ngữ.
- Một người giầu sang đến thăm một người dân thanh bạch thì gọi là rồng viếng nhà tôm
- Những câu chuyện kể có đầu mà không đuôi thì gọi là ‘đầu rồng đuôi tôm’
- Câu ca dao ‘ Trứng rồng lại nở ra rồng, liu điu lại nở ra dòng liu điu’
làm ta nhớ tới một câu khác tuy không có rồng nhưng đồng nghĩa : ‘Con vua thì lại làm vua, con sãi chùa thì quét lá đa’
- Còn câu này nói lên cái khó chịu phải sống chung với người không cùng một trình độ: ‘Rồng vàng tắm nước ao tù, người khôn ở với người ngu bực mình’  hay ‘ Làm thân cây quế giữa rừng, để cho thắng Mán thằng Mường nó leo’. Do vậy ước mơ của nhiều  phụ nữ là :‘ Một đêm nằm ở thuyền rồng, còn hơn mãn kiếp nằm trong thuyền chài’.

 

Anh John lúc này mới lên tiếng : Ngày xưa khi học Sử VN thì tôi biết Bà Âu Cơ lấy Lạc Long quân  rồi đẻ ra một bọc một trăm trứng . Tôi vẫn thắc mắc tại sao người mà lại đẻ ra trứng. Nay nghe câu ‘ Trứng rồng lại đẻ ra rồng’ thì tôi mới hiểu câu sử kia là có lý vì người VN gốc Rồng Tiên’. Rồng đẻ ra trứng chứ không đẻ ra thai nhi. Xin tạ ơn Ngài ODP hôm nay đã khai ngộ cho tôi một điều xưa nay tôi không nhìn ra.

 

Ông ODP xin ngưng chuyện rồng và xin trả diễn đàn cho làng. Ông xin Chị Ba Biên Hòa góp ý kiến. Phe các bà bèn ồ lên không chịu. Mấy bà bảo các chuyện ông vừa nói rất là hấp dẫn đã giúp các bà học hỏi được nhiều, xin ông tiếp tục. Phe liền ông cũng gật gù đồng ý như vậy. Ông ODP bèn vâng lời. Ông nói :

 

Chuyện rồng thì nhiều lắm, nói cả ngày chẳng hết. Vậy để tôi nhớ gì kể đó nha. Tôi xin kể chuyện múa lân. Gốc nó ở bên Tàu. Bên ta không có lân và không ai biết hình dạng con lân như thế nào nên tổ tiên ta đã lấy hình con rồng, vì con rồng có hình ảnh khắp nơi, như cung vua, như mái đình. Và chúng ta đã VN hóa việc múa rồng. Chúng ta đã thêm ông Thọ vào, vì ông Thọ biểu tượng trường thọ. Sau rồi ông Thọ biến ra ông Địa hở bụng và miệng cười lớn. Ông Địa biểu tượng hạnh phúc. Ngày tết mà có rồng tới nhà cùng với ông Địa nữa thì còn gì sung sướng hơn.

 

Trong việc múa rồng, người ta chú ý đặc biệt tới bộ râu rồng. Râu vàng là râu vua, người Tàu coi là râu của vua Lưu Bị. Râu đỏ chỉ râu Quan Công, và râu đen chỉ râu Trương Phi, cả hai là người em kết nghĩa của Lưu Bị.
Nghe đến đây thì Chị Ba Biên Hòa giơ tay xin hỏi : Đang nói về múa rồng mà nghe đến Lưu Bị, Quan Công và Trương Phi thì tôi nhớ liền tới Bộ Tam Quốc Chí. Tôi vẫn mê bộ chuyện dài này. Xin cho tôi lạc đề hỏi bác bồ chử ODP một câu rất cá nhân : Bác có thích 3 nhân vật lịch sử này không ?

 

Ông ODP nhấp một ngụm trà rồi thong thả trả lời : Xưa nay Chuyện Tam Quốc Chí làm say mê mọi người. Sự hấp dẫn này là do tài nghệ của nhà văn lớn La Quán Trung, chứ thực ra 3 nhân vật này cuối đời không ra làm sao, chết lãng xẹt. Vua Lưu Bị vì nóng lòng phục thù cho em mà đã không nghe lời can của Khổng Minh và Triệu Vân nên đã bị tướng của Đông Ngô là LụcTốn đáng bại, ông Lưu Bị buồn rầu rồi chết trong tủi nhục. Quan Công cũng vì hiếu thắng đã không nghe lời can của Khổng Minh nên đã bị thất thủ Kinh Châu và đã bị tướng của Đông Ngô là Lữ Mông phục kích chém đầu tại trận. Còn Trương Phi thì tính nóng như lửa đánh đập tướng sĩ nên đã bị chính tướng sĩ dưới quyền chém chết trong lúc đang ngủ rồi cắt đầu mang sang nộp cho chúa Đông Ngô là Tôn Quyền. Thưa làng, kết thúc cuộc đời của 3 vị này buốn qúa. Bài học ta có thể rút ra từ 3 cái chết này là ta chớ để tính nóng giận làm ta mất khôn. Xin cho tôi hết chuyện ở đây.

 

Cụ B.95 liền lên tiếng hỏi thần tượng là anh John : Thế trong tiếng Anh, con rồng có điều gì hay không ? Anh John cười hà hà rồi đáp ngay : Thưa có. Trong thế giới tiếng Anh thì con rồng không được qúy trọng và không là biểu tượng tốt đẹp. Ngay trong sách Kinh Thánh, con rồng là biểu tượng ác quỷ. Trong Anh văn, khi gọi một bà nào là ‘dragon lady’ thì có ý nói bà ấy dữ tợn như quỷ. Báo chí Hoa Kỳ năm xưa gọi bà Imelda vợ ông Tổng Thống Marcos là ‘dragon lady’.
 
 Còn trong ngôn ngữ thường nhật ta gặp chữ ‘dragon fly’. Dragon là con rồng, fly là con ruồi. hai chữ này ghép lại thì không phải là con rồng bay mà dragon fly là con chuồn chuồn, một con côn trùng hiền khô và bé tý!
Rồi trong tiếng lóng, ‘ to chase the dragon’ có nghĩa là hút bạch phiến, vì khói bạch phiến thở ra nó ngoằn nghèo’ như con rồng bay. Hút lén bạch phiễn nên ta phải đuổi con rồng ngoằn nguèo đó đi. Và cũng trong tiếng lóng, ‘to drain the dragon’ nghĩa đen là tháo nước con rồng, nghĩa là đi tè, dragon chỉ ‘khẩu súng’ của liền ông, giống y như tiếng VN nhiều nơi gọi ‘khẩu súng ấy’ là ‘vòi rồng’. Việc này làm ta nhớ liền tới tiếng ‘beaver’ chỉ vùng cấm địa của liền bà.

 

Cả làng tôi bò ra cười.
Để cho làng cười xong, anh John lại tiếp tục cười hà hà. Nghe giọng cười này là cả làng biết anh sắp kể một chuyện tếu. Qủa vậy. Anh bảo rằng ở miền Nam California có bờ biển tên là ‘Long Beach’. Long đây không có nghĩa là ‘dài’ mà có nghĩa là ‘con rồng’. Chắc từ miền nam California đã có mấy chính khách khi xưa đã sang du lịch VN, đã đi miền Long Hải, thấy miền biển này đẹp quá, đã yêu Long Hải qúa nên khi về tới Hoa Kỳ mấy ông đã dịch tên Long Hải ra tiếng Anh là “Long Beach’ và đặt cho một bờ biển đẹp ở đây.

 

Cụ Chánh thấy làng nói chuyện chữ nghĩa đã lâu bèn đề nghị tạm ngưng chuyện này để mời làng ăn cơm. Đúng ý dân làng quá. Từ tết đến giờ, dân làng đã ngấy bánh chưng bánh tét nên nay ăn toàn những món không liên hệ gì tới nếp cả. Bữa nay Chị Ba Biên Hòa và hai cô Huế đứng nấu. Mâm cơm dọn ra thật mát mắt. Cô Cao Xuân đại diện nhà bếp giới thiệu : “ Món rau đậu dài xào với tôm hùm là món chúng tôi mới học được từ một bà bạn người Đại hàn. Họ bảo ngày tết ăn đậu xanh loại dài này để  lấy hên. Ăn đậu dài để mong được sống dài lâu. Món này xào với tỏi, dầu hào, dầu vừng và dầu oyster. Món thứ hai là món thịt kho nước dừa của Chị Ba. Chị làm món này rất công phu. Thịt đùi heo, 10 hột vịt, kho với nước dừa, tỏi, hành, tiêu, đường, nước mắm, chút ít bột ngọt. Món này rất Nam Kỳ. Cụ B.95 thì luộc một rổ rau muống. Rau muống luộc mà chấm với nước mắm thịt kho dừa thì, Chúa ơi, ngon vô cùng. Nó ngon thắm thiết như tình Bắc mà duyên Nam vậy.

 

Ba món này làng tôi đã ăn với cơm nóng gạo thơm Nàng Hương. Mấy ông Bắc kỳ trong làng còn đòi thêm món nước rau muống luộc nữa. Món này vắt thêm vào một trái chanh tươi thì thật là ngon qúa sức lẽ mình !
Tráng miệng là món quýt Mexico. Chị Ba Biên Hòa vừa cười hi hi vừa gật gù : Tui phải đi chợ tự tay chọn những trái quýt mọng này. Đầu năm ta ăn quýt để mong chúng ta cứ quấn quýt với nhau mãi mãi nha. Ta không ăn cam vì cam là cam chịu, cam đành, ta chỉ ăn quýt mà thôi.

 

Sang phần uống trà, phe các bà lại đề nghị phe các ông nói chuyện văn chương lúc nãy chưa nói hết. Không ngờ làng tôi mê chữ nghĩa vậy đó. Lại ông ODP. Ông xin làng cho ông nói một chút chuyện CSVN bên nhà. Ông bảo không nói thì không chịu được, nó cứ ấm ức trong lòng. Ông biết một bài thơ dài, thuộc thể loại ‘Yết hậu’. Các bác có biết thơ yết hậu là gì không cơ? Thưa, nó là loại thơ 4 câu và bao giờ câu thứ 4 là câu kết cũng chỉ có một chữ mà thôi.  Thí dụ như bài thơ nổi tiếng ‘Say Sưa’ của Chiêu Lỳ Phạm Thái :

 

 Sống ở dương gian đánh chén nhè
 Thác về âm phủ cắp kè kè
             Diêm vương mới hỏi : Mang gì đó?
             Be !

 

Cô Cao Xuân liền hỏi : sao lại có tiếng con dê kêu be be là thế nào? Ông nói ngay : À, be đây không phải là tiếng dê kêu mà là cái be rượu. Ngày xưa rượu được rót vào cái be.  Trả lời Cô Cao Xuân xong, ông ODP còn kể thêm : À, tôi xin thêm một ví dụ nữa. Ngày xưa trước 1954, Cụ Dương Quảng Hàm dạy Việt văn ở Trường Chu Văn An Hà Nội. Tôi được may mắn là học trò của cụ. Tôi còn nhớ rõ chuyện này : Bữa đó cụ giảng về thơ yết hậu và cụ lấy bài Say Sưa trên đây làm ví dụ, rồi cụ bắt học trò làm bài tập. Các học trò đều làm được dễ dàng. Đến giờ ra chơi, Thày Hàm vừa ra khỏi lớp thì một thằng bạn thân của tôi có tiếng là ma mãnh nhất lớp đã đọc cho cả lớp nghe bài nó làm để trêu cụ. Nó lấy chính tên cụ làm đề bài. Vì Cụ hay khạc đờm rồi nuốt đi, nó tả việc đó như sau :
 Sống ở nhân gian chỉ nuốt đàm
 Chết về âm phủ nói làm nhàm
 Diêm vương mới hỏi là ai đó?
 Hàm !

 

Sau đây là bài thơ tôi thấy trên internet do một người bạn chuyển tới. Bài thơ ký tên là ‘ Cậu Bảy’. Chắc bài này lấy ý từ câu thơ nổi tiếng của Nguyễn Vỹ năm xưa ‘ Nhà văn An Nam khổ như chó’. Cậu Bảy gọi nhiều hạng người là Chó. Kinh hãi qúa sức. Thơ như sau :

 

        Làm dân Việt Nam hôm nay khổ hơn con chó
 Vì giặc Tàu xâm lăng mà tay chân bị bó
 Hễ lạng quạng là bị tó
 Chó !

 

Lãnh đạo VN hôm nay ngoan hơn con chó
Bọn Tàu bảo gì thì làm cái đó
Thấy mặt chủ thì ngoáy đuôi rồi chui gầm bàn ngấp ngó
Chó !

 

Tướng lĩnh VN hôm nay hèn hơn con chó
  Thấy giặc đến nhà mà núp trong xó
  Lại còn tập trận chung với chúng nó
 Chó !

 

  Nhà báo VN hôm nay tồi hơn con chó
  Giặc đào mả cha mà trơ mắt ngó
  Viết lách thì nương theo chiều gió
  Chó !

 

  Thanh niên VN hôm nay thảm hơn con chó
  Nhìn giặc xâm lăng, căm hờn đứng ngó, chẳng dám la ó
  Biểu tình thì bị làm khó
  Chó !

 

Đọc xong bài thơ CHÓ thì ông kể sang chuyện y phục. Ông bảo các báo tết vừa rồi đều có trang viết về thời trang VN cùng với nhiều hình ảnh, nữ thì quần dài áo dài khăn hoàng hậu, nam thì khăn đống áo dài. Trong các hình nam phục tôi thấy có hình Vua Bảo Đại. Ông Phạm Quỳnh, Ông  Nguyễn Văn Vĩnh, Ông Trương Vĩnh Ký, Tổng Thống Ngô Đình Diệm, tất cả đều bận quốc phục, khăn đống áo dài. Tôi không thấy có hình Hồ Chí Minh bận quốc phục. Tôi bèn tìm các sách báo nói về Hồ Chí Minh. Tôi không hề thấy có hình Hồ Chi Minh bận khăn đống áo dài bao giờ, mà luôn luôn thấy ông Hồ bận áo có hàng cúc ở giữa, giống y như Mao Trạch Đông và Stalin. Buồn chưa các bạn ?

 

Nhân nói tới Bác Hồ, tôi xin nói một chuyện thời sự. Rằng gần đây mấy đĩa nhạc của Công Ty Asia được mọi người khen ngợi nhiệt liệt vì nội dung rất hay, nó đề cao lòng yêu nước và cảnh giác mọi người việc quê hương VN đang bị ‘Bắc Nô Hán Hóa’. Việc này làm Đảng và nhiều văn nhân đáng kính ở Hà Nội giận lắm và ghét băng Asia lắm. Họ gọi mấy người chủ chốt của băng này là ‘thằng ‘ hết :  Anh Bằng, Nam Lộc, Việt Dũng hóa ra thằng Bằng. thằng Lộc, thằng Dũng. Chỉ có Trúc Hồ thì các ngài khả kính không nói gì. Các ngài bị kẹt vì nếu gọi nhạc sĩ tài ba Trúc Hồ bằng thằng, ‘thằng Hồ’ thì hóa ra họ xúc phạm tới bác Hồ vĩ đại của họ! Các cụ khắp nơi có cách nào giúp các vĩ nhân thuộc hoàng tộc Lê Chiêu Thống ở Hà Nội với. Đánh Trúc Hồ thì được, nhưng đánh ‘Thằng Hồ’ thì không dám.

 

Anh H.O. nghe xong chuyện này thì xin góp vài mẩu chuyện khác, cũng xảy ra ở Hà Nội. Đó là chuyện một anh hàng sách bị bắt vào tù. Các tù nhân cùng phòng vội vây quanh anh mà hỏi lý do tại sao anh bị tống vào đây. Anh trả lời là anh làm nghề bán sách mà vì vô ý anh để sách sai chỗ. Các bạn tù không hiểu gì cả bèn bảo anh kể thêm chi tiết. Anh bèn trả lời : Muốn cho hiệu bán sách hấp dẫn thì tôi vừa bán sách vừa bán tranh.
 
Tuần qua, tôi trưng bầy ảnh chụp hình Bộ Chính Trị, dưới bức ảnh tôi vô tình bày cuốn ‘ Alibaba và 40 tên cướp’. Công an ập đến bắt tôi. Tôi phải năn nỉ và hối lộ cùng viết tờ kiểm thảo và hứa sẽ không tái phạm. Hôm qua tôi trưng bày ảnh Cụ Hồ chỗ đẹp nhất trong hiệu, tưởng như vậy là đẹp qúa rồi. Không ngờ vợ tôi bày thêm sách chung quanh, ngay ở dưới ảnh Cụ Hồ, vợ tôi bày cuốn sách ‘ Tên trùm Mafia’. Đó là lý do tại sao tôi bị tống vào đây. Đó là chuyện thứ nhất. Bây giờ tôi xin kể sang chuyện thứ hai, cũng xảy ra tại Hà Nội gần đây. Tôi kể chuyện này vì bây giờ là tháng Hai, tháng có lễ Valentine, lễ của những người yêu nhau. Theo báo chí thì có một cụ giả 79 tuổi, giàu có, nhà cửa sang trọng, có 4 con đã thành đạt. Cụ già góa vợ đã lâu, cụ ở nhà cao cửa rộng mà không thấy hạnh phúc. Một hôm cụ gặp một bà mới 63 tuổi ở ngoài đường. Bốn mắt nhìn nhau rồi cụ bị hớp hồn. Bà già cô đơn cũng bị hớp hồn.
 
Cụ ông thì giầu sang, còn bà già thì nghèo nàn vô gia cư. Cụ ông định đem bà gìa về nhà sống chung nhưng con cái phản đối. Dứt khoát chúng phản đối. Cuối cùng thì cụ ông bỏ hết, cụ theo bà già, ngủ đường ngủ chợ. Cụ ông làm nghê bơm xe đạp bờ đường. bà già làm nghề buôn rau vệ đường. Tối về hầm cầu, hai ông bà xì xụp rau cháo. Nhưng hai người cho là mình có hạnh phúc. Cụ bà trả lời phóng viên như sau : Chúng tôi là những người cô đơn gặp nhau, cái chúng tôi cần là tình cảm chứ không phải là tiền bạc nên chả bao giờ tôi nghĩ đến việc về nhà ông ở. Tôi thương ông như thương chính mình, đôi khi nghĩ mà tủi thân cho ông, ông có nhà cửa, có con cái thành đạt mà phải long đong sống theo tôi. Tên cụ ông là Tống Văn Dinh. Tên cụ bà là Đỗ Thị Hiền. Chuyện tình này đúng như lời người xưa đã tả : Một túp lều tranh, hai trái tim vàng.

 

Cụ B.95, gốc người Hà Nội bữa nay toàn nghe chuyện về Hà Nội thế mà cụ không vui mấy. Thấy vậy, cụ Chánh tiên chỉ làng bèn chuyển hướng . Cụ hô nhà bếp mang chè đậu đỏ ra đãi làng. Cụ bảo vì Chị Ba Biên Hòa đãi làng món trái quýt để làng ta luôn luôn quấn quýt với nhau, nên cụ đã nấu sẵn nồi chè đậu đỏ, đã để sẵn trong tủ lạnh, nay chỉ viêc dọn ra. Ăn đậu đỏ để làng làm công việc gì cũng đậu cũng đỏ quanh năm. Nghe được qúa chứ. Cụ Chánh giữ chức tiên chỉ trong làng là đúng qúa, phải không cơ ? Mấy cô Huế thì vừa múc chè vừa răn đe mọi người không được ăn nhiều vì chè ngọt, nhiều đường, nguy hiểm cho sức khoẻ, nhất là về tuổi già thì phải nghĩ tới bệnh cao máu, cao áp xuất và tiểu đường.
 
Cụ Chánh nghe xong thì lên tiếng ngay : Xin cả làng cứ ăn chè thoải mái. Lâu lâu xả láng một lần thì đâu có sao. Rồi cụ chạy vội vào phòng mang một cuốn sổ tay ra, rồi đọc cho mọi người nghe một bài cụ đã ghi chép  rất kỹ lưỡng về việc ăn uống. Đây là một bài đăng trên báo tây do một bác sĩ có uy tín trong giới đại học y khoa quốc tế. Rằng càng cao tuổi càng cần phải ăn ngon, ăn cho sung sướng, đừng thái qúa là được. Rằng người cao tuổi nên ăn tất cả những món mình ưa thích và ngon miệng, miễn là số lượng không gây trở ngại cho chức năng tiêu hóa. Đừng quên cảm giác ngon miệng là đòn bẩy cho sức kháng bệnh. Đừng bắt người già  ăn những món chỉ nhắm bổ dưỡng mà không có khẩu vị, nuốt không vô. Cấm người già ăn no bụng là một điều đáng trách  cả về lý cả về tình. Nhiều cha mẹ gìà đã bị con cái can ngăn về ăn uống viện cớ ngừa bệnh tiểu đường, cao máu và huyết áp.

 

Đọc đến đây rồi cụ cười ha ha. Lão biết trước là các bà nhà bếp sẽ nại cớ đường ngọt không cho làng ăn nhiều. Lão biết trước như vậy nên lão đã không dùng đường thẻ cho nồi chè này, mà là đường giả, đường những người bị tiểu đường được phép dùng.
 Nghe xong lời trấn an của cụ tiên chỉ, làng tôi đã ăn chè vui như tết. Loáng một cái là mấy hộp chè đậu đỏ đã hết sạch.
Ngoài đề tài ăn uống thoải mái vừa nói, cụ Chánh còn chỉ cho chúng tôi một bài thuốc bổ nữa. các cụ phương xa có biết cụ Chánh nói về thứ thuốc gì không cơ? Thưa đó là thuốc đại bổ mang tên ‘Tiếng Cười’. Cụ bảo mấy năm gần đây cụ thấy trên cả báo tây cả báo ta có rất nhiều bài nghiên cứu nói về ích lợi của tiếng cười. Tiếng cười chữa được cả bệnh tinh thần cả bệnh thể chất. Tiếng cười ha hả nó giúp ta đuổi được bao chất độc trong người, làm thư giãn bao nhiêu là cơ bắp trong người. Tiếng cười là một cuộc chạy bộ nội tạng lý tưởng nhất. Các bạn cứ lấy tay để vào bụng mà coi. Khi ta cười ha hả, cười bò lăn bò càng thì ruột gan ta hầu như là long lên sòng sọc. Ta thường nói ‘ Cười đau cả bụng’ là thế. Môn thể thao phổ thông bây giờ là các cuộc chạy bộ vào buổi sáng.
 
Tiếng Anh gọi là ‘Jogging’. Khi chúng ta cuời nghiêng ngả, bụng ta như long lên sòng sọc, Tây Y gọi đó là cuộc chạy bộ nội tạng ‘ Internal Jogging’. Nó tốt vô cùng và có lợi vô cùng cho sức khoẻ. Ban ngày ai mà cười ngiêng ngả nhiều thì tối về rất dễ ngủ và ngủ rất ngon. Đó là ích lợi thẻ chất. Còn ích lợi về tinh thần thì khôn lường. Hai ngươìi hằn thù với nhau mà nghe một câu chuyện rồi cùng phá lên cười thì nỗi hằn thù coi như sẽ biến mất.

 

Tiếng cười là một ngôn ngữ quốc tế, không cần phiên dịch. Họp cộng đồng mà cộng đồng cùng ồ lên cười, cùng vỗ vai vỗ đùi nhau mà cười thì cuộc họp đó thành công hoàn toàn. Ngày xưa còn bé lão thường nghe ông thày nói câu ‘ Un saint triste est un triste saint’ thì lão chả hiểu gì cả. Chắc ông thày cũng không hiểu . Ông bảo câu ấy nghĩa là ‘ Một ông thánh buồn là một ông buồn thánh!’ Chả ai hiểu gì cả. Về sau, ra đời thì mới hiểu, mà hiểu một cách thấm thía. Câu tiếng tây kia phải dịch như thế này : Một ông thánh mà mặt mũi buồn bã là một ông thánh vất đi ! Một ông thánh mặt mũi phải tươi tỉnh, phải cười toe như Đức Phật Di Lặc, như Ông Sư Lỗ Trí Thâm thì mới là ông thánh  có giá. Các cụ còn nhớ chuyện ông thày Lỗ Trí Thâm trong sách Anh Hùng Lương Sơn Bạc không?

 

Năm còn mới , lão xin lặp lại lời chúc tết : Chúc cả làng một năm đầy tiếng cười.
Dịp đầu năm, người Hoa Kỳ kỷ niệm Mục Sư Martin Luther King. Ông mục sư da đen này, bằng một tấm lòng mến Chúa yêu người rộng lớn, đã đưa đất nước Hoa Kỳ vào một khúc quanh lịch sử : xóa bỏ nạn kỳ thị trắng đen. Cuộc biểu tình bất bạo động ngày 28.8.1963 do ông chủ xướng tại Hoa Thịnh Đốn với gần 300.000 người tham dự là một điểm son to lớn trong lịch sử nhân loại. Lời mở đầu của ông’ Tôi có một ao ước, I have a dream’ hầu như vẫn còn vang vang trong đầu mọi người.

Cầu xin quê hương Việt nam chúng ta cũng sẽ có một Martin Luther King.
Xin tổ tiên phù hộ chúng con.