main billboard

Ở Việt Nam, chỉ tính trong một năm 2016, ước tính có 79,000 người chết vì uống rượu bia, và hàng trăm ngàn người khác phải vào bệnh viện vì các bệnh liên quan đến rượu như gan, tim mạch, ung thư, đột quỵ.

uongruou

Việt Nam đang được xem là một “cường quốc” về bia rượu. (Hình: Getty Images)

Tôi không biết uống rượu nhưng khi ai có lòng đem cho mình một chai rượu quý, tôi vẫn dành để biếu lại cho một người bạn thân uống được rượu, mà uống một cách thông minh.

Người xưa phong lưu thì có cầm, kỳ, thi, tửu. Nhà thơ Tú Xương cũng không qua cảnh “một trà, một rượu, một đàn bà.” Rượu luôn luôn đi với thơ, dễ chừng không có rượu, cõi đời không có thơ, (bầu rượu, túi thơ.) Có bạn bè thì phải có rượu “chén chú, chén anh.” (Rượu ngon phải có bạn hiền!)

Một trong những cái “chẳng cũng sướng sao” của Kim Thánh Thán là gặp lúc bạn đến nhà mà đủ tiền mua rượu đãi bạn: “…Người bạn xa mười năm, thình lình đến vào chiều hôm. Mở cửa chào xong, chẳng kịp hỏi đi thuyền hay đi bộ, cũng chẳng kịp mời ngồi ghế hay ngồi giường… Hàn huyên qua loa, liền chạy mau vào nhà trong, sẽ hỏi vợ: “Mình có được như bà vợ Tô Đông Pha, sẵn có rượu để dành không?” Vợ cười, rút cành trâm vàng đưa cho. Tính ra có thể đãi khách được ba ngày… Chẳng cũng sướng sao!”

Trong tình yêu cũng thế: “Em ơi! Lửa tắt, bình khô rượu, Đời vắng em rồi, say với ai?”(VHC).

Trong lễ cưới hỏi của người Việt thì có khay rượu đi đầu, “giúp em một thúng xôi vò, hai con lợn béo, một vò rượu tăm!” Đôi tân lang và tân giai nhân cùng nhau uống rượu làm lễ giao bôi, họ hàng thì nâng ly rượu mừng cho đôi trẻ. Khi vui uống ly rượu mừng, lúc buồn mượn ly rượu giải sầu. Có ly rượu mừng và cũng có ly rượu phạt. Trong Tam Quốc Chí thì “Quan Vũ lên ngựa ra chém Hoa Hùng, chạy về chén rượu uống dở vẫn còn nóng!”

Người Trung Hoa, người Việt thì đám cưới cũng rượu, đám tang cũng rượu. Không có rượu, coi như lễ nghĩa không thành (Vô tửu bất thành lễ). Trong nhiều nghi lễ khác cũng cần có rượu, đặc biệt là trong các nghi lễ cưới hỏi. Trong phong tục cưới hỏi của người Việt, khay trầu rượu luôn được đi hàng đầu. Như vậy thì chúng ta cũng có thể nói: rượu là một nét văn hóa của người Việt.

Tai hại của rượu thì ai cũng đã thấy. Ngay ở Hoa Kỳ, tệ nạn nghiện rượu từng là thảm kịch trong gia đình của Tổng Thống Donald Trump. Người anh của ông là Fred Jr. đã qua đời vào năm 1981, vì nghiện rượu. Gia đình Ông Trump không ai uống rượu, năm ngoái (2018), ông đã tặng $100,000 trích từ tiền lương của ông trong quý thứ ba của năm cho cơ quan “National Institute on Alcohol Abuse and Alcoholism.”

Và ngày nay, thế giới đang báo động vì tai nạn uống rượu lái xe gây chết người.

Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO nói rượu là thủ phạm đứng hạng 3 gây ra số người chết và thương tật nhiều nhất trên thế giới, ước chừng có 2.5 triệu người chết mỗi năm.

Ở Hoa Kỳ, nghiên cứu cũng cho thấy rằng 5 thành phố tại California, như Vista, Hemet, Delano, Murrieta, và Pittsburg, việc tử vong do DUI (Driving under the influence – Lái xe dưới sự ảnh hưởng của rượu hay ma túy), gia tăng từ 140 tới 700% từ năm 2012 tới 2017. Trong thời gian 5 năm, hơn 5,500 người chết từ tai nạn do say rượu lái xe tại California.

Nhưng ở Mỹ có luật lệ nghiêm minh, cơ quan cảnh sát cũng làm việc đứng đắn, dân trí cao nên rượu không phải chuyện “quốc nạn” như ở đất nước Việt Nam.

Ở Việt Nam, chỉ tính trong một năm 2016, ước tính có 79,000 người chết vì uống rượu bia, và hàng trăm ngàn người khác phải vào bệnh viện vì các bệnh liên quan đến rượu như gan, tim mạch, ung thư, đột quỵ.

Việt Nam được xem là một “cường quốc” về rượu. WHO cho biết người Việt tiêu thụ trung bình một người trên 15 tuổi tiêu thụ 8.3 lít cồn nguyên chất trong năm 2016, trong khi các quốc gia trong khu vực sử dụng ít hơn nhiều như ở Mông Cổ là 7.4 lít, Trung Quốc là 7.2 lít, Campuchia là 6.7 lít, Philippine là 6.6 lít và Singapore chỉ có 2 lít.

Đàn ông Việt Nam sử dụng rượu bia càng ngày càng tăng, cứ 100 người đàn ông thì có 77% người uống rượu bia, gia tăng từ năm 2015 so với năm 2010 là 15%.

Rượu “góp mặt” trong 70% số vụ phạm pháp hình sự ở nhóm dưới 30 tuổi (giết người, hiếp dâm…)

Mỗi năm có, 4,800 người tử vong do tai nạn giao thông vì say rượu. Dịp Tết Kỷ Hợi vừa qua có 60% trong số 500 ca cấp cứu nhập viện liên quan đến rượu bia. Ước tính thiệt hại kinh tế do rượu bia, mỗi năm Việt Nam thiệt hại khoảng 65,000 tỉ đồng (khoảng $2.8 tỷ).

Bây giờ rượu không còn “nhấp” hay “nhâm nhi” mà phải “nhậu,” “nốc,” “dzô!” Uống rượu ngày nay không còn là cái thú tao nhã, phong lưu nữa mà đã trở thành một tệ nạn, lan tràn khắp đất nước. Đám cưới phải nhậu, đám ma cũng nhậu, mừng nhà mới, con tốt nghiệp cũng nhậu, lên lương, lên chức cũng nhậu, thảo luận làm ăn, ký khế ước cũng nhậu, mừng vô đảng viên cũng nhậu. Ngày thường nhậu, cuối tuần nhậu nhiều hơn. Rượu vào lời ra, nôn mửa, la lối, đánh giết nhau, vật vã trên vỉa hè, chẳng còn một chút gì gọi là nhân cách.

Và theo quan niệm từ xưa, đàn ông, nam nhi thì phải biết uống rượu. “Nam vô tửu, như kỳ vô phong.” (Đàn ông không rượu, như lá cờ không có gió.) Nhậu mới là đàn ông, nhậu mới là chịu chơi. Xã hội ngày nay, thằng đàn ông không rượu là đồ hèn. (Cởi quần mặc váy đi anh,Về cho con bú, cơm canh lau nhà..) Buổi chiều tan sở, ra thẳng quán nhậu. Không nhậu với thủ trưởng, đồng nghiệp thì đừng hòng có phe cánh hay sống còn.

Chuyện xưa kể, ngày xưa có một chàng trai bị quỷ đòi mạng. Anh chàng van xin tha tội. Quỉ ra điều kiện, phải làm ba việc, uống rượu, đốt nhà hay giết mẹ! Đốt nhà, giết mẹ thì không nỡ, chàng trai chọn điều kiện uống rượu. Nhưng khi rượu vào mất trí khôn, chàng trai đốt nhà rồi giết luôn mẹ. Ngày nay cứ mở Google ra, đánh mấy chữ “Say rượu, giết Mẹ,” sẽ thấy hiện lên hàng trăm trường hợp đi nhậu say rượu về, con trai cầm dao giết mẹ, hay cha giết cả nhà, bạn bè đâm nhau lòi ruột.

Trong chuyện Tam Quốc, có chuyện Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi, ba người tâm đầu ý hợp, cùng nhau uống mấy vò rượu mà kết bái huynh đệ tại vườn đào. Ngày nay ở Việt Nam có chuyện hai anh em kết nghĩa, sau bữa nhậu say túy lúy, ông anh nham nhở sờ vào vùng kín của ông em, khiến người này tức giận vác dao chém chết ông anh kết nghĩa.

Trong văn chương thấy người xưa uống rượu có phong cách, chừng mực, uống rượu như là một thứ nghệ thuật, đắp bồi cho giá trị cuộc sống. Ngày nay, Việt Nam là một nước nghèo, lại mang tiếng là đứng đầu vì rượu chè, tai nạn giao thông, ung thư, án mạng, hiếp dâm, phá thai…con người mất nhân cách, lâm cảnh tù đày…

Nói đến chuyện say rượu, phải nói đến nhân vật Chí Phèo. Nhà văn Nam Cao đã kết án đanh thép cái xã hội phong kiến, thực dân tàn bạo, tàn phá cả thể xác và tâm hồn người nông dân lao động, vùi dập cả đạo đức, nhân tính.

Trong “Bản án chế độ thực dân Pháp,” viết bằng tiếng Pháp và được in năm 1925-1926 trên một tờ báo của Quốc Tế Cộng Sản, Nguyễn Ái Quốc cho rằng Pháp đầu độc dân Việt Nam, bằng cách bắt họ uống rượu theo tiêu chuẩn đầu người (?) Nhưng cứ nhìn con số người chết vì rượu, và những tệ nạn xã hội do rượu gây ra dưới thế hệ Hồ Chí Minh, cái thời mà Tổng Bí Thư đã ca tụng “đất nước ta chưa bao giờ có được như ngày hôm nay,” thì cái chế độ này còn độc ác và gây tội lỗi cho dân tộc Việt Nam gấp trăm lần thời nô lệ!

Quốc Hội CSVN hiện nay đang dùng dằng chưa muốn đem việc hạn chế rượu thành luật, vì rượu là “nền văn hóa thế giới,” thậm chí dẫn cả thơ của Hồ Chí Minh, cho rằng “chỉ khi bị tước đoạt tự do mới không được uống rượu!” (Trong tù không rượu cũng không hoa)!

Để giữ gìn sức khỏe, Lãn Ông đã khuyên: “bán dạ tam bôi tửu, bình minh nhất trản trà…”(Nửa đêm ba chén rượu, sáng sớm một tuần trà, mỗi ngày cứ như thế, thầy thuốc không đến nhà). Chuyện này không chắc lắm, nhưng “nốc” rượu như Việt Nam ngày nay, bác sĩ cũng chạy xa, xe cứu thương đến nhà, và cuối cùng, đạo tì khiêng xác ra… (Huy Phương)