Đứng về mặt Lịch Sử phải khách quan. Đúng sai như thế nào? Ai là kẻ xâm lược? Ai đứng lên bảo vệ lãnh thổ của mình thì phải rõ ràng.
Người dân trong một cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa ngày 19/1/1974 được tổ chức tại Hà Nội vào năm 2017.
AFP
Khoảng hơn một tuần nay, một số tờ báo trong nước đã cho đăng tải các bài viết về sự kiện Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào ngày 19/1/1974, trong đó có một số bài nhấn mạnh đến thái độ “ngang ngược” của Trung Quốc với “mưu đồ bành trướng ra toàn bộ Biển Đông”. Động thái này của truyền thông trong nước có ý nghĩa gì đối với mối quan hệ Việt-Trung, vấn đề vốn được xem là nhạy cảm trong mắt của chính phủ Việt Nam từ trước đến nay?
Phản ánh thẳng thắn, mạnh dạn
Sáng 17/1/2019, tờ Thanh Niên trong nước cho đăng tải bài viết nhan đề 45 năm Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam: Mưu đồ độc chiếm Biển Đông của tác giả Khánh An được sự ủng hộ của hàng ngàn lượt chia sẻ trên mạng xã hội.
Một số mạng báo khác hôm 18/1/2019 cũng đồng loạt đăng tải các bài viết cùng chủ đề với tựa như Trung Quốc âm mưu thôn tính Hoàng Sa từ Hội nghị Geneva 1954? Trước đó trong tuần, báo Tuổi Trẻ cũng cho phát hành nhiều bài liên quan đến Hoàng Sa như Người Việt Nam vẫn luôn khắc cốt ghi tâm về ngày 19-1, Nghe Tổ quốc gọi tên mình bằng tiếng sóng Hoàng Sa, Trường Sa hay Nhà trưng bày Hoàng Sa là điểm hành hương về lòng yêu nước.
Nhận định về động thái này của truyền thông trong nước, Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên trưởng Ban Biên giới Chính phủ cho biết:
Đây là một hiện tượng đáng ghi nhận và một điều hết sức cần thiết. Sự kiện Hoàng Sa 1974, Gạc Ma 1988, thậm chí việc Trung Quốc gây ra cuộc Chiến Tranh Biên Giới 1979, và Chiến Tranh Biên Giới Tây Nam cũng vào thời điểm đó cần phải được đề cập. Đứng về mặt Lịch Sử phải khách quan. Đúng sai như thế nào? Ai là kẻ xâm lược? Ai đứng lên bảo vệ lãnh thổ của mình thì phải rõ ràng.
Tiến sĩ Trần Công Trục nhấn mạnh đây là một dấu hiệu tốt để đánh giá đúng bản chất các vấn đề, cũng như rút ra bài học của các sự kiện để Việt Nam sẽ có ứng xử tốt cho tương lai, giữ được hòa bình, hợp tác không chỉ ở Biển Đông và ở cả các khu vực khác trên thế giới.
Sự kiện Hoàng Sa 1974, Gạc Ma 1988, thậm chí việc Trung Quốc gây ra cuộc Chiến Tranh Biên Giới 1979, và Chiến Tranh Biên Giới Tây Nam cũng vào thời điểm đó cần phải được đề cập.
-TS. Trần Công Trục
Trả lời RFA tối 18/1/2019, nhà báo Võ Văn Tạo, một cựu chiến binh cộng sản, chia sẻ:
Thực ra thì không phải đến năm nay báo chí mới nói đến sự kiện Hoàng Sa mà tôi nhớ năm 2014, báo Thanh Niên cũng đã đề cập tới chuyện này. Trong các tờ báo của Việt Nam phản ánh sự kiện này, tôi thấy báo Thanh Niên tương đối có một lối trình bày thẳng thắn, mạnh dạn mà báo Tuổi Trẻ không bằng được. Mặc dù số lượng phát hành của báo Tuổi Trẻ nhiều hơn báo Thanh Niên, nhưng độ can đảm không bằng trong vấn đề đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.
Bài viết của tờ Thanh Niên đăng tải hôm 17/1/2019 khẳng định Trung Quốc đã có “hàng loạt hành động phi pháp” kể từ khi “ngang ngược cưỡng chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa” và đưa ra một loạt bằng chứng các hành động tuyên bố chủ quyền, quân sự hóa các đảo nhân và nói thẳng Trung Quốc muốn “tiếp tục bành trướng Biển Đông.”
Trả lời câu hỏi về vai trò của Ban Tuyên Giáo đối với bài viết trên của tờ Thanh Niên, nhà báo Võ Văn Tạo nói:
Về vấn đề báo chí, nhà nước Việt Nam trong chừng mực nào đó cũng có những nới lỏng nhất định. Nhưng lỏng ở chỗ này thì chật ở chỗ khác, nhưng không phải lỏng hoàn toàn đâu. Tôi cho rằng đây chủ yếu là do quan điểm, cách thức làm việc của tờ Thanh Niên.
Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam tháng 7/2017 công bố cho biết có khoảng 1000 cơ quan báo, tạp chí được cấp phép hoạt động tại Việt Nam với hơn 17 ngàn nhà báo được cấp thẻ hành nghề.
Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng mới đây vào hôm 11/10/2018 tại Hội nghị Giao Ban Quản Lý Nhà Nước yêu cầu Cục Báo chí cần nắm chắc cơ sở dữ liệu cụ thể về số lượng phóng viên, cộng tác viên để “đo lường tin tốt, tin xấu.” Báo trong nước trích lời ông Hùng cho rằng “nếu tỷ lệ thông tin tiêu cực dưới 10% tổng số tin thì không cần bận tâm, 20% thì cảnh báo, 30% thì phải bắt đầu hành động.”
Vì sao?
Mối quan hệ Việt – Trung, trong đó vấn đề chủ quyền Biển Đông từ trước đến nay vốn là một trong những đề tài nhạy cảm đối với chính phủ Hà Nội.
Một cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa ngày 19/1/1974 được tổ chức tại Hà Nội vào năm 2017. AFP
Tình trạng người dân xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc vì tranh chấp các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa diễn ra từ nhiều năm trước thường xuyên bị đàn áp và bỏ tù. Năm 2007, cô Phạm Thanh Nghiên bị bắt và tuyên 4 năm tù vì ngồi tọa kháng tại nhà với biểu ngữ “Trường Sa, Hoàng Sa, Việt Nam.” Năm 2014, hàng nghìn công nhân ở Bình Dương xuống đường phản đối Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép HD 981 trên cùng biển Việt Nam đã trở thành bạo loạn khiến 28 người bị khởi tố và 6 người bị án tù.
Việt Nam và Trung Quốc hiện nay vẫn đang có tranh chấp ở khu vực Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông. Quần đảo Hoàng Sa do Việt Nam Cộng Hòa cai quản đã bị Trung Quốc bắt đầu cưỡng chiếm từ những năm 1950 và chiếm toàn bộ vào ngày 19/1/1974. Hải quân Trung Quốc vào ngày 14/3/1988 cũng đã tấn công đảo Gạc Ma của Việt Nam ở Trường Sa giết chết 64 thủy thủ và chiếm đóng từ đó đến nay.
Tuy nhiên, các trận hải chiến nói trên giữa hai phía chỉ đến trong các năm gần đây mới được truyền thông trong nước chính thức mổ sẻ.
Lẽ ra cũng phải nói đúng vai trò của quân lực Việt Nam Cộng Hòa, cũng như chính phủ VNCH trong nỗ lực giữ gìn giang sơn của cha ông để lại.
-Nhà báo Võ Văn Tạo
Nhà báo Võ Văn Tạo phân tích nguyên nhân:
Quan hệ Hà Nội – Bắc Kinh phụ thuộc vào hành xử của hai bên, nhất là sau khi sự kiện dàn khoan HD 981 vào tháng 5/2014 đã đẩy mâu thuẫn của hai nước lên mức mới. Ban lãnh đạo Ba Đình ở Hà Nội cũng nhìn nhận ông bạn láng giềng với bộ mặt hung hăng, dữ tợn hơn so với trước đây.
Sau Hội Nghị Thành Đô giữa Việt Nam và Trung Quốc ký kết vào tháng 9/1990, hai nước đã bình thường hóa quan hệ trên cùng cơ sở nền tảng chính trị Xã Hội Chủ Nghĩa. Giới quan sát chính trị Việt Nam cho rằng kể từ đó, quan chức Hà Nội có đôi lúc phải nhún nhường trước các hành động lấn lướt của Trung Quốc.
Tuy nhiên, nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng năm 2014 đánh dấu sự tỉnh ngộ của các lãnh đạo cao cấp của đảng và nhà nước Việt Nam:
Ở cương vị đó, những lãnh đạo cán bộ cao cấp của Việt Nam mà không lên tiếng có thái độ dứt khoát với Trung Quốc thì chính họ cũng đánh mất tính chính danh đối với các cán bộ đảng viên trong bộ máy của họ, cũng như đối với quần chúng nhân dân. Điều đó có thể cũng là nguyên nhân khiến chế độ của họ không tồn tại được lâu dài.
Vai trò của Việt Nam Cộng Hòa
Thực tế cho thấy các bài viết về sự kiện Hoàng Sa 1974 của báo chí trong nước hiện nay vẫn chưa đề cập đến vai trò của chính phủ và các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa, như lời của nhà báo Võ Văn Tạo:
Nếu tìm hiểu kỹ về trận đánh chớp nhoáng ngày 19/1/1974 thì thấy rằng ý chí của Việt Nam Cộng Hòa cũng đẩy lên rất cao để bảo vệ lãnh thổ; nhưng vì tương quan lực lượng quá chênh lệch cho nên việc giữ được Hoàng Sa là bất khả thi, thất bại. Cuối cùng dẫn đến mất cả quần đảo Hoàng Sa về tay Trung Quốc là rất đáng tiếc. Lẽ ra cũng phải nói đúng vai trò của quân lực Việt Nam Cộng Hòa, cũng như chính phủ VNCH trong nỗ lực giữ gìn giang sơn của cha ông để lại. Tôi cho rằng hệ thống tuyên truyền của nhà nước Việt Nam hiện nay làm chưa tốt vấn đề này.
Đồng quan điểm với nhà báo Võ Văn Tạo, Tiến sĩ Trần Công Trục chia sẻ quan điểm:
Tôi nghĩ tất cả những động thái đấu tranh trên phương diện ngoại giao, đấu tranh trên phương diện quân sự, và những người lính Việt Nam Cộng Hòa ra đó để chiến đấu bảo vệ đất nước dù tương quan lực lượng và những khó khăn như chúng ta đã biết đều có ý nghĩa về mặt pháp lý. Và giá trị về mặt pháp lý nghĩa là họ đã đại diện cho nhà nước Việt Nam trong việc quản lý chủ quyền thiêng liêng của nước Việt Nam nói chung đối với mảnh đất Trường Sa và Hoàng Sa.
Nói với RFA, nhà báo Võ Văn Tạo bày tỏ sự nuối tiếc và cho rằng tính “kiêu ngạo cộng sản” đến tận giờ vẫn còn ẩn vào trong đầu của nhiều người trong hệ thống tuyên truyền Việt Nam.