Theo thói đời, hễ ai gặp tai ương, bất hạnh đều là những người ít phước, vụng tu, ăn gian, ở ác.
Đài tưởng niệm ngay tại nơi Tòa Tháp Đôi của Trung Tâm Thương Mại Thế Giới tại Manhattan, New York, bị khủng bố. (Hình: Getty Images)
Sáng ngày 11 Tháng Chín, 2001, bốn nhóm không tặc Al-Qaeda gần như cùng một lúc cướp bốn máy bay hành khách hiệu Boeing đang trên đường bay nội địa trong nước Mỹ. Hai máy bay lao thẳng vào Tòa Tháp Đôi của Trung Tâm Thương Mại Thế Giới tại Manhattan, New York làm hai tòa tháp bị sụp đổ hoàn toàn. Nhóm không tặc và chiếc phi cơ thứ ba đâm vào Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ (Ngũ Giác Đài) tại Arlington, Virginia. Chiếc máy bay thứ tư, dự định đâm vào Điện Capitol- Quốc Hội, nhưng nhờ một nhóm hành khách trên máy bay dũng cảm chống lại bọn không tặc, nên máy bay rơi xuống một cánh đồng thuộc Quận Somerset, Pennsylvania.
Tổng số đã có 2,996 người thiệt mạng (tính cả 19 kẻ khủng bố) trong vụ tấn công, và 24 người liệt kê mất tích xem như đã chết, gây tổn thất ít nhất $10 tỷ giá trị nhà đất và cơ sở hạ tầng, và tổng số thiệt hại là $3,000 tỷ.
Biến cố 9-11 khiến con người ta nhận thức được sự mong manh của cuộc sống, và nhu cầu thương yêu, chỉ số về lòng yêu nước, lòng vị tha và con người tin vào tôn giáo nhiều hơn. Người Mỹ hạn chế đi du lịch, mua sắm, ăn tối nhà hàng, hay đi xem phim, đến rạp hát và để dành thời gian nhiều hơn cho việc tiếp xúc với xã hội, thăm gia đình, dành thời gian cho con cái, các hoạt động tôn giáo, để dành tiền, làm từ thiện và xử dụng các phương tiện truyền thông nhiều hơn.
Toàn thế giới bàng hoàng về thảm hoạ của nước Mỹ và trước sự mất mát, chết chóc của các nạn nhân mang quốc tịch của 90 nước trên thế giới, phản ứng của các chính phủ và phương tiện truyền thông trên khắp thế giới là gay gắt lên án hành động khủng bố, một mặt bày tỏ sự đồng cảm với nhân dân Hoa Kỳ trước đại nạn này, với những dòng chữ lớn trên nhật báo Pháp, Le Monde: “Ngày hôm nay, tất cả chúng ta đều là người Mỹ!” Hàng triệu người trên thế giới tổ chức thắp nến tưởng niệm nạn nhân.
Nhưng trong khi đó Iraq đưa ra một thông báo chính thức, “những gã cao bồi Mỹ đang hứng chịu hậu quả tội ác của họ chống lại nhân loại,” và một số người Palestine tổ chức ăn mừng trước sự kiện này.
Theo bài diễn thuyết của Thượng Tướng Lưu Á Châu – Bộ Quốc Phòng Trung Quốc – ông có nói đến cách thức mà xã hội Trung Quốc phản ứng với thảm hoạ 9-11 của nước Mỹ. Tối 12 Tháng Chín, có người gọi điện thoại tin cho ông biết, sinh viên trường đại học Bắc Kinh và Thanh Hoa đang “khua chiêng gõ trống ăn mừng” vụ tòa tháp đôi của Trung Tâm Thương Mại Thế Giới (WTC) tại Manhattan bị máy bay khủng bố đâm vào.
Trung Quốc có một đoàn đại biểu nhà báo, lúc ấy đang làm việc tại Mỹ, vậy mà khi nhìn thấy tháp đôi bị đâm trúng, nhóm ký giả này không nín được sự mừng rỡ, đã vỗ tay hoan hô. Trong mấy ngày xảy ra sự kiện 9-11, nhiều sĩ quan đến thăm thượng tướng lưu Á Châu, tất cả đều nói: “Nổ rất hay!” có nghĩa là khen ngợi bọn khủng bố đã đánh trúng mục tiêu.
Trong khi cả thế giới bàng hoàng vì đòn thù ghê gớm, tàn ác của bọn khủng bố, thì qua các cuộc phỏng vấn, nhiều người Việt trong nước đã phát biểu những lời lẽ bất thường, vì lòng thù hận đối với nước Mỹ chưa nguôi, và vì vậy họ đã xúc phạm tới những nạn nhân thiếu may mắn trong biến cố này. Trong bài báo “Bài Học Khó Thuộc” ký giả Hà Văn Thuỳ trên Talawas đã có những dòng chữ cay nghiệt đối với toàn nhân dân Hoa kỳ như sau: “Nói ra người ta cho mình là kẻ ác, sự kiện 11 Tháng Chín là cái giá đích đáng mà người Mỹ phải trả vì những gì họ đã gây ra cho thế giới.”
Ngay trong thiên tai Tsunami năm 2004, xảy ra ở bốn nước Đông Nam Á phần đông là các nước đông dân Hồi Giáo, giết chết 175,000 người, nhiều kẻ ghét Hồi Giáo đã cho đó là do “Chúa phạt.”
Tiếp theo là trận bão Katrina vào cuối Tháng Chín, 2005, tàn phá bốn tiểu bang nước Mỹ trong vùng Vịnh Mexico, để lại nhiều thảm họa, tổn thất nặng nhất là cho thành phố New Orleans với hơn 1,000 người chết. Trước nỗi đau của đồng loại, không những chỉ riêng nước Mỹ bàng hoàng mà tất cả thế giới đều quan tâm theo dõi và tùy khả năng tìm cách giúp đỡ nhất là chia sẻ mối tình cảm đối với những người bất hạnh trong vùng thiên tai. Nhưng cũng chính trong lúc ấy, vẻ rạng rỡ và thỏa mãn, một giới chức Hồi Giáo đã “phán” rằng: “Tai họa đó là do Thánh Allad trừng phạt.”
Cũng trong thời gian đó, tại nước Anh, ông Rupert Murdoch, chủ tịch tổ hợp truyền thông News Corporation, đã than phiền rằng đài phát thanh BBC đã có ác ý và thành kiến khi nói về trận bão Katrina. Ông đã cho rằng BBC chứa đầy lòng thù ghét nước Mỹ và có vẻ vui thích về những khó khăn mà nước Mỹ đang gặp phải.
Chuyện mới đây thôi, ngày 27 Tháng Tám, Washington Post đưa tin Giáo Sư Xã Hội Học Kenneth L. Storey ở đại học tư thục Tampa, Florida vì lòng thù hận Donald Trump, đã phát biểu trên Twitter: “Tôi không tin vào quả báo nhãn tiền nhưng tôi cảm giác bão Harvey chính là dành cho dân Texas. Hy vọng rằng cơn bão này sẽ giúp họ nhận ra đảng Cộng Hòa chả quan tâm gì đến họ.” Trường Tampa sau đó ra thông cáo chính thức lên án mạnh mẽ phát ngôn của Giáo Sư Storey, gọi đó là “hành động vô trách nhiệm,” đồng thời cho ông giáo sư này nghỉ việc.
Người quân tử, dù là đối với kẻ thù, khi gặp hoạn nạn chúng ta còn đem lòng thương hại và giúp đỡ, không thể cảm thấy lòng hả hê như những người Hồi Giáo vô lương tâm trong vụ 9-11, hay phát xuất từ một nước bạn bè như nước Anh trong cơn bão Katrina và giờ đây là trận bão Harvey từ chính những người trí thức trong nước.
Theo thói đời, hễ ai gặp tai ương, bất hạnh đều là những người ít phước, vụng tu, ăn gian, ở ác.
Theo quan niệm này, những gia đình toàn vẹn được qua các cuộc chiến, di tản sang ngoại quốc được từ năm 1975 hoặc vượt biên thành công, sang đây con cái học hành đỗ đạt… đều là những người có phước đức, phúc hậu. Trái ngược với những trường hợp trên như gia đình có người tử trận, kẹt lại Việt Nam, mất tích ngoài biển, sang đây con cái không học hành đến nơi đến chốn… khi giao tiếp, tuy không nói ra, nhưng rõ ràng là những người phải được hiểu ngược lại là “vô phước” hay “thất đức.”
Sự hãnh diện về những gì mình có, may mắn hơn người khác thay vì để cho mình mở rộng tấm lòng chia sẻ hạnh phúc với những người khốn khó, thì người ta lại cười mỉm khinh khi những kẻ khốn cùng thiếu may mắn hơn mình.