“Nói thiệt nghe, người chạy xe ở đây không có biết nhường. Họ chạy ghê quá!”
Một cảnh buôn bán ở Bolsa Litte Saigon. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
WESTMINSTER, California (NV) – Một kỳ nghỉ lễ dài vừa chấm dứt, cũng là dịp Little Saigon thu hút đông đảo khách phương xa đổ về với đủ mọi lý do, nào đi chơi lễ, đi thăm người thân, nào đi họp mặt bạn bè, đi hội ngộ đồng hương, và cả lý do đi cho biết thế nào là Sài Gòn Nhỏ nơi đất khách… Mà phàm đã là nơi nổi tiếng, là “vùng đất của công chúng,” thì người ngoại tỉnh dĩ nhiên cũng sẽ có đủ mọi lời khen chê thương ghét dành tặng cho Bolsa-Little Saigon, nơi giữ được “chất Việt Nam đậm đà” nhất trên đất Mỹ này.
Chạy xe không biết nhường
Một anh bạn sống ở vùng cận thủ đô Washington, DC ít nhiều cũng 35 năm có lẻ, trở lại đường phố Bolsa lần thứ hai đã thốt lên lời nhận xét, “Nói thiệt nghe, người chạy xe ở đây không có biết nhường. Họ chạy ghê quá!”
Anh nói, “Thường khi mình lui xe ra, mình sẽ không biết là có xe nào đang chạy đến hay không bởi vì những xe đậu trong bãi che khuất tầm nhìn. Chính vì vậy mà mình sẽ phải lùi ra từ từ, chậm chậm để quan sát. Đồng thời, những xe đang chạy tới khi thấy có xe de ra thì họ sẽ ngừng lại chờ.”
“Nhưng ở đây người ta không làm như vậy. Hôm tôi ở trong bãi xe Phước Lộc Thọ, tôi vừa lui ra một chút, thì một xe chạy ào qua. Hết hồn. Mình nhích ra chút nữa. Lại một chiếc khác vọt qua. Trời ơi, không biết đến bao lâu mình mới lùi hết được cái xe ra ngoài,” anh kể trong sự ngạc nhiên quá đỗi.
Đó là chuyện trong “parking lot.” Còn xe từ trong các khu thương mại hay từ đường nhỏ muốn chạy ra đường lớn cũng gặp phải chuyện “nhiều tài xế không biết nhường” tương tự như thế.
“Mình từ trong khu nhà hàng Tràm Chim, tiệm bánh mì Mr. Baguettes trên đường Bolsa muốn chạy ra đường lớn, mà đứng chờ không biết bao nhiêu lâu mới ra được. Mình đã nhú nhú đầu xe với ý muốn ra mà nhiều người cứ làm như không thấy, họ cứ chạy vùn vụt như ma đuổi vậy. Đó là chưa kể khi đèn đỏ, thay vì họ phải dừng né những nơi có con đường vắt ngang qua, để cho xe bên trong có thể ra thì họ lại đậu chắn ngang luôn, bất cần. Không biết hồi đó họ học luật thi bằng lái xe kiểu gì nữa,” một cô từ Santa Barbara xuống Little Saigon đi chợ than thở.
Nhường không đúng cách, không biết cám ơn
Dĩ nhiên, Little Saigon vẫn có rất nhiều người tử tế, biết nhường nhau con đường đi.
Tuy nhiên, sự nhường đôi khi lại trở nên quá lố, khiến dòng xe đang bon bon trên đường bỗng dưng… “tắc tị.”
“Trên đường Bolsa (cũng lại Bolsa!), gần chỗ đèn xanh đèn đỏ ở ngã tư Brookhurst, nơi có tiệm T-Mobiles. Có nhiều chiếc xe từ trong khu thương mại đó muốn ra. Thế là một ông bác đang lái xe phía trước tôi ‘stop’ lại cho xe ở trong chạy ra. Một chiếc. Hai chiếc. Ba chiếc. Trời, nhìn lại cả một đoàn xe phía sau phải dừng lại hết. Thế là người ta bấm còi. Ai đâu mà nhường kiểu gì kỳ vậy. Nhường từng chiếc thôi chứ,” một anh bạn từ Florida lấy làm lạ, kêu lên.
Mà lạ nữa là nhiều người được nhường thì lại không biết cám ơn, dù chỉ là một cái giơ tay.
“Hay là họ nghĩ đang lái xe người ta không nhìn thấy cử chỉ cám ơn đó?” Anh bạn hỏi thêm đầy ẩn ý.
Cũng liên quan đến chuyện cám ơn, một người quen cũng lắc đầu, kể, “Tôi đẩy cửa bước vô ngân hàng Bank Of America trong khu chợ ABC. Vừa dợm chân bước vô thì một ông từ trong bước sấn ra. Thì thôi mình nhường cho ổng đi, tay vẫn giữ cửa mở. Ổng đi không nói một chữ ‘cám ơn.’ Thôi cũng kệ. Nhưng rồi lại thêm một nàng nữa bước ra. Cũng không nở được một nụ cười cám ơn. Hình như họ nghĩ tôi là người bảo vệ có nhiệm vụ mở cửa cho họ thì phải. Mà ngay cả người bảo vệ thì cũng phải cám ơn chứ, phép lịch sự tối thiểu của người sống ở Mỹ mà.”
Bolsa-Little Saigon có nhiều sinh hoạt thu hút khách phương xa. Trong hình: diễn hành Tết trên đường Bolsa. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Buôn bán không biết cười
Cô bạn tôi từ Texas sang chơi giống như bị “shock” khi vào một ngôi chợ Việt không cách xa mặt đường Bolsa.
“Hình như họ tuyển người bị câm lẫn điếc,” bạn tôi nhận xét.
Chuyện là sau khi đẩy đồ chất lên quầy tính tiền, một anh chàng thu ngân “người gầy gầy, miệng hô hô” đưa mắt nhìn cô bạn tôi khi bắt đầu cầm món hàng đầu tiên lên “scan” qua máy trong lúc cô nói “Hi.” Không nói chẳng rằng, không cười chẳng mếu, anh chàng từ từ “scan” hết món này đến món khác. Xong, anh bấm “enter” để màn hình hiện lên giá tiền và đứng chờ.
“Hình như ảnh chờ mình tự nhìn số tiền và tự móc tiền ra trả. Tôi nhíu mày nhìn anh ta. Anh ta bèn nói cộc lốc, ‘Năm mươi đồng bảy mươi hai ‘xen’.” Tôi móc thẻ ‘cà,’ anh ta in hóa đơn, rồi đặt lên kệ, tự tôi hiểu là ‘ký đi.’ Xong, anh ta đưa lại cho tờ hóa đơn cho tôi. Không một câu cám ơn. Không một nụ cười lấy lệ. Trời ạ! Chẳng lẽ tôi đứng lại làm cho anh ta một bài, hoặc là kêu người quản lý ra mắng vốn. Sợ thiệt tình luôn cái cách của dân Bolsa,” bạn nói một cách bực bội trong khi tôi cố cười chống chế, “Thì ở đâu cũng có người này người khác, ở đây cũng có nhiều người buôn bán dễ thương mà.”
Anh bạn Florida của tôi thì lại “thề” sẽ không bao giờ trở lại mua tôm hùm ở chợ ABC nữa, cũng bởi cách buôn bán.
Anh kể, “Bà xã tôi dặn mua tôm hùm ở chợ ABC mang về, vì ở đó họ có nhận xào luôn cho mình với tiền công là $2 cho mỗi pound. Hơn 9 giờ sáng tôi vô chợ mua. Ông coi quầy tôm hùm hỏi có muốn xào không. Tôi nói có. Ổng kêu vậy 10:30 quay lại vì lúc đó mới nhận xào. Tôi nói vậy giờ tôi mua trả tiền rồi tôi quay lại lấy, chứ sao phải mắc công chạy tới chạy lui. Ông ta lắc đầu bảo ’10:30 quay lại, giờ không nhận.’ Tôi phải chạy đi lo công việc khác. Đến hơn 10:30 trở lại, mua mấy con tôm, họ cân xong, kêu qua quầy food to go trả tiền. Qua đó, họ nói phải chờ đến 12 giờ mới xong vì khách đông quá! Nghĩ lại, mua có mấy con tôm mà mất thời gian đến vậy thì quả là ngán ngẩm.”
Không biết xếp hàng hay chen được cứ chen
Một ông từ New Jersey vừa dọn về Nam California thì đã thích chí đi mua… chè để xem không khí chốn “Bolsa gió tanh mưa máu” là như thế nào.
“Tôi đã đứng chờ cả buổi trong ‘không khí hỗn loạn’ vì chẳng có hàng lối gì hết, những bà những chị đến sau cứ tạt ngang vô ‘order’ không cần biết ai đến trước. Cuối cùng cũng có người nhường tôi. Tôi hí hửng nói ‘bán cho 3 chén chè đậu trắng,’ thì bà bán hàng nói xẵng ‘ở đây bán ly chứ không bán chén.” Từ nhỏ tôi ở Việt Nam chỉ nghe chén chè chứ có nghe ly chè đâu. Lần đầu tiên mua đồ ở tiệm Việt Nam hết hồn vậy đó,” ông sống hơn một phần tư thế kỷ ở New Jersey nhớ lại.
Một chị cũng dân ngoại tỉnh dẫn con đi chợ. Đến khi xếp hàng trả tiền, thấy một bà bác cầm trên tay chai nước mắm đến mỉm cười hỏi, “Nhường bác tính tiền trước nghe!” chị gật đầu đồng ý, chỉ một chai nước mắm thôi mà.
Thế nhưng, đời không như là mơ.
“Mình vừa lùi lại nhường chỗ thì bả ngoắc tay cho con gái bả đẩy nguyên một xe đầy nhóc tới. Lúc đó hai mẹ con tôi chỉ còn biết nhìn nhau không nói nên lời,” chị kể cùng nụ cười như mếu.
Thiệt tình thì Bolsa-Little Saigon có lắm điều hay nhưng mà những điều “kinh dị dạng” như trên cũng không phải là ít.
Tôi cũng người Little Saigon, đồng hương Bolsa mình nghe những chuyện này cảm thấy thế nào thì tôi cũng thấy y như vậy.