Cảnh cướp ấn Đền Trần chính là phiên bản thu nhỏ của xã hội CSVN bây giờ, khi cơn khát thèm được thăng quan tiến chức, giành giật địa vị, kiếm chác công danh, chen lấn, giẫm đạp lên nhau mà sống, chẳng còn kiêng dè ai.
(Hình minh họa: Hoàng Đình Nam/AFP/Getty Images)
Câu chuyện bắt đầu từ ông thần tài, ông là ai, ai cần ông và ông làm gì giúp được cho con người. Thời kỳ chiến tranh với những bếp tập thể, ra đồng, ăn ngủ theo tiếng kẻng, mỗi người sở hữu một đôi đũa tre và cái chén sắt giắt lưng. Trên đầu có cái nón cối để che mưa nắng, có khi dùng múc nước ao hồ để tắm táp, có khi dùng đựng mấy lon gạo, mớ khoai hợp tác xã. Dưới chân có đôi dép vượt Trường Sơn, có lúc dừng chân xuống suối dùng vào việc kỳ cọ cái lưng bẩn bụi đường. Ngang hông thắt chiếc võng ny-lông, vừa là giường nằm vừa là chăn đắp. Cứ thế mà đưa tay cho đảng dắt đường, không cần biết đi đâu!
Bây giờ người ra có đủ mọi thứ, chức vụ, nhà cửa, tài sản, vợ con đùm đề, có khi còn thêm chút bồ bịch cho ngang bằng với đồng chí, anh em, với bàng dân, thiên hạ. Có rồi thì phải ráng giữ. Có một lại muốn thêm 10, mà lòng tham thì vô đáy. Bon chen, chạy chọn, vật vã với đồng loại chưa đủ, con người còn muốn cầu đến những hình ma, bóng quế, trong đó có ma quỷ lẫn thần thánh.
Tôi sinh ra và lớn lên ở miền Nam, không hề biết tới ông thần tài là ai. Thì ra ông thần tài chính là Triệu Công Minh, người đời nhà Thương bên Trung Quốc. Ông đi tu và đắc đạo, được phong làm Chính Nhất Huyền Đàn Nguyên Soái, coi việc đuổi trừ ôn dịch, cứu bệnh trừ tà, ai bị oan ức đến cầu cứu ông thì được giúp đỡ, nhưng không hiểu từ đâu ông lại trở thành nhân vật mang đến phát đạt, giàu có, may mắn cho những ai cầu xin tới ông. Cũng không hiểu từ đâu người ta định cho ông một ngày, đó là ngày Mùng Mười Tết – chưa chịu nói là mùng 10 Tháng Giêng – là ngày vía của ông người Hoa này.
Cả nước lên cơn sốt ngày vía thần tài, cho đây là “ngày lễ hội,” “ngày may mắn nhất trong năm” nên người ta tranh thủ đi “xếp hàng” để mua vàng và đặc biệt là thỉnh “vật phẩm phong thủy may mắn” để cả năm “phát tài, phát lộc, công danh, sự nghiệp, tình duyên viên mãn&Những cửa hàng bán vàng từ 5 giờ sáng đã có người xếp hàng như mọi năm và đến 9 giờ sáng, cả con phố đã đông nghẹt người đi mua vàng cầu may. Ngày này, tất cả mọi nhà, công ty, cửa hàng&có thờ thần tài, thì đều sắm lễ vật để cúng lấy vía thần tài, cầu xin một năm mới làm ăn được thịnh vượng về tài lộc.
Cũng không hiểu sao, những vé số có những con số đuôi 39 và 79 dù giá tăng gấp năm lần, cũng được khách hàng mua hết từ sớm, cá lóc, tôm càng xanh là những món đắt khách, mà chưa ai giải thích lý do, ở Hội An lại dấy lên hủ tục áp tượng thần tài vào ngực của các cô gái bán hàng. Toàn là những thứ huyền thoại mơ hồ xuất phát từ bên Trung Quốc mà chưa lúc nào có bộc phát dữ dội như hôm nay.
Thờ thần tài để mong giàu sang tột đỉnh, nhà cửa, xe cộ, mỗi ngày mỗi to lớn, sang trọng hơn, tiền vàng nhiều lên gấp bội, còn đi cướp ấn Đền Trần để mong được thăng quan tiến chức.
Ấn Đền Trần là gì? Người ta cho rằng thời Trần, sau khi đánh bại giặc Nguyên Mông, tại phủ Thiên Trường, Vua Trần Thái Tông mở tiệc mừng công, phong tước cho quan quân có công đánh giặc, giữ yên bờ cõi. Vào đầu Xuân, các vua Trần tổ chức nghi lễ khai ấn với mục đích tế trời đất, tổ tiên, mở đầu cho một năm làm việc thuận lợi của bộ máy chính quyền. Mang được lá ấn trong tay từ đền Trần về, công viên chức hy vọng đường hoạn lộ sẽ tiến bộ, nôm na là thăng quan tiến chức, được ban thưởng, nâng đỡ nên vào dịp này, có cảnh hàng trăm nghìn người chen chúc trong lễ khai ấn đền Trần mà quan chức nhà nước, đảng viên, cán bộ là chính, mong trong năm mới sẽ được thăng chức, phó phòng thì lên trưởng phòng, thượng tá trở thành đại tá, thứ trưởng mong thành bộ trưởng, phó thủ tướng cũng hy vọng lên thủ tướng. Không biết từ bao giờ và ai nghĩ ra rằng ấn linh thiêng, nếu có cái dấu đóng từ nó sẽ được thăng quan tiến chức, nên ai cũng muốn có được một dấu ấn đem về nhà. Những con số từ lễ hội này 200,000 người đi “cướp ấn,” mỗi lá ấn được bán từ 20 đến 200,000 đồng; 1,000 xe hơi về đền; 2,000 công an lo giữ gìn trật tự. Cho nên những ngày nghỉ Tết Âm Lịch được chấm dứt vào ngày Mùng Bảy, nhưng đến 14, 15 Tháng Giêng vẫn còn nghỉ cho quan chức đi “cướp ấn Đền Trần.” Báo chí trong nước dùng tiếng “cướp” không sai, vì đây đúng là một lễ hội xô bồ, hỗn loạn, tranh nhau để cướp chứ không phải để xin.
Cảnh cướp ấn Đền Trần chính là phiên bản thu nhỏ của xã hội CSVN bây giờ, khi cơn khát thèm được thăng quan tiến chức, giành giật địa vị, kiếm chác công danh, chen lấn, giẫm đạp lên nhau mà sống, chẳng còn kiêng dè ai. Nếu cần thì tống tiền vào mồm lãnh đạo, kiểu nhân dân dúi tiền vào miệng Phật, nhét tiền vào tượng La Hán hay dán tiền vào đầu rùa đội bia một cách thiếu ý thức và vô văn hóa.
Trước đó, vào ngày 13 Tháng Giêng, lại có hội Phết Hiền Quan tại huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, được cho là để tưởng nhớ và tôn vinh nữ tướng Thiều Hoa Công Chúa-Đức Thánh Mẫu Đại Vương, người giúp Hai Bà Trưng đánh giặc Hán cứu nước. Quả phết và quả chúi thường được làm từ gốc tre già hoặc gỗ. Quả chúi nhỏ hơn, đường kính từ 4-5 cm, quả phết đường kính từ 6-7 cm. Người dân quan niệm rằng nếu ai giành được quả phết và chúi hay chỉ chạm được tay vào là cả năm sẽ rất may mắn, nên hàng trăm thanh niên lao vào để cướp phết với suy nghĩ chỉ cần chạm tay vào quả phết thì cả năm sẽ gặp nhiều may mắn. Toàn là những điển tích mơ hồ thêu dệt mà thiên hạ nhắm mắt lao vào vui chơi không cần suy nghĩ.
Thấy cả rừng thanh niên, trai trẻ, tiềm lực của đất nước, vô công rỗi nghề, lao đầu vào cuộc chơi này, mới thấy cái đất nước này khó khá lên được.
Theo thống kê của Việt Nam từ năm 2009, chúng ta có một con số kinh hoàng về “lễ hội.” Cả nước Việt Nam có 7,966 lễ hội; trong đó có 7,039 lễ hội dân gian (chiếm 88.36%), 332 lễ hội lịch sử (chiếm 4.16%), 544 lễ hội tôn giáo (chiếm 6.28%), 10 lễ hội du nhập từ nước ngoài (chiếm .12%), còn lại là lễ hội khác (chiếm .5%). Mỗi năm chỉ có 365 ngày, đổ đồng như vậy mỗi ngày trên đất nước này có đến 24.6 lễ hội. Một con số khó tưởng tưởng ra nổi, một kỷ lục trong thế gian này.
Trong các lễ hội này, có những lễ hội như chọi trâu, giết trâu, chém lợn, rất dã man tạo nên sự vô cảm chai lỳ của con người, và những lễ hội tạo cho con người sự mê tín cuồng nhiệt.
Không phải chỉ Tháng Giêng là tháng ăn chơi, mà ăn chơi quanh năm suốt tháng. Rượu chè thì tính đổ đồng theo đầu người, uống hay không uống, năm 2010, chia đều cho mỗi người dân là 6.6 lít/năm. Dân trí càng ngày càng thấp, mê tín dị đoan của dân và đảng càng ngày càng cao.
Ăn chơi như vậy, còn làm lụng thì sao? Theo VnExpress trong nước, một người Singapore làm việc bằng 15 người Việt Nam. Lao động chưa qua đào tạo, thiếu khả năng khiến năng suất lao động của người Việt Nam ở vào mức thấp nhất Châu Á – Thái Bình Dương, chỉ bằng 1/5 so với Malaysia và 1/15 so với Singapore.
Xin tìm đọc:
“NƯỚC NON NGHÌN DẶM”
Tuyển tập tạp ghi thứ 10 của HUY PHƯƠNG.
Namviet xuất bản: (949) 241-0488.