main billboard

Cứ làng nhàng là xong, không ai thèm muốn, đố kỵ, ganh ghét, nghĩ chuyện đời: “Giàu như người ta cơm ngày ba bữa, đói như mình đây cũng đỏ lửa ba lần.”


trungso
(Hình minh họa: TANNEN MAURY/AFP/Getty Images)

Thường ngày tôi vẫn nghe người ta quảng cáo trên đài phát thanh, phỏng theo câu “tích cốc phòng cơ – tích y phòng hàn” thành một câu ví von khác “tích y phòng hàn, tích vàng phòng thân và tích hột xoàn thì không sợ nghèo.” Nói đúng ra, giàu mới có hột xoàn, vì nghèo làm sao mua nổi đá quý. Nghèo thường phải đi đôi với đói, nhưng giàu có của cải có khi nào phải lâm cảnh đói không? Thời chiến tranh, loạn lạc đã cho chúng ta thấy chuyện gì, nghịch lý đến đâu cũng có thể xảy ra.

Dưới đời Vũ Hán Đế bên Tàu, Thạch Sùng quyền cao chức trọng vơ vét của phi nghĩa mà làm giàu có, khi Hán Vũ Đế qua đời, Tư Mã Luân dấy loạn, thấy thiếp của Thạch Sùng là Lục Châu xinh đẹp muốn chiếm đoạt. Lục Châu nhảy lầu tự sát để khỏi bị ô danh, Thạch Sùng bị đưa ra pháp trường chém đầu. Sự giàu có của Thạch Sùng và sắc đẹp của nàng Lục Châu đều là mối họa. Thời nay, lúc nhiễu nhương, loạn lạc, sự giàu có làm ăn từ lương thiện cũng bị vạ lây. Dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa, ở miền Trung, thầu khoán Nguyễn Đắc Phương cũng vì giàu có, vô tình tranh chuyện làm ăn với cường quyền mà bị thảm sát. Ông Nguyễn Văn Yến, đại thương gia, chủ nhà hàng Morin, cũng vì tài sản mà bị bắt bớ giam cầm, rút cuộc sự nghiệp tiêu tan.

Thời Cộng Sản chiếm miền Bắc, phú nông bị đem ra đấu tố, bà Cát Thành Long nhận phát súng đầu tiên để khai diễn chiến dịch cải cách ruộng đất. Thời Cộng Sản chiếm miền Nam, tư sản bị tịch thu tài sản, đưa đi vùng kinh tế mới, giàu có cũng là cái họa. Trong những chuyến di tản, hay vượt biển, con người qua những cơn đói khát, nhất là khát, một lượng vàng đâu có mua được một hớp nước, như vậy tài sản, của cải tích lũy đâu có được giá trị muôn đời.

Chiến tranh và thiên tai đã làm đảo lộn tất cả vị trí, thứ lớp của loài người, như cơn sóng thần đã đưa gan ruột từ dưới đáy biển sâu lên mặt đất và cuốn những gì hiện diện trên mặt đất xuống biển sâu. Vì chiến tranh và chế độ chính trị, nhiều gia đình người Việt chúng ta đã phải hai lần di cư và ít nhất là đôi ba lần chạy loạn, do đó từ triệu phú có thể trở thành tay không chỉ qua một đêm. Giàu có, hạnh phúc không là cái gì vĩnh cửu, đời đời. Trong thời giặc giã loạn ly, giàu có thường là cái họa khôn lường, nơi nhòm ngó của quân đạo tặc và cũng là chuyện tranh giành, ganh tỵ của cường quyền.

Ngày nay trên thế giới nhiều quốc gia đã tổ chức xổ số và do đó nhiều người trúng độc đắc trở thành triệu phú. Nhưng theo sự tìm hiểu của báo chí, những người trúng số thường không gặp may mắn sau khi trở thành triệu phú. Ông Andrew Whittaker Jr. ở tiểu bang Virginia trúng số $315 triệu vào Tháng Mười Hai, 2002, chỉ trong vòng năm năm ông đã trở thành trắng tay sau bao nhiêu biến cố không may xảy đến cho gia đình ông, đến nỗi ông phải thốt lên: “Phải chi tôi xé ngay lá vé số này từ lúc biết mình trúng độc đắc.” Năm 1986, ông Jeffrey Dampier trúng số $20 triệu nhưng 19 năm sau ông phải vào tù vì tội giết người. Năm 1997, ông Billy Bob Harrel Jr. trúng số $31 triệu nhưng cuối cùng lâm cảnh vợ chồng ly dị và tự sát. Không chắc những người trúng số đều gặp cảnh bất hạnh, nhưng có một điều chắc chắn là khi người ta trở nên giàu có, họ thay đổi cuộc sống và không làm chủ được đời mình. Vậy tốt hơn là đừng mơ ước trúng số và sống hạnh phúc với những gì mình đang có.

Giàu có đã là cái họa, nhan sắc lại càng gặp cảnh ngang trái, phải chăng vì “trời xanh quen thói má hồng đánh ghen!” Người xưa có câu “Má hồng thì phận bạc,” “Hồng nhan đa truân,” “Giai nhân tự cổ như danh tướng, bất hứa nhân gian kiến bạc đầu” (Từ xưa người đẹp như danh tướng, không để nhân gian thấy bạc đầu). Nàng Kiều của Nguyễn Du quá đẹp để cho “hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh” nên phải nhận “đa truân,” 15 năm lưu lạc hết lầu xanh này cho đến thanh lâu khác. Tuy vậy, không một ai mà không muốn đẹp, bậc nam nhi thì yêu mê mệt cái đẹp của phụ nữ, phụ nữ thì luôn luôn kiêu hãnh vì sắc đẹp của mình, nhưng lại lo sợ sắc đẹp chóng tàn nên cố gắng gìn giữ, trau chuốt và sửa sang khiến cho dịch vụ thẩm mỹ ngày nay là một ngành kiếm ra tiền nhiều nhất. Nhưng nhan sắc có đi đôi với hạnh phúc không? Trong lịch sử nước Tàu những người đẹp như Tây Thi, Chiêu Quân cho đến Võ Tắc Thiên đều là những kẻ không tìm thấy hạnh phúc.

Vào thập niên 1950, tại Huế, một tay chân thân tín của Vua Bảo Đại, Thủ Hiến Phan Văn Giáo, là “một tay đã bẻ bao cành phù dung” đã làm bao nhiêu gia đình có con gái đẹp phải điêu đứng oan khuất. Trong tập chuyện thật “Thượng Tứ, Nhớ Nhớ Quên Quên,” nhà văn Quế Chi đã kể chuyện một mỹ nhân, con gái một nhà may nổi tiếng ở Huế trong thời đó, chỉ vì một hôm ra giếng rửa chân, bị bọn tay chân Ưng Khuyển để ý, lập công, bắt dâng lên thủ hiến. Chuyên ô nhục không thể nào tránh khỏi, cuối cùng cả gia đình, không chịu được nỗi nhục nhã phải bỏ Huế vào Nam sinh sống, và thiếu nữ xinh đẹp ngày nọ ngày nay đã trở thành một sư bà tại một ngôi chùa sư nữ. Thời đó, các nữ sinh xinh đẹp nổi tiếng ở Huế đã trở thành mục tiêu của công an, không biết thực sự họ có hoạt động cho Việt Minh hay không, nhưng thường bị bắt bớ, học hành dang dở và cuộc đời rẽ qua những lối chông gai khác.

Vậy làm thân con gái cũng đừng đẹp lộng lẫy như Thúy Kiều, cứ như Thúy Vân đẹp thùy mị, đoan trang mà sống hạnh phúc. Cũng đừng nghèo quá để lo chạy gạo từng bữa, nhưng cũng đừng quá giàu có để đêm ngủ không ngon giấc vì lo trộm cướp như J.J. Rousseau đã nói: “Người đàn bà đẹp khó mà sống được an thân, cũng như ngọc quý là mồi của trộm cướp.”

Không đẹp, không giàu cũng đừng tài hoa lắm cho người ghét ghen. Việt Nam có câu “con gà tức nhau tiếng gáy” như vậy vào lúc ban mai, nghe con gà ở nhà này lên tiếng gáy, con gà nhà kia cũng tức khí đáp tiếng lại, chứ không phải chúng báo hiệu trời sắp sáng, hay nói một cách văn chương “lên tiếng gọi mặt trời!” như người ta vẫn thường nghĩ. Ban AVT thì cho rằng “hai cô ca sĩ có thương nhau bao giờ!” chắc chắn trong này có một cô hát hay hơn cô kia.

Làm tướng cầm quân giỏi, nhưng ngay thẳng, trong sạch, bộc trực, ở quốc gia dân chủ thì bị cách chức. Tướng giỏi mà không phe đảng, xu nịnh, ở một đất nước độc tài cũng bị giết. Trang Tử khuyên ta đề phòng, đừng nổi danh quá, hữu ích quá, lo giúp đời nhiều quá. Heo mập thì bị làm thịt trước, chim có bộ lông đẹp thì bị săn bắn trước. Người chết giàu có ngậm ngọc quý trong miệng khi khâm liệm thì kẻ đào mồ phải cầm búa đập sọ và hàm răng người chết để lấy của.

Trong năm điều khôn ngoan của cổ nhân có hai điều phù hợp với chủ đề của bài này:

-Khờ khạo là phúc: Suy nghĩ một chút, xưa nay có bao nhiêu người thông minh quá lại bị thông minh hại, vậy nên có lúc chỉ muốn làm kẻ khờ. Thông minh khó, khờ khạo khó, từ thông minh chuyển sang khờ khạo càng khó, buông tay ra, lùi một bước, lòng yên ổn.

-Chịu thiệt thòi là phúc: Suy nghĩ một chút, trên đời có bao nhiêu người khôn lanh, rốt cuộc có mấy người là khôn thực sự. Có rất nhiều người cam chịu thiệt thòi, luôn phải gánh chịu nhiều hơn, nhưng từ xưa đến nay, người cam chịu thiệt thòi so với người khôn lanh thì luôn được hạnh phúc hơn.

Cổ nhân cũng có câu “ngu si hưởng thái bình,” hay là ta cứ an phận thủ thường, con gái thì mong trời sinh ra đừng quá đẹp, con trai thì đừng có quá tài ba. Còn giàu có bạc muôn không ham, chỉ mong đừng chạy gạo từng ngày.

Cứ làng nhàng là xong, không ai thèm muốn, đố kỵ, ganh ghét, nghĩ chuyện đời: “Giàu như người ta cơm ngày ba bữa, đói như mình đây cũng đỏ lửa ba lần.”