Sau khi chết đi, họ tiếp tục là nạn nhân của một guồng máy bưng bít sự thật. Ðó mới là nỗi oan khuất lớn nhất.
Người Việt Nam nào cũng vui khi nghe tin anh Hoàng Xuân Vinh đoạt huy chương vàng môn bắn súng 10 mét ở Thế Vận Hội Rio năm nay; anh Vinh còn chiếm huy chương bạc trong môn thi bắn 50 mét. Nhưng chắc dù người Việt tự hào nhất về tài thiện xạ của mình, cũng không ai lại tin rằng có một đồng bào cầu kỳ, lập dị đến nỗi, khi tự kết liễu cuộc đời, lại bắn từ sau gáy cho viên đạn xuyên ra đằng trước.
Vậy mà đảng Cộng Sản của ông Nguyễn Phú Trọng muốn dùng hệ thống tuyên truyền bảo dân Việt Nam phải tin như vậy. Khi vụ ba người chết ở Yên Bái được loan báo trên mạng lần đầu tiên, Bác Sĩ Vàng À Sàng, giám đốc bệnh viện đa khoa Yên Bái, đã nói rằng ông Ðỗ Cường Minh chết vì vết viên đạn bắn từ gáy. Sau đó, tin tức chính thức của đảng Cộng Sản lại khẳng định rằng ông Minh tự sát, sau khi đã bắn chết hai quan đầu tỉnh, ông Phạm Duy Cường, bí thư và Ngô Ngọc Tuấn, trưởng ban tổ chức kiêm chủ tịch. Sau đó, lời nói của Bác Sĩ Vàng À Sàng bị xóa mất mà không có lời giải thích nào cả.
Ba người đã thiệt mạng. Mạng con người rất quý. Những người chết cũng có quyền không phải chết trong bóng tối, phải chết trong cảnh bóng tối che phủ làm nổi lên những nghi ngờ. Gia đình các nạn nhân, con cháu họ đời nay và đời sau cũng có quyền biết sự thật. Cả ba người tạ thế đều là nạn nhân của guồng máy cai trị mà họ tham dự, như tất cả các công dân Việt Nam khác. Sau khi chết đi, họ tiếp tục là nạn nhân của một guồng máy bưng bít sự thật. Ðó mới là nỗi oan khuất lớn nhất.
Dù muốn giữ lòng kính trọng đối với những người đã qua đời, ai muốn biết sự thật cũng không thể nào không đặt nhiều câu hỏi. Ðặc biệt, là những nhà báo, làm nghề thông tin.
Nhà báo trên thế giới nổi tiếng là những người tò mò nhất. Bởi vì độc giả rất tò mò. Nếu một vụ án mạng tương tự xảy ra tại nước Pháp, ở Indonesia, hay ở Congo thì hàng trăm phóng viên đã đi tìm, đi hỏi thăm hàng ngàn người dính líu đến ba nạn nhân và các đồng sự của họ trong tỉnh ủy Yên Bái. Người ta cũng đi phỏng vấn tất cả những người có thể đã gặp ba nạn nhân lần chót; nhất là những nhân viên có mặt tại trụ sở lúc xảy ra án mạng, vì họ đang chuẩn bị phiên họp của hội đồng tỉnh, đáng lẽ diễn ra khoảng 30 phút sau khi nghe tiếng súng nổ. Ai đã trông thấy ông Ðỗ Cường Minh trong thời gian trước và sau 7 giờ sáng ngày hôm đó? Ai thấy ông Minh đi từ văn phòng ông Cường sang phòng ông Tuấn? Cử chỉ, hành vi, nét mặt của ông Minh ra sao? Có ai thấy ông ấy cầm một cái túi hay cái gì có thể che giấu khẩu súng K-59 hay không?
Nếu các nhà báo ở Việt Nam được tự do, chắc họ cũng tìm gặp ngay những người nghe tiếng súng nổ và những người mở cửa vào phòng ông Tuấn và ông Cường đầu tiên. Họ thấy ba người ở những vị thế nào và bị thương tích như thế nào? Ai đã gọi người đến cứu cấp? Những nhân viên cấp cứu đã làm gì? Tại sao không cứu ngay tại chỗ trước khi đưa tới nhà thương? Nếu có người đã chết rồi, tại sao không giữ tại hiện trường để việc điều tra dễ dàng hơn? Có ai thay đổi các chứng tích tại các nơi đó hay không?
Nhà báo còn phải hỏi những nhân viên điều tra xem họ tìm thấy những gì tại hiện trường mà chỉ nghe nói ông Cường có hàng trăm tỉ đồng cùng nhiều đồ quý giá trong văn phòng. Họ cũng phải đi tìm gia đình các nạn nhân, nhất là ông Minh, để hỏi thăm có điều gì lạ trong hành vi, ngôn ngữ của họ trong mấy ngày trước đó hay không? Gia đình ông Minh có sao chép tất cả các hồ sơ trong máy vi tính của ông đặt ở nhà, trước khi công an đến mang đi hết hay không?
Nhân vật quan trọng nhất cần phỏng vấn là Bác Sĩ Vàng À Sàng, giám đốc bệnh viện. Thưa bác sĩ, vết đạn làm ông Minh chết chạy theo hướng nào? Tại sao bác sĩ không cải chính bản tin đầu tiên nói đạn bắn từ sau gáy? Xin cho chúng tôi được coi biên cuộc bản giảo nghiệm tử thi, có chữ ký của các bác sĩ chuyên môn. Nhưng một nhà báo khôn lanh thì sẽ tìm ngay cơ hội trò chuyện với vợ con ông bác sĩ giám đốc, hoặc một người thân nhất của ông, trước khi chính thức phỏng vấn ông, để dọ hỏi xem lần đầu khi kể chuyện vụ án mạng ông có nói vết thương như thế nào không. Tất cả những dữ kiện tìm được đó sẽ đem so sánh với trí nhớ của những người đầu tiên chạy vào phòng ông Tuấn chứng kiến cảnh chết chóc, và ghi nhận của các nhân viên cấp cứu tại bệnh viện.
Nhà báo có bổn phận tìm gặp những nhân viên đầu tiên ở bệnh viện Yên Bái tiếp nhận các nạn nhân, hoặc các tử thi của họ, để hỏi các chi tiết. Ngay cả khi những người này từ chối không nói, thì đó cũng là một thông tin đáng cho độc giả biết. Khi ông Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đứng bên giường bệnh để chụp hình thì người nằm trên giường là ai, sao không thấy chú thích dưới bức hình? Tại sao không tiết lộ? Người làm báo càng tò mò muốn hỏi tại sao bản tin viết ông Phúc “đề nghị các y bác sỹ tập trung nỗ lực hết mình… để cứu chữa các nạn nhân,” trong khi chính giám đốc bệnh viện, khi ông Phúc còn chưa đến, lại nói rằng hai ông Cường và ông Tuấn đã tắt thở trước khi nhập viện?
Những câu hỏi nêu làm thí dụ trên đây, và hàng trăm câu hỏi khác, các nhà báo ở nước ta không nói cho độc giả biết họ đã hỏi hay chưa và họ được nghe những gì. Nhưng tất cả mọi người Việt Nam biết đọc biết viết đều thắc mắc, đều muốn biết về những cái chết của ba người mới ngoài 50 tuổi, ông Cường già nhất cũng mới 58. Gia đình, vợ con các nạn nhân có quyền được biết.
Người Việt Nam cũng có quyền thắc mắc tại sao Bộ Chính Trị Ðảng Cộng Sản không đến viếng tang, chia buồn khi một ủy viên trung ương đảng qua đời, nhất là người đó bị giết thảm thương? Người ta lại càng thắc mắc khi nghe giám đốc công an tỉnh Yên Bái nói sẽ không khởi tố ai hết vì hung thủ đã chết. Nhưng chiều hôm đó, chính ông ta lại nói sẽ khởi tố. Khởi tố ai, nếu ngay từ đầu ông đã xác định người chết Ðỗ Cường Minh là thủ phạm? Cùng lắm là cảnh sát tư pháp mở cuộc điều tra tìm hiểu nguyên ủy vụ giết người này, để xác định ai giết ai, vì lý do nào.
Ngoài sự kiện ông giám đốc công an tỉnh Yên Bái sớm nói một đằng, chiều nói một nẻo, người dân còn thắc mắc tại sao sau những từ báo của Bộ Công An lại có những bài bêu xấu ông Minh, nói rằng ông không được đi học ngày nào về nghề kiểm lâm, rằng ông Minh nhờ ảnh hưởng của bố vợ mà leo lên, vân vân. Tại sao có một chiến dịch đánh một người ngay sau khi chết như vậy?
Người ta càng thắc mắc tại sao trong đám tang ông Ðỗ Cường Minh gia đình ông lại đặt những bông hoa sen lớn trên các xe dẫn đầu. Biểu tượng này, có người coi là lời xác định “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn!” Nhưng hình anh đó có liên quan gì đến tên một công ty đã từng làm ăn với ông Bí Thư Phạm Duy Cường lâu nay, tên cũng gọi là Hoa Sen. Lại có tin công ty Hoa Sen này mới rút khỏi mấy dự án của tỉnh, sau khi ông Cường qua đời.
Về con người, cá nhân ông Ðỗ Cường Minh, bà Phạm Thị Thanh Trà, phó bí thư Tỉnh Ủy, ủy viên Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng, đã làm chứng rằng ông là người hiền lành, luôn luôn chấp hành lệnh của đảng. Không ai thấy ông có vẻ gì bị bệnh tâm thần, cũng không có dấu hiệu một người có thể đóng vai sát thủ lạnh lùng. Làm sao một người hiền lành có thể giết người xong rồi bình tĩnh đi giết một người nữa, trên đường còn chào hỏi nhiều người khác? Nếu là người nghĩ đến tương lai của vợ, của con, nghĩ đến đống tài sản đã gom góp được sau bao nhiêu năm, nghĩ đến quyền lợi của chính mình, ở tuổi 52 chắc ông Minh sẽ không chọn cái chết. “Người còn thì của vẫn còn,” câu đó ai chẳng biết?
Gia đình ông Minh, bà vợ và con gái ông chắc chắn sẽ tự đi tìm hiểu diễn biến tất cả những gì xẩy ra từ 7 giờ sáng đến 3 giờ chiều ngày 18 Tháng Tám năm 2016. Họ có hàng trăm bè bạn, đồng nghiệp cũ của ông Minh để cùng đi tìm hiểu. Có thể chỉ trong vòng một năm, họ sẽ có một bản hồ sơ đầy đủ để trả lời những câu hỏi nêu trong bài này.
Còn các nhà báo Việt Nam, chúng ta có thể thông cảm, họ không được hỏi, vì không được quyền hành nghề. Hiện nay trên thế giới chỉ có bốn, năm nước là nơi các nhà báo không được phép hành nghề một cách tự nhiên, không được điều tra, gặp gỡ, phỏng vấn các nguồn tin: Ðó là Bắc Hàn, Trung Quốc, Việt Nam và Cuba – chưa kể nước Lào. Ngay ở Campuchia, nơi có báo đối lập, các nhà báo cũng không chịu cảnh trói tay, bịt miệng như vậy.
Trong khi các nhà báo không được hành nghề thì dư luận dân Việt tha hồ nghe những tin tức “lề trái.” Nhiều người tin chắc Ðỗ Cường Minh bị giết cùng với hai nạn nhân kia. Có người còn nói một nhân vật thứ ba hiện diện tại phòng ông Tuấn khi súng nổ, người đó, một tài xế, đã bị công an bắt ngay, giờ không biết đang ở đâu mà hồ sơ công an không hề nhắc đến. Lại có người giải thích cái chết của ông Phạm Duy Cường, bí thư tỉnh, là hậu quả của việc ông Nguyễn Phú Trọng đang thay đổi chức vụ chỉ huy các quân khu để nắm chặt quyền hành, trong đó có vụ ông tướng tư lệnh Quân Khu II, đặt tại Yên Bái mới chết bất ngờ sau khi mới nhậm chức mấy tháng. Tất nhiên, tên cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, đối thủ của Nguyễn Phú Trọng cũng được nhắc đến! Người thì bảo đây là phe ông Dũng trả thù. Người lại nói đây chính là phe Nguyễn Phú Trọng diệt trừ phe Nguyễn Tấn Dũng! Ngay trong hiện tượng tin đồn nở rộ này, người ta cũng không biết có ai điều khiển một chiến dịch tung tin đồn hay không? Phe cầm quyền tung thêm tin ra để gây hỏa mù, khiến không ai biết tin tưởng cái gì nữa? Hay là phe mất ghế, mất quyền tung tin để phá, không được ăn thì đạp đổ? Hay là có những “nghệ sĩ” chuyên sáng tạo tin đồn, hoạt động lẻ loi, tất cả chỉ để thi thố tài sáng tạo của mình?
Cuối cùng, đảng Cộng Sản càng bưng bít tin tức thì “báo miệng” càng nổ thêm những tin giật gân mới! Khi người dân Việt Nam nhìn toàn cảnh, họ sẽ không biết tin ai. Biết tin ai bây giờ? Khi nghe nói một người lái xe thuật: “Tôi chạy tới đỡ ông Cường lên xe thấy vết đạn xuyên qua trán phá ra phía sau máu chảy chan chứa…” thì người đọc cũng không tin nữa. Vết đạn đi như thế nào? Gia đình nạn nhân có xác định không? Có tin được biên bản giám nghiệm của bệnh viện không? Người dân biết tin ai bây giờ? Nhưng tất cả đều có thể kết luận một điều chắc chắn: Trong vụ án mạng ở Yên Bái, đảng che đậy, giấu diếm, đảng chỉ lo nói dối. Nhưng càng nói dối thì lại càng giấu đầu hở đuôi! Cái ngu của người ta không cách nào tránh được. Như Albert Camus viết: “La bêtise insiste toujours.”
Cái đuôi thò ra rõ rành rành là, kể từ năm 2016, các đảng viên Cộng Sản đã công khai “xử lý” nhau bằng súng, giữa ban ngày. Từ nay, các ủy viên Trung Ương Ðảng không chỉ lo mất chức, mất cơ hội kiếm tiền, mà còn lo mất mạng nữa!