main billboard

                Hóa ra, đàn ông rất hay bị đàn bà rầy la. Lúc bé thì mẹ mắng.
                Lớn lên một tí bị chị mắng. Lớn tí nữa, bị người yêu chê trách. Lấy vợ bị vợ đay nghiến. Về già lại bị con gái kêu ca.


danba noinhieu                    * Đàn ông luôn tỏ ra bất mãn với "bệnh nói nhiều" của phụ nữ, thậm chí coi
                    đó là một giấc mộng kinh hoàng nhất trong cuộc đời. Trong khi đó, hầu hết phụ
                    nữ lại cho rằng họ buộc phải nói nhiều để "chiến đấu" với tật xấu của bạn
                    đời.

                    Theo các chuyên gia về gia đình thì không có gì hoang tưởng hơn là chỉ
                    dùng lời nói mà có thể cải tạo được một người đàn ông. Trái lại, không ít cuộc
                    ly hôn đã là hậu quả trực tiếp hay gián tiếp của những cuộc tra tấn bằng ngôn
                    ngữ triền miên.

                    Người ta kể rằng có một người đàn ông bị đi tù hai năm vì tội đánh vợ. Sau
                    khi mãn hạn được tha về đoàn tụ với gia đình mới có một tuần lễ, anh ta
                    lại khăn gói đến xin ban quản lý nhà tù cho được tiếp tục cải tạo đến hết đời.
                     Hỏi vì sao anh không thích ở nhà mà lại muốn vào tù? Anh ta thú thật rằng,
                    tuy ở trong tù mất tự do thật nhưng còn sướng hơn ở nhà, vì không bị vợ
                    nói ra rả suốt ngày đêm!

                    Một cuộc điều tra 3.000 người đàn ông ở Thượng Hải với câu hỏi: "Tính xấu
                    của vợ mà anh ngán nhất?" thì 86% người trả lời: "Nói nhiều". Các nhà tâm
                    lý học cho rằng, hầu hết đàn ông đều sợ cái tính nói dai của các bà vợ. Nỗi
                    sợ này có nguồn gốc sâu xa từ hồi nhỏ khi anh ta bị mẹ mắng mỏ. Đàn ông lẩn
                    tránh các lời khuyên của vợ cũng giống như khi còn bé họ lẩn tránh lời dạy
                    bảo của mẹ. Hóa ra, đàn ông rất hay bị đàn bà rầy la. Lúc bé thì mẹ mắng.
                    Lớn lên một tí bị chị mắng. Lớn tí nữa, bị người yêu chê trách. Lấy vợ bị
                    vợ đay nghiến. Về già lại bị con gái kêu ca.*

                    *Có phải đàn ông bị vợ nói nhiều là đáng đời vì họ lắm tội. Tiếc rằng thực
                    tế cho thấy khó mà có ông chồng nào thoát khỏi những "tội lỗi" ấy. Người làm
                    việc trí óc bị rầy la về đóng cái đinh không nên hồn. Người khéo léo chân
                    tay lại bị chê là viết cái đơn không xong. Người giỏi cả chân tay lẫn trí
                    óc lại bị tra tấn vì không bao giờ biết mua vé đưa vợ đi xem một bộ phim...

                    Giải thích tại sao phụ nữ nói nhiều, có nhà khoa học cho rằng vì khả năng
                    sử dụng ngôn ngữ của họ mạnh hơn nam giới. Lại có người cho rằng là từ thời
                    tiền sử, phụ nữ trồng trọt hái lượm nên tha hồ nói chuyện, trong khi đàn
                    ông đi săn bắt phải ẩn nấp không nói được. Thật ra, đàn bà cũng chẳng thích
                    lắm điều nhưng vì đa số việc nhà vẫn rơi vào tay phụ nữ mà những việc đó thì
                    không mấy khi được vừa lòng do chồng con gây ra, vì vậy phụ nữ không nói
                    cũng không được.

                    Tuy nhiên các nhà tâm lý cho rằng người vợ khôn ngoan nói cái gì chỉ nói
                    một lần thôi. Nếu điều đó không theo ý mình thì cũng không nói đi nói lại hay
                    làm thay anh ta. Bởi vì, cũng theo các chuyên gia về gia đình thì không có
                    gì hoang tưởng hơn chỉ là dùng lời nói mà có thể cải tạo được một người
                    đàn ông. Bây giờ ta hãy đi ngược thời gian xem khi mới quen hơi bén tiếng
                    nhau, phụ nữ có thói quen ấy. Nếu không có lẽ số cuộc kết hôn phải giảm đi 90%.
                    Vậy khi mới yêu nhau, phụ nữ cư xử với đàn ông thế nào?

                    Thường lúc đó họ khen không ngớt. Nào là: "Anh giỏi quá!"; Anh tài quá!";
                    "Anh thông minh quá!"... Thì ra mọi chuyện chỉ bắt đầu từ khi kết hôn. Hãy
                    thử nghe một đoạn băng ghi âm xem một cuộc xung đột vợ chồng thường diễn
                    ra như thế nào? Ăn xong, người vợ nhẹ nhàng bảo: "Bữa nay, anh rửa bát nhá".
                    Chồng vừa dán mắt vào ti-vi vừa trả lời: "Được rồi, cứ để đấy!". Mươi phút
                    sau vợ hỏi; "Anh có rửa bát không nào?". Anh ta vẫn không dời mắt khỏi
                    ti-vi, miệng trả lời: "Có". Nhưng đa số phụ nữ không chấp nhận như thế. Họ
                    muốn chồng phải làm ngay, nếu không thì hoặc họ sẽ tự làm, hoặc họ sẽ
                    "trình diễn" một bộ mặt hình sự mà những người đàn ông yếu bóng vía có thể bị
                    chấn thương tâm lý đến mức thấy mình đúng là một tên tội phạm. Bộ mặt ấy sẽ
                    tiệu diệt hết cả mọi thú vui của anh ta trong ngày hôm đó.

                    Suy cho cùng, ai chả muốn nhà cửa sạch sẽ, ngăn nắp nhưng nếu vì thế mà
                    đánh đổi cả bầu không khí gia đình êm ấm có nên không? Không ít cuộc ly hôn đã
                    là hậu quả trực tiếp hay gián tiếp của những cuộc tra tấn bằng ngôn ngữ triền
                    miên này. Để kết thúc bài viết, xin kể một câu chuyện có thật về một đôi
                    vợ chồng người Nga.

                    Xecgây Ivanovich kết hôn với Lêna Xêramôva và chỉ còn mấy hôm nữa là đến
                    ngày kỷ niệm đám cưới vàng. Bỗng nhiên bữa nọ đang ăn thì bà vợ phát hiện
                    chồng đánh rơi miếng thịt ra sân nhà, bà ta nghiến răng gầm lên: "Ông ăn
                    uống cái kiểu gì thế?". Xecgây lạnh lùng nhìn vợ, không nói một lời đứng
                    dậy thu xếp khăn gói ra đi. Về sau có người bạn thân của ông kể lại lần gặp
                    cuối cùng, ông ta nói: "Lúc nào bà ấy cũng đay nghiến tôi. Bà ấy nói tôi suốt
                    đời không làm được một việc gì ra hồn. Lần này, ít nhất tôi cũng làm được một
                    việc là... ra đi vĩnh viễn. *