main billboard

Tháng tư 1973, thi hành Hiệp Định Paris ngày 27-1-1973, Quân Lực Hoa Kỳ đơn phương rút khỏi Việt Nam.

 

lichsu hd paris 

Tháng tư 1973, thi hành Hiệp Định Paris ngày 27-1-1973, Quân Lực Hoa Kỳ đơn phương rút khỏi Việt Nam.

Tháng tư 1975 Quân Đội Bắc Việt xâm chiếm Miền Nam Việt Nam bằng võ lực.

Mặc dầu vậy, Tướng William Westmoreland Tư Lệnh Quân Lực Hoa Kỳ tại Việt Nam nhận định: “Chúng ta (Hoa Kỳ) không thất trận tại Việt Nam. Nhưng chúng ta đã không giữ lới cam kết với Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Thay mặt Quân Đội Hoa Kỳ, tôi xin lỗi các bạn cựu chiến binh Quân Lực Miền Nam Việt Nam vì chúng tôi đã bỏ rơi các bạn”(On behalf of the United States Armed Forces, I would like to apologize to the veterans of the South Vietnamese Armed Forces for abandoning you guys).

Và năm 1985, 10 năm sau khi Saigon thất thủ, trong cuốn “No More Vietnams”, Tổng Thống Richard Nixon tự phán: “Trong cuộc chiến đấu này Hoa Kỳ đã thất bại và phản bội đồng minh (failure and betrayal).  Chúng ta đã thắng trong chiến tranh, nhưng đã thua trong hòa bình.

Đúng lý Nixon phải nói: Chúng ta thắng về quân sự, nhưng lại tháo chạy và đầu hàng lịch sự. Chúng ta thua về chính trị và, theo Thuyết Domino, đã gieo tai họa vô lường cho các quốc gia đồng minh Đông Dương Việt-Miên-Lào, cũng như  một số các quốc gia Á Phi và Nam Mỹ như A-Phú-Hãn, Iran, Angola, Mozambique, Ethiopia, South Yemen, Nicaragua v...v....

Ngày nay, sau 36 năm chúng ta bình tâm duyệt lại bài học lịch sử 1975.

Bài này gồm 3 phần: Thắng trong chiến tranh, Phản bội đồng minh và Lưỡng Diện Thụ Địch

THẮNG TRONG CHIẾN TRANH

Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ đã thắng trong chiến tranh từ 1965 đến 1972

1968: Tổng Công Kích Tổng Khởi Nghĩa Tết Mậu Thân

Cuộc Tổng Công Kích Tổng Khởi Nghĩa Tết Mậu Thân 1968 của Bắc Việt đã hoàn toàn thất bại về chính trị cũng như về quân sự.

Cộng Sản dối gạt các cán binh rằng vào Nam chỉ để tiếp thu, và sẽ có tổng khởi nghĩa của nhân dân Miền Nam. Thật ra cuộc đồng khởi chính trị không được dân chúng hưởng ứng. Theo báo cáo của thủ trưởng Định Tường, ngày Tổng Khởi Nghĩa sẽ có 50 tổ đồng khởi. Vậy mà tới ngày đó, chỉ có một tổ của thủ trưởng mà thôi, “không thấy 49 tổ kia đâu!”. Nhận định về sự sai biệt này, về chính trị Hồ Chí Minh đúc kết: “Tổng Khởi Nghĩa thất bại vì báo cáo chủ quan”. (Tỷ lệ phóng đại là 98%).

Về quân sự, cũng theo Hồ Chí Minh: “Tổng Công Kích thất bại vì hạ tầng cơ sở du kích tan rã” (do Chiến Dịch “Lùng và Diệt Địch” phát động từ 1965). Nhiều đơn vị Bắc Việt vào Nam bị tiêu diệt toàn bộ; có đoàn quân  đi 2000 người mà sau một đêm chỉ còn có 30.

Mậu Thân, hai ngàn người xuống đồng bằng,
Chỉ một đêm, còn sống có ba mươi.

(Chế Lan Viên)
(Tỷ lệ tổn thất cũng là 98%)

Phục sinh 1972: Mùa Hè Đỏ Lửa/Tổng Tấn Công Xuân Hạ

Sự thật chiến trường cho biết, từ tháng 4-1972, khi Bắc Việt huy động hơn 200 ngàn quân trong Chiến Dịch Tổng Tấn Công Xuân Hạ hay Mùa Hè Đỏ Lửa (Easter Offensive), tới tháng 10-1972 khi Chiến Dịch tàn lụi, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã đẩy lui 14 sư đoàn chính quy Bắc Việt, dầu rằng lúc này Quân Lực Hoa Kỳ không còn tham chiến trên bộ nữa. Và số thương vong của Bắc Việt đã vượt quá 100 ngàn.

Như vậy từ tháng 2-1968 (Tết Mậu Thân) đến tháng 10-1972 (sau Mùa Hè Đỏ Lửa), “Bắc Việt đã thực sự thua trận, nhưng họ làm ra vẻ thắng trận, trong khi Việt Nam Cộng Hòa đã thực sự thắng trận”. Nixon, sách đã dẫn).

Giáng Sinh1972: Tập Kích Chiến Lược  

Đến Mùa Giáng Sinh 1972, sau cuộc Tập Kích Chiến Lược 12 ngày đêm của Không Lực Hoa Kỳ tại Hà Nội, Hải Phòng và vùng phụ cận (từ 18-12 đến 30-12, trừ Ngày Giáng Sinh), Bắc Việt đã hoàn toàn kiệt quệ. Tại Hà Nội và Hải Phòng, tin trong nước cho biết, nhà nào cũng may cờ trắng đầu hàng để dân chúng  nghênh đón các chiến sĩ Miền Nam ra giải phóng Miền Bắc.

 Thế nhưng, ngày ngày 21- 2-1972, trong cuộc tiếp kiến Chu Ân Lai tại Bắc Kinh, Kissinger thú nhận Hoa Kỳ không chủ trương đánh bại Bắc Việt, chỉ muốn 3 điều là ngưng chiến, rút quân và trao đổi tù binh.

Chuyển thắng thành bại là biệt tài của Kissinger. Chính Nixon cũng ngậm ngùi than: “Chúng ta đã thắng trong chiến tranh nhưng lại thua trong hòa bình” (Nixon, sách đã dẫn).

Thật ra, trước khi thua trong hòa bình, Hoa Kỳ đã thua trong hòa đàm.

7 tháng trước, vào ngày 9 và 10 tháng 7-1971, trong cuộc hội kiến với Chu Ân Lai, Kissinger gợi ý: “Hoa Kỳ sẽ triệt thoái toàn bộ quân lực ra khỏi Việt Nam và sẽ không trở lại nếu có những điều khoản về ngừng bắn và trao đổi tù binh trong Hiệp Định Paris.

THUA TRONG HÒA ĐÀM

    Ngày 8-5-1969 Tổng Thống Nixon đưa ra Bản Đề Nghị 8 Điểm của Hoa Kỳ nhằm giải quyết Chiến Tranh Việt Nam bằng thương nghị. Qua ngày sau, 9-5-1969, Bắc Việt cũng đưa ra Bản Đề Nghị 10 Điểm trong cái gọi là “Kế Hoạch Hòa Bình”. Bốn năm sau, khi Hội Nghị Paris kết thúc, toàn bộ kế hoạch của Bắc Việt đã được Hoa Kỳ chấp nhận.

10 điểm đề nghị của Bắc Việt nhằm vào 3 chủ đề:

1.    Về chính trị tại Việt Nam đòi tôn trọng sự thống nhất  và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam, đòi nhìn nhận quyền chiến đấu để bảo vệ tổ quốc của nhân dân Việt Nam (từ Nam Quan đến Cà Mâu) và xóa bỏ vĩ tuyến 17 .  

2.    Về chính trị tại Miền Nam Việt Nam, trong các điểm 4, 5 và 6, Bắc Việt đề nghị thành lập Hội Đồng Hòa Giải và Hòa Hợp 3 thành phần ngang nhau (cộng sản, trung lập và cộng hòa). Hội đồng này sẽ tổ chức tổng tuyển cử, soạn thảo hiến pháp mới và thành lập Chính Phủ Liên Hiệp theo chính sách trung lập của Tổ Chức Phi Liên Kết Á Phi tại Bandung năm 1955.

Kết quả dễ thấy nhất là Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa 1967 sẽ bị xé bỏ, và chế độ Việt Nam Cộng Hòa sẽ tiêu vong.

Chủ Đề 2 về Quân Sự

Về quân sự, theo Đề Nghị Bắc Việt, Quân Đội Hoa Kỳ và đồng minh (như Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan, Thái Lan, Phi Luật Tân và Đại Hàn) phải đơn phương triệt thoái khỏi Việt Nam trong thời hạn 60 ngày. Các lực lượng quân sự khác đồn trú tại Miền Nam (kể cả Quân Đội Bắc Việt) được hưởng quy chế Ngừng Bắn Tại Chỗ, và không phải triệt thoái khỏi Miền Nam.

Chủ Đề 3 về Phóng Thích Tù Binh và Bồi Thường Chiến Tranh

Về các vấn đề này, theo Đề Nghị Bắc Việt, Hoa Kỳ là kẻ gây chiến phải chịu trách nhiệm bồi thường chiến tranh cho nhân dân Việt Nam.

 Đề nghị này đã được Hiệp Định Paris chấp nhận.

PHẢN BỘI ĐỒNG MINH

    Trong Chiến Tranh Việt Nam, Hoa Kỳ đã mắc phải 3 mâu thuẫn hay 3 nghịch lý về chính trị, quân sự, cũng như về sự chế tài những vi phạm hiệp định của Bắc Việt.

Nghịch Lý Thứ Nhất về thành phần tham dự Hội Nghị

Nghịch lý cơ sở thứ nhất là Hoa Kỳ đã thừa nhận một quốc gia thứ hai tại Miền Nam Việt Nam là “nước” Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam (CHMNVN) với một “chính phủ lâm thời”.

Cuối tháng 12-1960, để giàn dựng sân khấu nội chiến, Đảng Cộng Sản thành lập Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (MTGPMN). Và tới tháng 6-1969, tại Hội Nghị Paris, lại thấy xuất hiện cái gọi là CPLT CHMNVN.

Đó là một nghịch lý cơ sở.

    MTGPMN do Đảng Cộng Sản Việt Nam dựng lên vì lý do chính trị giai đoạn. Cũng như các cây kiểng Mặt Trận Việt Minh, Mặt Trận Liên Việt, Mặt Trận Tổ Quốc, Đảng Dân Chủ, Đảng Xã Hội v.v… là những tổ chức ngoại vi được Đảng Cộng Sản khai sanh từ thập niên 1940.

    Từ sau 1975, khi Đảng Cộng Sản công khai xuất hiện, các tổ chức ngoại vi nói trên như Đảng Dân Chủ của Vũ Đình Hòe và Đảng Xã Hội của Nguyễn Xiển đã bị giải thể sau khi hoàn thành sứ mạng bầy cảnh đa đảng. Cùng chung số phận, MTGPMN cũng đã bị giải thể và sát nhập vào Mặt Trận Tổ Quốc từ tháng 11-1975 sau khi hoàn thành sứ mạng giàn dựng sân khấu nội chiến tại Miền Nam. Trước đó Quân Đội GPMN cũng được “thống nhất” với Quân Đội Bắc Việt từ sau tháng 4-1975.

Kế hoạch “3 Nước Việt” đã được Cộng Sản đề ra để giăng bẫy Hoa Kỳ. Chu Ân Lai du mị Kissinger , hứa sẽ dùng CHMNVN làm quốc gia trung lập trái độn giữa Bắc và Nam Việt.  

Từ 1969, Kissinger và Nixon đã áp lực Việt Nam Cộng Hòa phải nhìn nhận thực thể CHMNVN.

Nghịch Lý Thứ Hai về Rút Quân

Trước kia, theo Hiệp Định Đình Chiến Geneva 1954, trong thời hạn 300 ngày, Quân Đội Bắc Việt phải rút khỏi Miền Nam và tập trung tại phía Bắc Vĩ Tuyến 17. Trong khi đó, Hiệp Định Hòa Bình Paris 1973 buộc Hoa Kỳ phải đơn phương rút quân khỏi Miền Nam Việt Nam trong thời hạn 60 ngày.

Hồ Chí Minh thường nói: “Quyền chiến đấu để bảo vệ tổ quốc của nhân dân Việt Nam là quyền tự vệ chính đáng”. Vì vậy Bắc Việt không bao giờ chấp nhận rút quân khỏi Miền Nam.

Cho đến khi ký Hiệp Định Paris, Hà Nội vẫn ngoan cố phủ nhận sự tham gia của các chiến binh Bắc Việt tại chiến trường Miền Nam. Họ cho đây chỉ là cuộc nội chiến nên không có vấn đề quân đội Bắc Việt phải triệt thoái khỏi Miền Nam.

Thêm một sự kiện đáng lưu ý: Một năm sau Hiệp Định Paris, khi Kissinger vừa rời Bắc Kinh, đột nhiên một lần nữa, ngày 11-1-1974, Trung Cộng công bố chủ quyền tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Và một tuần sau, ngày 19-1-1974, Trung Cộng đem quân chiếm 6 đảo Hoàng Sa thuộc Nhóm Lưỡi Liềm. Về quốc tế công pháp, Hiệp Định Geneva 1954 đã minh thị xác nhận chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam Cộng Hòa tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong Điều 4: “Giới tuyến giữa hai miền Nam Bắc kéo dài từ lục địa “ra ngoài hải phận theo một đường thẳng góc với đường ven biển. Quân đội Bắc Việt phải rút khỏi tất cả các hải đảo về phía Nam giới tuyến” (Vỹ Tuyến 17).  Các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tọa lạc từ Vỹ Tuyến 17 đến  Vỹ Tuyến 7 (từ Quảng Trị xuống Nam Cà Mâu) nên thuộc chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam Cộng Hòa chiếu Hiệp Định Geneva 1954.  

Nghịch Lý Thứ Ba về sự Bảo Đảm Thi Hành Hiệp Định

Ngày 14-11-1972 Tổng Thống Nixon viết cho Tổng Thống Thiệu: “Điều quan trọng hơn cả bản văn Hiệp Định là vấn đề chúng ta sẽ phản ứng thế nào trong trường hợp kẻ thù tái xâm lược. Tôi xin cam kết rằng, nếu Bắc Việt không tuân theo những điều khoản của Hiệp Định, tôi cương quyết sẽ trả đũa tức thì và mãnh liệt”.

Và 10 ngày trước khi ký Hiệp Định, ngày 17-1-1973, Nixon còn khẳng định: “Tự do và độc lập của Việt Nam Cộng Hòa là mục tiêu tối hậu của chính sách đối ngoại Hoa Kỳ... Tôi xin cam kết  3 điều sau đây:

1. Hoa Kỳ chỉ thừa nhận Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa là chính phủ hợp pháp duy nhất tại Việt Nam;

2. Hoa Kỳ không chấp nhận cho Bắc Việt được đồn trú quân trên lãnh thổ Miền Nam Việt Nam;

3. Hoa Kỳ sẽ trả đũa mãnh liệt khi Bắc Việt vi phạm Hiệp Định”.

Đó cũng là điều cam kết của Tổng Thống Ford.

Sau khi Nixon từ chức, ngày 10-8-1974, với tư cách là người kế quyền Nixon, Tổng Thống Ford gởi văn thư cho Tổng Thống Thiệu xác định rằng:  “Những cam kết mà Hoa Kỳ đã hứa với Việt Nam Cộng Hòa trong thời gian vừa qua vẫn giữ nguyên giá trị. Và tôi sẽ triệt để tôn trọng những cam kết này trong suốt thời gian nhiệm chức của tôi.”(Nguyễn Tiến Hưng và Jerrold L. Schecter : The Palace File).

Đầu năm 1975, khi Bắc Việt đem thêm 25 sư đoàn chính qui vào Miền Nam, để thôn tính Việt Nam Cộng Hòa, vi phạm trắng trợn Hiệp Định Paris 1973, Kissinger còn phủ nhận lỗi của Chính Phủ Hoa Kỳ trong việc  bảo đảm sự thi hành Hiệp Định. Đối với ông đây không phải là một nghĩa vụ pháp lý mà chỉ là một nghĩa vụ tinh thần (moral obligation).

Chúng ta không thể ngờ kiến thức pháp lý của Kissinger lại thô thiển như vậy. (Rất có thể ông ta làm bộ giả ngây giả điếc)

5 tuần lễ sau khi ký Hiệp Định Paris ngày 27-1-1973, cũng tại Paris ngày 2-3-1973, 12 quốc gia đã họp và ký tên vào bản Định Ước của Hội Nghị Quốc Tế về Việt Nam để “trịnh trọng ghi nhận những cam kết của 4 bên kết ước và đứng ra nhận trách nhiệm bảo đảm sự thi hành nghiêm chỉnh Hiệp Định.

Hoa Kỳ là quốc gia đứng ra triệu tập Hội Nghị Paris, đã cưỡng chế Việt Nam Cộng Hòa phải tham dự Hội Nghị và phải  ký Hiệp Định cùng với Hoa Kỳ.

Trong trường hợp Bắc Việt vi phạm Hiệp Định bằng xâm lăng võ trang  Hoa Kỳ có nghĩa vụ triệu tập Hội Nghị Quốc Tế để ban hành những biện pháp chế tài cần thiết.

Hoặc là, chiếu nguyên tắc Nghĩa Vụ Đồng Bất Thi Hành (exceptio no adempleti contractus), nếu Bắc Việt không tôn trọng Hiệp Định Paris thì Hoa Kỳ cũng không còn bị ràng buộc vì những điều khoản ghi trong Hiệp Định (như Điều 5 buộc Quân Lực Hoa Kỳ phải triệt thoái khỏi Miền Nam Việt Nam). Nghĩa là Hoa Kỳ có quyền đem quân trở lại để như lời cam kết của Tổng Thống Nixon ngày 17-1-1973 “Hoa Kỳ sẽ trả đũa mãnh liệt khi Bắc Việt vi phạm Hiệp Định”.

Vì Hoa Kỳ đã không thi hành nghĩa vụ pháp lý trong việc chế tài những vi phạm thô bạo của Bắc Việt khi đem quân xâm chiếm Miền Nam năm 1975, nên Kissinger không thể ngoan cố phủ nhận trách nhiệm. Đây không phải là trách nhiệm tinh thần mà là trách nhiệm về pháp lý và về đạo lý.

    Nói tóm lại:

Với sự xóa bỏ Hiệp Định Geneva 1954, sự thừa nhận nhà nước và chính phủ Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam, sự rút quân đơn phương của Hoa Kỳ, sự cắt giảm viện trợ quân sự cho Việt Nam Cộng Hòa  từ sau Hiệp Định Paris, đặc biệt là việc Hoa Kỳ bội ước không tôn trọng lời cam kết của Tổng Thống Nixon trong 30 văn thư gửi Tổng Thống Thiệu hứa sẽ trả đũa quyết liệt trong trường hợp Bắc Việt tấn công võ trang vi phạm nghiêm trọng Hiệp Định, Tổng Thống Nixon thú nhận: “Hoa Kỳ đã phản bội Đồng Minh và đã thất bại trong việc thực thi những điều cam kết bảo vệ Độc Lập và Tự Do của Việt Nam Cộng Hòa. Đây là sự phản bội và thất bại không tiền khoáng hậu trong lịch sử Hoa Kỳ”.

Thậm tệ hơn nữa là việc Hoa Kỳ bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa bằng cắt giảm viện trợ từ 1,4 tỉ năm 1972 xuống còn 500 triệu từ sau Hiệp Định Paris.

Tháng 4-1975 sau khi mất Đà Nẵng, Tướng Weyand, Tham Mưu Trưởng Lục Quân Hoa Kỳ, lập phúc trình đề nghị Tổng Thống Ford yêu cầu Quốc Hội viện trợ khẩn cấp cho Việt Nam Cộng Hòa 700 triệu mỹ kim để kịp thời trả đũa quân Bắc Việt xâm lăng. Với số ngân khoản này Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa sẽ có thể phản công và oanh tạc từng sư đoàn chính quy Bắc Việt xâm nhập Miền Nam.

    Tháng 8-1974  Nixon  từ chức. Và từ cuối năm 1974, lợi dụng thời cơ, Quân Đội Bắc Việt ngang nhiên tập trung đến cấp sư đoàn, chiếm Phước Long tháng giêng, Ban Mê Thuột tháng 3, và Đà Nẵng tháng 4-1975. Do sự khinh thị này, Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ rất có thể sẽ lấy lại thế quân bình sau  những trận oanh tạc quy mô tại Tây Nguyên và Quân Khu I.

    Tuy nhiên Kissinger đã can gián Tổng Thống Ford và hù dọa rằng chiến dịch phản kích sẽ gặp phản kháng của quần chúng xuống đường, và sẽ gây hậu quả bất lợi cho cuộc bầu cử tổng thống năm 1976 (mà Ford là ứng cử viên).

    Rút cuộc đơn xin viện trợ khẩn cấp của Tướng Weyand bị bác bỏ. Vẫn chưa toại nguyện, Kissinger còn nguyền rủa đồng minh: “Sao bọn họ không chết sớm đi cho rồi!. Tệ hại nhất là bọn họ cứ sống dai dẳng mãi!”. (The Palace File: Nguyen Tien Hung and Jerrold Schecter trích dẫn Ron Nessen: It Sure Looks Different  from the Inside).

Trong bản điều trần tháng 9-1974 trước Quốc Hội Hoa Kỳ về dự án ngân sách 1975, Tướng John Murray, đưa ra công thức về sự liên hệ giữa số quân viện và chủ quyền lãnh thổ: “Nếu Hoa Kỳ cắt quân viện chừng nào thì Việt Nam Cộng Hòa mất lãnh thổ chừng ấy”.  

Theo công thức này có 3 mức quân viện chính yếu liên hệ đến 3 tuyến phòng thủ:

1. Nếu quân viện còn ở mức 1.4 tỷ mỹ kim thì Việt Nam Cộng Hòa còn giữ được những vùng đông dân cư trên toàn lãnh thổ.

2. Nếu quân viện giảm xuống 900 triệu thì Việt Nam Cộng Hòa không thể giữ được Vùng I và Vùng II Chiến Thuật.

3. Nếu quân viện chỉ còn 600 triệu thì Việt Nam Cộng Hòa chỉ có thể giữ được Saigon và vùng châu thổ sông Cửu Long.

Sự thật phũ phàng là Quốc Hội Hoa Kỳ đã cắt viện trợ của Việt Nam Cộng Hòa từ trên 2 tỷ trước Hiệp Định Paris xuống còn 500 triệu năm 1975 (cộng với 200 triệu tiền sở phí chuyên chở và các khoản linh tinh).

Trước sự nhẫn tâm của Quốc Hội Hoa Kỳ, Tổng Thống Nixon nhận định :

 “Các dân biểu và nghị sĩ phản chiến đã xóa tên Việt Nam Cộng Hòa trong danh sách các quốc gia đồng minh của Hoa Kỳ. Kể cả từ sau Hiệp Định Hòa Bình Paris 1973, chúng ta đã thắng trong chiến tranh. Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã thành công trong việc chặn đứng những vụ vi phạm ngừng bắn của Bắc Việt trong suốt 2 năm. Lý do thất bại là vì Quốc Hội Hoa Kỳ đã khước từ không chịu cấp quân viện cho Saigon ngang với số quân viện Liên Xô cấp cho Hà Nội. Tất cả các tướng lãnh chỉ huy cao cấp Hoa Kỳ tại Việt Nam và Hoa Thịnh Đốn đều xác nhận rằng, nếu được trang bị đầy đủ, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa sẽ có khả năng đẩy lui những sư đoàn thiện chiến nhất của Bắc Việt xâm nhập vào Nam...” (Nixon, sách đã dẫn)

Lưỡng Diện Thụ Địch

Năm 1973, dưới áp lực của Kissinger và Nixon, ông Thiệu bị du vào thế lưỡng diện thụ địch, phải ký Hiệp Định Paris để chấp nhận những tai ương gây ra bởi bản văn Hiệp Định, cũng như bởi sự trí trá của Cộng Sản và sự bội ước của Đồng Minh.

Chúng ta hãy nêu giả thuyết:

Trong trường hợp ông Thiệu có tinh thần vô uý không chịu lùi bước trước cái chết như ông Sirik Matak, tại Cao Miên liệu ông có thể làm được những gì cho Quốc Gia?

Với tư cách nguyên thủ của một Quốc Gia có Hiến Pháp và Quốc Hội, ông Thiệu có thể ra chỉ thị cho chính phủ của ông không ký hiệp định trong trường hợp Hoa Kỳ cho quân Bắc Việt tiếp tục đồn trú tại Miền Nam trái với lời cam kết minh thị của Nixon. Về mặt hiến chế các hiệp ước do Hành Pháp ký chỉ có hiệu lực thi hành nếu được Lập Pháp phê chuẩn. Mà Quốc Hội Việt Nam Cộng Hòa đầu thập niên 1970 vẫn tôn trọng Hiến Pháp 1967 với chủ trương đặt “Cộng Sản ra ngoài vòng pháp luật”.

Trong trường hợp Quốc Hội Việt Nam Cộng Hòa công bố lập trường không chấp nhận và sẽ không phê chuẩn bất cứ hiệp định nào ký với Bắc Việt nếu có một trong ba sự kiện sau đây:

1. Có sự  tham gia của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, một tổ chức ngoại vi của Đảng Cộng Sản, đại diện bởi cái gọi là “Chính Phủ Lâm Thời” của “Nước” CHMNVN, một nước hữu danh vô thực, được khai sanh vào tháng 6-1969 vì nhu cầu chính trị giai đoạn. Nó bị khai tử tháng 11-1975 cùng với CHMNVN.

2. Trong Hiệp Định không có điều khoản ghi rõ Quân Đội Bắc Việt phải triệt thoái khỏi Miền Nam Việt Nam đồng thời với Quân Lực Hoa Kỳ.

3. Hoa Kỳ được vĩnh viễn giải kết tại Việt Nam nên không còn chịu trách nhiệm bảo đảm sự thi hành Hiệp Định, nhất là không trả đũa tái oanh tạc nếu Bắc Việt vi phạm Hiệp Định bằng xâm lăng võ trang để thôn tính Miền Nam Việt Nam.

Nếu có một trong ba trường hợp nói trên,  Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa sẽ không ký Hiệp Định vì biết rằng Quốc Hội sẽ không phê chuẩn. Quốc Hội Việt Nam Cộng Hòa sẽ ra Tuyên Cáo và Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa sẽ họp báo tại Saigon, Paris và Hoa Thịnh Đốn để công bố lập trường và tranh thủ cảm tình của dư luận quốc gia và quốc tế.

Hoa Kỳ sẽ phản ứng ra sao?

Theo giới am hiểu, nhiều phần người Mỹ sẽ không dám hạ sát ông Thiệu năm 1973 như họ đã hạ sát ông Diệm năm 1963. Trong một thập niên, Hoa Kỳ không dám sát hại hai vị nguyên thủ của một quốc gia đồng minh đã đồng tâm hiệp lực với Hoa Kỳ đứng ra làm tiền đồn chống Cộng để bảo vệ Tự Do cho các quốc gia Đông Nam Á dưới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ qua Khối Liên Minh Phòng Thủ Đông Nam Á (SEATO).

Tổng kết lại, trong trường hợp Việt Nam Cộng Hòa không ký Hiệp Định Paris 1973 thì việc gì sẽ xẩy ra, và Hoa Kỳ sẽ phản ứng ra sao?

1. Rất có thể, do áp lực quốc nội, cũng như vì quyền lợi riêng tư, Hoa Kỳ sẽ ký hiệp ước tay đôi với Bắc Việt về ngừng bắn, rút quân và thả tù. Và để trả đũa Hoa Kỳ sẽ cắt hết viện trợ quân sự cho Việt Nam Cộng Hòa, để tạo cơ hội cho Cộng Sản thôn tính Miền Nam bằng võ lực. Trước dư luận quốc tế và quốc nội, cũng như về mặt ngoại giao, liên minh, chính nghĩa, tín nghĩa và lương tâm, liệu Hoa Kỳ có dám nhẫn tâm làm điều đó không?

Câu trả lời hợp lý là “không”.

Vì hành động như vậy là phản bội đồng minh và đầu hàng nhục nhã. Chẳng khác nào, nếu đầu thập niên 1940, Roosevelt ký với Đức Quốc Xã hiệp ước bất tương xâm để trao Tây Âu cho Hitler; hay cuối thập niên 1940, Truman ngưng tiếp vận hàng không cho Tây Bá Linh để trao thị trấn này cho Honecker; hay đầu thập niên 1950, Eisenhower ký hòa ước với Bắc Hàn để rút quân và bán đứng Nam Hàn cho Kim Nhật Thành.

Những vụ phản bội và đầu hàng nhục nhã này nếu có, chẳng những tác hại đến Anh Quốc, Tây Đức và Đại Hàn, mà còn gây thảm họa cho toàn cõi Âu Châu, từ Tây Âu sang Đông Âu, cũng như cho toàn cõi Á Châu, từ Đông Bắc Á qua Đông Nam Á. Do hậu quả dây chuyền của Thuyết Domino.

2. Dầu sao, nhiều phần là, muốn ngừng bắn, rút quân và chuộc tù, Hoa Kỳ vẫn cần phải có sự tham dự của Việt Nam Cộng Hòa tại Hội Nghị. Muốn thế Hoa Kỳ sẽ tìm cách lật đổ ông Thiệu theo kế hoạch “thay đổi nhân sự” được áp dụng năm 1963. Trong trường hợp này, cũng như  10 năm trước, rất có thể ông Dương Văn Minh sẽ lại được chiếu cố. Và ông này sẽ tuân lệnh Hoa Kỳ (và Bắc Việt) để thành lập một Chính Phủ Liên Hiệp 3 Thành Phần do Cộng Sản khống chế. Kết quả là phe Cộng Hòa chỉ còn 1/3 chủ quyền, 1/3 chính quyền, 1/3 lãnh thổ và 1/3 lực lượng tại Miền Nam. Nghĩa là trong toàn cõi Việt Nam, phe Cộng Sản chiếm tuyệt đại đa số 5/6. Trong điều kiện đó Bắc Việt sẽ dễ dàng thôn tính Miền Nam hoặc bằng phương pháp hòa bình, hoặc bằng bạo động võ trang.

Trong trường hợp này, đối với Hoa Kỳ, hành động bán trắng Việt Nam Cộng Hòa cũng là phản bội đồng minh và đầu hàng nhục nhã.

Và, một lần nữa, vấn đề đặt ra là, về mặt ngoại giao, liên minh, chính nghĩa, tín nghĩa và lương tâm, liệu Hoa Kỳ có dám nhẫn tâm làm điều đó không?

Câu trả lời hợp lý cũng vẫn là “không”.

Rút kinh nghiệm vụ “thay đổi nhân sự” năm 1963 tại Việt Nam, Hoa Kỳ sẽ rất ngần ngại khi phải can thiệp lộ liễu vào nội bộ của một Quốc Gia Đồng Minh trong Thế Giới Dân Chủ.  

Trong văn thư ngày 31-8-1972 chính Nixon cũng xác nhận điều này với ông Thiệu : “Tôi xin một lần nữa đoan chắc với Ngài về lập trường căn bản của Hoa Kỳ:  Nhân dân Hoa Kỳ ý thức rằng muốn mang lại hòa bình và danh dự cho quốc gia, chúng tôi không thể bỏ rơi một đồng minh dũng cảm (như Việt Nam Cộng Hòa). Điều này tôi không thể làm và sẽ không bao giờ làm”.

Vì việc này đi trái Chính Nghĩa, Tín Nghĩa, Lương Tâm,  Danh Dự, Quyền Lợi Quốc Gia và Truyền Thống Dân Chủ của Hoa Kỳ từ khi lập quốc.

Có điều là, trong lịch sử nhân loại cổ kim, chưa từng thấy một đế quốc nào dám ra tay hạ sát hai vị nguyên thủ của một quốc gia đồng minh trong vòng một thập kỷ.

Thật vậy, khi Hoa Kỳ nhẫn tâm rũ áo ra đi để mặc cho phe Quốc Tế Cộng Sản thôn tính Miền Nam bằng võ lực, thì bao nhiêu công lao, danh dự và uy tín quốc gia, xây dựng từ Thế Chiến I đến Thế Chiến II và Chiến Tranh Triều Tiên, sẽ phút chốc tiêu tan, đem lại sự bất bình và chê bai của các quốc gia văn minh trên thế giới. Hậu quả dễ thấy nhất là sự bành trướng thế lực vượt bực của phe Quốc Tế Cộng Sản tại Á Châu, Phi Châu và Châu Mỹ La Tinh.

Ngoài ra, sự hoài nghi của các dân tộc trên thế giới về Quyết Tâm và Lý Tưởng Tự Do của Hoa Kỳ sẽ có tác dụng làm suy yếu cuộc đấu tranh giải thể chế độ độc tài cộng sản tại Đông Âu và Liên Xô.

Do đó, cho đến nay không ai dám quyết đoán về việc Hoa Kỳ có theo chủ nghĩa thực dụng để nhẫn tâm làm việc đó không?.

Có điều là, nếu quân dân một lòng, và nếu vị nguyên thủ quốc gia có tinh thần vô úy “coi tấm thân nhẹ tựa hồng mao”, không chịu lùi bước trước cái chết, thì uy tín của Việt Nam Cộng Hòa sẽ được bảo toàn, danh dự của Quân LựcViệt Nam Cộng Hòa sẽ được gìn giữ. Và vị nguyên thủ quốc gia sẽ có cơ hội đi vào lịch sử như Nguyễn Thái Học và Hoàng Diệu trong hai thế kỷ vừa qua.

Mà, nếu biết vận dụng tình thế, với quyết tâm, có cố vấn và mưu lược, rất có thể  Việt Nam Cộng Hòa sẽ tạo được thời cơ để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ từng phần hay toàn diện.
 
                        Luật Sư NGUYỄN HỮU THỐNG
•    (Trích trong Giai Phẩm Xuân Quý Tỵ 2013 của Hội Luật Gia Việt Nam tại Califormia)

      (Khai triển quan điểm của Giáo Sư Robert F. Turner về Chiến Tranh Việt Nam)