main billboard

Vào đúng ngày này 40 năm về trước (1973-2013), ngày 27-1-1973 Hiệp Ðịnh Paris


lichsu hd paris
Quang cảnh Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam

        Vào đúng ngày này 40 năm về trước (1973-2013), ngày 27-1-1973 Hiệp Ðịnh Paris  về chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình cho Việt Nam, từng được bốn bên trong cuộc chiến ký kết là Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng Hoà, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà (tức Cộng sản Bắc Việt) và Chánh phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam (con đẻ của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, công cụ quân sự và chính trị xâm lăng Miền Nam Việt Nam của Cộng Sản Bắc Việt).

        Nhân dịp này, chúng tôi muốn đưa ra một số  nhận định về giá trị pháp lý và giá trị thực thi của bàn hiệp định này để cùng rút ra bài học kinh nghiệm.

       Bài viết này lần lược trình bầy:

-       Diễn biến tổng quát đưa đến việc ký kết Hiệp Đình Paris ngày 27-1-1973.

-       Nhận định giá trị pháp lý và giá trị thực thi của bản Hiệp Định Paris ngày 27-1-1973.

-       Kết luận.

I/- DIỄN BIẾN TỔNG QUÁT ĐƯỢC ĐẾN VIỆC KÝ KẾT HIỆP ĐỊNG PARIS NGÀY 27-1-1973.

     Như mọi người đều biết, sau biến cố Tết Mậu Thân 1968 ít lâu, một Hội Nghị tại Paris Pháp Quốc để tìm giải pháp chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình cho Việt Nam được khởi sự. Thất thế đầu tiên là Việt Nam Cộng Hoà duới áp lực của Mỹ đã phải ngồi vào bàn hội nghị bốn bên(thay vì chỉ có hai bêntrong cuộc chiến), dù biết rằng bị đặt ngang hàng với một bên là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam với cái gọi là Chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam, vốn là công cụ quân sự và chính trị để thôn tính Miền Nam của Cộng Sản Bắc Việt.

      Kế đến, nhiều ngày tháng sau đó, trong khi bề ngoài các bên tranh cãi nhau về  hình dạng bàn họp hội nghị là bàn vuông hay bàn tròn, để sau cùng đi đến bàn bầu dục, thì Kissinger và Lê Ðức Thọ đã bí mật và chủ động soạn thảo ra văn kiện Hiệp Ðịnh Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại Hoà Bình ở Việt Nam, với nhiều điều khoản bất lợi, không chút bảo đảm gì cho sinh mạng chính trị chế độ Việt Nam Cộng Hoà.

       Vậy mà Kissinger đã ép buộc chính phủ Việt Nam Cộng Hoà phải ký vào. Chính phủ của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu lúc đó đã quyết liệt chối từ và lập tức bị Kissinger làm áp lực, đe dọa đủ điều, âm thầm cũng như công khai. Sau khi Hoa Kỳ chấp nhận vài sửa đổi về một số điều khoản theo đòi hỏi của Việt Nam Cộng Hoà xem ra có tính nguyên tắc hơn là giá trị thực thi, cùng với sự gia tăng áp lực nặng nề lên chính phủ Thiệu, kèm theo những lá thư phủ dụ trong quan hệ riêng tư của Tổng Thống Richard Nixon gửi cho Tổng Thống Thiệu sau này tiết lộ, chính phủ Việt Nam Cộng Hoà đã không có sự chọn lựa nào khác là phải ký vào bản Hiệp Ðịnh Paris ngày 27-1-1973.

II/- GIÁ TRỊ PHÁP LÝ VÀ GIÁ TRỊ THỰC THI CỦA HIỆP ĐỊNH PARIS NGÀY 27-1-1973.

        1.- Giá trị pháp lý:

      Trong 9 chương, 23 điều của bản Hiệp Ðịnh Paris, chúng ta hãy đọc lại những điều mật ngọt nơi khoản (b) điều 9  Chương IV quy định “Việc thực hiện quyền tự quyết của nhân dân Miền Nam Việt Nam” như sau:

 “ b) Nhân dân Miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị của Miền Nam Việt Nam thông qua tổng tuyển cử thực sự tự do và dân chủ, có giám sát quốc tế.”

         Khoản (a) điều 11 thì ghi “Ngay sau khi ngưng bắn, hai bên Miền Nam Việt Nam sẽ hiệp thương trên tinh thần hoà giải và hoà hợp dân tộc, tôn trọng lẫn nhau và không thôn tính lẫn nhau để thành lập Hội Ðồng Quốc Gia Hoà Giải và Hoà Hợp Dân Tộc gồm ba thành phần ngang nhau...”.

       Vẫn chưa hết những điều mật ngọt, đây là điều 15 của chương V Hiệp Ðịnh Paris quy định rất rõ ràng: “Việc thống nhất nước Việt Nam sẽ được thực hiện từng bước bằng phương pháp hoà bình trên cơ sở bàn bạc và thoả thuận giữa Miền Bắc và Miền Nam Việt Nam, không bên nào cưỡng ép hoặc thôn tính bên nào...Thời gian thống nhất sẽ do Miền Bắc và Miền Nam thoả thuận...”.

   2.- Giá trị thực thi:

         Đến đây thì ai cũng thấy rõ ràng là thực tế hoàn toàn trái ngược với những quy định, cam kết bảo đảm quốc tế và giá trị thực thi của bản Hiệp Định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình cho Việt Nam do bốn bên ký kết ngày 27-1-1975, chỉ là tập giấy lộn, như trò đùa, ký mà chơi, có giá trị như một bản án tử hình chế độ Việt Nam Cộng Hoà được thi hành hai năm sau đó.

        Bởi vì, mọi bảo đảm, giám sát quốc tế, ghi trong bản Hiệp Định này đã không được thực thi:“Việc thống nhất nước Việt Nam” đã không “được thực hiện từng bước bằng phương pháp hoà bình trên cơ sở bàn bạc và thoả thuận giữa Miền Bắc và Miền Nam Việt Nam”mà đã bị Cộng sản Bắc Việt cưỡng đoạt bằng bạo lực;nhưng mọi biện pháp chế tài kẻ vi phạm vẫn không được thực hiện, trước sự vi phạm của cả hai mà  là một: Cộng sản Bắc việt và công cụ xâm lược là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam.

        Trên thực tế, giá trị thực thi của bản hiệp định này đã chỉ là căn bản pháp lý giúp Hoa Kỳ rút chân ra khỏi cuộc chiến một cách danh dự, sau khi đã đạt được ý đồ chiến lược trong vùng thông qua cuộc chiến (với Thông cáo chung Thượng Hải 1972 ký với Trung Cộng), bỏ rơi Việt Nam Cộng Hoà và thả nổi cho Cộng Sản Bắc việt thôn tính Miền Nam Việt Nam, trước sự phủi tay không thương tiếc của Hoa Kỳ và đồng minh, và sự làm ngơ của những cam kết quốc tế bảo đảm cho việc thực thi hiệp định này.

   Thực tế, giá trị thực thi đối với nhân dân, chính phủ quốc gia Việt Nam Cộng Hòa, đó chỉ là tập giấy lộn, có giá trị như một bản án tử hình chế độ Việt Nam Cộng Hoà, được Ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger và Lê Ðức Thọ của Cộng sản Bắc Việt hợp soạn, ép buộc chính phủ Việt Nam Cộng Hòa phải ký vào ngày 27-1-1973, để rồi hai năm sau đó đã cưỡng tử Việt Nam Cộng Hoà vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, trước sự phủi tay không thương tiếc của người bạn đồng minh Hoa kỳ, và sự lạnh lùng làm ngơ của những cam kết quốc tế bảo đảm cho việc thực thi hiệp định này.

    Đến đây thì ai cũng thấy rõ bản Hiệp Định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình cho Việt Nam ngày 27-1-1973 đã chỉ có giá trị pháp lý mà không có giá trị thực thi, là vì những kẻ chủ mưu và chủ động soạn thảo (Hoa Kỳ  và Việt cộng) đều có chung ước muốn có được một căn bản pháp lý để thành đạt ý đồ riêng: Hoa kỳ cần có căn bản pháp lý để rút chân ra khỏi cuộc chiến “Một cách danh dự” để đi vào một thế chiến lược quốc tế mới(hậu Chiến Tranh Lạnh). Việt cộng thì chỉ cần căn bản pháp lý ấy giúp Mỹ dễ dàng bỏ rơi “đồng minh Việt Nam Cộng Hòa”, để có điều kiện thuận lợi thôn tính Miền Nam Việt Nam bằng bạo lực quân sự.

     Trên thực tế ai cũng thấy cả Hoa Kỳ và Việt cộng đều đã thành đạt ý đồ riêng của mình dựa vào giá trị pháp lý của bản Hiệp Định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình cho Việt Nam.

    Lịch sử đã sang trang,Việt cộng đã nắm quyền thống trị cả nước 38 năm rồi (1975-2013). Hoa Kỳ thì 20 năm sau cuộc chiến (1975-1995), đã quay trở lại Việt Nam bắt tay với cựu thù Việt cộng năm xưa, thiết lập quan hệ ngoại và chuyển đổi đối phương Việt cộng thành đối tác làm ăn trên bình diện kinh tế, dùng môi trường “mật ngọt kinh tế thị trường” để vừa “cải tạo” Việt cộng thành công cụ chiến lược mới (Toàn cầu hóa) trong vùng của mình, vừa chuyển hóa tịnh tiến chế độ độc đảng, độc tài toàn trị  qua chế độ đa đảng, dân chủ pháp trị. Trên thực tế, sau 18 năm thực hiện ý đồ này của Hoa Kỳ, hiệu quả ra sao ai cũng có kiểm chứng được bằng thực tiễn. Chính Việt cộng hơn ai hết cũng biết rõ ý đồ này của Mỹ, những  không biết làm gì hơn, ngoài miệng chỉ biết cảnh giác cán bộ đảng viên cộng sản về “Âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch”, nhưng chân vẫn phải chậy theo “Chiều hướng mới không thể đảo ngược: kinh tế thị trường và dân chủ hóa toàn cầu trên sự tiêu vong chế độ độc tài các kiểu…”.Tất nhiên trong đó có kiểu độc tài toàn trị cộng sản(giả hiệu) tại Việt Nam đã và đang trên quá trình tiêu vong và sẽ kết thúc ở cuối quá trình này trong một tương lai không xa.

        Như vậy là như “Ván đã đóng thuyền” nói theo tục ngữ bình dân. Vậy mà gần đây lại có một số người Việt quốc muốn đấu tranh để được quốc tế giúp thực thi bản Hiệp Định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình cho Việt Nam, căn cứ trên giá trị pháp lý với những bảo đảm thi hành của Hiệp Định này. Thiết tưởng đây là một điều không tưởng (lý tưởng không bao giờ thực hiện được). Bởi vì cho đến bây giờ và mãi mãi giá trị pháp lý của Hiệp định này vẫn còn giá trị vĩnh cửu sẽ đi vào lịc sử. Thực tế không thể và không bao giờ thực hiện được, là vì ngay trên bình diện pháp lý, hai trong bốn bến ký kết Hiệp Định Paris vốn là những pháp nhân nay đã không còn: Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam. Cái chính phủ ma này vốn chỉ là công cụ chính trị của CSBV thì không nói làm gì và đã bị giải tán (1976) sau khi Việt cộng cưỡng chiếm được Miền Nam. Điều đáng nói là Chính phủ chính danh quốc gia Việt Nam Cộng Hòa đã tự tan rã sau ngày 30-4-1975. Vậy lấy tư cách gì để “kiện Việt cộng” vi phạm Hiệp Định Paris trước quốc tế để được tái thi hành Hiệp Định này. Ngay cả trường hợp giả định sau ngày 30-4-1975 các nhà lãnh đạo các cơ quan hành pháp, lập pháp và tư pháp Việt quốc vẫn duy trì được như là một chính phủ lưu vong của quốc gia Việt Nam Cộng Hòa (thực tế rất khó, không thể…), tương tự như Chính phủ De Gaul trong Đệ Nhị Thế Chiến hay Chính phủ lưu vong của người Tây Tạng hiện nay, thì thực tế cũng không làm gì được, khi chính Hoa Kỳ,“người bạn đồng minh năm xưa” trong quá khứ đã có ý đồ như thế, bây giờ thì đã quay 180 độ và đã hành xử như vậy đối cựu thù Việt cộng, kẻ đã vi phạm trắng trợn Hiệp Định Paris ngày 27-1-1975. Thành ra, những ai đã và đang chủ trương đấu tranh cho việc tái thi hành Hiệp Định Paris,dù có thiện chí, xuất phát từ lòng yêu nước, song chỉ là điều hoang tưởng, chỉ có giá trị như một ước mơ không thể đạt thành.

III/- KẾT LUẬN:

        Đến đây, đối với Việt cộng, thì bài học kinh nghiệm cần rút ra cho Việt quốc là, sau 38 năm tiếp tục chống cộng vì dân chủ cho Quê Mẹ Việt Nam vẫn là câu nói đúng (dù trong trách nhiệm lãnh đạo có nhiều sai lầm nghiêm trọng, di hại cho đất nước) của cố Tổng Thống Việt Nam Cộng Hoà Nguyễn Văn Thiệu “ Đừng nghe những gì cộng sản nói, mà hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm”; Và hành động sai của nhiều người lãnh đạo Việt quốc có trách nhiệm, tiêu biểu như ông Nguyễn Cao Kỳ lúc sinh thời, là cựu Phó Tổng Thống Việt Nam Cộng Hoà nhưng đã không làm theo lời nói đúng của người đồng sự lãnh đạo hàng đầu chế độ Việt Nam Cộng Hoà, đã cả tin nghe lời dụ dỗ ngon ngọt của Việt Cộng về nước cho chúng lợi dụng tuyên truyền (giai đọan) cho cái gọi là chủ trương chính sách “Hoà giải và hoà hợp dân tộc” bịp bợm của Việt Cộng, chẳng đem lại lợi ích gì cho đất nước và dân tộc (nếu như ông Kỳ quả có thiện ý khi hành động như vậy). Thực tế, việc làm của Ông Kỳ đã  làm nhục Quốc thể, phỉ báng chính nghĩa Quốc Gia khi “Chính” (Quốc) đầu hàng “Tà” (Cộng) và không oan trái gì khi bị kết tội phản bội chiến sĩ và đồng bào mà một thời đã hy sinh chiến đấu chống cộng để bảo vệ chế độ dân chủ pháp trị Việt Nam Cộng Hoà tại phần đất tự do Miền Nam Việt Nam (mà ông Kỳ là một trong những lãnh đạo hàng đầu, có cơ hội ăn trên ngồi chốc, vinh thân phì gia…)

    Đối với ngoại bang, bài học kinh nghiệm cần rút ra là, trong bất cứ hoàn cảnh nào, chiến tranh hay hoà bình, đừng quá tin vào “đồng minh”, “đồng chí anh em” gì hết ; và đừng ảo tưởng về những cam kết quốc tế liên quan đến số phận dân tộc, đất nước mình… mà hãy tự tin vào chính mình và luôn luôn phải tự lực cánh sinh, tự túc, tự cường, dựa trên sức mình là chính, phải tự tạo ra cho mình được thế và lực khả dĩ đủ sức đương đầu và chủ động giải quyết được mọi vấn đề theo chiều hướng có lợi cho dân tộc và đất nước.

    Thiện Ý              
       
     Ngày 27 tháng 1 năm 2013