Chưa bao giờ công chúng Mỹ hiểu được bản chất của cuộc chiến ở Việt Nam. Bản chất đó chắc chắn không bao giờ được các phương tiện truyền thông Mỹ làm rõ.
TT Nguyễn Văn Thiệu và TT Nixon. Ảnh pl.pinterest.com
Thomas Polgar là trưởng nhiệm sở CIA cuối cùng tại miền Nam Việt Nam trước khi chế độ VNCH sụp đổ. Trong những đại sứ quán “nhạy cảm” của Hoa Kỳ, trưởng nhiệm sở CIA là nhân vật quyền lực thứ nhì, sau đại sứ.
Polgar sinh năm 1922 tại Hungary trong một gia đình Do Thái, gia đình ông chạy sang Mỹ để tránh Đức Quốc Xã. Ông nhập tịch Mỹ lúc 22 tuổi và gia nhập CIA lúc 25 tuổi, sau khi tốt nghiệp cử nhân. Trước khi đến Việt Nam, ông chỉ phục vụ tại các nhiệm sở ở châu Âu và Nam Mỹ. Ông mất tại Florida năm 2014, thọ 92 tuổi.
Hồi ức của ông http://lde421.blogspot.gr/ 2013/01/tom-polgar-remembers. html
https://en.wikipedia.org/wiki/ Peter_principle có đã mấy năm nay nhưng gần đây mới được chú ý qua trang mạng viet-studies của TS Trần Hữu Dũng.
Mời quý vị theo dõi bản dịch phần hồi ức này và khi gặp “chúng ta” trong bản dịch, xin hiểu là “người Mỹ chúng ta.” Tài liệu dài nên ĐCV đã đặt những tựa nhỏ. Những phần trong dấu ngoặc là chú thích của ĐCV.
Thomas Polgar (Ảnh The NY Times)
Từ Buenos Aires đến Sài Gòn
Lý do tôi đến Sài Gòn là vì người được chỉ định làm trưởng nhiệm sở CIA kế nhiệm cho Ted Shakley, đã ở Sài Gòn hơn ba năm, là anh chàng Joe Smith.
Vào thời điểm đó, Smith đang là trưởng nhiệm sở ở Tokyo, một trong những vị trí danh giá nhất của CIA, sau khi đã làm phó vùng đặc trách Viễn Đông. Trưởng vùng đặc trách Viễn Đông bấy giờ do Bill Colby nắm. (Colby cũng từng có nhiệm kỳ tại Việt Nam và sau này làm Giám Đốc CIA).
Smith là một lựa chọn rất hợp lý. Giấy tờ chọn lựa này đã được ký tên, đóng dấu và trao tay. Smith sẽ tiếp nối công việc của Shakley.
Bất ngờ, cha của Smith qua đời. Tang gia bối rối, phải có người lo tang lễ với đủ thứ công việc lỉnh kỉnh. Không có ai khác để gánh vác ngoài Smith. Vì vậy, Smith xin nghỉ hưu để lo chuyện gia đình. Chuyện kế nhiệm cho Shakley, dù đã được lập kế hoạch trong hai năm, coi như vứt đi. Đáng lý ra, Smith là một lựa chọn rất hợp lý nếu nói về kinh nghiệm ở châu Á, kinh nghiệm tại Viễn Đông.
Thật tình, nếu nói một cách chính xác thì tôi cũng không phải là một bóng mờ. Tại thời điểm đó tôi đã quen giám đốc CIA Richard Helms khoảng 25 năm, tôi làm dưới quyền ông ở Berlin, tôi là trưởng nhiệm sở tại Đức, một chỗ ưng ý dưới cặp mắt của cả cựu Giám đốc Alan Dulles lẫn đương kim Giám đốc Helms. Tôi ăn lương cấp GS-17 (của hàng ngũ công chức liên bang), một cấp khá cao.
Thực ra, có rất nhiều điểm tương đồng giữa loại hoạt động mà tôi đã gặp khi làm trưởng ban sưu tra khu vực Nam Mỹ và tình huống mà chúng ta đang đối mặt ở Việt Nam. Và có lẽ quan trọng nhất, tôi là phụ tá đặc biệt trong bốn năm cho một anh trung tướng có tên là Lucien Truscott, là người phụ trách nhiều công việc nhưng việc chính là điều phối công tác tình báo. Trong tư cách đó, tôi đã có rất nhiều kinh nghiệm làm việc với giới nhà binh Hoa Kỳ. Công việc này nhiêu khê hơn câu chuyện không tặc. (Trước đó, Polgar nổi tiếng qua chuyện giải quyết vụ cướp máy bay ở Chilê bằng cách đích thân bước lên máy bay điều đình với bọn không tặc). Tôi đang làm trưởng nhiệm sở ở Buenos Aires thì nghe tin mình đã được chọn làm trưởng nhiệm sở ở Sài Gòn.
Tôi nói tiếng Tây Ban Nha. Tôi nói tiếng Đức. Tôi nói tiếng Pháp (ngoài tiếng Hungary). Chẳng có thứ tiếng châu Á nào. Đó là một bất lợi lớn nhưng đó là tình trạng chung của CIA, bởi vì tôi nghĩ rằng trên bậc lương cấp GS-12, tương đương với cấp thiếu tá quân đội, CIA bấy giờ không ai biết tiếng Việt.
Những vụn vặt đầu tiên
Ngay khi tôi đến Sài Gòn, tôi đã cố gắng tiếp xúc với những người Việt ngoài những người Việt mà tôi phải gặp trong công việc trách nhiệm hằng ngày. Tôi đã cố gắng gặp những người như người đứng đầu luật sư đoàn, người đứng đầu hãng hàng không, người đứng đầu một công ty dược phẩm, bác sĩ, nha sĩ… để tôi có thể cảm nhận một chút về xã hội miền Nam. Đó là một công việc khó khăn. Đôi khi tôi phải làm việc 11, 12, 14 tiếng một ngày.
Sau này nhìn lại chắc là ngu ngốc, nhưng lúc đó tôi hoàn toàn tin tưởng rằng chúng ta đã thực hiện những gì chúng ta cam kết ở Việt Nam. Tôi nghĩ rằng chừng nào Nixon còn làm tổng thống, Bắc Việt sẽ cư xử một cách chừng mực, cộng trừ đi một chút.
Tôi không bao giờ mong đợi sẽ có ngừng bắn hoàn toàn như chúng ta đã gặp ở châu Âu ngày 8 tháng 5 năm 1945 (sau Thế Chiến 2). Tôi chưa bao giờ mong đợi như vậy. Chuyện đó cũng chẳng bao giờ xảy ra. Nhưng quả thực chúng ta đã có một thời gian dài, cụ thể là trong suốt năm 1973 và nửa đầu năm 1974, một thời kỳ mà chúng ta thường gọi là “ít máu lửa hơn”. Nói cách khác, chúng ta đã có một tình huống không hẳn là ngưng bắn, nhưng không có hoạt động quân sự lớn; và mức độ bạo lực, phá hoại, ám sát, phục kích vân vân, nằm trong vòng mà chúng ta gọi là “giới hạn chấp nhận được”. Đó là một mức độ bạo lực mà cả hai bên có thể chịu đựng vô thời hạn, không tạo bất kỳ thay đổi tình hình chính trị nào.
Tôi nghĩ rằng nếu miền Bắc hành xử theo đúng nghĩa vụ của họ ghi trong Hiệp định Paris thì sẽ không có vấn đề gì. Ngay cả sự hiện diện của quân đội Bắc Việt ở miền Nam cũng không phải là vấn đề. Quân đội mà họ được phép để lại tại miền Nam vừa trải qua cuộc tổng tấn công vào dịp lễ Phục sinh mùa xuân năm 1972 (VNCH gọi là Mùa Hè Đỏ Lửa) và khi bạn nhìn thẳng vào vấn đề, bạn sẽ thấy họ chẳng tạo được thắng lợi nào. Tóm lại, họ có mặt ở đó, nhưng chẳng đi tới đâu. Ý tôi muốn nói là họ có một ít rừng, họ có một ít núi, nhưng tại thời điểm đó chính phủ Nam Việt Nam kiểm soát ít nhất 95% dân số, chính phủ này kiểm soát tất cả các khu vực sản xuất kinh tế của đất nước. Vì thế cho nên chuyện có một số binh sĩ Bắc Việt sống trên vùng cao nguyên chung với hổ và rắn cũng không làm ai bận tâm. Ý tôi muốn nói chắc chắn là họ không có bất cứ một tí mơ tưởng nào để lập một thủ đô tạm thời.
Vấn đề lúc bấy giờ là Việt Nam chỉ đơn giản là một phần của một vấn đề toàn cầu mà Hoa Kỳ đang đối phó một cách liên tục. Việt Nam là một trò ảo thuật mà Nixon muốn sử dụng trong mối quan hệ giữa ông ta với người Nga và quan hệ giữa ông ta với Trung Quốc và quan hệ giữa ông ta với cử tri Mỹ.
Đối với người Việt Nam, tất nhiên, vấn đề Việt Nam 100 phần trăm là sự tồn tại của họ. Họ không thể nghĩ về bất cứ chuyện gì khác. Đây cũng chính là vấn đề chúng ta gặp phải với người Cuba ngày nay. Chúng ta nghĩ về Cuba có thể năm phút mỗi tháng, còn người Cuba nghĩ về mối quan hệ của họ với Hoa Kỳ vào mọi lúc. Vì vậy, tôi không nghĩ rằng người Mỹ và người Việt Nam có cách tiếp cận về kết thúc chiến tranh theo cùng quan điểm, ngay cả gần giống quan điểm cũng chẳng có.
Nixon và Thiệu
Trọng tâm của Hiệp định Paris là cam kết của chúng ta rằng những tổn thất mà người miền Nam gặp phải sau khi ngừng bắn sẽ được thay thế trên cơ sở một đổi một. Chúng ta cũng có một lực lượng không quân lớn ở Thái Lan với mục đích rõ ràng là sẽ hành động như một lực lượng trả đũa, nếu cần.
Thật vậy, tôi đã có mặt ở San Clemente (Tòa Bạch Ốc miền Tây của Nixon ở California) lúc Tổng thống Nixon nói với Tổng thống Thiệu vào tháng 4 năm 1973 rằng nếu Bắc Việt vi phạm trọng tâm của Hiệp định Paris, sự trả đũa của chúng ta sẽ là ngay lập tức và tàn bạo. Tôi không có lý do gì để nghi ngờ điều đó. Và người Bắc Việt cũng vậy.
Khi chúng tôi ở San Clemente năm 1973, nhân dịp Tổng thống Thiệu được mời đến thăm Nixon, phía Hoa Kỳ có Chánh Văn Phòng của tổng thống (tương đương với Bộ trưởng Phủ tổng thống của VNCH hoặc Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ của CSVN) và một vài người khác. Ngoài ra còn có Đại sứ Bunker mang theo theo hai người, một trong hai người này là tôi. Đây là lần đầu tiên tôi được giới thiệu với Erlichman (Cố Vấn Đối Nội của Tổng thống), Haldeman (Chánh Văn Phòng), Ziegler (Phát Ngôn Viên) nói chung là cái đám bậu xậu dễ chịu đó. Tôi không hề ngờ rằng tất cả cái đám này sẽ bị sa thải trong một hai năm sau đó, và cuối cùng Nixon cũng từ chức. Tôi không hiểu tại sao. Ý tôi muốn nói là họ đang ở trong đỉnh cao của sự nghiệp.
Thế rồi sau đó, bước sang tuần đầu tiên của tháng Tư, tôi không hiểu tại sao mọi thứ trở nên tồi tệ giống như đã xảy ra. Nixon vừa được tái đắc cử với đa số phiếu lớn lao đây mà. Có hôm Kissinger nói với tôi khi chúng tôi ăn sáng riêng với nhau, ông ta gọi Haldeman là “một tên tội phạm”. Nhưng vì Kissinger hay lăng mạ người khác mà chẳng ai làm gì được, nhất là khi lăng mạ người nào mà ông ta biết rõ. Kissinger có thể gọi ai đó là một tên tội phạm chỉ vì những chuyện nhỏ nhặt, chẳng hạn như người đó làm xáo trộn thứ tự chỗ ngồi trong một bữa ăn tối, vì thế, tôi không để ý những chuyện như vậy.
Trước khi đi Việt Nam vào năm 1972, tôi đến gặp Bộ trưởng Quốc phòng và nói, “Thưa bộ trưởng, ông biết tôi đến gặp ông vì tôi đang ở một thời điểm rất quan trọng trong sự nghiệp của tôi. Tôi mới chạm tuổi 50, tôi đủ điều kiện để nghỉ hưu, tôi có ba đứa con phải lo cho xong đại học. Tôi không thể đưa gia đình đến Việt Nam. Ông thấy tình hình ở đó sẽ diễn biến ra sao? ” “Ồ,” bộ trưởng nói, “anh sẽ không gặp vấn đề gì cả.” Ông nói tiếp: “Việt Nam sẽ giống như Đức. Chúng ta sẽ để lại ở đó một lực lượng trong 40 năm.”
Lúc đó là tháng Giêng năm 1972. Chắc chắn, chúng ta sẽ giảm số quân ở đó, nhưng quân đội Mỹ chắc chắn vào thời điểm đó hoạt động với giả định rằng sẽ để lại một lực lượng từ 60 đến 100 nghìn người. Giống như Hàn Quốc hay giống như Đức.
Và trên thực tế Việt Nam là nơi duy nhất mà quân đội Mỹ rút ra sau khi vào. Ở Hàn Quốc, chúng ta ở lại. Ở Đức, chúng ta ở lại.
Chiến tranh và truyền thông
Chưa bao giờ công chúng Mỹ hiểu được bản chất của cuộc chiến ở Việt Nam. Bản chất đó chắc chắn không bao giờ được các phương tiện truyền thông Mỹ làm rõ.
Ở Việt Nam tôi thấy có sự khác biệt rất rõ ràng của từng phóng viên báo chí. Và tôi thấy những gì họ định làm.
Bob Shaplen là một người bạn tốt của tôi. Và những gì anh cố gắng làm bên Việt Nam thì ở bên Mỹ đã bị các biên tập viên của anh đảo ngược. Tôi có dịp xem một số bản nháp đã được những nhà báo từ Sài Gòn gửi đi và rồi tôi đã nhận thấy sự khác biệt giữa những gì họ đã viết và những gì đã được in ra. Riêng Shaplen, theo tôi, đã cố gắng tìm sự cân bằng. Có lần anh ấy nói với tôi trong khi vẫn còn làm cho tờ The New Yorker, rằng trong suốt một năm tờ báo không hề in một bài nào của anh. Các biên tập viên giải thích với anh rằng các bài của anh có lợi cho miền Nam Việt Nam nên không thể in. Đó là khoảng 1973-1974. Tôi biết anh ta và tờ The New Yorker sau đó đã chia tay.
Một số nhà báo khác có trải nghiệm khá cay đắng hơn. Điều tương tự cũng xảy ra với một phóng viên của tạp chí Time, anh này cảm thấy rằng một số khía cạnh của tình hình miền Nam Việt Nam không được in ra ở Mỹ. Có lần tờ Time chỉ thị cho người của họ viết một câu chuyện về vấn đề đào ngũ của quân đội miền Nam Việt Nam. Chắc chắn là quân đội miền Nam Việt Nam có vấn đề đào ngũ. Phóng viên đến gặp tôi để được giúp đỡ. Tôi nói, “Vâng, tôi sẽ cung cấp cho bạn các sự kiện. Nhưng tôi còn làm hơn thế nữa. Tôi cũng sẽ cung cấp cho bạn những sự kiện mà chúng tôi biết về vấn đề đào ngũ trong quân đội Bắc Việt”. Anh ta nói, “Ồ, thật tuyệt vời.” Vậy mà, khi câu chuyện xuất hiện, Time chỉ nói về phần đào ngũ của quân đội miền Nam Việt Nam.
Phía bên truyền hình thậm chí còn tệ hơn theo cái nghĩa là bạn kể cho họ cả nửa giờ nhưng họ chỉ sử dụng trong một phút rưỡi.
Vì vậy, trong số những nhà báo ở Việt Nam, có người tốt và có người xấu. Tuy nhiên, khi nói đến người không trung thực thì phải kể Frances Fitzgerald. Tôi quen cha cô ấy rất thân. Cha cô trước đây là sếp của tôi nên cô ấy và tôi có gặp nhau vài lần. Cô ấy đáng chú ý nếu nói về mặt phụ nữ. Nhưng về mặt nhà báo, cô là một người khác, nếu tin tức nào không phù hợp, cô sẽ không đăng.
Tản mạn về chiến tranh và con người
Ý kiến cá nhân của tôi đã chuyển biến trong thời gian tôi can dự ở Việt Nam, đó là chúng ta phải đặt mình vào vị trí của một bác sĩ đối mặt với một bệnh nhân có nhiều chỗ ngứa và nhiều vết thương trên cơ thể, và nếu bạn chỉ điều trị hết chỗ ngứa này đến chỗ ngứa khác, từng vết thương này sang vết thương khác, bạn sẽ không giải quyết được vấn đề nguyên nhân nào đã gây ra. Và thực tế là vấn đề ở miền Nam Việt Nam là bộ máy chiến tranh nằm ở Hà Nội, nhưng chúng ta chưa bao giờ giải quyết vấn đề bộ máy chiến tranh ở Hà Nội.
Để tôi kể cho bạn một chuyện. Vào ngày 3 hoặc 4 tây tháng 5 năm 1972, lực lượng Nam Việt Nam chiếm Quảng Trị, vốn là thị xã duy nhất lọt vào tay miền Bắc trong cuộc tổng tấn công Phục Sinh năm 1972.
Quân miền Nam đã tái chiếm và ngày hôm sau tôi dự buổi tiếp tân tại Đại sứ quán Nhật Bản mừng sinh nhật Nhật Hoàng. Một trong những vị khách mời là người trước đây là Trưởng đoàn Ba Lan trong ICC (Ủy ban Kiểm soát Đình chiến Việt Nam theo Hiệp định Genève 1954) — xin đừng nhầm với ICCS (Ủy ban Quốc tế về Kiểm soát và Giám sát Đình chiến Việt Nam theo Hiệp định Paris 1973) sau này. Anh chàng Ba Lan này hóa ra là một người hoạt động tình báo rất giàu kinh nghiệm và hiểu biết nhiều về tình hình thế giới. Anh cũng từng là giám đốc của hãng hàng không Ba Lan.
Dịp này, tôi nói, “Anh nghĩ thế nào về Quảng Trị?” Anh ta trả lời, “Thực tình, tin này ấn tượng nhưng không ăn thua gì.” Tôi nói, “Sao anh lại nói vậy?” Anh trả lời, “Nó không ăn thua gì vì miền Nam Việt Nam sẽ thua trận tại Washington.” Anh ta nói câu đó vào tháng 5 năm 1972.
Thật dễ để biết ý định của Bắc Việt vì Bắc Việt không giữ bí mật ý định của họ. Họ tiếp tục cho cán bộ của mình học tập đến tận chi tiết đáng kinh ngạc về những gì họ định làm. Và nó hơi giống Hitler với cuốn Mein Kampf (tự thuật của Hitler nói về tư tưởng chính trị và kế hoạch tương lai cho nước Đức). Họ cứ tiếp tục nói gì họ sẽ làm nhưng chúng ta vẫn tiếp tục không tin. Và đơn giản là chính sách quốc gia của chúng ta không đáp ứng với tin tức tình báo mà chúng ta thu thập.
Lấy ví dụ, chúng tôi bắt đầu nhận được báo cáo của Hà Nội vào mùa thu năm 1974 nói rằng giờ thì Nixon không còn làm tổng thống nữa, cuộc chơi đã đổi khác, cho nên cần phải làm vài trắc nghiệm trong lĩnh vực quân sự.
Tôi xem tin này rất quan trọng. Bắt đầu từ tháng 10 năm 1974, tôi còn nhớ, khi chúng tôi nhận được kế hoạch cho năm 1975 của họ, tôi đã lái xe đến Biên Hòa để nói chuyện với trưởng nhóm cấp cơ sở của tôi trong khu vực bắt được tài liệu đặc biệt này. Chúng tôi đi đến kết luận rằng ngôn từ trong tài liệu này rất giống với chỉ thị 90 của COSVN (Trung ương cục miền Nam, Cục R), là loại chỉ thị đã từng xuất hiện một vài tháng, trước khi có cuộc tổng tấn công năm 1972.
Một ngày nọ, tôi có dịp hỏi Kissinger những gì ông nghĩ về ngành tình báo của chúng ta. Không nói riêng Việt Nam, mà nói chung. Ông ta vẫn nhận được hàng núi thông tin tình báo trên toàn thế giới của CIA vào thời điểm đó. Ông nghĩ gì về giá trị của nó? Ông ta suy nghĩ một lúc rồi nói, “À, khi nó hỗ trợ chính sách của tôi, nó rất hữu ích.” Tôi nghĩ bụng, trọng tâm của vấn đề chính là đây đây. Đó là chính sách của Mỹ không được xây dựng để đáp lại những gì mà thông tin tình báo cho thấy. Chúng ta xây dựng chính sách trước, rồi sau đó chúng ta cố gắng tìm ra thông tin tình báo để hỗ trợ chính sách.
Ba cơ quan chính thu thập thông tin tình báo tại Việt Nam là Tình báo của Tùy viên Quốc phòng (DAO-DIA), Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) và CIA. Trong thực tế có rất ít mâu thuẫn giữa ba nơi. Không có những chuyện trái cẳng ngỗng giữa những tin được thu thập. Chưa bao giờ xảy ra tình huống mà DAO-DIA nói điều gì đó hoàn toàn khác với mọi người. Chúng tôi phối hợp rất chặt chẽ với (Đại tá) Bill LeGro, giám đốc tình báo cho DAO trong suốt thời gian sau Hiệp định Paris. Chẳng có vấn đề nào cả.
Vấn đề là chính sách của Mỹ dựa trên giả thuyết rằng Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc. Các lực lượng quân sự của Mỹ đã bị loại và cho dù có bất cứ chuyện gì xảy ra, Tổng thống Ford cũng không dám mạo hiểm đánh mất cơ hội đắc cử tổng thống của ông bằng cách đưa lực lượng Mỹ trở lại Việt Nam. (Nhưng cuối cùng Ford cũng thất bại trước Jimmy Carter.)
Ngay từ năm 1974, chúng ta đã không cung cấp đồ tiếp liệu kịp thời cho Nam Việt Nam. Chúng ta đã không làm đúng với nghĩa vụ của mình. Bấy giờ tôi đã báo cáo rằng bất cứ khi nào người miền Nam mất niềm tin vào sự ủng hộ của Mỹ, họ sẽ sụp đổ. Tôi còn nhấn mạnh rằng niềm tin – hay là tinh thần – quan trọng hơn là mức viện trợ tiếp liệu thực sự.
Người Việt Nam có thể nhận ra một vài điều xảy ra lúc đó. Ý tôi là một cú đấm khủng khiếp đối với Việt Nam, mà tôi nghĩ hầu hết mọi người sẽ không nghĩ đến, đó là cuộc chiến tranh Ả Rập-Israel năm 1973 khi quá nhiều những món trước đây định giao cho Việt Nam lại được chuyển cho Israel. Và chuyện như vậy đã làm hỏng toàn bộ quy trình lập kế hoạch của Bộ Quốc phòng.
Năm điều đã xảy ra vào năm 1973 mà Việt Nam chẳng liên quan gì nhưng đã gây ảnh hưởng rất nặng nề. Đầu tiên là Chiến tranh Ả rập-Israel đã lái sự chú ý và các nguồn cung cấp quân cụ quan trọng của Bộ Quốc phòng sang hướng khác ngoài Việt Nam. Lệnh cấm vận dầu hỏa sau đó và giá dầu thô tăng cao đã gây ra tác động mạnh nhất cho nền kinh tế Nam Việt Nam. Áp lực mới nổi lên của nước ngoài dẫn đến phản ứng tâm lý mạnh mẽ của người Mỹ chống lại chuyện chính phủ tiếp tục thực hiện những cam kết tốn kém ở nước ngoài. Vụ quân đội Chile đảo chính lật đổ Tổng thống Salvador Allende đã làm phe tự do và phe cánh tả bực bội thêm, sự thất vọng của họ được trút lên đầu miền Nam Việt Nam. Quốc hội ngày càng phẫn nộ với những tiết lộ liên quan đến Watergate cho nên đã trừng phạt Nixon bất kỳ chỗ nào có thể, trong đó có các lĩnh vực liên quan đến Việt Nam.
Tôi nghĩ ông Thiệu biết rất rõ rằng nếu không có Mỹ, ông ta không thể sống sót. Tôi quen rất thân Hoàng Đức Nhã, cháu ông. Nhã đặc biệt ở chỗ là người duy nhất trong đám cận thần của tổng thống học ở Hoa Kỳ về. Và Nhã hiểu chuyện đó rõ hơn nữa.
Là người đã trải qua bốn năm đại học ở Mỹ, anh ta hiểu rõ tính chất trồi sụt bất thường của tình hình chính trị Mỹ, những chuyện thăng trầm do những áp lực thuần túy trong nội bộ nước Mỹ gây ra, các áp lực này không liên quan gì tới yếu tố nước ngoài nhưng lại tác động đến quan hệ đối ngoại. Vì vậy, Nhã biết nhiều hơn những người khác đang nắm quyền lực ở Việt Nam về cách vận hành của Quốc hội Mỹ. Xét cho cùng, làm thế nào mà một người như Thiệu hiểu rõ cách vận hành của Quốc hội Mỹ khi ông làm việc với quốc hội Việt Nam, một quốc hội luôn luôn biết vâng lời?
Khi Phước Long mất vào đầu năm 1975, điều đó không quan trọng về mặt quân sự, nhưng rất quan trọng về mặt biểu tượng. Đó là biểu tượng của việc Mỹ từ chối thực hiện “sự trả đũa ồ ạt và tàn bạo” mà Nixon đã hứa với Thiệu. Miền Bắc đang trắc nghiệm để thăm dò tình hình và tình hình thì ngày càng trở nên thuận lợi hơn, cho nên họ tiếp tục ngày càng lấn sâu hơn.
(Còn nữa)
Châu Quang