Toàn thể chiến sĩ LÐ.3/BÐQ đã anh dũng, quả cảm chịu đựng những đợt pháo khốc liệt của Cộng quân để chận đứng và đẩy lui các đợt tấn công điên rồ của chúng, diệt tan cuồng vọng tiến chiếm An Lộc
Là sĩ quan tham mưu của BCH/LÐ/BÐQ từ cuối năm 1969 cho đến ngày 30 Tháng Tư 1975, tôi đã tham dự tất cả các mặt trận lớn nhỏ của liên đoàn ở vùng 3 Chiến Thuật, rồi trận cuối cùng ở Phan Rang trước khi liên đoàn bị bắt buộc buông súng vào ngày 30 Tháng Tư 1975 theo vận nước.
Trong trận chiến An Lộc-Bình Long 1972, tôi giữ chức vụ Sĩ quan Phụ tá Ban 3 kiêm Sĩ quan Không trợ của Liên Ðoàn. Liên Ðoàn 3 Biệt Ðộng Quân đã được tham dự trận chiến An Lộc từ 7 Tháng Tư 1972 cho đến Tháng Bảy 1972. Vì là SQ tham mưu của BCH/LÐ, nhất là điều hành về không trợ, nên hôm nay, hơn 32 năm sau trận chiến, tôi xin ghi lại những hồi ức của tôi với hy vọng đóng góp thêm phần nào những tài liệu của chiến trường An Lộc với Quân Sử QLVNCH ở hải ngoại.
Bài hồi ký này của tôi, hy vọng nêu lên được những mất mát đau thương cùng những kỳ tích mà Liên Ðoàn 3 Biệt Ðộng Quân đã gặt hái được, góp phần tăng thêm niềm tự hào của những người lính chúng mình, binh chủng Biệt Ðộng Quân QLVNCH.
Liên Ðoàn 3 Biệt Ðộng Quân gồm BCH/LÐ và 3 tiểu đoàn trực thuộc gồm TÐ.31/BÐQ, Tiểu đoàn Trưởng là Thiếu Tá Trương Khánh; TÐ.36/BÐQ, Tiểu đoàn Trưởng là Thiếu Tá Tống Viết Lạc; và TÐ.52/BÐQ, Tiểu đoàn Trưởng là Thiếu Tá Lê Quý Dậu. Liên Ðoàn Trưởng là Trung Tá Nguyễn Văn Biết mà sĩ quan tham mưu hay quen miệng gọi ông là “Anh Hai” khi nhàn rỗi, thân mật trong lúc dùng cơm bữa với ông hàng ngày, dù hành quân hay khi dưỡng quân ở hậu cứ vì cung cách cư xử, tình nghĩa của ông. Chúng tôi đều kính nể ông và gọi ông là “Anh Hai” như chính ông là anh em lớn nhất trong gia đình.
Trước khi nhảy vào An Lộc Tháng Ba 1972, toàn bộ Liên Ðoàn 3 Biệt Ðộng Quân đang hành quân bên kia biên giới Cambodia, vùng Ba Thu và Mỏ Vẹt. Liên Ðoàn tiến quân như chẻ tre, đụng đâu, địch kháng cự cầm chừng rồi bỏ chạy. Các tiểu đoàn luôn gặt hái kết quả tốt mỗi khi chạm địch. Các kho lương thực, vũ khí địch trong vùng bị các đơn vị hành quân của Liên Ðoàn khám phá, tịch thu rất nhiều, gồm cả vũ khí nặng như súng cối 82 ly, đại bác 57 ly không giật. Phần lớn chạm địch mạnh và đạt kết quả cao là thành tích của TÐ.52/BÐQ do Thiếu Tá Lê Quý Dậu chỉ huy.
Liên đoàn đang hành quân với ý chí cao thì bất thần Trung Tá Liên Ðoàn Trưởng được lịnh: Có trực thăng bốc về Tây Ninh, họp ở Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn 3 và Quân Khu 3 vào trưa ngày 2 Tháng Tư 1972. Tháp tùng theo Trung Tá Liên Ðoàn Trưởng là Thiếu Tá Hồng Khắc Trân, Trưởng Ban 3/LÐ. Sau đó, toàn bộ Liên Ðoàn được lệnh rời Cambodiarút về sân bay Trảng Lớn thuộc tỉnh Tây Ninh để chuẩn bị được trực thăng vận bằng Chinook vào An Lộc, Bình Long.
Theo lệnh hành quân, các tiểu đoàn 31, 36 và 52 BÐQ đã được phối trí sẵn ở An Lộc trên phóng đồ hành quân của quân đoàn đưa xuống. Do đó, khi được trực thăng bốc vào An Lộc, cứ theo sự phối trí tạm thời đó, các tiểu đoàn cho tiến quân và vị trí đã ấn định. Còn BCH/LÐ thì tiến vào thị xã, Liên Ðoàn Trưởng đến BTL Sư Ðoàn 5 Bộ Binh ở An Lộc để gặp Tư Lệnh Sư đoàn nhận lệnh.
Do tình hình đòi hỏi, TD.31/BÐQ đã được nhảy vào An Lộc trước ngày 6 Tháng Tư 1972 để án ngữ mặt Bắc An Lộc gồm các cao điểm quan trọng như đồi Ðồng Long, Cầu Cần Lê và Bắc sân bay An Lộc, vì BLT/SÐ5BB e rằng phòng tuyến này yếu nên tăng cường tiểu đoàn này lên trước một ngày.
Khoảng 10 giờ sáng ngày 7 Tháng Tư 1972, BCH/LÐ chia làm 2 gồm BCH/Nặng và BCH/Nhẹ để cùng được bốc với 2 tiểu đoàn còn lại là 36 và 52/BÐQ.
Trước trận An Lộc, mỗi khi chia BCH/LÐ ra làm hai, Trung Tá Biết luôn kêu tôi đi chung với ông 1 xe, nếu di chuyển bộ hay không vận, nhưng lần này vào An Lộc, ông lại xếp tôi đi chung với Thiếu Tá Liên Ðoàn Pho, Nguyễn Thành Tiên, chỉ huy BCH/Nhẹ với Ðại Úy Ðào Văn Năng cùng Phụ tá Ban 3. Ði chung BCH/Nặng gồm Trung Tá Liên Ðoàn Trưởng, Thiếu Tá Trân, Trưởng Ban 3, và một số sĩ quan khác với Ban Cố Vấn Mỹ gồm 1 Ðại úy Cố vấn Trưởng, 1 Trung úy và 2 Hạ sĩ Quan mang máy truyền tin.
Tôi ở lại với BCH/Nhẹ đi chuyến sau với TÐ.52/BÐQ do Thiếu Tá LÐP chỉ huy với 1 Trung Ðội của Ðại Ðội Trinh Sát Liên Ðoàn. Dự trù khi xuống An Lộc thì 2 BCH sẽ sáp nhập làm một để tiến vào thị xã An Lộc để phòng thủ ở căn cứ cũ của Biệt Kích Mỹ để lại trong thị xã gần BTL/SÐ5BB ở đây.
Khi chiếc Chinook chỏ BCH/Nhẹ chúng tôi còn đang trên bầu trời An Lộc, tôi nghe tiếng Trung Tá Liên Ðoàn Trưởng gọi lên ra lệnh khi xuống phải cẩn thận, phân tán mỏng ngay, không tập trung để tránh thiệt hại vì địch đang dàn chào bằng loại pháo nặng, bởi BCH xuống đã và đang bị “dàn chào” rồi. Tức thì, tôi nhìn xuống An Lộc, quả nhiên lác đác đó đây quanh sân bay có những cụm khói bốc lên. Rõ ràng là địch đang pháo. Tôi hiểu ngay tình hình không đơn giản và ngon cơm như còn ở Cambodia mình tưởng đâu.
Khi BCH/Nhẹ xuống đất, phân tán mỏng và từ từ tiến về BCH/Nặng ở cuối sân bay, trong xóm nhà ở đấy.
Tôi thấy Liên Ðoàn Trưởng bị thương nhẹ ở cổ tay, miếng pháo xớt nhẹ nhưng là miếng nhỏ nên không… sao. Thiếu Tá Trân cũng bị thương nhẹ nơi tay. Bị nặng nhất là Trung Úy Tài, Trưởng Ban 2, và Ðại Úy Tài, Phụ tá Ban 3. Ðại Úy Tài bị một miểng ghim vào mắt, sau này mắt ấy bị hư. Ðại Úy Thọ thì thấy rõ một chân mình bị cắt đứt ngọt xớt từ trên cổ chân một tí, và bây giờ ông vẫn khỏe mạnh, đã giải ngũ sau trận An Lộc. Tất cả binh sĩ, hạ sĩ quan và sĩ quan bị thương đều được tải thương ngay rời An Lộc bằng trực thăng chở quân của TÐ.52/BÐQ vào sau cùng. Trung Tá Biết và Thiếu Tá Trân ở lại tiếp tục chỉ huy Liên Ðoàn tiến vào vị trí đã được ấn định trước của Lệnh Hành Quân.
Các tiểu đoàn được thả xuống An Lộc đã vào vị trí an toàn, báo cáo vô sự. Tôi thấy nhẹ hẳn, đang miên man suy nghĩ có lẻ do số Trời đã định, nếu Trung Tá Liên Ðoàn Trưởng chuyến này cũng bảo tôi đi chung với ông, có lẽ biết đâu tôi cũng “lãnh thẹo” như Trung Úy Tài, hay đại Úy Thọ, hoặc không còn trên cõi đời này nếu… tới số.
Trung Tá Liên Ðoàn Trưởng được xe Jeep của Bộ Tư Lệnh SÐ5BB đến đón đưa vào trình diện tư lệnh Sư Ðoàn để nhận lệnh. Ông gọi tôi đi chung với ông, dồng thời đem theo hai âm thoại viên với 2 máy PRC-25 hầu có gì cần thiết thì gọi về Liên Ðoàn chỉ thị ngay.
Sau hơn 10 phút xe chạy ngoằn ngoèo để tránh các ổ pháo trên đường vào thị xã, cuối cùng chúng tôi cũng đến BTL/SÐ. Nơi đây, Ðại Tá Lê Văn Hưng và Ðại Tá Lê Nguyên Vỹ, Tư Lệnh Phó, đang chờ đón chúng tôi.
Ðại Tá Tư Lệnh và Ðại Tá Tư Lệnh Phó bắt tay Trung Tá Liên Ðoàn Trưởng và nói một câu ngắn gọn mà tôi nhớ mãi “các anh vào đúng lúc” rồi quay qua nhìn tôi. Trung Tá Liên Ðoàn Trưởng hiểu ý hai ông nên giới thiêu tôi là sĩ quan Ban 3 kiêm Sĩ quan Không Trợ của liên đoàn theo ông, vì Trưởng Ban 3 đã bị thương nhẹ và đang ở Liên Ðoàn để phụ với Thiếu Tá Liên Ðoàn Phó điều động các đơn vị. Sẵn đó, Trung Tá Liên Ðoàn Trưởng còn báo với hai ông là các con cái đã vào vị trí. Hai vị Ðại Tá đều tỏ vẻ hài lòng và vui vẻ. Chính vì gặp lần này, sau đó ở những cuộc họp Quân Ðoàn, vị Tư Lệnh khi gặp tôi vẫn còn nhớ và hỏi thăm: “Khỏe không em? Thầy trò lúc này khỏe rồi hén,” rồi thân mật bắt tay tôi trước khi lên xe đi về. Còn tôi, tôi chỉ biết chào lại ông với lời ngắn gọn: “Dạ cũng đỡ. Thưa Thiếu Tướng.”
Sau khi bắt tay chào hỏi xong, Ðại Tá Tư Lệnh Phó cho biết tình hình địch, bạn và thực tế ở An Lộc ra sao để Trung Tá Liên Ðoàn Trưởng biết rõ:
– Tình hình bạn:
* Gồm BTL/SÐ, 2 Trung Ðoàn 7 và 8 BB. Còn Trung Ðoàn 9 thì bị địch tràn ngập ở Lộc Ninh, một quân lỵ nhỏ phía Bắc An Lộc gần biên giới Cambodia. Lực lượng Ðịa Phương Quân-Nghĩa Quân/Tiểu Khu Bình Long. Quận Lộc Ninh đã bị địch chiếm, và Trung Ðoàn 9 BB cùng thiết Ðoàn 1 Thiết Giáp đã phải di tản khỏi Lộc Ninh, họ trên đường hướng về An Lộc.
Ðại Tá Lê Nguyên Vỹ căn dặn: Tiểu Ðoàn 31/BÐQ phải quan sát kỹ về hướng Bắc, nếu có đơn vị Bộ Binh hay Thiết Giáp rút về thì cẩn thận tiếp nhận và báo cáo ngay.
* Liên đoàn 3 BÐQ mới lên, tạm thời bố trí như đã ấn định, sẽ tính lại sau.
* Còn thị xã hiện tại, đang bị địch quấy phá làm xáo trộn sinh hoạt dân chúng, làm dân chúng khủng hoảng tinh thần đặng chúng dễ bề thao túng.
– Tình hình địch:
* Ðược biết 3 sư đoàn VC của chúng gọi là công trường 5, 7, 9 là chủ lực chính quy đang áp sát Bình Long từ nhiều hướng, như từ Cambodia qua, từ Phước Long đến. Tình hình địch hiện nay chỉ biết được như vậy, có gì thêm, sư đoàn sẽ báo thêm sau.
* Riêng Quốc lộ 13 (QL.13) từ Lai Khê đến An Lộc, địch đã cắt đứt, nhiều đoạn bị đóng chốt. Do đó đường bộ đã bị gián đoạn lưu thông từ An Lộc về hướng Nam. Hai bên QL.13 là đồn điền Xa Cam với lực lượng Ðịa Phương Quân và 2 trung đoàn Bộ Binh 8 và 9.
Vào lúc này, tôi mới hiểu rằng tại sao trong Tháng Ba 1972, chúng tôi lại đạt thành tích dễ dàng ở Cambodia trước khi vào An Lộc. Vì các tiểu đoàn BÐQ chỉ toàn là giao tranh với các đơn vị hậu cần và tiếp vận của VC nên địch đụng ta là bỏ chạy, để lại vũ khí và kho lương thực bởi các đơn vị chủ lực của chúng đã được điều động về hướng Bình Long rồi. Sau này, vào tù CS rồi, suy nghĩ rộng thêm nữa mới hiểu được là BTL Quân Ðoàn III và Quân Khu 3 đã tung đơn vị BÐQ chúng tôi vào Cambodia thời điểm trước An Lộc với mục đích để dụ 3 đơn vị công trường 5, 7, 9 địch xuất đầu lộ diện vì 3 đơn vị này đã mất dạng trên địa bàn tình báo của ta. vì nghi ngờ chúng tập trung bên Cambodia để có mục đích gì đó sau này. Liên Ðoàn BÐQ chúng tôi vào để… dò tìm chúng.
Quả nhiên, theo tài liệu tịch thu của địch ở Cambodia lúc đó thì đơn vị đụng độ với Liên Ðoàn chỉ là bọn hậu cần của các công trường này mà không đụng chủ lực. Ðúng lúc đó thì Chi Khu Lộc Ninh bị tràn ngập, Trung Ðoàn 9 BB và Thiết Ðoàn 1 Thiết Giáp phải di tản. Chừng đó, QÐ.III & QK3 mới phăng ra là 3 đơn vị chủ lực này của địch đang tập trung về hướng Bình Long nên lập tức điều động toàn thể LÐ3/BÐQ rời Cambodia, trực thăng vận vào An Lộc tăng cường cho SÐ5BB chống giặc ở đó. vì thấy rõ điểm của địch là An Lộc, Bình Long, sau khi Lộc Ninh thất thủ.
Sau khi rời BTL/SÐ5BB, Trung Tá Liên Ðoàn Trưởng trên đường về BCH/LÐ bảo tôi gọi các TÐT về BCH/LÐ họp ngay. Trong cuộc họp, Trung Tá Liên Ðoàn Trưởng cho các Tiểu Ðoàn Trưởng biết tình hình địch, bạn như trên để lưu tâm đối phó. Riêng với TÐT 31/BÐQ, Trung Tá nói với Thiếu Tá Khánh y như lời Ðại Tá Lê Nguyên Vỹ dặn dò.
Ðược biết tuyến trên đó, Thiếu Tá Khánh điều động 2 Ðại Ðội án ngữ mặt Bắc. Ðại Ðội của Thiếu Úy Trương Tấn Phước bên hướng đồi Ðồng Long với các đồi nhỏ quanh đó tới ấp Bè Moi gần cầu Cần Lê. Bên phải QL.13 về hướng bắc Sân Bay là Ðại Ðội của Thiếu Úy Sơn Ðó chiếm lĩnh các cao điểm khu này. Thiếu Tá Khánh dặn 2 vị Ðại Ðội Trưởng này cố quan sát kỹ để sẵn sàng tiếp nhận quân bạn rút về An Lộc.
Do đó, suốt thời gian đầu, Ðại Ðội của Thiếu Úy Phước phòng thủ hướng Bắc của An Lộc có những lần đã tiếp nhận một số binh sĩ của Trung Ðoàn 9 BB chạy lạc, đã tìm đường về hướng TÐ.31/BÐQ. Thiếu Úy Phước đã đón họ sau khi gạn hỏi kỹ lưỡng để đề phòng địch giả dạng để xâm nhập vào vùng phòng thủ của ta.
Trong những lần tiếp nhận này, có một điều quan trọng mà TÐ.31/BÐQ đã báo về Liên Ðoàn là Thiếu Úy Phước đã tiếp nhận thiếu tá chi khu trưởng CK Lộc Ninh, viên cố vấn trưởng cùng thông dịch viên của ông ta, cùng về một lượt. Rất may là các binh sĩ của Thiếu Úy Phước rất cẩn thận, chận họ lại từ xa, đồng thời bảo họ xưng danh tánh, cấp bậc đơn vị. Họ vì ngại bị bắn lầm nên la lớn tên cấp bậc cùng đơn vị. Dù cần được xác định, anh em cũng mừng và báo ngay cho đại đội trưởng biết để đến chỗ chốt ở ấp Bè Moi gần cầu Cần Lê đón. Tại đây, viên quận trưởng và cố vấn Mỹ của ông phải được sự minh xác bởi BCH Liên Ðoàn do sự xác nhận của Tiểu Khu Bình Long, qua cấp tiểu đoàn. Những người này là đúng!
Thiếu Úy Phước kể lại là, tại chỗ tiếp nhận, thiếu tá quận trưởng rất đỗi vui mừng, ôm anh khóc trong sung sướng vì biết mình đã thoát nạn trở về. Kể cả viên cố vấn Mỹ cũng thế. Riêng Tiểu Khu Bình Long, sau khi biết tin đại đội của Thiếu Úy Phước tiếp đón được hai vị này, thì vị tỉnh trưởng đã cảm ơn Liên Ðoàn Trường và xin phép LÐ cho ông vào tần số đại đội để ngỏ lời cảm Thiếu Úy Phước và trực tiếp nói chuyện với vị thiếu tá vừa mới trở về để trấn an trong lúc ông ta còn khủng hoảng. Ðược biết viên thiếu tá quận trưởng trở về đã cho ta biết thêm tin tức quan trọng về tình hình địch và đương nhiên trận chiến An Lộc sẽ có chiến xa địch tham dự.
Riêng TÐ.36/BÐQ, Thiếu Tá Lạc báo đơn vị ông đã vào vị trí an toàn và bố trí xong ở vòng đai thị xã hướng Ðông Bắc, kéo dài tới phía Bắc cầu Trắng, nằm trên đường từ trung tâm thị xã qua đồn điền Quản Lợi bằng 2 Ðại Ðội, 1 Ðại Ðội bố trí với BCH/TÐ ở trong vòng đai thị xã; 1 đại đội chiếm các cao điểm ven đồn điền Quản Lợi giáp ranh thị xã.
Tiểu Ðoàn 52/BÐQ và Ðại Ðội Trinh Sát 3/BÐQ trấn thủ vòng đai ngoài tuyến phòng thủ BTL/SÐ5BB và bảo vệ BCH/LÐ đóng trong căn cứ biệt kích Mỹ cũ, cách BTL/SÐ5BB không xa chếch về hướng Tây một tí, cũng ở khuôn viên thị xã An Lộc. 1 Ðại Ðội của TÐ.52/BÐQ chiếm cứ Ðồi Gió, hướng Ðông Nam thị xã. Các cao điểm xung quanh là các tiền đồn của Ðại Ðội này và Ðại Ðội TS.3/BÐQ.
Lực lượng SÐ5BB gồm Trung Ðoàn 7 và 8 cùng Tiểu Khu Bình Long án ngữ mặt Tây, Tây Bắc, Tây Nam và Nam, Ðông Nam Thị xã. Các đơn vị này cũng chiếm đóng các cao điểm ngoài vòng đai để quan sát được từ xa, nhất là về hướng Tây Bắc của Thị xã cũng có các quân nhân ở Lộc Ninh tìm về hướng này.
Tôi còn nhớ rõ, khi Liên Ðoàn đổ quân vào An Lộc, trên đường di chuyển đến vị trí dọc theo các con đường trong Thị xã, qua các con hẻm hay băng qua các hàng rào của những khu nhà khá giả vẫn còn thấy dân chúng đi lại nhưng sinh hoạt có vẻ hối hả. Trong lúc này có loa phóng thanh của Ty Chiêu Hồi tỉnh phóng ra ở trung tâm thị xã trấn an đồng bào là đã có lực lượng tiếp viện đang vào An Lộc và yêu cầu đồng bào yên tâm sinh hoạt cùng đề phòng địch trà trộn, có gì khả nghi thì báo ngay cho chính quyền sở tại để đối phó.
Sau khi Liên Ðoàn cùng tôi vào An Lộc được vài ngày, khoảng giữa Tháng Tư 1972, địch càng ngày càng gia tăng cường độ pháo, từ pháo nặng tầm xa như đại pháo cơ hữu của chúng là 130 ly, hỏa tiễn 107 ly, 122 ly,… dội vào An Lộc. Mỗi ngày có khi lên đến cả chục ngàn quả pháo địch rót vào An Lộc. Ở các tuyến phòng đai thị xã và trong Thị xã, nơ nào không có công sự phòng thủ, hay có mà sơ sài dễ bị thương vong vì pháo địch. Do đó, trong những đợt pháo như vậy, thương vong nhiều vẫn là dân chúng. Họ kêu la thảm thiết. Xác người trúng đạn văng tung tóe, máng lên cành cây mái nhà trông thật thê thảm! Trong khi bị trúng pháo nặng nề, một số lớn dân chúng đã bỏ nhà chạy đến các công sự phòng thủ của binh sĩ để tá túc với hy vọng sẽ bớt nguy hiểm hơn.
Các tiểu đoàn đều báo về các tuyến phòng thủ của họ ở cấp đại đội đều có dân đến tá túc. Họ nấu nướng, ăn uống chung với binh sĩ mình. Ngược lại, binh sĩ mình bảo vệ, săn sóc vết thương cho họ, cho họ uống thuốc để chữa thương. Quả thật lúc này, câu “Tình Quân Dân Cá Nước” là thế!
Có một ngày vào buổi sáng, khi ngớt pháo, tôi vừa chui lên nóc trung tâm hành quân để quan sát chung quanh thì thình lình… tôi nghe tiếng loa phóng thanh phát lên yêu cầu hai bên ngưng chiến. Loa phóng thanh được phát ra từ một đoàn người rất đông và rất dài, dẫn đầu bởi các nhà sư và các cha Công Giáo với cờ trắng trên tay phất qua phất lại. Lúc đó, Thiếu Tá Lạc, Tiểu đoàn Trưởng 36 BÐQ vừa gặp Trung Tá Liên Ðoàn Trưởng xong, nghe la hét cũng đến gần tôi trên nấp hầm trung tâm hành quân để quan sát.
Ðoàn người đi trên con đường trước mặt và hướng đông BCH/LÐ tiến về hướng Nam định rẽ qua QL.13 để di tản về hướng Nam. Khi đoàn người đi về hướng gần phòng tuyến tiểu khu thì bổng nghe tiếng pháo nổ ầm ầm hướng đó. Quan sát kỹ thì tôi thấy đích thị địch đã không ngưng pháo, mà còn cố tình pháo thẳng vào đoàn người di tản trên. Ðoàn người trúng đạn pháo kêu la thảm thiết, tiếng khóc của trẻ con vang dội đến khu tôi đang đứng.
Thiếu Tá Lạc thấy cảnh tượng kinh hoàng vì Việt cộng quá dã man đối với người dân. Ông nói cả Cha, Thầy, lẫn đàn bà con nít bọn chúng vẫn không tha thì quả thật là man rợi. Lần pháo này dường như chúng có điềm chỉ nên đạn pháo rót chính xác vào đoàn ngươi làm thân xác họ văng tung tóe, tay chân văng máng trên các cành cây ven đường bởi dân chúng trên đường không có gì tránh né. Một số họ chỉ chạy nằm sát gần những gốc cây lớn mà thôi. Sau đợt pháo đó, dân chúng và cả Cha lẫn Thầy đều tan hàng trở về chốn cũ của mình. Việt cộng đã chúng tỏ dã tâm của bọn chúng.
Ðiều này, sau này, khi ở trong tù miền Bắc, tôi cũng có khai trong tờ khai trong tờ tự khai sau đợt “học tập chính trị” và “tự kiểm” quy mô toàn trại tập trung thì viên chính trị viên xác định với tôi là, “…Sở dĩ cách mạng pháo vào đám dân như vậy vì đó là đám dân của Ngụy, cũng là đám phản động, phản cách mạng, không thể tha được và phải dạy bọn chúng một bài học.” Lý luận giết người của Cộng Sản là thế.
Trong lúc tình hình địch gia tăng pháo, nht là lúc trời về chiều và giữa khuya, lúc nào cũng nghe tiếng đạn pháo bay qua đầu, nổ ầm ì đó đây, quanh BCH/LÐ khiến tôi cũng có phần âu lo.
Trong tình hình căng thẳng như vậy, bỗng toán cố vấn Mỹ của Liên Ðoàn chuẩn bị hành trang gọn gàng hình như để chuẩn bị di chuyển. tôi hỏi họ thì viên Trung sĩ Mỹ cho biết, là họ được lệnh chuẩn bị có trực thăng đến đón đi. Tôi vội báo cho Trung Tá Biết, hỏi Cố vấn Trưởng cũng chỉ nói như vậy. Và sau đó vài phút, Việt cộng ngưng pháo, một trực thăng từ hướng đồng Quản Lợi bay thấp trên ngọn cây, lao vào hướng BCH/LÐ và đáp ngay vào bãi đáp để cả toán cố vấn Mỹ lên trực thăng và cất cánh mất dạng về hướng Ðông Nam.
Trong tình thế này mà toán cố vấn Mỹ lui đi đột ngột, không một lời giải thích làm BCH/LÐ rúng động, hoang mang hiện rõ trên nét mặt mọi người, trong đó có tôi. Tức thì, Trung Tá Liên Ðoàn Trưởng điện thoại qua BTL/SÐ báo cáo điền này và hỏi lý do thì đường dây bị mất liên lạc vì đường dây bị đứt, “trúng pháo” đứt khúc ở nhiều chỗ khác nhau. Do đó, sư đoàn có lệnh gì đặc biệt cho Liên Ðoàn thì có người mang xuống; còn bình thường thì liên lạc bằng máy truyền tin PRC-25.
Liên Ðoàn được sư đoàn cho biết là đang xác nhận tin này về Quân Ðoàn. chiều hôm đó, SÐ báo cho biết là toán cố vấn trước hết hạn và toán khác thay sẽ đến vào sáng hôm sau. Lúc đó, mọi người nghe được tương đối yên tâm. Lý do, không có cố vấn Mỹ trực tiếp xin yểm trợ cho mình thì có nhiều trở ngại và chậm trễ. Vì đó là kinh nghiệm nên ai mà chẳng lo.
Nhưng tất cả lo lắng đều tiêu tan. Khi trời hừng sáng hôm sau, có một trực thăng cũng từ hướng Quản Lợi đáp ngay bãi đáp của BCH/LÐ và 4 cố vấn Mỹ, mặc đồ bông, nhảy khỏi trực thăng, chạy về hướng TTHQ Liên Ðoàn trong khi trực thăng cất cánh bay vút đi. Toán này gặp tôi ngay cửa TTHQ với lời “Welcom” của tôi thân chào người đi đầu mang lon Thiếu Tá, rồi tiếp một Trung úy và 2 Hạ sĩ Quan với các máy truyền tin được biết là rất đặc biệt.
Tôi tự giới thiệu là S3AIR của LÐ và dẫn họ vào gặp Liên Ðoàn Trưởng. Viên Thiếu Tá Mỹ xin lỗi ngay vì có sự thay đổi không được báo trước với lý do “bảo mật.” Ðồng thời viên thiếu tá này “make sure” với Trung Tá Liên Ðoàn Trưởng là sẽ yểm trợ tối đa cho An Lộc và nói thêm là Trung Tá cần gì cứ cho ông biết trong vấn đề tiếp trợ. Những điều này đã làm mọi người vững tâm và tiêu tan hết mọi lo âu thắc mắc trước đó. Ngoài ra, viên cố vấn Mỹ còn cho biết là 3 sư đoàn Cộng quân đang tiến về An Lộc với mưu đồ đánh chiếm nhưng họ đã chuẩn bị sẵn để yểm trợ một cách hữu hiệu rồi.
Vào một buổi tối, gần cuối Tháng Tư 1972, Ðại Úy Ðào Văn Năng, cựu ÐÐT Trinh Sát LÐ3/BÐQ, nay vì chờ giải ngũ nên đang làm việc ở BCH/LÐ với trách vụ Phụ tá Ban 3 và trực TTHQ, cũng được theo Liên Ðoàn vào An Lộc. Ðại Úy Năng đáng lẽ đêm nay trực từ chiều đến 12 giờ đêm, còn tôi ngủ đến sau 12 giờ dậy trực thay, nhưng anh Năng đã bảo tôi trực thế ca này đêm nay để anh ngủ trước cho khỏe một chút vì mấy đêm rồi không ngủ. Tôi “Ok” lại bàn TTHQ, cạnh dàn máy truyền tin gần các giá bản đồ hành quân dựng gần đó. còn anh năng lại chỗ ghế bố tôi nằm nghĩ, kê ngay dưới lỗ châu mai ở một góc hầm TTHQ.
Trời mới tối, pháo địch bắt đầu gia tăng. tiếng đạn bay xèo xèo trên không, tiếng nổ ì ầm vọng lại, thỉnh thoảng nghe được toán ục-ục của đạn delay đang xé đất bắn lên tung tóe. chúng tôi sợ nhất loại này, bị pháo trúng, nó sẽ xuyên nấp hầm, chui vào rồi mới nổ thì sẽ không ai toàn mạng. Trong suốt ba tháng ở An Lộc, TTHQ không bị trúng loại đạn này, mà… ngay trong đêm nói trên, tôi đang trực thế để anh Năng đi ngủ, thình lình một tiếng nổ ầm rung chuyển cả TTHQ, khói bay mù mịt, tiếng ho sặc sụa hòa lẫn với tiếng rên la của một số binh sĩ bị thương vì trúng miểng pháo.
Sau khi khói tan, bụi mù bay hết, tôi kinh hoàng sờ thân thể mình thì thấy không sao. không thấy máu nên tạm yên, nhìn quanh thấy có vài binh sĩ truyền tin bị thương, bên ngoài cửa hầm thì thấy 2 xác bất động. Nhìn về hướng ghế bố mà anh Năng đang nằm, tôi thấy anh cũng bất động, máu ở ngực đang chảy nhiều. Tôi vội gọi Quân Y đến ngay. Bác Sĩ Cảnh, Y sĩ Trưởng Liên Ðoàn, rất xông xáo và nhiệt tâm. Ông không còn sợ pháo là gì nữa, chạy tới chạy lui, khám vết thương mọi người bị thương, nặng thì ông cho lệnh khiêng qua hầm Quân Y ngay.
Lần này, Trung Tá LÐT và Thiếu Tá Trân lại bị miểng nhẹ ở tay nữa, được thượng sĩ y tá trưởng băng bó cẩn thận. Trung Tá Biết gọi ngay thượng sĩ chỉ huy đám lao công đào binh làm lại khu góc TTHQ vừa bị trúng pháo và được biết là loại hỏa tiễn 122 ly. Bác Sĩ Cảnh báo cho tôi biết Ðại Úy Năng bị rất nặng, cần phải tản thương ngay vì nhiều miểng trúng ngực, gần tim, rất nguy hiểm đến tính mạng. Còn có một số HSQ và binh sĩ khoảng 4. 5 người nữa, nếu có tải thương thì ưu tiên cho họ.
Nghe tới tình trạng Ðại Úy Năng, tôi bàng hoàng vì chính anh đã thay tôi lãnh nạn khi tôi thế ca, nằm ngủ chỗ tôi. Thấy rõ là tôi thoát chết một lần nữa. Phải chăng số mạng tôi chưa tới? Tôi thầm cảm ơn Trời Phật!
Trong lúc BCH/LÐ bị trúng pháo địch, tình trạng hỗn loạn xảy ra trong thời gian ngắn đã được ổn định lại, Trung Tá Liên Ðoàn Trưởng vẫn tiếp tục trực bên hệ thống truyền tin nghe báo cáo tình hình của từng đơn vị của mình, đồng thời ông cũng ái ngại cho Ðại Úy Năng. để ý, tôi thấy thỉnh thoảng ông hay liếc về phía Ðại Úy Năng đang nằm ở góc TTHQ. Ông cũng không quên chỉ thị các tiểu đoàn báo con cái mình phải cẩn thận, quan sát kỹ phía trước mặt, đề phòng địch có thể tấn công mạnh bất ngờ sau những đợt pháo dữ dội.
Sáng hôm sau, không biết làm cách nào. viên cố vấn báo tôi biết chuẩn bị tản thương đặc biệt vì sẽ có trực thăng tới bốc những người bị nặng về. Quả nhiên, chỉ vài phút sau, tôi thấy một trực thăng trắng lao vút từ hướng Ðông, thật thấp trên ngọn cây, đâm nhanh xuống bãi đáp. Tất cả bị thương nặng đã được Ban Quân Y sắp sẵn nên trực thăng bốc một cách gọn gàng, chỉ phút chốc đã cất cánh lao về hướng Ðông Nam mất dạng. Lúc đó tôi mới yên tâm và tin tưởng thế nào anh Năng sẽ được may mắn thoát chết lần nữa.
Vào hạ tuần Tháng Tư 1972, địch quân đã xua chiến xa tràn vào An Lộc, sau những đợt pháo dữ dội suốt ngày đêm, có ngày lại lên tới hàng chục ngàn quả. Chiến xa địch chạy vào thành phố bằng mọi hướng quanh An Lộc gồm hai loại T.54 và PT.76. Lúc đầu các đơn vị hoảng hốt khi thấy chiến xa địch. chúng lừng lững tiến tới, tác xạ lung tung, chạy ầm ĩ nghe rất rộn tai. Cho đến khi có một xe tăng bị đơn vị đầu tiên là Ðịa Phương Quân Tiểu Khu bắn cháy ở vòng đai Tây Nam Thị xã bằng M.72, loại ống phóng hỏa tiễn gọn nhẹ mà binh sĩ nào cũng mang theo sau lưng.
Tin này được loan đi, các binh sĩ của các đơn vị đã thay nhau dùng hỏa tiễn M.72 để diệt tăng địch. Số lượng chiến xa của VC bị bắn hạ ngày càng tăng theo báo cáo của các Tiểu Ðoàn gọi về. Thậm chí còn được biết là xe tăng địch khi bị bắn cháy, đã hoảng loạn, chạy tứ tung trong thành phố lại càng bị binh sĩ khắc phục, đuổi theo chận bắn nằm la liệt. Theo trí tưởng tượng của tôi, nếu những cảnh này mà được quay thành phim thì thật thích thú biết mấy.
Các đơn vị ở vòng ngoài thị xã còn báo về Liên Ðoàn vị trí chiến xa địch để Liên Ðoàn chỉ điểm cho phi cơ oanh kích. Những lần như vậy, OV.10, máy bay quan sát của Mỹ đã nhìn thấy rõ chiến xa địch và hướng dẫn Không quân oanh kích rất chính xác khi chúng di chuyển vào thành phố, nhất là từ hướng đông bắc Quản Lợi vào, hay từ Ðông Nam hướng Xa Cam ngược lên. Kết quả là một số lớn chiến xa VC bị Không Quân bắn cháy nằm ngổn ngang trong quản Lợi và Nam Xa Cam.
Theo tài liệu thu thập được thì chiến xa địch tham chiến tại An Lộc là 2 trung đoàn mà 1 có danh xưng là Trung Ðoàn Tăng 220. Theo cung từ của tù binh thì 2 trung đoàn này được lệnh vào An Lộc để… tiếp thu vì An Lộc đã bị pháo nặng và thất thủ. Vì vậy nên chúng hung hăng vội vã xông vào An Lộc mà không có bộ binh tùng thiết. Ðến khi bi quân ta bắn cháy, chúng hoảng hồn chạy xà quần trong thành phố, đâm vào cả nhà dân, trường học và… làm bia cho các xạ thủ diệt tăng thử tài. Hầu hết bị bắn cháy, còn sót một số ráng chạy ra ngoài vòng đai cũng bị Không Quân Mỹ Việt tiêu diệt gọn luôn.
Các kết quả bắn hạ xe tăng Cộng sản được liên tục báo về làm chúng tôi yên tâm và theo sát chiến sự ở TTHQ Liên Ðoàn. Trong lúc chiến xa địch ồ ạt tiến vào thị xã thì địch đương phải ngưng pháo và cũng đương nhiên, binh sĩ ta với M72 trên tay,không ngần ngại bung ra khỏi hầm hố để phục kích và đuổi theo tăng địch, bắn hạ chúng.
Với tin tức trên, tôi cũng thấy vui sướng và leo lên nóc TTHQ để quan sát về phía đường phố xung quanh vòng đai. Vì BCH/LÐ đặt trên một ngọn đồi khá cao nên tôi nhìn thấy một xe tăng VC đang chạy về hướng Nam, trên con đường đối diện ở hướng Ðông BCH/LÐ, con đường này chạy theo hướng Bắc Nam, qua trước TK Bình Long. Tôi liền liên lạc OV-10 cho biết thì liền một F.4 của Không Quân Mỹ đã lao xuống, tặng một trái bom… xe tăng địch bốc cháy và nằm bất động tại chỗ. Vì chính mắt nhìn thấy rõ nên tôi không bao giờ quên.
Tôi nhớ, khi Liên Ðoàn mới xuống An Lộc độ 10 ngày, thì có 2 ký giả ngoại quốc: 1 của Mỹ, 1 của Pháp đã được BTL/SÐ thuận cho xuống Liên Ðoàn để làm phóng sự chiến trường. Trong trận chiến đấu với xe tăng địch lần này, hai ký giả ngoại quốc đã hăng hái xuống tuyến các tiểu đoàn, và theo các đơn vị hay các toán quân của TÐ.52 và 36/BÐQ nên họ đã ghi được những tấm ảnh hay thước phim ngoạn mục. Họ còn gan dạ chạy theo các chiến sĩ ta lao vào các tăng địch để lục soát. Họ đã nhặt được các viên thuốc màu trắng ngà và đồng thời còn thấy cả xác VC chân đã bị xiềng dính liền trong xe tăng. Các viên thuốc này, sai Sài Gòn xét nghiệm, cho biết là một loại thuốc kích thích, mà cấp chỉ huy Việt cộng đã dùng cho binh sĩ họ uống trước khi xua vào lò lửa.
Trở lại sau đợt tấn công này của xe tăng địch, các tuyến phòng thủ của các đơn vị thuộc Liên Ðoàn đã thu hẹp lại, vì một số lớn thương vong do pháo địch và chạm trán với chiến xa. Riêng đại đội của Th/Úy Sơn Ðỏ bị mất liên lạc; đại đội của Th/Úy Phước đã lui về hướng TÐ.31/BÐQ, tăng cường phòng tuyến Ðông thị xã, hướng cầu trắng, trên đường vào Quản Lợi. Tại tuyến Ðông Bắc thị xã TÐ 36 cũng bị thiệt hại nặng, phần còn lại rút vào trong thị xã để phòng thủ theo các cao ốc cùng hướng.
Thừa lúc hỗn độn trong thành phố, địch đã chiếm được một phần ở hướng Ðông Bắc thị xã, hướng sân bay An Lộc. Khi địch tràn vào thị xã, TÐ.31/BÐQ báo cáo cao điểm đồi Ðồng Long, 1 trung đội chốt ở đây đã bị mất liên lạc; còn TÐ.52 cũng bị một chốt ở hướng Ðồi Gió không còn liên lạc. Lúc này, quân số các đơn vị trực thuộc đã xuống thấp dần, nên liên đoàn trưởng ra lệnh cố thủ ở những vị trí hiện chiếm giữ, không được lui nữa.
Tình hình pháo địch dịu hẳn, hình như địch đang nghỉ ngơi để tái phối trí và chuẩn bị cho cuộc tiền pháo hậu xung khác sắp tới. Thình lình, BCH/LÐ được TÐ.52/BÐQ báo có địch xuất hiện trong Ty Chiêu Hồi, bắn vào đơn vị TÐ đang di chuyển trên con lộ trước mặt. Tức thì, LÐT ra lệnh TÐ.52 phải thanh toán ngay mục tiêu này càng sớm càng tốt. Lý do là Ty Chiêu Hồi nằm về hướng Ðông Bắc BTL/SÐ và Tây Bắc BCH/LÐ nên không thể để địch chiếm giữ vị trí này lâu, rất nguy hiểm.
Vì hỏa lực của địch quá mạnh, đại đội của Trung Úy Hiếu - đã tử trận - không tiến lên được. Tới chiều cùng ngày, thấy chưa giải quyết được mục tiêu, liên đoàn trưởng ra lệnh TÐ.52 rút đại đội đó ra xa một chút và điều động TÐ.31/BÐQ cho một đại đội khác, của Th/Úy Phước, lên thay để tấn công và giải quyết mục tiêu cho xong trước khi trời tối, đồng thời, ông cũng xin Sư Ðoàn cho trực thăng võ trang yểm trợ để chiếm mục tiêu. Khi trực thăng lên thì cho biết không thể tác xạ được bởi quân bạn và địch quá gần nhau. Rồi Liên Ðoàn dùng cả OV10 hướng dẫn khu trục bay thấp để tác xạ mục tiêu nhưng cũng không ổn.
Trời sắp tối, LÐT đang suy tính cách thanh toán thì tôi nghe tiếng nổ bập bùng từ xa vọng lại của loại C.130 bắn bằng đại bác 105 ly, Mỹ gọi loại này là “Spector,” liền nói nhỏ với Thiếu Tá Trân, Trưởng Ban 3, đề nghị Trung Tá xin sư đoàn loại này để thanh toán mục tiêu. Ðược phép, tôi nói ngay với cố vấn Mỹ. Và vị này liên lạc được cho biết là SÐ đã chấp thuận cùng cho biết chiếc Spector vừa rồi do Trung Ðoàn 8/BB sử dụng đang trên đường về và sẽ có chiếc khác lên vùng cho LÐ sử dụng. chúng tôi rất mừng và tin tưởng chiếc Spector này vì nó tác xạ rất chính xác, bay cao độ trong mọi điều kiện thời tiết, ban đêm nhắm mục tiêu bằng hồng ngoại tuyến, nhưng nó luôn được hướng dẫn bằng quan sát cơ OV10.
Tôi không hiểu sao ở An Lộc, các cơ sở chính quyền, trong phạm vi của họ đều có hầm ngầm xây bằng bê-tông, nóc lợp tôn che phủ bằng nhiều bao cát rất kiên cố và Ty Chiêu Hồi này là một. Ðã thế, ty này còn nằm trên địa thế cao dễ quan sát ra ngoài nên quân ta khó tiến chiếm bằng bộ binh nếu không có không yểm.
Sau khi dùng trái khói điều chỉnh, tôi báo lên OV10 bằng hand set và OV10 bắn trái khói xác định mục tiêu. Ðược báo là chính xác, tôi xin tác xạ. Rồi từng tiếng bụp bùng nổ xuống như tiếng trống chầu, nghe rất khoái tai. Tiếng nổ liên tục được trên 10 lần thì nghe Th/Úy Phước báo Ty Chiêu Hồi với các nấp hầm đã bị bắn sập. Ðúng lúc, trời lại đổ mưa lớn nên bao nhiêu nước trên cao chảy tràn vào các vị trí bị đánh sập. Trong đó, địch còn một số chạy tán loạn bởi ngộp vì khói đạn đại bác và nước mưa nên phải ló đầu, chui lên. Phi cơ ngưng xạ kích để đại đội của Th/Úy Phước tiến lên thanh toán chiến trường tiêu diệt gọn lũ địch. Phước báo cáo đếm được trên 10 xác giặc tại chỗ, tĩch thu 1 trung liên nồi, 2 M79, 6 AK47, và nhiều đạn dược.
Ty Chiêu Hồi đã được giải quyết xong trước 11 giờ đêm. Liên Ðoàn báo lên Sư Ðoàn xong là mọi người yên tâm, nhẹ nhõm vì… không sợ bị địch “cù léc” nữa. Sau đó, độ hơn nửa tiếng, Ðại Tá Lê Nguyên Vỹ với áo giáp, nón sắt, cùng một thiếu úy theo ông ghé vào BCH/LÐ khen ngợi anh em và nhìn tôi rất vui vẻ. Ông cho biết có theo dõi tôi điều động OV-10 và Spector đánh mục tiêu. Ông nói đại tá tư lệnh rất hài lòng và khen ngợi khiến tôi thêm nức lòng. Sau đó, Ðại Tá Vỹ đã ra tận tuyến của TÐ.31 ở hướng cầu Trắng, đường qua Quản Lợi để thăm và khích lệ anh em chiến sĩ. Tại đây, ông chứng kiến cảnh “Quân Dân Cá Nước” đã một lòng chịu đựng, đùm bọc lẫn nhau, săn sóc nhau giữa những người dân An Lộc ở khu phố vói các binh sĩ TÐ.31/BÐQ… Ông yên tâm và trở về BTL gọi máy khen ngợi tinh thần kỷ luật các cấp thuộc Liên Ðoàn mà ông đã chứng kiến.
Bước qua đầu tháng Năm 1972, địch lại tiếp tục pháo cầm chừng vào An Lộc để quấy nhiễu sự sinh hoạt của quân dân tại đây bằng đủ loại pháo lớn nhỏ và hỏa tiễn 122 ly. Nhưng qua bao trận pháo và tấn công của địch bằng chiến xa vừa qua, tất cả các đơn vị đã rút tỉa được nhiều kinh nghiệm, đồng thời chứng kiến được sự yểm trợ hữu hiệu của Không Quân nên đã củng cố thêm niềm tin tưởng cùng sức chịu đựng của quân ta.
Vào một đêm tối trời, đang ngồi trực ở TTHQ/BCH/LÐ, tôi nghe tiếng Thiếu Tá Lạc, TÐT 36/BÐQ gọi cho biết, khi trời vừa tối, ông cùng Thiếu Úy Quân, Phụ tá Ban 3 TÐ, cùng một binh sĩ mang máy truyền tin đã lẻn bò vào một chiếc xe tăng của địch có khẩu đại bác song hành (2 nòng trắng bạc to tướng) đã bị quân ta bắn cháy, chạy lọt vào hố bom rồi nằm luôn, 2 nòng miệng đại bác đâm vào vách đất dính cứng luôn.
Trong xe tăng VC, ông đã mò tìm được một số tài liệu về quân sự, truyền tin rất quan trọng. đặc biệt, ông đã tháo gỡ được 1 máy truyền tin trong xe tăng. Khi 3 thầy trò trên đường trở ra, chui lên khỏi miệng hố bom thì bị địch phát hiện, bao vây nên đành trở lui thủ tại chỗ vì địch bắn quá rát, ra không được. Thiếu Tá Lạc nói tôi tìm cách xin cố vấn Mỹ cho Spector hay Stinger yểm trợ cho ông rút ra nhưng… đừng cho Anh Hai biết.
Sau một thoáng suy nghĩ, tôi phải trình ngay sự kiện lên trưởng Ban 3 và trình ngay Trung Tá Liên Ðoàn Trưởng. Nghe qua, ông thầm chửi thề nhưng cũng ra lệnh tôi nói với cố vấn Mỹ và xin yểm trợ. Ðồng thời ông chỉ thị cho Thiếu Tá Trân liệu cách báo với Sư Ðoàn là TÐ.36 chạm địch mạnh nên cần yểm trợ. Sư đoàn cho biết Spector hết giờ đã về căn cứ, chỉ còn Stinger đang trên đường lên vùng. Trung Tá Biết nghe gật đầu. Thiếu Tá Trân hiểu ý xin sư đoàn ưu tiên cho Liên Ðoàn sử dụng Stinger này yểm trợ cho TÐ36. Sư đoàn chấp thuận và 2 bên cố vấn trao đổi danh hiệu liên lạc tần số OV-10 và Stinger bao vùng.
Khi không yểm đã sẵn sàng trên vùng, tôi liên lạc với Thiếu Tá lạc để ông định rõ mục tiêu để bắn. Lấy điểm chiếc xe tăng hai nòng mà OV-10 đã thấy, Thiếu Tá Lạc điều chỉnh tác xạ và Stinger lao tới tác xạ rất chính xác về hướng bắc có địch, và kéo xa thêm từ tây sang đông. Tiếng đại bác 6 nòng trên phi cơ bắn xuống tạo một âm thanh dài ồn-ột… rồi đạn lửa bay xuống đất trong bóng đêm như rồng phun lửa.
Khoảng một tiếng sau, VC bị truy đuổi nên bặt dạng. Ba thầy trò bò lên khỏi hố bom, đem tất cả tài liệu và máy truyền tin địch về BCH/TÐ rồi báo cáo với những thành quả trên. Sau khi được Liên Ðoàn báo cáo, Sư Ðoàn chỉ thị tất cả tài liệu, máy truyền tin đem về BCH/LÐ để Phòng 2/SÐ xuống nhận về nghiên cứu. Thiếu Úy Quân và 2 binh sĩ của tiểu đoàn mang nộp chiến lợi phẩm thì, Trung Tá Liên Ðoàn Trưởng, Thiếu Tá Trân cùng tôi tá hỏa vì… trong số tài liệu truyền tin này có cả đặc lệnh truyền tin của SÐ5BB nữa. Vài phút sau, Ðại Tá Lê Nguyên Vỹ lại xuất hiện với 2 sĩ quan Phòng 2/SÐ.
Chúng tôi trình ông tài liệu ở riêng một góc hầm. Ðại Tá Vỹ xem xong rồi hỏi Trung Tá Biết ở TÐ.36/BÐQ ngoài tiểu đoàn trưởng, còn ai biết qua tài liệu này không? Trung Tá Biết báo chỉ có tiểu đoàn trưởng 36, ông và hai đứa tôi là Thiếu Tá Trân và Ðại Úy Khuê thôi. Nghe qua, ông quyết định ngay: Không để tin tức này lọt ra ngoài (lý do vì đặc lệnh truyền tin SÐ5BB trong tay địch) và ông về SÐ điều tra kỹ lưỡng. Ông khen ngợi Liên Ðoàn trước khi trở lại BTL/SÐ cùng các tùy tùng và tài liệu.
Sau sự kiện này, tất cả đặc lệnh truyền tin của SÐ thay đổi ngay. Liên Ðoàn cũng được thông báo và nhận đặc lệnh mới. Riêng nội bộ Liên Ðoàn cũng làm một đặc lệnh truyền tin mới. Và dù Thiếu Tá Lạc có hơi “ẩu” nhưng kết quả rất to lớn nên Anh Hai cũng trách nhẹ thôi.
Vào một đêm trung tuần Tháng Năm 1972, An Lộc lại bị pháo kích dồn dập và sau đó tấn công mạnh một lần nữa bằng bộ binh với mũi dùi mạnh bạo vào hướng Ðông Bắc thị xã, nơi TÐ.36/BÐQ của Thiếu Tá Lạc án ngữ. Nhờ công sự phòng thủ kiên cố và biết trước ý định của địch nên binh sĩ của tiểu đoàn trong thị xã đã anh dũng đẩy lui các đợt tấn công của địch dưới sự yểm trợ của Không Quân thắp sáng hỏa châu. tuy nhiên, vì quân số địch quá đông, nên một số chốt của TÐ.36/BÐQ hướng Ðông Bắc phải lui để bảo toàn lực lượng. Thiếu Tá Lạc cho lịnh 2 đại đội phải cố thủ ở khu vực trường học Tàu. Nơi đây là một cao ốc, có tường chắn kiên cố, dù bị trúng đạn pháo nhiều lần nhưng vẫn không hoàn toàn bị sụp đổ. TÐ.36/BÐQ đã lợi dụng địa thế này để cầm chân địch. Phi cơ của ta yểm trợ rất hữu hiệu và còn oanh kích về hướng sân bay và hướng Bắc An Lộc để chận hậu cần địch. Sau 2 tiếng đồng hồ giao tranh, TÐ.36/BÐQ báo cáo địch đã ngưng tấn công. Tiểu đoàn đã củng cố lại tuyến phòng thủ tại trường học Tàu rất vững. có điều là tiểu đoàn bị mất liên lạc với một số tiền đồn từ cấp tiểu đội đến Trung đội phối trí ở Nam sân bay.
Về phía TÐ.31/BÐQ phòng thủ hướng Ðông thị xã từ khu cầu Trắng tới đồn điền Quản Lợi đều có các điểm tiền đồn. Các tiền dồn tại đồn điền Quản Lợi đang bị địch tấn công thăm dò vào lúc 2 giờ sáng cùng lúc với cuộc tấn công vào TÐ.36/BÐQ. Sau đó, chúng dùng biển người tấn công và đẩy lui các tiền đồn này về hướng cầu Trắng và chạm trán với TÐ.31/BÐQ và bị chận đứng tại đây. Bọn VC cố luân phiên chọc mũi dùi tấn công bằng đủ loại súng nặng như cối 82 ly, 57 ly không giật những vẫn bị TÐ.31/BÐQ triệt hạ hết đợt này đến đợt khác.
Thiếu Tá Khánh, Tiểu đoàn Trưởng, báo lên Liên đoàn những điểm tập trung của địch và đề nghị phi cơ đánh ngay vì VC quá đông đảo, nếu không chúng sẽ chọc thủng TÐ.31/BÐQ thì BCH/LÐ cũng như BTL SÐ5BB cũng nguy theo. Do vậy, Trung tá LÐT ra lệnh tôi báo cố vấn Mỹ xin B.52 đánh vào các mục tiêu do Thiếu Tá Khánh đề nghị. cố vấn Mỹ báo về Sư đoàn và được chấp thuận cùng yêu cầu gởi ngay Box B.52 về sư đoàn. chúng tôi vẽ ngay một box B.52 hình chữ nhật, ngang 7 cây số hướng Bắc Nam, sâu 4 cây số về hướng Ðông, cách phòng tuyến TÐ.31/BÐQ 1 cây số. Box này đối diện thị xã về hướng Ðông, bao trùm toàn bộ giữa đồn điền Quản Lợi xuống khu rừng Nam Quản Lợi. Hơn 15 phút sau, cố vấn Mỹ cho biết là trên đã chấp thuận cùng dặn dò những liên lạc cần thiết.
Và… những tiếng nổ ì-ầm phía bên quản Lợi vọng lại. Lên hầm nhìn qua, tôi thấy cả vùng trời Quản Lợi cháy sáng rực, khói bay cao ngút. Từng 3 chiếc một B.52 dàn hàng ngang thả bom cày xới mục tiêu, tiếng bom gầm vang dội trên không nghe kinh khiếp. có lẻ lần này địch bị nướng gọn. vừa chạy xuống hầm trở lại, tôi nghe tiếng chửi thề của Thiếu Tá Khánh la trong máy truyền tin: “Ð.M., anh Khuê đánh B.52 mà không báo cho tiểu đoàn biết để kịp trú ẩn. Sao đánh gần vậy?”
Trung Tá Liên Ðoàn Trưởng đứng gần đó bốc máy trả lời ngay: “72 đây! Con cái có sao không? tụi nó đến nhanh quá, không kịp báo anh, nhưng vẫn giữ an toàn cho anh và con cái.” Thiếu Tá Khánh chắc bận kiểm soát, lo cho binh sĩ qua vô tuyến nên Ðại Úy Niếu, Trưởng Ban 3 TÐ, trả lời: “Trình 72, con cái vô sự, nhưng một số bị tức và dội trong hầm, nên la vậy thôi.” Trung tá dặn thêm TÐ.31/BÐQ cố giữ vững phòng tuyến, B.52 yểm trợ tối đa và chuẩn bị lo dọn mục tiêu.
Sáng hôm sau, vùng Quản Lợi vẫn còn âm ỉ cháy, khói còn bốc lên đen nghịt, TÐ.31/BÐQ thấy im lặng nên tung lực lượng tiến qua bên kia, men vào rừng cao su lục soát, tiến sâu thêm về hướng Ðông để vào đồn điền Quản Lợi thì phát hiện nhiều xác địch chết và bị cháy nằm dài theo bìa rừng cao su về hướng Ðông và Ðông Nam Quản Lợi, vũ khí nặng nhẹ đều cháy thành than, cong queo ngổn ngang bên những xác giặc. TÐ.31/BÐQ báo cáo về Liên Ðoàn và liên đoàn trình lại lên Sư Ðoàn. Sau đó, áp lực hướng này nhẹ hẳn và TÐ.31/BÐQ không còn bị địch tấn công hay chọc phá nữa.
Theo thông báo của Sư Ðoàn, một toán kỹ thuật của Bộ TTM biệt phái cho sư đoàn tường trình do rà bắt và giải mã được những báo cáo của Cộng quân trên máy truyền tin, được biết trong mục tiêu B52 đánh bom vừa rồi, địch đã bị thiệt hại nặng về quân số và quân dụng, nhất là tên tư lệnh Công trường 9 đã đền tội.
Và An Lộc tạm lắng dịu… Nhưng quân ta tiên liệu Cộng quân sẽ củng cố lực lượng để trở lại tấn công nên giữa Tháng Năm 1972, lực lượng dù được tăng cường vào phòng thủ An Lộc. Bộ Chỉ Huy Lữ Ðoàn Dù do Ðại Tá Lê Quang Lưỡng chỉ huy nhảy vào An Lộc qua ngỏ Ðồi Gió. Một tiểu đoàn Dù được bố trí phòng thủ tăng cường ở mặt sau, 1 tiểu đoàn khác án ngữ các cao điểm vùng đồn điền Xa Cam và hướng Tây Nam An Lộc. Ðể đủ sức đương đầu với địch sắp tới, Quân Ðoàn III tăng cường thêm Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Dù do Trung Tá Phan Văn Huấn chỉ huy nhảy vào trận, dưới sự chỉ huy tổng quát của Tư Lệnh SÐ5BB.
Lực lượng Biệt Kích Dù có lối điều động quân đặc biệt của họ và có khả năng cao khi đánh địch ban đêm. Khi LÐ81BKD vào An Lộc thì được bố trí ngay trong thị xã, đồng thời được lệnh phải giải tỏa ngay khu Ðông Bắc cùng chiếm lại sân bay thị xã đang bị địch kiểm soát. Tôi hôm đó, Biệt Kích Dù yêu cầu chúng tôi đêm nay tuyệt đối không sử dụng soi sáng dù chỉ bằng loại “Hand Flair” để họ bắt đầu đi làm ăn. Liên đoàn đáp nhận và Thiếu Tá Trân chỉ thị ngay các tiểu đoàn nghiêm giữ điều này. Xong, BCH/LÐ qua tần số nội bộ 81/BKD để theo dõi diễn tiến “Dạ Chiến.”
Quả nhiên, với lối tiến quân nhanh, gọn, nhẹ nhàng trong đêm tối, họ đã từng bước chiếm lĩnh từ căn nhà này đến căn nhà khác ở hướng Bắc và đông bắc thị xã. Ðến sáng hôm sau thì họ đã làm chủ vùng này và sẵn đà tấn công về hướng sân bay, nay lui địch xa về hướng bắc qua khỏi sân bay một khoảng rồi đóng chốt phòng thủ tại chỗ. Vì lên cao và nhanh, nhìn hai bên cạnh sườn thấy trống, LÐ81BKD đã xin BTL/SÐ5BB cho Bộ Binh tiến lên cánh trái và Biệt Ðộng Quân cánh phải để cùng bắt tay khóa kín tuyến thủ.
Nói về mặt trận An Lộc, không thể không nói đến vấn đề tiếp tế bằng dù. Ðường bộ bị gián đoạn nhiều khúc nên QL.13 từ Lai Khê qua An Lộc, qua Chơn Thành bị địch đóng chốt nhiều nơi làm việc tiếp tế đường bộ gặp nhiều trở ngại. Do đó, An Lộc phải được tiếp tế bằng cách thả dù do Không Quân Việt-Mỹ đảm trách bằng máy bay C130 và C47.
Lúc đầu, dù được thả từ trên cao và bung sớm nên đa phần dù tiếp tế rơi ngoài thị xã, lọt vào vùng địch kiểm soát. Lại nữa, phòng không địch bắn lên dày đặc đủ loại lớn nhỏ, từ 12 ly 7 đến 37 ly và luôn cả hỏa tiễn Sam do Liên Xô chế tạo nên phi cơ phải bay cao để tránh đạn. Thế là ta bị thiệt thòi.
Sau đó, Không Quân đã nghiên cứu cách thả dù từ trên cao, không cho dù bung ngay, mà điều chỉnh đến độ cao ấn định dù tự động bung ra gần mặt đất để bành dù tiếp tế rơi trong vùng Thị xã. Thử nghiệm thành công, Không Quân và tiếp tế tiếp tục phương cách này. Càng về sau, thả dù tiếp tế càng chính xác, quân dân An Lộc ăn uống đầy đủ và vũ khí đạn dược được tái trang bị nên tinh thần chiến đấu dâng cao.
Gần cuối tháng Sáu 1972, SÐ21BB từ Vùng IV lên tăng cường các trung đoàn tiến về an Lộc từ Chơn Thành, đánh nhổ các chốt địch dọc QL-13 đã tiến triển khả quan. Tiểu Ðoàn 6 Nhảy Dù nhảy xuống nam Xa Cam, đánh thốc lên theo hai bên QL.13 bằng cách dàn hàng ngang xung phong qua chốt địch làm Cộng quân tháo chạy trối chết. TÐ.6 Dù vượt qua Xa Cam, tiến vào vòng đai phía nam An Lộc, bắt tay được với lực lượng Dù phòng thủ ở đây là TÐ.8 Dù.
Tình hình An Lộc được khả quan, các lực lượng phòng thủ bung rộng ra xa dần, các cao điểm và yếu điểm đã được Nhảy Dù cùng Biệt Kích Dù án ngữ. Trong thị xã, dân chúng bắt đầu đi lại dễ dàng và từ tốn mặc dù thỉnh thoảng VC cũng còn cố rót vào gần thị xã những quả pháo bâng quơ. Có lẽ địch đã rút ra xa, nhưng càng rút xa thì càng bị các Box B.52 của ta do SÐ5BB hay Quân Khu III yêu cầu đánh đuổi và diệt địch.
Ðầu Tháng Bảy 1972, Liên đoàn được lịnh rời An Lộc bằng trực thăng vận. Ðúng sáng sớm 7 Tháng Bảy 1972, toàn bộ Liên đoàn lần lượt được bốc ra khỏi An Lộc về Lai Khê để nhận lệnh mới.
Tại Lai Khê, Ðại Tá Nguyễn Thành Chuẩn, Chỉ Huy Trưởng Biệt Ðộng Quân/Quân Ðoàn III & Quân Khu 3, tiếp đón rất thân tình và cảm động. Ông không ngớt lời khen ngợi liên đoàn đã anh dũng chiến thắng trở về, làm rạng danh binh chủng Biệt Ðộng Quân sau 3 tháng tử thủ với tinh thần chiến đấu gan dạ, thà chết chứ không hàng địch.
Trong trận chiến An Lộc, Liên Ðoàn 3 BÐQ là đơn vị đầu tiên tiếp viện nhẩy vào An Lộc và cũng là đơn vị thiệt hại nặng nề nhất trong các đơn vị được tăng viện. Toàn thể chiến sĩ LÐ.3/BÐQ đã anh dũng, quả cảm chịu đựng những đợt pháo khốc liệt của Cộng quân để chận đứng và đẩy lui các đợt tấn công điên rồ của chúng, diệt tan cuồng vọng tiến chiếm An Lộc để bọn báo chí, phe phái phản chiến thiên tả tạo dư luận, gây tiếng vang trên thế giới. Nhưng… An Lộc đã đứng vững và sẽ đứng vững mãi mãi trong lòng dân tộc Việt.
Tôi hy vọng những trang hồi ký này góp phần thêm trong những trang quân sử của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa được sáng ngời muôn thuở.
BÐQ Nguyễn Quốc Khuê