Giữa năm 1983, tôi được lệnh phóng thích, nâng tổng số thời gian đi tù lên 8 năm một tháng.
Các bạn thân mến,
Thông thường thì bằng cấp cao nhất của bậc Đại học có thể là bằng Tiến sĩ như Ph.D. (Doctor of Philosophy), M.D. (Doctor of Medicine), Pharm.D. (Doctor of Pharmacy), D.D.S. (Doctor of Dental Services), Ed.D. (Doctor of Education), J.D. (Doctor of Juriprudence), v..v.. và với thời gian từ 8 đến hơn 10 năm nhưng các bạn tôi và cá nhân tôi lại nhận được học vị cao nhất và ngon lành nhất là Tiến sĩ Cải-Tạo. Thời gian trên tuy quá ngắn đối với một đời người nhưng lại quá dài đối với kẻ chiến bại như chúng tôi, những người đã phải gánh chịu muôn vàn khổ nhục trong lao tù Cộng Sản.
Dưới đây là hành trình của cá nhân tôi”tuy cái tôi là đáng ghét” với những thăng trầm, vui có, buồn có, dĩ nhiên buồn nhiều hơn vui, trong những chuỗi ngày bị tù đày, mà tôi phép được sơ lược những mốc thời gian đáng ghi nhớ dưới đây:
Khi lịch sử lật sang trang mới, qua giờ thứ 25 sau khi Sài-Gòn thay đổi chủ, tôi cảm thấy như bị hụt hẫng không biết mình là ai, đang ở đâu, và làm những gì. Buổi sáng khi tỉnh giấc, tôi cứ tưởng mình đang mơ vì thực tế quá phũ phàng với bao nghi vấn trong đầu: mình có phải là Trung tá vẫn còn làm việc tại Tổng Cục Quân Huấn Bộ Tổng Tham Mưu hay là ai mà bây giờ lại rổi rảnh như một kẻ thất nghiệp vậy? Tôi và các bạn đồng cảnh ngộ đi bộ lang thang khắp Sài-Gòn, chia xẻ với nhau những ly rượu bất kể là Johnny Walker hay Ông Già Chống Gậy hoặc rượu thuốc mà trước đây tôi chưa bao giờ ghé môi tới, để tạo cái ảo giác là mình đang ở một thế giới nào khác và giúp cho đỡ buồn. Nhưng “sầu lại thêm sầu”. Bỗng sau đó vài ngày, báo chí cho biết nhà nước yêu cầu các sĩ quan từ cấp Trung tá trở lên phải đến doanh trại đường Trần Hoàng Quân, Chợ-Lớn để ghi danh học tập trong một tháng với cước chú là phải mang theo tiền ăn đầy đủ. Lòng tuy hoang mang nhưng tôi vẫn thi hành như cái máy với hy vọng đoàn tụ với gia đình sau một tháng “học tập cải tạo” (thật là ngây thơ khi dùng cụm từ này vì trên thực tế là đi ở tù, ở tù mà phải đóng tiền cơm thì thật là đáng buồn cười biết bao!) Gặp các bạn tại trại Trần Hoàng Quân, chúng tôi chỉ trao đổi với nhau vài câu ngắn gọn và ai nấy lo thủ tục nhập học ngay.
Đêm 15 tháng 5 năm 1975, chúng tôi được xe Molotova kín bít bùng đưa đến một địa điểm mà sáng hôm sau chúng tôi mới biết là trường Don Bosco, một ngôi trường ở quận Gò-Vấp rất gần nhà tôi ở khu cư-xá Lê-Văn-Duyệt, Gia-Định. Đến chiều, chúng tôi được ăn cơm do nhà hàng Đồng Khánh cung cấp, điều này đã đánh tan phần nào mối hoài nghi của tôi về thực tế của cuộc đi học tập này
Trại Long-Giao:
Đêm hôm đó (thông thường những lần di chuyển trại đều được thực hiện vào ban đêm để tránh sự dòm ngó của dân chúng), chúng tôi lại được chở bằng xe Molotova cũ kỹ đến một địa điểm khác. Ngồi trong chiếc xe bít bùng gần ngộp thở, tôi không biết họ chở chúng tôi đến đâu. Vì xe chạy chậm, tôi đoán họ đang cho xe chạy lòng vòng để đánh lạc hướng. Gần lúc muốn ngộp thở, tôi chợt nhớ ra là có mang một con dao rất nhỏ trong túi quần nên tôi đã rọc một đường dài khoảng nửa gang tay bên hông tấm vải bạt xe trước chỗ tôi đứng để tìm không khí đồng thời may ra có thể biết mình đã đến đâu. Tôi rất đỗi ngạc nhiên vì đã khá lâu mà chiếc xe chỉ chạy một đoạn rất ngắn. Xe chỉ mới đến khu bưu điện và cư xá Lê-văn-Duyệt là nơi tôi đang trú ngụ. Tôi cố tìm một người thân quen để liên lạc nhưng tôi đã thất vọng, chiếc xe đã vô tình lăn đều bánh đến một nơi vô định.
Với tốc độ chậm như vậy nên mãi đến sáng hôm sau xe mới đến doanh trại mà các bạn rành khu vực này cho biết là Long Giao, Long Khánh.
Kể từ hôm nay, chúng tôi bắt đầu đi lao động nhưng rất nhẹ nhàng vì phần lớn thời gian ở đây tập trung vào việc học tập 10 bài căn bản của Cộng Sản. Tôi chúa ghét ‘chính chị chính em” nên rất lơ là trong việc học tập nhưng bất hạnh thay “ghét của nào trời trao của ấy” vì tôi được chỉ định làm “B Trưởng” học tập (trung đội trưởng), và tôi phải thường xuyên đi họp để “bồi dưỡng” kiến thức tổng quát để còn biết đường hướng dẫn buổi học tập.
Một hôm, đang thảo luận về lý lịch trích dọc trích ngang gì đó, anh cán bộ giảng huấn đang lim dim gật gà gật gù bất chợt ngồi nhỏm dậy như bị điện giật và yêu cầu học viên trình bày lại đọan vừa qua. Anh cán bộ tỉnh giấc mộng vàng khi nghe anh Hoàng Mão, nguyên Trung tá Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1 Sư Đoàn 1 Bộ Binh diễn lại màn anh ta tiêu diệt gọn một lực lượng địch khi anh còn là Đại đội trưởng!
Cũng trong suốt thời gian học tập này, tôi cứ nghe các cán ngố ra rả suốt ngày về danh từ “ngụy quân ngụy quyền” gán cho chúng tôi. Tôi nghĩ có lẽ họ khẳng định quá sớm, sau này lịch sử trung thực sẽ phán quyết ai là chánh ai là tà.
Sau khi học xong 10 bài trong khoảng hai tháng rưỡi, các bạn chúng tôi bàn tán xôn xao về lễ mãn khóa sẽ được tổ chức tại sân vận động Cộng Hòa với sự tham dự đông đủ của gia đình học viên. Hôm sau, anh cán bộ trưởng ban giảng huấn đến thăm viếng doanh trại các cựu Trung tá và Đại tá. Một học viên đúng lên hỏi: “Thưa anh, chúng tôi được báo chí cho biết thời gian học tập là một tháng nhưng đến nay vẫn chưa nghe nói gì hết?”
Tay cán bộ tỉnh bơ phán ngay một câu: “Nếu không nói như thế thì giờ đây làm gì có mặt đông đủ các anh như thế này!”
Thật đáng sợ biết bao! Sau này, khi đến bến bờ tự do, trong luận án Cao học về Giáo dục, tôi có đề cập câu tuyên bố đó trong bài viết về Chiến tranh Việt-Nam với kết luận: “Người Cộng Sản nói chung, và Việt-Cộng nói riêng, là những tay bịp bợm nhất thế giới” (The Communists in general, and the Việt-Cộng in particular, are the best liars in the world). Chúng không những lừa dối nhân dân Việt-Nam mà con trắng trợn lừa bịp cả các nước khác trên thế giới.
Cũng trong thời gian trên, tôi hân hạnh được biết thi sĩ Hà Thượng Nhân mà tôi vẫn còn nhớ bài thơ bất hủ của anh đã được phổ thành nhạc (Đã ba mươi năm rồi còn gì, tôi chỉ còn nhớ lõm bõm vì tuổi già sức yếu, xin thi sĩ miễn chấp nếu tôi có chỗ sai sót, xin chân thành cám ơn anh):
Trời có điều chi buồn, mà trời mưa mãi thế,
Cây cỏ có chi buồn, mà cây cỏ đẫm lệ
(mà cỏ cây lệ tuôn)
Anh nhớ em từng phút, anh thương con từng giây,
Chim nào không có cánh, cánh nào không thèm bay,
Người nào không có lòng, lòng nào không ngất ngây.
Gửi làm sao nỗi nhớ, trao làm sao niềm thương,
Nhớ thương như trời đất, trời đất vốn vô thường,
Ngày xưa chim hồng hộc, vượt chín tầng mây cao,
Ngày xưa khắp năm châu, bước chân coi nhỏ hẹp,
Bây giờ giữa Long Giao, ngồi nghe mưa sùi sụt,
Cuộc đời như chiêm bao, Có hay chăng ngõ cụt,
Anh châm điếu thuốc lào, Anh châm điếu thuốc lào,
Mình say mình say sao? Mình say mình say sao?
Trại Suối Máu/Tân Hiệp:
Sau khi học xong 10 bài, chúng tôi được lệnh chuyển trại, lần này được đưa đến trại Suối Máu hay Tân Hiệp. Chúng tôi được phân phối thành 10 đội, mỗi đội do một đội trưởng trách nhiêm. Tôi không thuộc đội nào cả mà thuộc toán đặc biệt như là ban chỉ huy vậy. Toán này chịu trách nhiệm tổng quát cho trại, làm gạch nối giữa ban chỉ huy trại và các học viên chuyên lo các vấn đề như thư tín, truyền tin, y tế, và trang trí. Thành phần gồm có anh Cúc (Trung tá Pháo Binh, trưởng toán), anh Cường (Trung tá bác sĩ Quân Y, y tế), Anh Khanh (Trung tá Truyền Tin, âm thanh), họa sĩ Tạ Tỵ (trung tá Tổng Cục CTCT) và tôi, Tổng Cục Quân Huấn, trang trí). Nhờ làm việc ở đây nên tôi có thể giúp các bạn chuyển thư (lậu) ra ngoài khi tình hình cho phép. Mỗi đội đều có một quản ca gồm toàn những nhạc sĩ nổi tiếng của QLVNCH như các nhạc sĩ Khôi, Vũ Đức Nghiêm, Thục Vũ, Cung Trầm Tưởng, v..v.. Họ họp nhau mỗi tuần một lần để tiếp nhận và phổ biến những bài ca của Việt-Cộng như bài “Như có bác Hồ trong ngày đại thắng”, “Tiến về Sài-Gòn” mà mỗi lần cất tiếng hát là tôi thấy rợn da gà. Một hôm, anh cán bộ phụ trách quên đem cây đàn nên định hoãn buổi họp vào lần sau, nhưng một nhạc sĩ đã yêu cầu cho xem bản nhạc, và chỉ trong một thoáng đã hướng dẫn các quản ca hát bản nhạc này một cách dễ ợt trước sự kinh ngạc và thán phục tột độ của tên cán bộ.
Họa sĩ Tạ Tỵ và tôi phụ trách phần trang trí doanh trại nên cũng có phần nhàn hạ ngoại trừ vào dịp lễ và Tết thì mất cả ăn uống để hoàn tất chỉ tiêu giao phó. Một hôm, sau khi thấy họa sĩ Tạ Tỵ vẽ chân dung cho một vài anh bạn để làm kỷ niệm, bác sĩ Cường đứng kế bên và ỏn ẻn nói: “Anh có thể nào vẽ cho tôi một bức chân dung để tôi gửi về cho bà xã tôi làm kỷ niệm không? Họa sĩ Tạ Tỵ ưng thuận và chỉ trong một thời gian ngắn đã hoàn tất bức họa nghệ thuật. Bác sĩ Cường hăm hở cầm lấy nhưng ngần ngừ chưa chịu rút lui. Họa sĩ hỏi tại sao chưa về phòng để nghỉ thì bác sĩ Cường ấp úng nói: “Anh vẽ cho tôi rất đẹp nhưng tôi chỉ còn có một con mắt thì sợ bà xã tôi hạch tội tôi là chỉ trong một thời gian ngắn mà đã bị chột hết một mắt làm “độc nhãn long” thì làm sao ăn nói với bả đây?”
Họa sĩ Tạ Tỵ nhất định không chịu thay đổi ý kiến để bảo vệ trường phái Picasso (lập thể/trừu tượng) của mình. Chắc bác sĩ Cường không dám gửi bức danh họa về cho bà xã ngoại trừ khi có thêm một con mắt nữa.
Miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa:
Sau khoảng 6 tháng ở trại Suối Máu, một hôm chúng tôi nhận lệnh chuẩn bị hành quân. Riêng tôi thấy hoảng hồn và nghĩ ngày xưa chúng ta đi hành quân để diệt địch mang lại hòa bình cho đất nước, nhưng bây giờ thì còn đánh đấm gì nữa, sao lại phải đi hành quân? Sau đó tôi mới vỡ lẽ ra “hành quân” đồng nghĩa với “di chuyển”! Gần chiều, chúng tôi được chở đến khu vực Tân Cảng (New Port) cạnh sông Sài-Gòn để chuẩn bị một cuộc hành trình mới.
Tôi may mắn được xếp vào đội cuối cùng nên phải đợi các bạn khệ nệ vác hành lý lên tàu, kế đó phải làm sạch sẽ khu vực mới đến trước khi lên tàu (chắc tôi thuộc số con rệp!).Đây là tàu Sông Hương có sức tải khá lớn. Trên tàu, tôi thấy một khu vực rất lớn dành cho cán bộ với đủ loại máy móc, xe hơi, xe gắn máy, ti-vi, radio hằm bà lằng. Khi tôi đặt chân lên tàu thì các bạn tôi đã ổn định chỗ nằm rồi. Tôi đi lòng vòng để tìm một chỗ trống nhưng không thấy đâu cả. Chợt tôi khám phá ra một chỗ nên vội vã nhào tới như sợ có ai giành mất. Tôi mới ngồi xuống có một chốc thì dường như nghe có tiếng động ở trên đầu. Tôi ngửng đầu lên và muốn rụng rời tay chân vì có vài giọt nước rơi xuống đầu tôi, hóa ra trên đó là nhà vệ sinh nên không ai dại dột gì bén mảng đến đó. Cuối cùng, may mắn thay, tôi được một anh bạn sống cùng cư xá với tôi nhường một phần nhỏ chỗ năm của mình để tôi có thể ghé lưng bằng cách nằm nghiêng chứ không nằm ngửa vì quá chật chội. Tôi cám ơn anh bạn rối rít và hỏi thăm anh về tình hình trong cư xá nhưng anh không biết gì hơn tôi. Chiều đến, chúng tôi được phát lương khô và một ít nước uống nhưng tôi chỉ dùng một ít bánh và không dám uống nước vì anh em cho biết phải đợi rất lâu mới tới phiên mình đi vệ sinh. Tôi đã kiên trì không uống nước cho tới khi đến địa điểm mới. Mấy anh bạn thuộc Hải Quân tìm cách lên boong tàu và sau khi định hướng đã cho biết tàu đang chạy về hướng Phú Quốc. Tôi nghĩ lần này chắc phải sống tự túc trên hoang đảo như “Robinson Crusoe” ngày xưa chăng? Nhưng sau đó anh bạn này đã mất phương hướng nên chúng tôi đành phó mặc cho mọi việc đến đâu thì đến.
Tôi không còn ý niệm về thời gian cho đến một buổi chiều, chúng tôi được thông báo là sẽ được đặt chân lên miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa mà các bạn gốc ở miền Bắc cho biết là Hải Phòng. Vừa đặt chân lên đất liền , việc trước tiên là tôi phải xả bầu tâm sự (đi tiểu tiện), và thật là kinh hoàng khi tôi thấy nước tiểu có màu đỏ như máu vậy?
Trên bờ, loa phóng thanh ra rả cho biết là chúng tôi được đặt chân lên miền bắc Xã Hội Chủ Nghĩa ưu việt, tự do và độc lập! Pha lẫn với tiếng loa vang dội là tiếng chó sủa bất tận, dường như chúng ngửi thấy mùi của người miền Nam và muốn ngoạm chúng tôi một miếng cho bõ ghét.
Sau đó chúng tôi được phát mỗi người một trái chuối già và đi chích ngừa. Tôi thầm nghĩ biết đâu chừng sau mũi tiêm này chúng tôi sẽ tiêu diêu nơi miền âm cảnh? Chích xong, chúng tôi được phối trí lại và đi nghỉ ngơi. Vì quá mệt mỏi nên vừa mới đặt lưng xuống là tôi đã ngủ ngay một cách ngon lành. Khi tôi được đánh thức dậy thì anh em đã đi đâu mất cả rồi. Tôi lang thang chạy theo các bạn và cuối cùng lên được tàu hỏa cho cuộc hành trình kế tiếp. Nói là tàu hỏa cho có vẻ ngon lành nhưng thật ra là một sàn tàu chở súc vật không có bàn ghế gì cả. Chúng tôi nằm ngủ trên sàn tàu chật như nêm. Tôi nằm cạnh một anh cao quá khổ, vì anh ta cao lớn nên tôi cũng có phần ngán và riu ríu nghe lời anh ta hướng dẫn: “Tôi nằm ngủ trước, anh ngủ sau”.
Vì chỗ nằm choán nhiều chỗ nên tôi phải ngồi để trông chừng anh ta nằm ngủ. Một lúc khá lâu, tôi đánh thức anh ta dậy để tôi nằm một tí. Khi tôi vừa nghỉ được một chút thì cảm thấy có cái gì đè trên ngực. Tôi tỉnh dậy và thấy cái chân dài ngoằn của anh ta gác lên ngưc tôi, xém chút nữa thì đến cổ của tôi rồi. Hóa ra anh ta đâu có ngồi mà lại tiếp tục ngủ, và vì chúng tôi nằm đổi đầu nên cái cẳng dài quá khổ của anh ta mới vượt biên và leo lên ngực của tôi (sau này khi quen thân nhau, chúng tôi nhắc lại chuyện cũ và cười muốn bể bụng luôn).
Các trại tù ở miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa: Yên Bái, Nghĩa Lộ/Hoàng Liên Sơn, Cẩm Nhân, Vĩnh Phú.
Sau khi tàu hỏa ngừng, chúng tôi tập trung lại, chuẩn bị lên xe Molotova vượt sông Hồng để đến Yên Bái, Nghĩa Lộ thuộc Hoàng Liên Sơn. Đến đây chúng tôi bắt đầu thực sự lao động khổ sai khi năng lượng trong người chúng tôi gần kiệt quệ sau hơn một năm ở miền Nam ăn cơm gồm hầu hết là gạo mốc hết chất bổ dưỡng với ít bắp cải và cải su. Tại đây chúng tôi được xếp thành đội theo từng cấp bậc. Tôi thuộc Trại 2 Liên Trại 2 Hoàng Liên Sơn chuyên lo về xây cất nhà trét đất và rơm. Khi còn ở miền Nam, tôi có dịp học về kiến trúc do một anh bạn kiến trúc sư chỉ dạy nên tôi được cán bộ cho tôi phụ trách vẽ đồ án xây cất. Vì thấy anh em không còn sức lực nên tôi đã chiết tính số lượng cây với đường kính nhỏ và chiều dài ngắn hơn quy định, nhưng tay cán bộ có chút căn bản về xây dựng đã bắt tôi sửa lại. Một thời gian sau, vì thiếu nhân lực nên tôi cũng phải lên rừng đốn cây và vì vậy càng biết rõ sự cực nhọc của anh em nhiều hơn.
Có một lần tôi vác một khúc cây có đường kính gần gang tay và dài 5 thước. Đọan đường đi rất dốc và trơn trợt vì trời đang mưa. Lên gần hết dốc và chuẩn bị về trại, tôi chợt vấp ngã. May mắn thay, khúc gỗ to chỉ đè lên chân tôi và không va vào đầu, nếu không giờ này tôi đâu còn ngồi đây để viết những dòng chữ này, tuy nhiên tôi vẫn phải nằm tại chỗ hơn hai tuần lễ. Lê cái chân đau ra khỏi khúc gỗ, tôi ngồi xuống bên lề đường và khóc rấm rứt một mình như trẻ con.Tôi khấn vái Trời Phật cùng các vị thần linh khác, và khi nghĩ đến vợ con đang trông chờ nên tôi cố thu hết tàn lực để kéo lê khúc gỗ (thay vì vác) mãi đến chiều tối mới về đến trại.
Một hôm, chúng tôi được lệnh tải gạo từ Ba Khe về trại ở Nghĩa Lộ. Sau nhiều lần thử nghiệm, anh em thử đổ gạo vào hai ống quần ngủ, cột chặt ống và lưng quần xong để trên vai xung quanh cổ mà đi, trông rất nhẹ nhàng và dễ đi. Trên lộ trình đi, thỉnh thoảng chúng tôi thấy rải rác những trái cà-na do dân cố tình để lại cho chúng tôi ăn, chứng tỏ lòng thương mến của họ, khác hẳn với thái độ thù nghịch khi chúng tôi mới đến. Có một lần chúng tôi gặp một cụ già râu tóc bạc phơ nhưng diên mạo rất phương phi đang cưỡi ngựa và dừng lại nói với chúng tôi:
“Chúng tôi mong đợi ngày các ông ra giải phóng miền Bắc chúng tôi nhưng bây giờ như thế này thì còn trông mong gì nữa?” Ông ta thuộc thành phần trí thức hoặc tư sản mại bản bị Việt-Cộng đày lên đây với lý do là đi khu kinh tế mới.
Bên cạnh Ba Khe là trại trà Trần Phú nổi tiếng của miền Bắc. Tôi có anh bạn thân trước kia làm Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Nhảy Dù nổi danh là người nhảy dù đẹp và hay nhất của quân đội. Ngày xưa, khi chúng tôi gặp nhau trong các trận đấu bóng chuyền tại sân Phan Đình Phùng, Trung tá Vinh là tên anh, rất điển trai và đô con (75 kí) tuy da hơi ngăm đen như tôi. Khi đi Ba Khe tải gạo, chúng tôi không thể nào tưởng tượng anh chỉ còn 45 kí (trong thời gian sống chung bên nhau, anh vẫn thường ăn rau tàu bay cho đỡ đói, chúng tôi đã khuyên can nhưng anh không chịu, nghe nói rau này sẽ làm mất máu ghê lắm). Vài năm sau, chúng tôi nghe tin anh đã nằm xuống vĩnh viễn trong rừng sâu để lại biết bao tiếc thương cho anh em đồng ngũ!
Sau đó chúng tôi được chuyển về Cẩm Nhân, Tuyên Quang. Tôi thuộc đội mộc chuyên làm bàn ghế và tủ rất cần sự tỉ mỉ khéo tay. Tôi học bào trong cả tháng mới tạm gọi là khá thành thạo. Cũng trong thời gian mới đến Cẩm Nhân, tôi được biết một tin rất buồn: anh bạn thân là Trung tá Nguyễn-Vũ Từ-Thức trước làm ở Tổng Cục Quân Huấn, sau làm Tùy Viên Quân Lực ở Úc vừa mới từ trần vì bị ngộ độc thức ăn (60 anh em khác phải vào bệnh xá).
Trong suốt thời gian đầu ở miền Bắc, chúng tôi được các anh bộ đội quản lý nên sinh họat có phần dễ thở hơn như được tự do vào rừng đốn gỗ, giang, tre, lò-ồ, v..v.., và ban đêm trại không khóa cửa có thể đi lại tự do.
Sau này, chúng tôi được Bộ Công An tiếp quản nên gặp nhiều khốn đốn với các tay công an mà mấy anh bộ đội gọi là bọn chó vàng vì chúng mặc quân phục màu vàng. Trạm dừng chân đầu tiên là Vĩnh Phú. Tôi vẫn tiếp tục làm mộc “mớp” (meuble/bàn ghế) khác với “mộc nhà” chuyên lo xây cất nhà trong doanh trại Vĩnh Quang B, sau đó đến Vĩnh Quang A trước khi chuyển về miền Nam năm 1982 bằng tàu hỏa và bị còng một tay với một bạn tù khác.
Thắm thoát đả 7 năm tù đày với biết bao đắng cay tủi nhục. Trên đường về Nam chúng tôi gặp những quang cảnh quen thuộc từ Thừa Thiên trở vào. Dọc đường chúng tôi chứng kiến những cảnh rất cảm động khi người mẹ gặp lại con một cách vội vã không nói nên lời, hoặc người vợ chạy theo tàu hỏa vừa mới tới bến khi hay tin muộn chồng mình đang ở trên tàu, hoặc khi bà con tặng thức ăn cho anh em bị còng (viết tới đây tôi không ngăn được dòng lệ tự nhiên tuôn trào vì chính tôi là chứng nhân mục kích rõ ràng những cảnh thương tâm đó).
Trạm dừng chân ở miền Nam là Xuân Lộc B, Long Khánh. (Z30A). Tại đây không khí có phần dễ thở hơn, hàng ngày chúng tôi thấy những chiếc xe lam chở bà con lên thăm thân nhân, nhưng riêng cá nhân tôi chỉ được thăm gia đình có một lần vào buổi sáng vì vợ tôi phải đầu tắt mặt tối với sinh kế để lo cho 5 đứa con còn nhỏ dại.
Một ngày đẹp trời giữa năm 1983, tôi được lệnh phóng thích, nâng tổng số thời gian đi tù lên 8 năm một tháng. Khi tôi bước chân vô nhà, mọi người nhìn tôi sững sờ vì tôi như một bộ xương cách trí biết đi. Với vốn liếng làm mộc học được trong tù, tôi ra sức đóng các bàn ghế để vợ con tôi bán cà-phê trong một góc nhỏ của cư xá Lê Văn Duyệt, Gia Định nay cải danh là cư xá Phan Đăng Lưu.
Hơn 10 năm sau tôi mới được sang định cư tại Hoa Kỳ, bỏ lại sau lưng ba đứa con vì chúng đã lập gia đình. Tôi thấy cụm từ “đoàn tụ gia đình” thật quá đắng cay khi hai phương trời vẫn còn cách biệt!
Các bạn thân mến,
Giờ đây, những hình ảnh kinh hoàng của một thời trong lao tù đã đi vào dĩ vãng, chỉ còn lại những kỷ niệm sẽ tồn tại mãi mãi trong tôi. Tôi muốn ghi lại những hình ảnh đó với nhiều tình tiết hơn nhưng khuôn khổ tập Kỷ Yếu có hạn nên tôi chưa ghi hết những gì đáng nói, hơn nữa vì mắt mũi kèm nhèm lại vừa trải qua một cuộc giải phẩu tim thập tử nhất sinh nên tôi xin dừng nơi đây.
Thưa các bạn, sau 50 năm rời mái trường Mẹ, chúng ta đã tích lũyđược nhiều kỷ niệm êm đềm của thời niên thiếu, lúc học tập tại trường và du học Hoa kỳ, kỷ niệm hào hùng của những năm tháng phục vụ Quân đội, kỷ niệm đau thương của những năm dài trong lao tù Cộng Sản. Những chuỗi ngày ở miền đất hứa này đã cho chúng ta một ý niệm sâu sắc về tình đồng khóa. Năm mươi năm đã trôi qua, tuy có nhiều thay đổi trong cuộc sống thăng trầm này nhưng những kỷ niệm của anh em khóa 12 Trường Võ Bị Liên-Quân Đà-Lạt vẫn còn đó, trường tồn bất diệt với thời gian như đại thi hào Pháp Lamartine đã viết:
Ainsi tout change, tout passe,
Ainsi sur la terre tout s’efface,
Tout, excepté le souvenir.
Trần Bá Xử
(Hà Viễn Xứ}
Miền Đông Bắc Hoa Kỳ giá lạnh, 3/12/2004