Trận chiến này ngoài ĐPQ & NQ thuộc tiểu khu Bình Thuận, còn có thêm ít binh lính từ các binh chủng khác như Nhảy Dù, Biệt Động Quân, TQLC, ... di tản về sát nhập chung, tình nguyện chiến đấu.
Sau hồi ký “Vượt biên đường bộ”, 2015, Bằng được ủy thác, vinh dự góp tay viết về trận đánh tại quận Thiện Giáo, thuộc tỉnh Bình Thuận trong tháng 4 năm 1975 theo lời kể của một vị sĩ quan Quân Lực – Việt Nam Cộng Hòa (QL- VNCH).
Bài viết được trình bày qua hình thức hồi ký, tác giả cho biết sau nhiều đề nghị từ các anh em đồng đội từng sát cánh chiến đấu, các con cháu, luôn yêu cầu ông nên kể lại. Ngoài mục đích di sản cho thế hệ sau về những chiến thắng oai hùng của cha ông trong công việc gìn giữ, bảo vệ đất nước, chống lại sự xâm lược của cộng sản (cs.) vô thần, ông còn mong như đóng góp nhỏ trong việc phản bác những lời nói vô trách nhiệm của cựu Tổng thống Hoa Kỳ, George W. Bush (Junior)* khi cho rằng QL – VNCH không chịu chiến đấu, thay vì ông ta nhìn nhận để miền nam tự do rơi vào tay cộng sản đa phần là do các chính trị gia Mỹ. Phát biểu nông cạn thực đáng trách của ông Bush tạo ra những bực bội cho nhiều người lính của chúng ta, dù cuộc chiến đã tàn từ lâu.
Cá nhân ông và các đồng đội đã hy sinh tuổi thanh xuân, chiến đấu hết mình cho tới khi miền nam thân yêu bị bức tử, vận nước chấm dứt.
Câu truyện đồng thời cũng ước mong như những đóa hoa thơm, thân thương gởi đến các chiến sĩ Địa Phương Quân - Nghĩa Quân (ĐPQ & NQ) của QL - VNCH trên mọi miền giới tuyến, đã nhiều phen đóng góp xương máu cho đất nước... nhưng luôn bị lãng quên, ít được đề cập tới.
*
- Về chiến thắng Thiện Giáo, dẫu muộn màng, nên được kể và ghi lại trong trang sử liệu đấu tranh can trường của QL-VNCH. Trận chiến này ngoài ĐPQ & NQ thuộc tiểu khu Bình Thuận, còn có thêm ít binh lính từ các binh chủng khác như Nhảy Dù, Biệt Động Quân, TQLC, ... di tản về sát nhập chung, tình nguyện chiến đấu. Ở vào thời điểm khi vùng 1, vùng 2 tan rã, tình hình nhiều tuyệt vọng. Chi khu TG. cho gia đình binh sĩ, vợ con quân nhân các cấp di tản trước, riêng các chiến binh, những người chồng, người cha ở lại sẵn sàng chờ địch tới. Dù biết có thể phải hy sinh bản thân, mọi người quyết bảo vệ vùng trách nhiệm được giao phó. Nghĩ lại, thật hãnh diện. Theo nhận xét của người viết, mặc dù ngoài 80, nhưng với trí nhớ minh mẫn, nhiều chi tiết tường thuật rõ ràng vì chính ông là người tham chiến, giữ trọng trách chỉ huy trưởng lực lượng phòng thủ chi khu. Ông cho hay TĐ 230/ĐPQ được tiểu khu Phan Thiết bố trí ngăn địch tại tuyến đầu tức chi khu Thiện Giáo và cuộc đụng độ nặng cuối cùng nổ ra trong tháng tư, chống trả lại 2 trung đoàn việt cộng, trận đánh rất ác liệt và kéo dài khoảng 3 ngày. Với quân số chỉ hơn 1 tiểu đoàn, các chiến sĩ ĐPQ & NQ đã anh dũng, chặn đứng, đẩy lui nhiều đợt tiền pháo hậu xung của địch, và rất may mắn chỉ một vài người bị thương nhẹ, cả tiểu đoàn hầu như vô sự. Chiến thắng đầy tự hào cuối đời binh nghiệp này cũng đã được ghi lại trong trí nhớ của nhiều người dân Bình Thuận. Ông “Anh Ba”, ở cương vị chỉ huy trưởng chiến trường, mặt trận Thiện Giáo, cung cấp thêm nhiều chi tiết về trận đánh này.
- Tiểu sử về U-80, “Anh Ba", tức Đại úy Mai Vi Thành, xuất thân khóa 4 Đồng Đế, ra trường ông phục vụ tại các đơn vị tác chiến quân khu II. Qua nhiều thăng trầm, vào thời điểm trước tháng tư 1975, vì là lính trận chuyên nghiệp, được giao lại quyền Tiểu đoàn trưởng (TĐT)- TĐ 230/ĐPQ kiêm Xử Lý Thường Vụ Chi khu trưởng Thiện Giáo. Sau khi tan hàng 30-4, vc. thù dai, liệt ông vào thành phần “ác ôn”, và chuyển giao ông ra bắc, ở tù qua các trại như Hoàng Liên Sơn, số 5 Thanh Hóa… từ 1975- 1982, vượt biên định cư Hoa Kỳ 1983.
- Anh Ba cũng là con nuôi cũa Chuẩn Tướng Trần văn Hai, Tư lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh, QL - VNCH, vị tướng công chính thanh liêm, người đã tuẫn tiết trong ngày 30-4-1975 tại bản doanh, căn cứ Đồng Tâm, Mỹ Tho.
*
Vào truyện…
Giọt mưa Cali rớt vào ký ức
Lăn hồn ta về với núi với rừng
Gặp lại anh em tháng ngày thao thức
Hể hả cười… cùng khói lửa rưng rưng
Thơ Trạch Gầm (Theo mưa đến thăm cà phê lính)
Trận đánh Thiện Giáo (TG.) tháng 4, 1975
Khoảng đầu tháng 4, 1975, sau khi Ban Mê Thuật thất thủ, quân đoàn 2 hầu như tan rã và sát nhập vào quân đoàn 3 theo lịnh Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Mục tiêu quân sự của Hà Nội đã quá rõ ràng, cánh quân Duyên Hải, Trung đoàn 18 thuộc Quân đoàn 2 cộng sản đang tạo áp lực, chuẩn bị tấn công Phan Rang từ phía đông bắc, sau đó dọc theo đường Quốc lộ (QL) số 1 tiếp tục hành quân về phía Nam, với mục tiêu kế tiếp tiến vào địa bàn tỉnh Bình Thuận, xuống chiếm lấy tiểu khu Phan Thiết. Tuy nhiên vì tình hình dân chúng từ vùng I và II bắt đầu di tản ngày càng đông trên quốc lộ 1, có thể không hẳn thuận lợi về mặt chiến thuật nên địch mở thêm mặt trận từ hướng tây, phía bắc tiểu khu Phan Thiết, nhằm khai thông đường tỉnh lộ 8. Nỗ lực ở mặt này, thì bằng mọi giá, phải dứt điểm Chi khu Thiện Giáo, vì đây là cứ điểm phòng thủ quan trọng để vào Phan Thiết. Cùng lúc, nơi mặt tây nam, tiến đánh Định Quán, rồi từ QL. 20 để vào mặt trận lớn hơn là tiểu khu Long Khánh, vòng đai phía bắc, nơi sư đoàn 18 BB của tướng Lê Minh Đảo phòng ngự, bảo vệ cửa ngõ Sài Gòn. Riêng mũi tấn công vô Thiện Giáo, vì là mặt trận then chốt, hầu như địch tập trung toàn lực lượng vũ trang quân khu 6 trên các cao nguyên Lâm Đồng, Bảo Lộc đưa xuống đồng bằng, đem vào trận.
Trận đánh tại chi khu TG. bắt đầu lúc 3 giờ sáng, khoảng ngày 11, 12 tháng 4 năm 1975, và trong 3 ngày giao tranh, với nhiều đợt tấn công biển người, việt cộng (vc.) đều bị chặn đứng và đánh cho tan tác trên các cứ điểm, có thể nói là thảm bại, thiệt hại nặng mặc dù quân số và vũ khí vượt trội gấp 5, 7 lần. Ghìm được chân lực lượng lớn của địch tại đây là niềm tự hào, của tiểu đoàn 230/ĐPQ & NQ, cùng tất cả quân dân cán chính thuộc chi khu TG. Nhưng khi đất nước lâm nguy, lãnh thổ hỗn loạn, rồi miền nam bị bức tử! chiến thắng này lại ở giai đoạn gần… đứt phim, nên theo dòng thời gian đi vào quên lãng, hầu như không ai nhắc tới, chỉ được truyền thông để ý đến cách hời hợt, chung chung sau này.
*
Thiện Giáo nằm trên tỉnh lộ 8, phía Tây Nam sát mật khu Tam giác, phía đông là quốc lộ 1 và mật khu Lê Hồng Phong, tây bắc có dãy Trường Sơn và mật khu Đăng Gia, phía nam là thị xã Phan Thiết. Quận TG. có hơn mười xã như Tân An, Bình An, Hòa Tân, Tân Thành... ngoài 1 xã hay khu trù mật của người bắc di cư với tinh thần chống cộng cao được thành lập từ thời Tổng thống Diệm, thì tất cả những xã khác đều là vùng xôi đậu. Chi khu Thiện Giáo, theo tầm nhìn chiến thuật là cứ điểm quan trọng, cái gai phải nhổ của vc. để tràn xuống phía nam, nên không bao giờ yên ổn, nơi đây với nhiều trận đánh đẫm máu liên miên của cả hai phía, lớn có, nhỏ có, không ngưng nghỉ. Có câu:” Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận”, cọp thì không thấy nhưng ma quỷ là bọn giặc du kích thì đầy, chúng từ các mật khu luôn ra uy hiếp, quấy rối, giành dân, có nơi một vài xã, vc. đã thành lập được cả cơ sở nằm vùng. Nhiều đời quận trưởng TG. đã bị tử nạn bởi phục kích, bị pháo, đánh lén, đánh úp**. Thiện Giáo hiền hòa, nhỏ bé, nhưng như một khiêu khích quá hiển nhiên, lộ liễu với các anh mật khu bao quanh nên thường bị đặc công quấy rối. Vấn đề an ninh thiệt ớn óc! Bởi vậy, cầm sự vụ lệnh trong tay về bình định quận TG. vị chỉ huy cần có mưu lược tài trí. Có lẽ chỉ có 2 loại người: loại to gan, lớn mật, và loại sau, thê thảm hơn, bị… đì.
*
Lực Lượng và phối trí: VNCH. (khoảng 1,200 quân)
TĐ 230/ĐPQ có 5 Đại đội (ĐĐ) cơ hữu. gồm 1 ĐĐ chỉ huy công vụ, 4 ĐĐ tác chiến và 2 ĐĐ biệt lập (tăng phái), thêm 7 trung đội nghĩa quân. Ghi chú thêm về NQ. của tiểu khu Phan Thiết, đặc biệt chi khu TG. là trong khoảng thời gian dài 20 năm ròng rã, sống mái với việt cộng để bảo vệ địa phương của họ, những người lính nghĩa quân nơi đây dạn dày kinh nghiệm và rất thiện chiến, họ đã nhiều phen gây tổn thất nặng cho đối phương, ghi nhiều chiến công.
1 trung đội Cảnh sát dã chiến.
1 đoàn cán bộ Xây Dựng Nông Thôn (lực lượng áo đen)
Chỉ huy trưởng mặt trận là Tiểu đoàn trưởng (TĐT) - Tiểu đoàn (TĐ) 230/ĐPQ kiêm xử lý thường vụ chi khu trưởng chi khu Thiện Giáo, Đại úy Mai Vi Thành, tức Thành Râu, tuy nhiên các chiến hữu và dân chúng Phan Thiết hầu như ai biết ông, đều thân thương gọi "Anh Ba". Anh Ba vốn là cựu TĐT- TĐ 202/ĐPQ đóng tại Cây Táo, trên Quốc lộ 1, nhưng theo yêu cầu của các binh sĩ TĐ 230, được tiểu khu điều động về thế người tiền nhiệm là Thiếu Tá Thổ Thiêm, người gốc Chàm, một vị đức độ, can đảm, chỉ huy giỏi, nhưng phải giải ngũ sau 3 lần lưu ngũ.
- Tiểu đoàn phó 230/ĐPQ là Đại úy Trần Đăng Thiệt, vì 230 phải chuyển sang phòng ngự, bảo vệ khu vực nên ngoài các Đại đội trưởng, phó, tương đối còn đầy đủ nhân sự các phòng ban 1,2,3,4,5 và truyền tin.
Phía địch: Theo nhiều tin tình báo ở thời điểm này, tuy không đủ thời gian kiểm chứng chính xác, nhưng qua khai thác tù binh được biết, quân số ước lượng vào khoảng 2 trung đoàn của lực lượng vũ trang quân khu 6, hơn 5,000 quân? Với toàn bộ du kích miền cao nguyên 2 tỉnh Tuyên Đức, Lâm Đồng, trong đó Trung đoàn 812 là nỗ lực chính, và 1 trung đoàn tân lập, được điều động vào trận nhằm dứt điểm quận Thiện Giáo, xóa sổ TĐ 230. Ngoài pháo binh với đầy đủ đạn dược tiếp vận từ mật khu, loại xe tăng V100 được ngụy trang thành T54 khá đe dọa tâm lý, mặc dù sau đó người lính ĐPQ - NQ. TĐ 230 đã chứng tỏ cho thấy dù địch có xe tăng nhưng cũng không làm khó được họ.
Phối hợp: Chi khu Thiện Giáo phối hợp hàng ngang với chi khu Định Quán, địa đầu của tỉnh Xuân Lộc. Địch tấn công Định Quán cùng lúc với chi khu TG. Thiếu Tá Lê văn Chánh, cũng là người bạn thân của anh Ba, nắm quận trưởng kiêm chi khu trưởng Định Quán đã anh dũng tử trận. Việt cộng dùng pháo 100 ly trên xe tăng T59, bắn trực xạ vào hầm chỉ huy sau khi chúng loa gọi nhưng ông thà chết không hàng. Thiếu Tá Chánh hy sinh lúc đang liên lạc vô tuyến với trưởng chi khu TG.
Bản họa đồ vị trí đóng quân của ta và các mũi tấn công của địch.
* Lúc 3 giờ sáng khoảng ngày11, 12. Với quyết tâm “giải phóng” TG. hay cứ điểm Ma Lâm, vc. mở màn bằng trận pháo mù mịt vào tất cả mọi vị trí, công sự các đại đội, đặc biệt quả pháo 155 ly đầu tiên rót vào bộ chỉ huy tiểu đoàn, được báo cáo là chui xuống gầm xe của anh Ba nhưng... không nổ. Sau cơn mưa pháo, địch tổ chức nhiều đợt tấn công biển người, chúng vừa phát loa kêu gọi đầu hàng, vừa ồ ạt đánh vào từ mọi mặt đông tây nam bắc nhằm cắt rời các đại đội ra, không tiếp ứng được nhau. Mặt tây bắc của Đại đội 2 (ĐĐ2) do Trung úy Sanh trách nhiệm chịu áp lực nặng nhất bởi vị trí phòng thủ nằm án ngữ nơi trục giao thông chính của liên tỉnh lộ 8, tuy nhiên, như 1 phép lạ, quân trú phòng vẫn đứng vững sau nhiều phen bị cường tập. Vc. sau mỗi đợt pháo luôn cố gắng tràn ngập nhưng lần nào cũng “chém vè”, phải rút ra với tổn thất không ít về nhân mạng, và cho đến khi tàn cuộc vẫn không chiếm được các cứ điểm. Trong lửa cháy lẫn mùi thuốc súng khét lẹt… Anh Ba nhận định với các ban về những tuyên truyền láo từ chính trị viên cs. nhồi vào đầu cán binh của họ, như tinh thần hốt hoảng, lo sợ, mất bình tĩnh của các chiến sĩ ĐPQ & NQ, QL - VNCH sẽ tiếp tục tháo chạy khi nghe tin “quân giải phóng” đến, đã không xảy ra giống như ở ngoài vùng 1, 2. Ông cười cho biết, chúng đâu ngờ quân dân Bình Thuận của chi khu TG từ quan đến lính, đã rất tỉnh táo, kỷ luật, súng đạn đầy đủ, nghiêm chỉnh chờ sẵn. Địch vào đến đâu bị đốn ngã như sung tới đó. Chiếc tank đầu tiên của vc. nhằm uy hiếp tinh thần bị người lính ĐPQ dùng M72 bắn cháy được thông báo cho nhau làm nức lòng mọi người”.
Nhiều người dân TG., sau này kể lại trận đánh tháng tư vẫn hả hê, cho đây là 1 trận thắng lớn, để đời của các chiến sĩ ĐPQ - NQ của QL - VNCH, vốn bị chế diễu là lính "Địa...phao câu", lính... vườn.
Anh Ba cho biết trận TG, với quyết tâm cao độ, ai cũng kiên cường, thà chết để bảo vệ khu vực trách nhiệm của mình cách thần kỳ, mọi người đã anh dũng chống trả, bẻ gãy mọi mưu toan, và đứng vững sau nhiều xung phong cảm tử của địch. Chiến thắng này cho thấy người lính ĐPQ và NQ của chi khu Thiện Giáo xứng đáng được nhận huân chương tiêu biểu, vinh danh cho truyền thống bảo vệ làng xã trên toàn lãnh thổ.
Trận đánh kéo dài cho tới ngày thứ 3, dù tất cả những vị trí, công sự hư hại nặng nhưng người lính ĐPQ & NQ, QL - VNCH tinh thần vẫn cương quyết một lòng, điềm tĩnh tử thủ khi giờ phút thứ 25 đang cận kề.
Tin từ các nơi gọi về...
- Trình Đại bàng, tụi nó chết la liệt, nhiều lắm, có thâu lượm chiến lợi phẩm không?
- Chỉ thu lượm súng đạn, trang bị ngược lại cho mình.
Sau nhiều vô vọng liên lạc về bộ chỉ huy tiểu khu, cuối cùng Anh Ba cũng được biết dân tị nạn từ phía bắc đã về tới thị xã Phan Thiết? toàn bộ tiểu khu Phan thiết với 6 tiểu đoàn đã di tản chiến thuật? Bằng tàu hải quân, một số ra đảo Phú Quý, số khác về Vũng Tàu. Một trung sĩ trước khi cúp máy cho biết không còn bất cứ giới chức nào để ra lệnh, dĩ nhiên không tiếp vận, không yểm trợ, và thẩm quyền phải tự xoay sở lấy... Cánh quân của TĐ. 230/ĐPQ như vậy đã chiến đấu đơn độc ngay trên đầu tuyến, “nhất kiếm trấn ải” trực diện với quân số vượt trội hơn nhiều lần của cs., để làm chậm bước tiến địch?
Đơn độc nhưng lẫm liệt, hào hùng!
Thời điểm ngày cuối, vc. sau nhiều lần tấn công thất bại, với tổn thất nặng nề, chúng ngưng tấn công, đánh giặc nước miếng! vác loa réo liên tục, yêu cầu, đích danh tên người chỉ huy "anh Ba" và các binh sĩ "ngụy": ”các anh đã bị bao vây, mau buông súng, trở về với ... nhân dân, cách mạng sẽ khoan hồng!” (sic).
Kinh nghiệm cho ông biết chúng đang tập họp, chỉnh đốn hàng ngũ, bổ xung cho 1 đợt cảm tử mới, nhất quyết dứt điểm?
Trong khi giao tranh, ban 4 nhận lệnh tổng kết đạn dược, cho biết trang bị cho 1 người chỉ còn giới hạn không đủ để bảo vệ chính mình. Tình hình bi đát, sớm muộn sẽ bị tràn ngập? Anh Ba đã ra lệnh cho 4,5 mũi thăm dò để thoát ra, hầu hết đều bị khóa! lúc này chung quanh chi khu TG. việt cộng đông như đàn kiến, áp lực dày đặc từ mọi hướng. Tuy vậy, cuối cùng, một toán trinh sát cũng tìm được sinh lộ cho toàn quân. Trong âm thầm, tất cả các đại đội được lệnh len lỏi, triệt thoái về phía đông, băng ngang qua QL.1, xâm nhập thẳng vào... mật khu Lê Hồng Phong của địch. Ông đã binh pháp đúng, "tìm đường sống nơi tuyệt lộ", có cách nào tuyệt vời hơn để dưỡng sức cả nghìn quân ngoài chính mật khu của việt cộng, sự tiên đoán chính xác sau khi thẩm định các tin tức tình báo về việc lực lượng cộng sản đã hối hả rời khỏi mật khu Lê Hồng Phong, dốc toàn lực nam tiến, nương rẫy vắng bóng, chúng để lại mọi thứ hầu như nguyên vẹn, người lính tìm được ít lương khô dán mác tàu cộng, đủ để nuôi quân ta được khoảng...1 ngày.
Đạn dược và thực phẩm luôn là thứ cần thiết nhất.
Sau đó, tất cả mọi người được lệnh rời khỏi mật khu, theo đường chim bay, tiếp tục triệt thoái về phía nam.
Giải tán: Khoảng 2 ngày sau đoàn quân về tới tiểu khu Phan thiết, anh Ba bàn bạc với các cấp chỉ huy tiểu đoàn và đi đến quyết định cuối cùng. Trưa ngày 18 tháng 4 ông ra lệnh cho mọi người buông súng, tan hàng, ai về nhà nấy. Lý do, hết lương thực, đạn dược.
Đoạn kết: Sau ngày 30-04-1975, truyền đơn rải từ quận Hàm Thuận, Phan Thiết xuống tới Khu rừng lá ở Hàm Tân, cây số 25 tỉnh Bình Tuy, vào đến Ngã ba Dầu Giây thuộc tỉnh Long Khánh, kêu gọi đồng bào và các cựu quân nhân đầu quân, tìm vào chiến khu "Rừng Lá" để kháng chiến, tiếp tục chiến đấu chống cs. Tờ truyền đơn ký tên Đại tá Ngô Tấn Nghĩa và Đại úy Mai Vi Thành như một xác tín nhằm kêu gọi phục quốc. Dù thật hay giả hoặc phản gián, những tờ truyền đơn này đã trực tiếp vinh danh "Anh Ba", người hùng Bình Thuận, người đã gây cho du kích cộng sản nhiều khiếp đảm, kinh hoàng qua trận đánh cuối cùng tại Thiện Giáo. *** Anh Ba còn cho biết thêm, khi TĐ 230/ĐPQ về tới Phan Thiết, việc đầu tiên là tìm đến kho đạn của tiểu khu để bổ xung vũ khí, trang bị... trong đầu ông đã hình thành một tuyến phòng thủ mới, chuẩn bị ngăn địch vào thị xã, nhưng khốn thay, cả kho đạn cũng đã được di tản? Ông bất lực, ngao ngán nhìn thị xã Phan Thiết lúc đó coi như đã hoàn toàn bỏ ngỏ, và địch thì vẫn chưa vô tới! Thiệt tình!
Sau khi toàn quân ”giải tán”. Anh Ba và mấy người anh em thân thương, tìm ra phía biển...
Mai về đâu mảnh cơ đồ,
Các Anh gian khổ cam go giữ gìn?
Thơ Ý Nga (Trận tàn, ta vẫn chưa thua)
Ghi lại theo lời tường thuật của “Anh Ba”, Tiểu đoàn trưởng – TĐ 230 Địa phương quân, Đại úy Mai Vi Thành. Ở vào tuổi này, ông chỉ mong lớp con cháu, hậu duệ luôn nhớ đến cha ông, một lần kia đã chiến đấu kiêu hùng để bảo vệ miền nam thân yêu. Mỗi năm, khi tháng tư về, dành đôi phút, cùng nhau tưởng niệm đến những chiến sĩ VNCH đã “vị quốc vong thân”, những đồng bào đã hy sinh vì lý tưởng Tự Do, được vậy là quý lắm.
Tháng tư, mùa quốc hận, 2018.
Trần Kim Bằng
Chú thích:
* Cựu Tổng thống Bush phát biểu trong một cuộc phỏng vấn.
** Như đã nói, các vị được chỉ định về nắm quận trưởng TG. thời gian này đều... rét vì 3,4 vị tiền nhiệm TG. khi về nhậm chức đều bị tử thương hay hy sinh ngay khi còn tại vị. Thiện Giáo với nhiều làng xã xôi đậu nên địch biết mọi chuyện phía ta, chúng có sẵn “đề lô” trong dân và pháo từ bên kia sông cứ rót vào bộ chỉ huy chi khu quận, sau đó rê chạy, các quận trưởng cựu hay mới về TG. tuổi thọ chỉ là may mắn. Quận trưởng quanh năm uống cà phê...dưới hầm. Anh Ba vốn gốc tác chiến nên coi đây là chuyện nhỏ, ông chỉ thị cho 2 trung đội trinh sát và tình báo giả dạng du kích vc., vác AK lẻn qua bên kia sông trà trộn chung với chúng, vài ngày là giải quyết xong vụ nổ pháo chạy. Khi ông về xử lý thường vụ chi khu TG. thế cho Thiếu Tá Nguyễn văn Lợi (bị thương vì pháo địch, về dưỡng thương ở Tổng Y viện Cộng Hòa), chỉ cần vài tuần là bình định, yên ổn.
*** Điểm qua sách báo việt cộng về trận Thiện Giáo, chỉ thấy có 1 bài vinh danh 1 người đại đội trưởng vc. đánh thắng trận nào đó rất chung chung ở khu 6, Phan Thiết, và thậm chí không nhắc đến tên Thiện Giáo trong những bài viết. Một số chi tiết về lực lượng, tên gọi (quân đoàn, khu…) cộng sản được tham khảo và trích từ báo SGGP cũ, nguồn VTV, nhưng hiện nay các nguồn link gốc của họ đã hết xử dụng được.
- Bản họa đồ vị trí đóng quân của ta và các mũi tấn công của địch.
- Hình ảnh internet (minh họa): Các chiến sĩ xây dựng nông thôn, và 2 người sĩ quan Địa Phương Quân (dưới).
Các chiến sĩ Xay Dung Nong Thon
Trung đoi truong nghia quan, Khiet nguyen1