« Người Việt Nam thật sự làm tôi bất ngờ. Có nhiều tài năng khác nhau. Họ rất có tổ chức, có phẩm cách và muốn thoát ra khỏi hoàn cảnh khó khăn ».
Người Việt tại trại tị nạn Pulau Bidong, Malaysia. Trại này có khoảng 36.000 người tị nạn Việt Nam (08/1979).
UN Photo/John Isaac
Trong loạt bài mùa hè nói về những con tàu chở di dân đã đánh dấu lịch sử thế giới, báo La Croix hôm nay dẫn độc giả quay trở lại thời kỳ người dân Việt Nam ồ ạt vượt biên sau khi Sài Gòn sụp đổ năm 1975. Tờ báo đặc biệt đề cập đến con tàu huyền thoại mang tên « Đảo ánh sáng ».
Con tàu này đã đưa hàng nghìn người Việt Nam thời bấy giờ vượt biên, chạy trốn chế độ cộng sản. Nhờ vào con tàu, hàng nghìn thuyền nhân Việt Nam đã làm lại cuộc đời. Đây là nơi dùng làm bệnh viện để chữa bệnh cho những người vượt biên. Đồng thời, con tàu còn chứng kiến nhiều giây phút trọng đại của người Việt, như một số đôi đã nên duyên vợ chồng trên chuyến tàu này.
La Croix nhắc lại lịch sử và bối cảnh của việc hàng nghìn người Việt Nam chạy trốn khỏi đất nước lúc bấy giờ. Ngày 08/11/1978, người Pháp hay tin chiếc tàu chở hàng Hai Hong chở 2 564 thuyền nhân miền Nam Việt Nam, nhưng không có một đất nước châu Á nào chấp nhận đón tiếp. Đây chỉ là một trong nhiều con tàu khác. Vào thời kỳ đó, có hàng trăm nghìn thuyền nhân muốn rời khỏi miền Nam Việt Nam, lãnh thổ trước đây được Hoa Kỳ yểm trợ và sau đó bị chế độ cộng sản miền Bắc Việt Nam chiếm vào năm 1975.
Vài ngày sau khi Sài Gòn thất thủ, vào tháng 5/1975, 3743 người Việt Nam đầu tiên đến Hồng Kông. Để cứu giúp họ, một số trí thức Paris đã nghĩ đến việc lập ra « chiếc tàu cho người Việt Nam ». Một số đã từng ủng hộ miền Bắc trong cuộc chiến chống quân Mỹ. Trong một bản tin thời sự trên truyền hình, nghệ sĩ Yves Montand phát biểu : « Người Việt Nam đang chết chìm, nên chúng ta phải giúp họ ». Từ đó, chiếc tàu « Đảo ánh sáng » ra đời để đến biển Đông cứu vớt người Việt.
Vào tháng 7/1979, một hội nghị được tổ chức tại Genève để bàn về số phận của những người vượt biên Việt Nam. Hội nghị này lập ra một Hiệp ước giữa Việt Nam, các nước Đông Nam Á cho tỵ nạn trong thời gian đầu và các nước cho phép định cư lâu dài. Indonesia và Philippines thành lập các trung tâm tị nạn tạm thời. Việt Nam hứa hẹn cho phép những người vượt biên có tổ chức. Các nước thứ ba sẽ tăng tốc trong việc tái định cư dân Việt Nam lâu dài.
Từ 07/1979 đến 07/1982, hơn 20 nước như Mỹ, Úc, Pháp và Canada đã tái định cư 623 800 người Đông Dương tị nạn. Về phía mình, chính quyền Việt Nam cho phép người Việt ra đi nếu họ muốn. Trong năm 1984, có 30 000 người Việt ra đi theo dạng này. Hội nghị này tổ chức việc gửi tàu đến một số nước không tiếp nhận người tị nạn để cứu vớt họ. Trong 5 tháng đầu năm 1979, 81 tàu chuyên chở tổng cộng 4 031 người trên biển, trong đó có con tàu « Đảo ánh sáng ». Từ năm 1975 đến năm 1990, 67 000 người Việt Nam được cứu vớt trên biển.
Thuyền trưởng con tàu « Đảo ánh sáng » nhận xét : « Người Việt Nam thật sự làm tôi bất ngờ. Có nhiều tài năng khác nhau. Họ rất có tổ chức, có phẩm cách và muốn thoát ra khỏi hoàn cảnh khó khăn ». Theo báo La Croix thì Hoa Kỳ là đất nước mà người dân Việt Nam muốn được đến định cư nhiều nhất.
Lê Vy