Ðể tránh tình trạng ứ đọng ở các trại tạm trú, các hoạt động định cư được thực hiện song song với hoạt động tiếp cư.
Ðể tránh tình trạng ứ đọng ở các trại tạm trú, các hoạt động định cư được thực hiện song song với hoạt động tiếp cư. Nhiều người ngay sau khi tới miền Nam hoặc sau một thời gian ngắn ở trại tạm trú đã tự lo liệu việc định cư ở những nơi có thân nhân hay bạn bè hoặc ở những vùng lựa chọn thích hợp với khả năng nghề nghiệp của mình. Con số này gồm khoảng 200,000 người hầu hết là gia đình công chức, thương gia và người hành nghề tự do. Ngoài ra còn gia đình các quân nhân di cư tổng số trên 100,000 người. Những người hoàn toàn trông cậy vào chương trình của chính phủ được xếp vào ba loại nghề nghiệp chính: nông nghiệp, ngư nghiệp hay tiểu công nghệ, sau đó được đưa đi định cư ở những địa điểm thích hợp tại các tỉnh miền Nam, miền Trung hay Cao Nguyên Trung Phần.
Tại những nơi này, Nha Ðịnh Cư thiết lập các trại định cư, cất nhà cửa, trường học, trạm y tế và đào giếng nước cho dân trong trại. Qua chương trình viện trợ Mỹ, Pháp và các chính phủ trong thế giới tự do cùng các tổ chức quốc tế như UNICEF, Hồng Thập Tự, và các cơ quan thiện nguyện từ khắp nơi trên thế giới, hàng trăm ngàn người làm nghề nông, nghề đánh cá hay tiểu công nghệ được cấp phát các dụng cụ và phương tiện thích hợp (trâu bò, hạt giống, phân bón; thuyền xuồng, lưới chài; nguyên liệu và vật liệu sản xuất.) Ngoài ra, trong thời gian đầu định cư, tất cả mọi gia đình đều được trợ cấp nhu yếu phẩm như gạo, muối, nước mắm, mùng mền, giường tủ... Tại mỗi tỉnh có đồng bào di cư, một Ủy Ban Ðịnh Cư tỉnh được thành lập do tỉnh trưởng làm chủ tịch gồm đại diện dân chúng và các cơ quan liên hệ.
Chi phí định cư phần lớn do chính phủ Hoa Kỳ viện trợ, tổng cộng là 56 triệu đô la và khoảng 150 triệu đồng Việt Nam (theo hối suất chính thức hồi đó thì 1 đô-la bằng 35 đồng VN.) Trong số này, ngót 12 triệu đô la là chi phí chuyên chở của tàu Hải Quân Ðặc Nhiệm 90. Số tiền viện trợ còn lại, khoảng 45 triệu đô la, được dùng vào việc định cư tị nạn, gồm mọi sự giúp đỡ từ thời gian ở trại tạm trú đến trại định cư. Chi phí trung bình cho việc định cư là khoảng 80 đô la mỗi đầu người.
Mấy tháng định cư đầu tiên có một số trở ngại do việc lựa chọn địa điểm không thích hợp với khả năng nghề nghiệp của người tị nạn. Chẳng hạn người làm ruộng ở đồng bằng không quen với công việc canh tác và trồng trọt ở miền núi, dân ngư phủ lại đưa đi định cư ở miền đồng ruộng. Nhiều vùng đất bỏ hoang trong tám năm chiến tranh lại nằm trong những khu kháng chiến cũ của Việt Minh. Dân tị nạn gặp không ít khó khăn khi sinh hoạt với dân chúng địa phương có ít nhiều liên hệ với những cán bộ và binh sĩ cộng sản đã ra Bắc tập kết. Ngoài ra còn có trở ngại về an ninh do cuộc xung đột giữa quân đội chính phủ với lực lượng nổi loạn Bình Xuyên hồi Tháng Tư 1955. Kết quả là khoảng 20,000 dân bị mất hết nhà cửa tài sản, trong đó một số là người tị nạn.
Nhờ sự giúp đỡ tài chánh và huấn luyện kỹ thuật của các cơ quan viện trợ, nhất là các chuyên viên U.S.O.M. và phái đoàn cố vấn của Ðại Học Michigan, các dự án mới được thiết lập nhằm bãi bỏ một số trại định cư và chuyển dân tị nạn đến những nơi thích hợp hơn. Một thí dụ là trại định cư ở Thủ Dầu Một (Bình Dương). Trại này có 224 gia đình nông dân và ngư dân tổng cộng 1,036 người. Rừng Thủ Dầu Một không thích hợp với nghề làm ruộng, lại càng không thích hợp với nghề đánh cá. Những người này được chuyển tới Ba Ngòi, gần vịnh Cam Ranh thuộc tỉnh Khánh Hòa. Tại đây, 150 gia đình ngư dân được cấp phát phương tiện đóng tàu thuyền và đồ nghề chài lưới và 74 gia đình nông dân được chia đất ở bên trong, được giúp đỡ khẩn hoang và cấp phát phương tiện canh tác. Ðây là bước đầu của giai đoạn cuối cùng được gọi là giai đoạn kiện toàn định cư. Số dân do chính phủ định cư được phân phối theo tỉ lệ phỏng định 70% về nông nghiệp, 15% ngư nghiệp, 10% tiểu công nghệ và 5% tiểu thương. Tổng cộng có 315 trại định cư với 508,999 dân, phân phối như sau:
NAM PHẦN (14 tỉnh):
Ba Xuyên, 1 trại, 780 người
Phong Dinh, 3 trại, 10,683 người
Kiên Giang (Cái Sắn), 15 trại, 42,145 người
An Giang (*)
Vĩnh Long, 6 trại, 2,803 người
Kiến Hòa, 11 trại, 12,268 người
Ðịnh Tường, 10 trại, 9,036 người
Long An, 9 trại, 14,108 người
Phước Tuy (Bà Rịa), 20 trại, 26,241 người
Ðô thành Sài Gòn, 12 trại, 24,925 người
Gia Ðịnh, 37 trại, 110,339 người
Biên Hòa, 56 trại, 107,947 người
Bình Dương, 12 trại, 16,353 người
Tây Ninh, 14 trại, 15,726 người
Tổng cộng: 206 trại, 393,354 người
TRUNG PHẦN (9 tỉnh Trung Nguyên):
Quảng Trị, 11 trại, 9,251 người
Thừa Thiên, 11 trại, 5,700 người
Ðà Nẵng, 5 trại, 7,917 người
Quảng Nam, 4 trại, 462 người
Bình Ðịnh, 1 trại, 275 người
Khánh Hòa, 6 trại, 4,608 người
Phú Yên, 2 trại, 1,129 người
Ninh Thuận, 1 trại, 312 người
Bình Thuận, 18 trại, 31,430 người
Tổng cộng: 59 trại, 61,094 người
NAM TRUNG PHẦN (5 tỉnh Cao Nguyên):
Ðồng Nai Thượng (Blao), 8 trại, 12,796 người
Ðà Lạt, 18 trại, 15,456 người
La Ngà I và II, 5 trại, 6,770 người
Ban Mê Thuột, 15 trại, 14,725 người
Pleiku, 4 trại, 4,804 người
Tổng cộng: 50 trại, 54,551 người
(*) Số trại và số người định cư ở An Giang không thấy ghi trong nguồn tài liệu của PTUDCTN, “Cuộc Di Cư Lịch Sử tại Việt Nam,” trang 169. Có lẽ các trại này lúc đó đang sáp nhập vào trại Cái Sắn ở giữa hai tỉnh An Giang và Kiên Giang.
Ngoài các thành phần kể trên, Nha Ðịnh Cư còn tổ chức những trại riêng biệt ở một số tỉnh miền Trung và Cao Nguyên miền Nam cho đồng bào sắc tộc. Tổng cộng có 14,794 người định cư tại bảy trại, gồm có:
Hai trại người Nùng ở Sông Mao và Phan Rí, tỉnh Bình Thuận.
Ba trại người Mường, một trại ở Biên Hòa, và hai trại ở Pleiku.
Một trại người Mán ở Ban Mê Thuột.
Một trại người Thổ và người Thái ở Trung Nghĩa, Ðà Lạt.
Theo bảng phân phối trên đây, số dân định cư đông nhất là ở Nam Phần, và ngoại trừ vùng thủ đô Sài Gòn, Chợ Lớn và Gia Ðịnh, tỉnh Biên Hòa có nhiều dân định cư nhất nước với đại đa số là người Công Giáo. Chỉ trong vòng một năm, dân số tỉnh Biên Hòa tăng gần gấp đôi, từ 130,000 lên tới 240,000. Quân đội Pháp và Việt đem máy móc tới làm đường sá và khai quang những vùng đất bỏ hoang để giúp dân chúng cất nhà hay trồng trọt. Có tất cả sáu khu định cư trong tỉnh Biên Hòa gồm Hố Nai, Gia Kiệm, Tân Uyên, Phước Lý, Tân Mai và Bến Cỏ. Khu lớn nhất là Hố Nai gồm bảy làng chia theo thành phần dân di cư từ các tỉnh ở miền Bắc, xếp thứ tự theo số dân từ đông nhất đến ít nhất: Hải Phòng (20,000), Thái Bình (11,050) Bùi Chu (6,000), Bắc Ninh (4,000), Thanh Tâm (3,250), Thanh Hóa (2,858). Với khả năng tổ chức và điều hành của hệ thống Công Giáo, tinh thần kỷ luật và siêng năng của trên 50,000 giáo dân, Hố Nai đã tận dụng được các chương trình giúp đỡ và sớm vượt qua được những trở ngại lớn lúc ban đầu để trở thành khu định cư hoàn toàn tự túc với đủ mọi ngành nghề.
Sau việc cất nhà, đào giếng và tổ chức bộ máy hành chánh trong các trại định cư, PTUDCTN bắt đầu cung cấp các phương tiện nghề nghiệp cho dân chúng. Riêng về nông nghiệp, nông dân được cấp phát đất hoang để làm vườn hay làm ruộng. Chỉ trong vòng một năm, 23 trại định cư tại 5 tỉnh miền Nam đã được chính quyền ký nghị định thiết lập thành làng xã địa phương. Cũng chỉ trong năm đầu tiên, công việc khẩn hoang tại các trại đã đạt được kết quả như sau:
NAM PHẦN:
Diện tích đã khẩn hoang: 30,565 ha
Diện tích đã cấy lúa: 21,057 ha
Diện tích đã trồng tỉa: 7,973 ha
TRUNG PHẦN:
Diện tích đã khẩn hoang: 3,630 ha
Diện tích đã cấy lúa: 1,750 ha
Diện tích đã trồng tỉa: 1,870 ha
CAO NGUYÊN:
Diện tích đã khẩn hoang: 3,996 ha
Diện tích đã cấy lúa: 823 ha
Diện tích đã trồng tỉa: 3,100 ha
Trong số các trại định cư, có nhiều trại như Cái Sắn, La Ngà, Ban Mê Thuột, Pleiku được thành lập theo chương trình đặc biệt nhằm tái canh vùng Cái Sắn (Kiên Giang) và khai thác cao nguyên miền Nam. Các Bộ Cải Cách Ðiền Ðịa, Canh Nông, Công Chánh, Xã Hội hợp tác chặt chẽ với PTUDCTN để hoạch định và thực hiện các dự án kiện toàn định cư về kinh tế, văn hóa giáo dục, y tế và xã hội.
Cái Sắn, được thành lập ngày 21 tháng 12, 1955, là thí điểm kiện toàn định cư lớn nhất, trong vòng hai năm, đã đem lại cho 7,500 gia đình gồm trên 42,000 người một đời sống hoàn toàn tự túc. Nhờ các cơ quan ngoại viện cung cấp vật liệu xây cất và nông cụ cần thiết, trong năm đầu tiên đã có trên 13,000 căn nhà được dựng lên và 12,000 ha (trong số trên 100,000 ha ruộng đất bỏ hoang) được khai khẩn và trở thành vườn ruộng phì nhiêu. Các tổ chức phi chính phủ, đặc biệt là tổ chức Thanh Thương Hội Quốc Tế, giúp đỡ tổ chức và điều hành các trạm y tế, nhà bảo sanh, thành lập các phòng thông tin và trụ sở sinh hoạt cộng đồng.
Công trình quan trọng nhất ở Cái Sắn là việc chính quyền và dân tị nạn với máy móc và dụng cụ viện trợ đã hợp lực đào được 17 con kinh dẫn nước từ sông Tân Hiệp vào các khu tiếp giáp với đồng ruộng và nơi cư trú của dân chúng, mỗi con kinh rộng 8 mét và dài trung bình 12 km, không những cần thiết cho việc trồng trọt mà còn là những tuyến giao thông, thương mại và chuyên chở bằng thuyền bè giữa các địa điểm trong trại với bên ngoài. Nhờ sự sinh hoạt tấp nập trên những con kinh này, Cái Sắn đã thay đổi hẳn đời sống kinh tế địa phương, gia tăng lợi tức và công ăn việc làm. Tỉnh Kiên Giang nhờ đó cũng có nhiều điều kiện phát triển thuận lợi.
Những trại định cư của gần 15,000 đồng bào sắc tộc tại cao nguyên Nam Trung Phần tập trung trong vùng Ðà Lạt, Pleiku, Ban Mê Thuột cũng được hưởng chương trình đặc biệt. Cơ quan viện trợ USOM (United States Operations Mission) lập dự án khai khẩn đất đai, làm đường, xây trường học, bệnh xá, cung cấp cho dân định cư vật liệu làm nhà và nông cụ, nông phẩm để trồng trọt. Ðến cuối năm 1957 dân chúng đã có thể tự túc nhờ sản xuất nông phẩm cung cấp cho thị trường địa phương. Chỉ riêng một làng đã có khả năng sản xuất mỗi tháng được 24 tấn rau đủ loại.
Lê Xuân Khoa
(Trích từ “Việt Nam 1945 - 1995, Chiến Tranh, Tị Nạn và Bài Học Lịch Sử”)