Ngày 14-7-1995, nhân kỳ Đại Hội ASEAN tại Brunei, nhân danh Hội Luật Gia Việt Nam tại California, người viết đã gửi văn thư đến 7 vị nguyên thủ quốc gia trong Hiệp Hội các Quốc Gia Đông Nam Á là Phi Luật Tân,, Mã Lai, Brunei, Nam Dương, Tân Gia Ba, Thái Lan và Việt Nam.
Ngày 14-7-1995, nhân kỳ Đại Hội ASEAN tại Brunei, nhân danh Hội Luật Gia Việt Nam tại California, người viết đã gửi văn thư đến 7 vị nguyên thủ quốc gia trong Hiệp Hội các Quốc Gia Đông Nam Á là Phi Luật Tân,, Mã Lai, Brunei, Nam Dương, Tân Gia Ba, Thái Lan và Việt Nam. Để trình bầy vấn đề giải quyết các vụ tranh chấp tại Biển Đông Nam Á theo những quy luật dự liệu trong Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982.
Theo các cơ quan truyền thông quốc tế, văn thư này đưa ra giải pháp cho vấn đề tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc. Bằng cách dùng phương thức Thương Nghị để đi đến Hòa Bình. (The Discussion Proceeds for Peace: Asian Wall Street Journal, July 1995).
Ngày 31-5-2012, nhân vụ tranh chấp giữa Phi Luật Tân và Trung Quốc tại Scarborough Shoal, thay mặt Ủy Ban Luật Gia Việt Nam Bảo Vệ Dân Quyền, người viết đã gửi văn thư đến Tổng Thống Phi Luật Tân Benigno Aquino để trình bầy về những khía cạnh pháp lý liên quan đến vụ Bãi Cạn Scarborough cũng như toàn vùng Biển Đông Nam Á nơi tọa lạc các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Sau đây là nội dung văn thư nói trên:
Ngày 14-7-1995, nhân danh Hội Luật Gia Việt Nam tại California, chúng tôi đã gửi văn thư đến Tổng Thống Fidel Ramos để yêu cầu đưa vụ tranh chấp tại Biển Đông Nam Á ra trước Tòa Án Quốc Tế Về Luật Biển. Ngày nay, với vụ tranh chấp Bãi Cạn Scarborough tọa lạc tại Vùng Đặc Quyền Kinh Tế và Thềm Lục Địa Phi Luật Tân, chúng tôi xin trình bầy với Tổng Thống vấn đề liên quan đến các hải đảo và vùng biển Trường Sa.
Tháng 4-1956, khi Hải Quân Pháp rút khỏi Việt Nam sau Hiệp Định Geneva 1954, Trung Quốc chiếm 7 đảo Hoàng Sa của Việt Nam phía đông bắc.
Tháng 1-1974, khi Quân Lực Hoa Kỳ rút khỏi Việt Nam sau Hiệp Định Paris 1973 Trung Quốc chiếm nốt 6 đảo Hoàng Sa phía tây nam.
Tháng 3-1988, khi Liên Xô tài giảm viện trợ cho Việt Nam, Trung Quốc chiếm 7 đá bãi Trường Sa như: Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), Đá Gaven và Đá Johnson.
Tháng 8-1990, Thủ Tướng Trung Quốc Lý Bằng (Li Peng) đưa ra đề nghị khai thác chung (về đánh cá và khai thác dầu khí) tại toàn vùng Biển Đông Nam Á với điều kiện tiên quyết là các quốc gia Đông Nam Á phải thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc tại vùng biển này.
Tháng 2-1992, Trung Quốc ban hành Luật Quốc Gia về Biển và khẳng định rằng tất cả các hải đảo tại Biển Nam Hoa từ xưa vẫn thuộc chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc. Họ coi đó là một vấn đề “bất khả tranh nghị”. Căn cứ vào Luật Quốc Nội, Trung Quốc chiếm một vùng biển tại Bãi Tứ Chính (Vanguard Bank) mà họ gọi là Wanan Bei (Vạn An Bắc) để tự tiện nhượng quyền khai thác dầu khí cho hãng Creston. Bãi biển này nằm trong Vùng Đặc Quyền Kinh Tế và Thềm Lục Địa Việt Nam cách Biển Lãnh Thổ Việt Nam 190 hải lý (Territorial Sea).
Ngoài ra Bắc Kinh còn khẳng định rằng “các hải đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà họ gọi là Tây Sa và Nam Sa có quyền được hưởng quy chế Vùng Đặc Quyền Kinh Tế (đánh cá) kể cả Vùng Đáy Biển (Seabed)” (để khai thác dầu khí).
Điều này đi ngược lại Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển trong Điều 121:
“Những đảo, cồn đá, bãi không có thường dân cư ngụ và không thể tự túc về kinh tế không được hưởng quy chế Vùng Đặc Quyền Kinh Tế và Thềm Lục Địa”. Những tiểu đảo này chỉ được hưởng quy chế 12 hải lý Biển Lãnh Thổ.
Năm 1995, Trung Quốc lấn chiếm một số đảo, cồn, đá, bãi tọa lạc tại Thềm Lục Địa Phi Luật Tân như Mischief Reef, Half Moon Shoal, Sabina Shoal và Jackson Bank. Hành động này đe dọa an ninh toàn vùng Đông Nam Á và cản trở sự Tự Do Hàng Hải tại miền thế giới này.
“Lưỡi Bò Hình Chữ U theo Đường 9 Đoạn” mà Bắc Kinh gọi là “Biển Lịch Sử Trung Quốc” chiếm 80% Biển Đông Nam Á, phía đông giáp Phi Luật Tân, phía tây giáp Việt Nam và phía nam giáp Mã Lai, điểm xa nhất cách Hoa Lục 1,100 hải lý (2,000 cây số). Hành động như vậy Trung Quốc coi Biển Đông Nam Á là Nội Hải (Internal Waters). Cũng như Đế Quốc La mã trong Thế Kỷ Thứ Nhất gọi Địa Trung Hải là “Biển Của Chúng Tôi” (Mare Nostrum/ Our Sea).
Kể từ 1982, vấn đề Biển Lịch Sử đã được giải quyết chung thẩm bởi Điều 8 Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển:“Tòa Án Quốc Tế The Hague định nghĩa “Biển Lị ch Sử là Nội Hải, nghĩa là vùng biển tọa lạc trên đất liền về phía bên trong đường cơ sở (ranh giới) của Biển Lãnh Thổ. Theo Tòa Án Quốc Tế: Biển Lịch Sử hay nội hải của một quốc gia nằm bên trong đất liền về phía bên trong đường cơ sở của biển lãnh thổ”. (The International Court of Justice has defined “historic waters” as “internal water” (Fisherys cases UK vs. Norway, 1951, I. C. J. 116, 130); “Waters on the landward side of the baseline of the territorial sea form part of the internal water of the State” (Art. 8 LOS Convention 1982). Vì vậy Biển Nam Hoa chỉ được coi là ngoại hải, chạy từ bờ biển Trung Hoa đến bờ biển Nam Dương, và rộng tới 2000 cây số. Lẽ dĩ nhiên nó không phải là Biển Lịch Sử hay Thềm Lục Địa của Trung Hoa.
Chiếu Điều 57 Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển các quốc gia duyên hải có đặc quyền đánh cá tại Vùng Đặc Quyền Kinh Tế 200 hải lý tính từ Biển Lãnh Thổ ra khơi.
Chiếu Điều 76 Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển các quốc gia duyên hải có đặc quyền thăm dò và khai thác dầu khí tại Thềm Lục Địa 200 hải lý, hay rộng hơn, nếu về mặt địa chất, Thềm Lục Địa là sự tiếp nối tự nhiên của Nền Lục Địa (Continental Margin) từ đất liền kéo dài ra ngoài biển.
Về mặt pháp lý các quốc gia duyên hải đã ký kết hay tham gia Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển đương nhiên được hưởng quy chế Thềm Lục Địa Pháp Lý 200 hải lý tính từ Biển Lãnh Thổ ra khơi.
Theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển chiếu Điều 77 Công Ước, các quốc gia duyên hải có chủ quyền tuyệt đối tại thềm lục địa để thăm dò và khai thác những tài nguyên thiên nhiên. Đây là đặc quyền chuyên hữu theo đó không ai có quyền thăm dò và khai thác dầu khí nếu không có sự ưng thuận minh thị của quốc gia duyên hải. Đặc quyền này không tùy thuộc vào điều kiện phải có sự chiếm cứ hay công bố minh thị của quốc gia duyên hải.
Điều 81 Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển một lần nữa xác nhận chủ quyền tuyệt đối và đặc quyền chuyên hữu của quốc gia duyên hải trong việc tự mình đứng ra thăm dò và khai thác dầu khí, hay ký khế ước cộng tác với các quốc gia đệ tam về những dịch vụ này.
Chiếu Điều 88 Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển“các Vùng Biển Khơi (High Seas) chỉ được sử dụng trong những mục tiêu hòa bình”.
Điều 89 Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển “các quốc gia duyên hải không được xâm chiếm Vùng Biển Khơi (High Seas), và không được coi đó là lãnh thổ thuộc chủ quyền của họ”.
Như vậy tại Biển Đông Nam Á Trung Quốc không có quyền đòi Vùng Biển Khơi ngoài hải phận luật định 212 hải lý của họ (gồm 12 hải lý Biển Lãnh Thổ, và 200 hải lý Vùng Đặc Quyền Kinh Tế hay Thềm Lục Địa Pháp Lý).
Ngoài ra, tại Biển Đông Nam Á, Trung Quốc không được hưởng quy chế Thềm Lục Địa Địa Chất (Geological Continental Shelf) còn gọi là Thềm Lục Địa Mở Rộng quá 200 hải lý (Extended Continental Shelf).
Vì tại Biển Đông Nam Á, trên kinh tuyến 112 có một rãnh biển sâu tới 2600 mét tại vỹ tuyến 18 (phía nam Đảo Hải Nam), và một rãnh biển khác tại vỹ tuyến 12 sâu tới 4650 mét.
Như vậy đáy biển Trung Hoa không phải là sự tiếp nối tự nhiên của nền lục địa từ đất liền kéo dài ra ngoài biển. Trong trường hợp này, chiếu Điều 76 Khoản 4 và 6, Trung Hoa không có thềm lục địa địa chất hay thềm lục địa mở rộng quá 200 hải lý.
Bãi Cạn Scarborough Shoal của Phi Luật Tân cách Đảo Hải Nam 560 hải lý, và Bãi Tứ Chính (Vanguard Bank) của Việt Nam cách Đảo Hải Nam 780 hải lý, là những Vùng Biển Khơi của Trung Quốc (High Seas) nên không thuộc chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc chiếu Điều 89 Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.
Chiếu nguyên tắc “Các Hiệp Ước Quốc Tế Phải Được Tôn Trọng”, Điều 26 Công Ước Vienna về Luật Hiệp Ước (1969) quy định như sau: “Các Hiệp Ước có hiệu lực chấp hành buộc các quốc gia kết ước phải ngay tình thi hành hiệp ước”. Ủy Ban Liên Hiệp Quốc về Luật Quốc Tế coi đó là “một nguyên tắc căn bản về Luật Hiệp Ước, có lẽ là nguyên tắc quan trọng nhất trong Công Pháp Quốc Tế”.
Chiếu nguyên tắc về “Giá Trị Thượng Tôn của Luật Quốc Tế đối với Luật Quốc Nội”, các quốc gia kết ước phải thực sự thi hành những quyền hạn và nghĩa vụ trong các hiệp ước và công ước quốc tế. Họ không thể viện dẫn Luật Quốc Nội để khước từ thi hành nghĩa vụ của họ trong các hiệp ước và công ước quốc tế mà họ đã ký kết hay tham gia.
Đó chính là trường hợp của Trung Quốc. Sau khi ký Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, 10 năm sau, năm 1992, Trung Quốc ban hành Luật Quốc Nội Về Biển (Domestic Law of the Sea) để xâm phạm chủ quyền lãnh thổ tại các Thềm Lục Địa Việt Nam và Phi Luật Tân, cũng như tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Những vi phạm Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển phải được đệ trình Tòa Án Quốc Tế (The Hague) hay các Tòa Án Luật Biển thiết lập trong Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.
Muốn giải quyết những mâu thuẫn và tranh chấp về thềm lục địa, hải phận hay hải đảo, các quốc gia đương tụng phải trước hết tuân hành những phương thức ôn hòa như điều đình, hòa giải, thương nghị hay trọng tài.
Ngoài ra Tòa Án Quốc Tế cũng có thẩm quyền giải thích và áp dụng những điều khoản của Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển có hiệu lực chấp hành từ năm 1994.
Sự giải quyết tranh chấp bằng những phương pháp ôn hòa như hòa giải, thương nghị, trọng tài hay tố tụng sẽ giúp Đông Nam Á khỏi biến thành một vùng tranh chấp thường xuyên như Trung Đông (Tây Á). Với việc sử dụng luật pháp (Pháp Trị) thay thế việc dùng võ lực (phi pháp), Đông Nam Á sẽ có cơ may được hưởng một kỷ nguyên hòa bình, ổn định, hợp tác và phồn thịnh.
Nhân dịp này chúng tôi thỉnh cầu các Quốc Gia Hội Viên trong Hiệp Hội các Quốc Gia Đông Nam Á ra quyết nghị đổi danh xưng Biển Nam Hoa thành Biển Đông Nam Á.
Danh xưng Nam Hải chỉ áp dụng cho Trung Quốc. Đối với Việt Nam nó có tên là Việt Nam Đông Hải. Đối với Mã Lai nó là Bắc Hải. Mới đây Chính Phủ Phi Luật Tân đã dùng danh xưng Biển Tây của Phi Luật Tân. Đó cũng là đề nghị của Hội Luật Gia Việt Nam tại California trong Văn Thư gửi Tổng Thống Fidel Ramos ngày 14-7-1995.
Hơn nữa danh xưng Biển Nam Hoa thường bị ngộ nhận và giải thích xuyên tạc là biển của nước Trung Hoa về phía Nam.
Hãy trả Caesar những gì của Caesar
Và trả Biển Đông Nam Á cho các Quốc Gia Đông Nam Á
Chúng tôi xin cám ơn sự quan tâm của Tổng Thống về vấn đề này.
Ghi chú.-
Một vấn đề thời sự đáng lưu ý là ngày 14-12-2012 Trung Quốc đệ nạp Liên Hiệp Quốc hồ sơ đăng ký chủ quyền tại Đông Trung Hoa Hải (biển Hoa Đông) nhân vụ tranh chấp chủ quyền các hải đảo Điếu Ngư (Diaoyu) hay Senkaku tiếp giáp Okinawa của Nhật Bản.
Trong vụ này Bắc Kinh viện dẫn Điều 76 Công Ước Liên Hiệp Quốc Về Luật Biển đòi chủ quyền lãnh thổ Điếu Ngư vì cho rằng đảo này tọa lạc trong Thềm Lục Địa 200 hải lý tại Biển Hoa Đông. Điểm đặc biệt là trong suốt thời gian 3 thập niên (từ tháng 12-1982 là ngày Trung Quốc ký Công Ước đến tháng 12-2012 là ngày đăng ký chủ quyền hải đảo) chưa bao giờ Trung Quốc thừa nhận, tôn trọng hay thi hành Công Ước. Kể cả trong hồ sơ nạp Liên Hiệp Quốc hồi tháng 5-2009 để tường trình về Thềm Lục Địa Địa Chất (Geological Continental Shelf) hay Thềm Lục Địa Mở Rộng (Extended Continental Sh0elf), Bắc Kinh đã lầm lẫn Thềm Lục Địa tính theo các tiêu chuẩn về khoa học kỹ thuật (chỉ rộng từ 370 đến 650 cây số) với Hải Phận vẽ theo Đường Lưỡi Bò Chín Đoạn rộng tới hai ngàn cây số, từ bờ biển Quảng Đông đến các bờ biển Borneo, Sarawak và Palawan.
Với sự chấp chính của Tập Cận Bình, tự nhận là đại diện cho phe đổi mới, đại chúng hóa và hiện đại hóa, những người am tường sách lược Cộng Sản vẫn hoài nghi không biết Bắc Kinh có thực sự đổi mới hay không. Vì đây rất có thể chỉ là một chiến thuật giai đoạn nhằm tranh thủ nhân tâm về đối ngoại và thỏa mãn tự ái dân tộc về đối nội. Điểm rõ nét nhất là hiện nay Trung Quốc muốn phát động mặt trận pháp lý như một mục tiêu lạc hướng nhằm xoa dịu những bất mãn của quần chúng và những khó khăn nan giải của chế độ. Như Mao Trạch Đông đã từng đưa ra khẩu hiệu giả tạo “Giải Phóng Đài Loan!” sau những hậu quả tai hại của Chiến Dịch Bước Nhẩy Vọt với trên 30 triệu nông dân bị chết oan trong những trận đói nhân tạo từ cuối thập niên 1950 do tham vọng điên khùng của họ Mao.
Chiếu các Điều 76, 77 và 81 Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, và Điều 2 Hiến Chương Liên Hiệp Quốc bất cứ sự chiếm cứ võ trang nào của ngoại bang tại Thềm Lục Địa đều vô giá trị và vô hiệu lực. Như sự chiếm cứ của Nhật Bản tại các quần đảo Hoàng Sa Trường Sa thời Thế Chiến II. Từ tháng 4-1956 đến tháng 1-1974, và từ tháng 3-1988 đến nay, tất cả những sự chiếm cứ của Hải Quân Trung Quốc tại Hòang Sa Trường Sa đều do bạo động võ trang nên không được thủ đắc chủ quyền chiếu Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển và Hiến Chương Liên Hiệp Quốc (Điều 2).
Trong trường hợp Bắc Kinh yêu cầu Liên Hiệp Quốc áp dụng Điều 76 Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển cho vụ tranh chấp tại các đảo Điếu Ngư trong Biển Đông Trung Quốc thì họ cũng phải tôn trọng và áp dụng Điều 76 Luật Biển cho các Quần Đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong Biển Đông Nam Á.
Luật Sư NGUYỄN HỮU THỐNG
Chủ Tịch Ủy Ban Luật Gia Việt Nam Bảo Vệ Dân Quyền
- Văn Thư này đã được thông tri đến Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Hillary Rodham Clinton, Thủ Tướng Mã Lai Abdullah Ahmad Badawi và Thủ Tướng Anh David Cameron.