main billboard

Các đại đội Biệt động quân trang bị nhẹ, xâm nhập sâu vào trong chiến khu D bằng cách băng rừng xuyên qua vòng đai an ninh bên ngoài tới bên trong.


Viết cho Ngày Quân Lực 19 Tháng 6 và Ngày Thành Lập Binh Chủng Biệt Động Quân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa 1 Tháng 7.

Từ năm 1954, sau khi Hiệp định đình chiến đã được ký tại Geneve, dân chúng cả hai miền Nam Bắc có 100 ngày để chọn lựa nơi mình sinh sống. Đồng bào miền Bắc được quyền di cư vào miền Nam, sống dưới chế độ Quốc Gia Tự Do Công Bằng Bác Ái do Thủ Tướng Ngô Đình Diệm lãnh đạo. Bọn Việt cộng trong Nam cũng được quyền “tập kết” ra ngoài Bắc để tiếp tục xây dựng chủ nghĩa cộng sản của chúng.

Trên giấy tờ là như vậy, nhưng trên thực tế, bọn Việt cộng đã để lại một số cán bộ tại miền Nam, gọi là “nằm vùng” để tìm cách phá hoại chính phủ Quốc Gia.

Sau khi đắc cử Tổng Thống vào năm 1955, ông Ngô Đình Diệm đã từng bước tạo dựng lên một Quốc gia thành bình thịnh trị, một chế độ Cộng Hòa nhân bản cho Miền Nam Việt Nam.

Khi thấy Miền Nam bắt đầu vững mạnh, bọn Việt cộng nằm vùng đã được chỉ thị từ Hà Nội bắt đầu chính sách khủng bố, đánh du kích, để phá hoại sự an ninh của Việt Nam Cộng Hòa.

Bọn Việt cộng dùng chiến thuật du kích, tập trung quân vào một đồn bót ở nơi xa xôi hẻo lánh thiếu quân phòng bị để tấn công chớp nhoáng rồi rút lui.

Để đối phó với bọn du kích này, ngày 16 tháng 2 năm 1960, Tổng thống Ngô Đình Diệm chỉ thị thành lập các Đại đội Biệt động quân, tuyển chọn những chiến binh thiện chiến của các Sư đoàn Bộ binh và Quân khu, của Binh chủng Nhảy dù, Thủy quân Lục chiến và ngay cả từ Liên đoàn Quan sát số I (Biệt kích nhẩy toán ra Bắc), để huấn luyện thêm cho họ kỹ thuật hành quân độc lập và tác chiến chống du kích. Các Đại đội Biệt động quân này được trang bị vũ khí gọn nhẹ với quân phục là quần áo bà ba đen, được gởi đi tới khắp các quân khu, tỉnh lỵ, sống chung với dân chúng để tìm ra những toán du kích và địa điểm tập họp của chúng, khi đêm về, họ hành quân đến tận nơi tiêu diệt bọn chúng rồi rút về thật nhanh.

Các Biệt Động Đội đã đạt được những thành công vượt bực, tiêu diệt rất nhiều đám du kích, trở thành tử thần của những đám Việt cộng nằm vùng, nên chỉ qua một thời gian ngắn, đã có 65 Biệt Động Đội được thành lập.

Trung tâm Huấn luyện Biệt động đội đầu tiên là trường Biệt động đội Đồng Đế, đặt tại Nha Trang, về sau đổi thành Trung tâm Huấn luyện Biệt động quân Nha Trang, chuyên huấn luyện cho Sĩ quan và Hạ sĩ quan thuộc Quân đoàn II.

Cuối tháng 4 năm 1960, hai Trung tâm huấn luyện Biệt động quân mới đã được thành lập:

Trung Tâm thứ nhất tại Đà Nẵng, để huấn luyện cho Sĩ quan và Hạ sĩ quan thuộc Quân đoàn I,

Trung tâm thứ hai tại Sông Mao, để huấn luyện cho Sĩ quan, Hạ sĩ quan thuộc Quân đoàn III và Quân đoàn IV.

Ngoài ra, còn có 2 Trung tâm Huấn luyện khác là Trung Hòa và Thất Sơn, chuyên huấn luyện tác chiến cho cấp Đại đội.

Nhiều toán huấn luyện lưu động của Lực Lượng Đặc Biệt (Special Force) của Hoa Kỳ đã được gửi đi từ căn cứ Fort Bragg, N.C. đến Việt Nam để trợ giúp về huấn luyện và tổ chức các đơn vị BĐQ cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Ngày 1 tháng 7 năm 1960, Tổng thống Ngô Đình Diệm đã ký sắc lệnh chính thức thành lập Binh Chủng Biệt Động Quân, chỉ định Thiếu tá Lữ Đình Sơn làm Chỉ huy trưởng. Quân phục chính thức của Biệt động quân cũng được chuyển sang quân phục rằn ri mầu áo hoa rừng và với mũ nồi mầu nâu.

Mặc dù hình thành Bộ chỉ huy riêng, nhưng trên thực tế, các Đại đội Biệt động quân vẫb tác chiến theo sự chỉ huy của các Tư lệnh Sư đoàn hoặc Tiểu khu trưởng tại địa bàn hoạt động. Bộ Chỉ huy Trung ương chỉ có nhiệm vụ quản trị, điều hành, bổ sung quân số, huấn luyện, trang bị, thanh tra, theo dõi, thống kê, báo cáo các hoạt động của các đơn vị Biệt động quân trên toàn lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa mà thôi.

Trước quy mô chiến tranh mở rộng, ngày 1 tháng 8 năm 1961, các Trung tâm Huấn luyện Đà Nẵng, Nha Trang, Sông Mao được hợp nhất thành Trung tâm Huấn luyện Biệt động quân Dục Mỹ. Các trung tâm Trung Hòa và Thất Sơn cũng được sát nhập thành Trung tâm Huấn luyện Biệt động quân Trung Lập để có thể huấn luyện quy mô cấp Tiểu đoàn.

Đầu năm 1962, các Đại đội Biệt động quân thuộc quyền các Tiểu khu được thu hồi để thành lập 3 Tiểu đoàn đặt dưới quyền các Quân khu là Tiểu đoàn 10 (Quân khu 1), Tiểu đoàn 20 (Quân khu 2) và Tiểu đoàn 30 (Biệt khu Thủ đô), trực thuộc Quân Đoàn III.

(Sau này, các Tiểu đoàn nói trên đã được đổi tên thành Tiểu đoàn 11, 21 và 31 để tương ứng với thứ tự từng vùng Chiến thuật.)

Những hoạt động của các Tiểu đoàn Biệt Động Quân nói trên và các Đại Đội Biệt Động Quân Biệt lập đã bị quên lãng nhiều do thời gian quá lâu và sự mai một của các cấp Chỉ huy.

May mắn thay, trong một cuộc họp thường kỳ của Hội Biệt Động Quân Tiểu Bang Victoria, vào tháng 2/2018, chúng tôi đã tìm ra một vị chỉ huy đã từng hành quân với Biệt Động Quân vào những thời điểm đầu tiên của Binh Chủng Biệt Động Quân.

Theo thông lệ, cứ bốn tháng một lần, hội BĐQ chúng tôi họp nhau tại nhà của một hội viên hoặc tại một quán ăn thuận tiện, để vừa hàn huyên tâm sự chuyện xưa của những ngày tháng cũ và nhận Tập San Biệt Động Quân do Tổng Hội Biệt Động Quân Hải Ngoại ấn hành và gởi tặng.

Kỳ họp mặt tháng 2/2018 vừa qua, chúng tôi gặp nhau tại quán ăn Bonjour Vietnam, số 258B đường Victoria Street, Richmond VIC 3121.

Chủ quán là chị Tuyết - với kinh nghiệm về nấu những món ngon Miền Trung từ hồi còn bé theo mẹ nấu ăn cho tới khi qua Pháp, mở những tiệm ăn ở Quận 13 và 20 ở Paris - chị đã mở quán ăn Bonjour Vietnam khoảng một năm nay để giới thiệu với khách hàng Melbourne những món ngon của Xứ Huế.

Khi chợt nghe chúng tôi nói chuyện về Binh Chủng Biệt Động Quân, chị đã lắng nghe và khi tan buổi họp, chị đã xin lỗi chúng tôi để... cũng nói chuyện về Biệt Động Quân:

- “Xin lỗi các anh cho tôi hỏi, nẫy giờ tôi có được nghe (họp ở nơi công cộng mà, ai nghe được thì cứ nghe) các anh nói chuyện về Biệt Động Quân... ”

- “Vâng, vì chúng tôi là Lính Biệt Động ngày xưa, nên chỉ có một đề tài đó mà nói chuyện với nhau... Chị... cũng là Lính Biệt Động hay sao ?”

- “Dạ Không, hồi đó tôi còn nhỏ lắm, chưa biết gì về lính cả, nhưng còn nhớ rất rõ là ba tôi có đi hành quân chung với những anh lính đội Mũ Nâu.”

- “Ô ! Thế thì hay quá, xin chị có thể cho biết bác tên gì và hiện bác có ở Melbourne này không ?”

- “Ba tôi tên Diễn, Đỗ Văn Diễn. Tôi mới bảo lãnh ba tôi qua Melbourne cách đây hai năm, hiện ông đang sống chung với chúng tôi. Ba tôi thích nói chuyện về Lính lắm, nhưng chưa có dịp gặp người lính nào cả. Hôm nay nghe các anh nói chuyện về Lính, nhất là Lính Biệt Động Quân, tối nay tôi về nhà kể lại cho ba tôi nghe, chắc ba tôi sẽ thích lắm đấy.”

- “Nếu vậy xin chị cho tôi số điện thoại của bác để chúng tôi xin hầu chuyện và mời bác đi họp chung với chúng tôi cho vui. Chị có nhớ bác đi lính từ năm nào hay không ? Chắc bác cũng... lớn tuổi rồi ha chị ?”

- “Dạ, ba tôi đi lính khóa 5 Võ Bị Đà Lạt, năm nay cũng khoảng 85 tuổi rồi.”

- “Khóa 5 Đà Lạt ! A ! Vậy bác là... Đại Huynh Trưởng của chúng tôi rồi.

Tôi có số điện thoại của bác đây rồi, xin chị tối nay về báo cho bác biết là chúng tôi xin gọi điện thoại nói chuyện với bác. Nếu bác đồng ý, xin chị cho chúng tôi biết để sửa soạn.”

Hai ngày sau, tôi đã được mời đến tư gia của Đại Huynh Trưởng Đỗ Văn Diễn và đã được Huynh Trưởng tóm tắt về đời lính của mình và kể lại một trong những cuộc hành quân đại quy mô nhất của Binh Chủng Biệt Động Quân mà huynh trưởng đã, như sau:

Tôi là Đại Tá Đỗ Văn Diễn - Cựu Tỉnh Trưởng Phước Long - Cựu Tư Lệnh Biệt Khu Phước Bình Thành năm 1962.

Tôi nhập ngũ năm 1951, được gởi đi thụ huấn Khóa 5 Hoàng Diệu tại Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt, từ năm 1951 đến 1952. Lúc đó Chỉ Huy Trưởng là Thiếu Tá Le Fort và một trong những Huấn Luyện Viên của khóa tôi là Trung úy Nguyễn Văn Thiệu.

Ra trường, tôi được chỉ định phục vụ tại Trung Đoàn Thần Phù, đóng ở Huế. Đến năm 1956 thì về đóng quân ở Pleiku.

Tôi được thăng cấp Đại Úy khi phục vụ tại Lữ Đoàn Liên Binh Phòng Vệ Tổng Thống Phủ. Năm 1960 được thăng cấp Thiếu tá, lãnh trách nhiệm là Tỉnh Trưởng Tỉnh Phước Long. Vì những thành công đã đạt được trong việc tái tạo an ninh và an cư lạc nghiệp cho dân chúng trong tỉnh nà, tôi đã được vinh thăng Trung tá.

Ngày 15 tháng 11, 1962 tổng thống Ngô đình Diệm ban hành sắc luật để thành lập biệt khu Phước Bình Thành.

Biệt khu Phước Bình Thành cách Saigon vào khoảng 70km về hướng đông bắc và rộng khoảng 80km vuông gồm ba tỉnh Phước Long, Bình Long và Phước Thành. Mặc dù lúc đó tôi mới 26 tuổi, nhưng vì đã có kinh nghiệm điều hành tỉnh Phước Long và cũng đã tốt nghiệp khóa huấn luyện Biệt Động Quân tại căn cứ Fort Benning, Tiểu bang Georgia, nên tôi đã được Tổng Thống Ngô Đình Diệm tin cẩn và giao trọng trách làm Tư Lệnh Biệt Khu Phước Bình Thành, với quân số bao gồm Tiểu Đoàn 30 Biệt Động Quân Đặc Biệt (tiểu đoàn đầu tiên thí nghiệm hoàn toàn trang bị AR-15) và 18 Đại đội Biệt Động Quân Biệt Lập, tăng cường thêm trung đoàn 32 Bộ binh. Về pháo binh yểm trợ có một pháo đội 155mm, bẩy khẩu 105mm và hai Trung đội súng cối 81mm.

Với một quân số lớn lao và được trang bị tối tân như vậy, mục đích của biệt khu là gìn giữ an ninh và an cư lạc nghiệp cho dân chúng của ba tỉnh tân lập và tập trung mọi nỗ lực để tiêu diệt những căn cứ địa của Việt Cộng trong Chiến khu D, để bọn Việt cộng không còn chỗ nương tựa, không còn đe dọa thành phố Sài Gòn được nữa.

Trong quá khứ, chiến khu D được bọn Việt cộng ra công xây dựng từ năm 1946 khi còn giao tranh vói thực dân Pháp. Sau hiệp định Geneve, bọn Việt cộng vẫn còn ẩn náu trong chiến khu này và càng ngày càng mở rộng Chiến khu Đ đã được Việt Cộng và trước đó là Việt Minh xử dụng nhiều năm như một an toàn khu cho việc huấn luyện, tiếp tế, nơi dưỡng quân cho các đơn vị tác chiến.

Để sửa soạn cho việc tấn công vào chiến khu D, tôi đã nhiều lần cùng Bộ Tư Lệnh và các cố vấn Mỹ đi máy bay để thám sát, nhưng rất khó mà nhìn thấy gì vì rừng lá trùng diệp đã che khuất hầu như tất cả những gì ở phía dưới.

Tôi đã cho nhiều Đại đội Biệt Động Quân hành quân vào chiến khu nhiều lần, nhưng vì hàng rào phòng thủ của chúng rất vững, nên khi qua được những trạm gác này vào tới các hầm bí mật thì chúng đã rút đi hết rồi, nhưng anh em Biệt Động cũng bắt được một vài tên lính gác và quan trọng nhất là đã tiếp đón vài Sĩ quan Việt cộng ra đầu thú theo chính sách chiêu hồi.

Vào khoảng đầu tháng Hai năm 1963, Biệt Khu Phước Bình Thành đã dùng toàn thể lực lượng Biệt Động Quân thực hiện chuyến xâm nhập lâu dài nhất vào chiến khu D dưới danh hiệu cuộc hành quân ‘Gian Lao 1’.

Kế hoạch hành quân dựa theo tin tình báo do hàng binh địch cung cấp về chỗ đóng quân của bộ chỉ huy chiến khu Đ của địch. Các đại đội Biệt động quân trang bị nhẹ, xâm nhập sâu vào trong chiến khu D bằng cách băng rừng xuyên qua vòng đai an ninh bên ngoài tới bên trong.

Muốn giữ bí mật cho cuộc hành quân, mỗi lần lính Biệt Động đụng một trạm gác nào là phải bao vây tiêu diệt hết những tên lính trong đó, nhưng vì hệ thống phòng thủ của bọn Việt cộng rất dầy đặc, nên đã có một số lính Cộng sản chạy thoát khỏi đuọc vòng vây báo tin cho những toán gác ở phía trong, nên anh em phải càng thận trọng hơn nữa.

Vào buổi chiều của cuộc hành quân, Thiếu tá Tư Lệnh Phó cuộc hành quân đã cho toán quân của mình dừng chân để nấu cơm chiều. Vì địa điểm đóng quân bị lộ, nên vào sáng hôm sau, khi anh em Biệt động quân vừa di chuyển ra khỏi khu vực đóng quân chừng 500 thước, trung đội đi đầu rơi vào ổ phục kích của Việt cộng, trung đội đi sau và bên hông đã kịp thời phản công, nên bọn Việt cộng đã rút lui ngay sau đó. Tổn thất về phía địch không rõ vì chúng đã kéo xác và đưa những thương binh đi hết, nhưng về phía BĐQ, có một số thương vong, trong đó có những Sĩ Quan vừa mới ra trường.

Tôi đang đi cùng Bộ Chỉ Huy, nghe được tin báo, đã tức khắc lên đích thân chỉ huy cuộc hành quân, ra lệnh cho các Đại đội sau khi dừng quân ăn cơm chiều là phải di chuyển ngay tới địa điểm đóng quân khác ngay để dừng chân qua đêm.

Ngày hôm sau Biệt động quân xuất phát tại một điểm cách đó chừng năm cây số, rừng thật rậm rất khó di chuyển, mất bốn ngày so với lộ trình cũ chỉ mất hơn một ngày.

Lần chạm địch kế tiếp là vào cuối ngày thứ tư của cuộc hành quân. Lúc đó vào khoảng 5 giờ chiều, khi toán khinh binh báo là đã tìm ra một binh trạm nhỏ của Việt cộng và bọn chúng vẫn chưa biết là đã bị bao vây. Tôi cho lệnh tiếp tục bao vây và quan sát chứ chưa tấn công, và triệu tập ngay cuộc họp với Bộ chỉ huy và các cố vấn Mỹ. Điều đầu tiên phải xác định là binh trạm đó cách xa mục tiêu chính của cuộc hành quân chính (một căn cứ rất lớn của bọn Việt cộng) bao xa? Nếu quá gần, tiếng súng sẽ làm cho bọn VC ở đó biết và sẽ lẩn trốn ngay lập tức. Nếu hai nơi cách xa nhau, sẽ tấn công binh trạm đó ngay lập tức và phải triệt hạ hoàn toàn binh trạm đó để tin tức không bị lộ.

Vì địa điểm của hai nơi gần nhau, và vị trí của Biệt Động Quân không bị lộ, nên tôi đã quyết định cho dừng quân để tấn công hai vị trí cùng một lúc vào sáng sớm mai.

Vào lúc 4:00 giờ sáng, các binh sĩ Biệt động quân di chuyển đến vị trí tấn công. Đến 6:00 giờ cuộc tấn công bắt đầu và đến 6:15 trận đánh chấm dứt.

Để cho cộng quân không có thì giờ chuẩn bị, lệnh tiến quân về hướng mục tiêu chính được ban hành ngay tức khắc.

Vào khoảng 10:00 gìơ sáng, sau khi di chuyển được ba, bốn cây số, toán khinh binh BĐQ bắt đầ ghi nhận tiếng súng địch, các đơn vị phía sau vội vàng lên tiếp ứng. Cuộc chạm súng kéo dài vào khoảng hơn nửa tiếng.

Thừa thắng xông lên, Biệt động quân tràn vào một căn cứ thật là rộng lớn. Tuy nhiên, bọn Việt Cộng đã kịp thời rút lui, chỉ bắt được một thương binh và một hàng binh.

Qua cuộc thẩm vấn, anh em báo cáo cho tôi rằng, tên Việt cộng bị thương sau đó chết là Trung sĩ trong Trung đội bảo vệ, còn tên hàng binh là một chính trị viên trong bộ chỉ huy chiến khu. Tên này muốn ra hàng đã lâu nhưng không có dịp, đã cho biết thêm là, những tên Việt cộng thoát chết trong lần tấn công đầu tiên đã kịp thời báo động khoảng hai tiếng đồng hồ trước khi bị tấn công, nên chúng đã di chuyển những tài liệu quan trọng cùng vũ khí đến nơi khác, phần anh, anh cố tình ở lại chiến đấu chỉ với mục đích ... bị bắt và đầu hàng. Khi gặp tôi, hàng binh này đã trình ra danh sách các đơn vị cộng sản cơ hữu trực thuộc chiến khu D và điạ điểm của các binh trạm khác.

Vào lúc 14:00 giờ chiều BĐQ bắt đầu tìm kiếm các binh trạm khác. Một tiếng đồng hồ sau phát giác một khu vực với nhiều công sự phòng thủ, pháo đài.

Tôi xem xét những thứ bọn Cộng sản bỏ lại, nhận thấy rằng bọn chúng có đủ lực lượng và thời gian để phản công, nhưng cố tình lẩn tránh, như vậy chắc chắn là chúng đang củng cố hàng ngũ, chờ dịp bất ngờ phản công.

Để tránh bị phản công, tôi cho lệnh anh em Biệt Động bung ra lục soát và đóng quân rải rác để kiểm soát, tìm hiểu cách bố trí của bọn chúng.

Bọn Việt cộng đã lập ra những Trung tâm huấn luyện và dưỡng quân nằm sâu bên trong chiến khu và để các đơn vị bảo vệ hoạt động bên ngoài và xung quanh các căn cứ này. Xuyên qua chiến khu D là một hệ thống trạm xá cách nhau khoảng từ 15 đến 20 cây số, dùng làm trạm dừng chân cho các chuyến xâm nhập từ đường mòn Hồ chí Minh vào. Do cách thức canh phòng cẩn mật như vậy, chỉ cần một tên trốn thoát cuộc bao vây cũng đủ báo cáo cho hệ thống phòng thủ bên trong để chúng tùy nghi bao vây tiêu diệt Biệt Động Quân hoặc trốn chạy nếu không đủ sức tấn công.

Bộ chỉ huy Biệt Khu Phước Bình Thành đã quyết định chiếm đóng và cho anh em Biệt Động Quân lục soát thật là cẩn thận vùng hành quân trong chiến khu D này.

Chúng tôi đã tìm thấy một Bệnh xá cho 200 thương bệnh binh, một Trung tâm huấn luyện, kho tiếp liệu và một căn cứ cho cấp tiểu đoàn.

Vì chiến khu D quá rộng lớn, quân số của Biệt Khu không đủ để luc soát và chiếm đóng chiến khu D, nên sau khi đã tìm đủ tin tức, tôi cho phá hủy tất cả những bệnh xá, kho lương thực và vũ khí bắt được rồi rút về Đông Xoài vào ngày 15 tháng Hai mà không bị tổn thất nào.

Cuộc hành quân chứng tỏ sự hữu hiệu của các Đại đội Biệt Động Quân Biệt lập và Tiểu đoàn 30 Biệt Động Quân, sự chịu đựng cam go và sức chiến đấu dai dẳng của anh em Biệt Động Quân.

Sau cuộc hành quân thành công này, đa số các Chiến sĩ tham dự đều được thăng cấp và tưởng thưởng, tôi cũng được thăng cấp Đại tá.

Đó là kỷ niệm đầu tiên cũng là cuối cùng của tôi với anh em Biệt Động Quân.

Đã hơn nửa thế kỷ qua rồi, trí nhớ đã hao mòn, hôm nay, nhân dịp được gặp lại anh em Biệt Động Quân, tôi kể lại câu chuyện ngày xưa này. Nếu có gì thiếu xót, xin anh em bổ khuyết dùm.

Ghi chú :
Tháng 11 năm 1963, một số Tướng Lãnh của quân đội đã đem quân đảo chánh Tổng Thống Ngô Đình Diệm, một số khác chống lại cuộc đảo chánh này. Tôi nằm trong nhóm thứ hai.

Cuộc đảo chánh thành công, Tổng thống Diệm bị thảm sát, tôi và các anh em khác cũng bị vạ lây và phải lưu vong qua Pháp. Phiên tòa Quân sự năm 1964 xử khiếm diện tôi 18 năm tù, tước đoạt binh quyền, tịch thu tài sản.

Năm 1968, qua sự can thiệp của một số anh em đồng khóa, tôi được miễn truy cứu và trở lại sống với gia đình ở khu Đa Kao.

Sau khi Sài Gòn thất thủ, tôi cũng bị gọi đi tù cải tạo ở Hà Sơn Bình, Yên Bái đến năm 1988 mới được thả về. Vì còn mẹ già, nên tôi đã ở lại Việt Nam trông nom gia đình, tới năm 2015, các con tôi đã bảo lãnh tôi qua Úc.

Nguyễn Khắp Nơi

Ghi chú :
Viết theo lời kể của Cựu Đại Tá Đỗ Văn Diễn - Melbourne.
Những trích đoạn khác phỏng theo tài liệu của Wikipedia và Vũ Đình Hiếu.