Sự can thiệp nhanh chóng của lực lượng VNCH đã ngăn chận và vô hiệu hóa kế hoạch đánh chiếm Pleime của CQ. Đến tháng 5/1974, lực lượng VNCH đã làm chủ khu vực quanh căn cứ này.
*Tiền cứ Pleime: những trận đánh đã đi vào chiến sử
Trại biên phòng Pleime cách Pleiku khoảng 50 km về hướng Tây Nam, được thành lập từ tháng 10/1963. Từ khi thành lập cho đến cuối năm 1974, căn cứ này đã nhiều lần bị CQ tập trung lực lượng tấn công để cố chiếm căn cứ trọng yếu này nhưng đều bị đẩy lùi, một số trận giao tranh đã đi vào chiến sử như trận đánh vào tháng 10/1965. Theo tài liệu của đặc san Mũ Nâu và tài liệu của trung tâm Quân sử Lục quân Hoa Kỳ, trận chiến này được ghi nhận như sau:
Ngày 19 tháng 10/1965, bộ Tư lệnh B 3 CSBV (chỉ huy lực lượng Cộng quân tại Cao nguyên) đã điều động 2 trung đoàn 32 và 33 chủ lực tấn công vào tiền cứ Pleime. Trung đoàn 33 CSBV là lực lượng tấn công chính, trung đoàn 32 CSBV là lực lượng phụ trợ có nhiệm vụ chận đánh lực lượng tăng viện của liên quân Việt-Mỹ. Với chiến thuật tiền pháo hậu xung thường áp dụng trong các trận tấn công cường tập, Cộng quân đã mở trận hỏa công pháo dữ dội vào căn cứ. Ngay sau khi trận chiến xảy ra, lực lượng tăng viện VNCH được điều khẩn để tiếp cứu nhưng đã bị trung đoàn 32 CSBV phục kích. Giao tranh diễn ra ác liệt, đến ngày 23 tháng 10/1965, lực lượng tăng viện VNCH đã chọc thủng vòng vây của CQ và tiến vào tiếp cứu quân trú phòng trong căn cứ, trung đoàn 33 CSBV bị đánh bật sau 1 tuần liên tiếp tấn công nhưng thất bại.
Đầu tháng 11/1965, một chiến đoàn Nhảy Dù VNCH phối hợp với Sư đoàn 1 Không kỵ Hoa Kỳ tung cuộc hành quân tảo thanh các đơn vị của trung đoàn 32, 33 và trung đoàn 66 CSBV còn nguyên vẹn quanh khu vực gần trại Pleime, trong thung lũng Ia Drang, khu vực cụm núi Chu Prong. Sau hai tuần liên tục truy kích, lực lượng Việt-Mỹ đã loại khỏi vòng chiến 465 CSBV, bắt sống 15 tù binh và tịch thu 70 vũ khí đủ loại.
* Tiểu đoàn 82 Biệt động quân Biên phòng và trận chiến 1974:
Tháng 10/1970, theo kế hoạch chung của bộ Tổng tham mưu QL/VNCH và bộ Tư lệnh Lực lượng Hoa Kỳ tại VN, trại Pleime được chuyển giao cho tiểu đoàn 82 Biệt động quân Biên phòng được thành lập với quân số của Biệt kích quân cải tuyển sang Biệt động quân, ngay sau đó, tiểu đoàn được bổ sung một số sĩ quan chỉ huy, hạ sĩ quan và binh sĩ do bộ chỉ huy Biệt động quân Quân khu 2 điều phối.
Tháng 4/1974, sau khi đã tung quân lấn chiếm và kiểm soát khu vực gần căn cứ Đức Cơ, sư đoàn 320B CSBV khởi động cuộc tấn công quy mô vào căn cứ Pleime. Địch quân đã điều động trung đoàn 48, trung đoàn 64, 1 tiểu đoàn pháo, 1 tiểu đoàn pháo phòng không hiệp đồng chuẩn bị cuộc tấn công. Trước tình hình đó, bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 đã khẩn cấp điều động 2 trung đoàn của Sư đoàn 22 BB tăng viện cho mặt trận Pleime, trong đó trung đoàn 42 được tăng cường cho căn cứ hỏa lực 711 và khu vực kế cận. Cùng với sự tăng viện của 2 trung đoàn Bộ binh, Không quân VNCH tại Cao nguyên đã tiến hành nhiều phi tuần oanh tạc vào các vị trí đóng quân của các đơn vị CQ. Sự can thiệp nhanh chóng của lực lượng VNCH đã ngăn chận và vô hiệu hóa kế hoạch đánh chiếm Pleime của CQ. Đến tháng 5/1974, lực lượng VNCH đã làm chủ khu vực quanh căn cứ này.
Sau khi tình hình quanh Pleime tạm lắng dịu, bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 đã cho lệnh Sư đoàn 22 BB rút 2 trung đoàn về lại tỉnh Bình Định, do đó Cộng quân đã tận dụng cơ hội mở cuộc tấn công vào Pleime. Lực lượng trú phòng vào thời gian này gồm có 4 đại đội tác chiến của tiểu đoàn 82 Biệt động quân và 1 đại đội của tiểu đoàn 81 Biệt động quân tăng phái. Các đại đội Biệt động quân khai triển lực lượng tổ chức phòng thủ cụm tuyến trung tâm căn cứ và hai tiền đồn Chu Ho và đồi 509. Trong khi hoạt động bên ngoài căn cứ, đại đội 2/81 đã bị CQ tấn kích bất thần, đại đội này đã chống trả dũng mãnh nhưng trước một lực lượng địch đông gấp 5, cuối cùng đại đội phải rút vào căn cứ với 22 chiến binh vào được bên trong trước khi Cộng quân bao vây và phong tỏa các thông lộ ra vào căn cứ.
Trong trận tấn công vào căn cứ Pleime lần này, Cộng quân đã sử dụng 4 tiểu đoàn thuộc 2 trung đoàn 9 và 48 CSBV, tăng cường trung đoàn 26 biệt lập của B3. Sau đó CQ lại tung vào trận chiến trung đoàn 64 CSBV để mở các trận tấn công biển người vào căn cứ này. Địch đã sử dụng đủ các loại pháo 130 ly, 120 ly, và súng cối 82 ly pháo kích liên, trong khi đó, tiểu đoàn pháo phòng không của đối phương cũng đã bố trí 12 vị trí đặt súng 12.7 phòng không để bắn trực thăng tiếp tế và tải thương cũng như chống trả các đợt không tập của Không quân VNCH. Sau 6 ngày đêm tử chiến, tiền đồn Chu Ho đã thất thủ, 5 ngày sau đó, 10 tháng 8/1974, đến lượt tiền cứ đồi 509 bị Cộng quân tràn ngập. Các chiến binh sống sót tại hai tiền cứ nói trên đã vượt thoát vào rừng và tự mưu sinh thoát hiểm trong hoàn cảnh vô cùng bi tráng: hết đạn, không có thức ăn và nước uống trong những ngày tử chiến với CQ.
Sau khi đã đánh chiếm 2 tiền cứ Chu Hô và đồi 509, Cộng quân đã tập trung lực lượng tấn công vào khu trung tâm căn cứ Pleime. Tiểu đoàn 82 CQ đã bị bao vây trong 1 tháng, không nhận được tiếp tế lương thực, thuốc men và đạn dược. Chiến đấu trong một tình thế nguy kịch, thế nhưng cả tiểu đoàn đã giữ vững được tuyến phòng ngự. Đến ngày 2 tháng 9/1974, Quân đoàn 2 đã điều động lực lượng tăng viện gồm Bộ binh, Biệt động quân và Thiết giáp nỗ lực tiếp cứu tiền cứ Pleime. Các đơn vị sư đoàn 320 CSBV bắt đầu bị đánh bật sau 20 lần tấn công bất thành vào căn cứ. Riêng tiểu đoàn 82 BĐQ sau khi nhận được tiếp tế và tái tổ chức đơn vị và tổ chức phản công tái chiếm 2 tiền đồn Chu Ho và đồi 509.
* Lược trình về 12 tiểu đoàn Biệt động quân biên phòng:
Trước năm 1970 tại Vùng 2 Chiến thuật (từ tháng 8/1970 đổi thành Quân khu 2) có 15 trại biên phòng do các tiểu đoàn Dân sự Chiến đấu thuộc Lực lượng Đặc biệt trách nhiệm phòng ngự. Đến tháng 5/1970, như đã trình bày, theo kế hoạch của liên quân Việt-Mỹ, liên đoàn 5 Lực lượng Đặc biệt Hoa Kỳ được lệnh thực hiện đợt cải tuyển cho các trại biên phòng. Binh đoàn này được lệnh chấm dứt các hoạt động biệt kích trên toàn lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa, đồng thời chuyển các đơn vị Dân sự chiến đấu sang binh chủng Biệt động quân VNCH để thành lập các tiểu đoàn Biệt động quân Biên phòng.
Theo quy trình và phương thức hoán chuyển, trong vòng 90 ngày kể từ có quyết định cải tuyển, các trại Dân sự Chiến đấu được tổ chức theo cơ cấu tiểu đoàn Biệt động quân gồm 3 đại đội chiến đấu, 1 dại đội chỉ huy và ban chỉ huy Tiểu đoàn.
Cải tuyển đợt 1 vào ngày 31/8/1970:
- Trại Polei Kleng (A-241), tỉnh Kontum chuyển thành tiểu đoàn 62 BĐQ Biên phòng với quân số 403 người.
- Trại Plei Mrong (A-113), tỉnh Pleiku, chuyển thành tiểu đoàn 63 BĐQ Biên phòng với quân số 443 chiến binh.
- Trại Tieu Atar (A 231), tỉnh Darlac, chuyển thành tiểu đoàn 71 BĐQ Biên phòng với quân số 414 chiến binh.
- Trại Trang Phúc (A-223), tỉnh Darlac, chuyển thành tiểu đoàn 72 BDQ Biên phòng với quân số 399 chiến binh.
- Trại Plei Djereng (A-251), tỉnh Pleiku, chuyển thành tiểu đoàn 80 BĐQ Biên phòng với quân số 479 chiến binh.
- Trại Đức Cơ ( A-253), tỉnh Pleiku, chuyển thành tiểu đoàn 81 BĐQ Biên phòng với quân số 457 chiến binh.
- Trại Plei Me (A-255), tỉnh Pleiku, chuyển thành tiểu đoàn 82 BĐQ Biên phòng với quân số 464 chiến binh.
- Trại Bu Prang (A-236), tỉnh Quảng Đức, chuyển thành tiểu đoàn 89 BĐQ Biên phòng với quân số 377 chiến binh.
- Trại Dak Pek (A-242), tỉnh Kontum, chuyển thành tiểu đoàn 88 BĐQ Biên phòng với quân số 298.
- Trại Dak Seang (A-245), tỉnh Kontum, chuyển thành tiểu đoàn 90 BĐQ Biên phòng với quân số 431 chiến binh.
Cải tuyển đợt 2 vào ngày 31/12/1970:
- Trại Ben Het (A-244), tỉnh Kontum, chuyển thành tiểu đoàn 95 BĐQ Biên phòng với quân số 430 chiến binh.
- Trại Đức Lập ( A-239), tỉnh Quảng Đức, chuyển thành tiểu đoàn 96 BĐQ Biên phòng với quân số 400.
3 trại đóng cửa, chấm dứt hoạt động:
- Trại Kontum (B-24) đóng cửa ngày 30 tháng 11/1970;
- trại Ban Mê Thuột ( B-23), đóng cửa ngày 15 tháng 12/1970;
- trại Pleiku (Company B), đóng cửa ngày 15 tháng 1/1971.
Vương Hồng Anh/Việt Báo