Giáo xứ Trà Kiệu, có thể nói là một trong những giáo xứ nông nghiệp tiêu biểu của Việt Nam, với nhà thờ trung tâm, nhiều nhà thờ nhỏ gần xa, trên những cánh đồng, tiếng chuông nhà thờ ngân nga ruộng đồng, ngân nga những nếp nhà lam lũ ngày mùa và yên bình dưới đôi tay nhân từ của Chúa.
QUẢNG NAM (NV) - Xứ đạo Trà Kiệu với bề dài hơn ba trăm năm, thánh địa Trà Kiệu nằm ngay trên ngọn đồi Himshapura, tức là đồi Sư Tử dưới thời các quốc vương Chăm Pa, sau những thăng trầm lịch sử, nơi đây hiển linh thánh địa, là nơi hội tụ của các con chiên mỗi dịp Giáng Sinh về.
Ðêm Giáng Sinh ở thánh địa Trà Kiệu. (Hình: Phi Khanh/Người Việt)
Giáo xứ Trà Kiệu, có thể nói là một trong những giáo xứ nông nghiệp tiêu biểu của Việt Nam, với nhà thờ trung tâm, nhiều nhà thờ nhỏ gần xa, trên những cánh đồng, tiếng chuông nhà thờ ngân nga ruộng đồng, ngân nga những nếp nhà lam lũ ngày mùa và yên bình dưới đôi tay nhân từ của Chúa.
Bà Huyền, một con chiên ở Trà Kiệu, Duy Xuyên, Quảng Nam chia sẻ: “Nhà tôi đã theo Chúa từ những ngày đầu tiên vào đây sinh sống, tính đến thế hệ của tôi, đã có sáu thế hệ theo Chúa, nhà thờ Trà Kiệu trở thành chiếc nôi tâm linh của dòng họ nhà tôi”.
“Ở giáo xứ này, hiếm có nhà nào giàu có, nhưng có con cái họ hành thành đạt thì rất nhiều, bác sĩ, kĩ sư, giáo viên, giảng viên đại học chiếm con số khá lớn. Dường như trong giáo xứ không có trộm cắp, không có xì ke ma túy và không có trẻ em hư hỏng”.
“Nhờ hồng ân của Chúa và các cha, chúng tôi được sinh ra và giáo dục trong một bầu khí quyển trong trẻo, vô nhiễm, chúng tôi được giáo dục lòng thương yêu, tôn trọng giá trị lao động và tôn trọng phẩm hạnh cũng như sự tự do của người khác. Chính vì biết tôn trọng và yêu thương người khác, con người trở nên tử tế với nhau hơn. Tội phạm sẽ không xâm chiếm vào nước Chúa được!”
Ðúng như lời bà Huyền nói, hầu như ở Trà Kiệu, chưa có tội phạm hoặc trẻ em hư hỏng nào có gốc gác người Công Giáo. Khi bước vào làng Thiên Chúa, chúng tôi ít phải lo lắng chuyện này chuyện nọ. Có chăng là cảm giác lúc ban đầu, thấy chúng tôi lượn xe vào xóm, bà con có vẻ nghi ngại, sợ “kẻ lạ” nào đó đến phá vỡ sự bình yên xóm làng hoặc theo dõi một việc gì đó... Dường như mọi hành tung khác thường đều không hợp với xứ đạo bình yên nằm trên một bãi đất rộng ven sông Thu Bồn này.
Ông Bình, một con chiên khác chia sẻ: “Dân mình còn nghèo lắm, vì đa phần làm nông nghiệp, thường thì người làm nông ít gần với Thiên Chúa mà gần với những tôn giáo có gốc gác phương Ðông nhiều hơn. Thế nhưng bà con ở đây lại khác, quanh năm chỉ biết đúng hai việc, khai thác bưng biền trồng dưa, trồng đậu, làm lúa và đi lễ nhà thờ”.
“Cách ăn lễ, đón mừng Chúa sinh ra đời ở đây cũng khác, thay vì làm những máng cỏ, chúng tôi tôn thờ cây rơm trước nhà, xem đó là biểu tượng tưởng nhớ đến ngày Chúa Hài Ðồng ra đời nơi máng cỏ. Vì chúng tôi tin rằng, nơi nào có sự bình yên, có lòng yêu thương giữa người với người, nơi đó có Chúa hiện hữu”.
“Ngày Giáng Sinh, chúng tôi nghỉ làm ruộng, ngưng mọi công việc nông điền để đón mừng, nhà nào có gà thì nướng gà để ăn mừng, nhà nào có hoa quả thì dùng hoa quả, đến ngày lễ, chúng tôi góp thành một sân chơi, ở đó có đủ mọi thứ thức ăn của mọi nhà góp chung và chúng tôi mời nhau những ly rượu chuối chát tự làm, tuy nghèo nhưng ấm áp và yên bình.”
Yên bình khi tâm hồn biết yêu thương
Một người con chiên khác, tên Nguyệt, cho chúng tôi biết thêm về những gì mà xóm đạo ở đây đã lấy làm vui trong suốt nhiều thế kỷ qua: “Làm từ thiện bao giờ cũng là một ân sủng của Ðức Chúa Trời ban cho chúng ta!”
Một buổi tập dượt văn nghệ chuẩn bị Mừng Chúa Giáng Sinh. (Hình: Phi Khanh/Người Việt)
“Hằng năm, nhờ hồng ân của Chúa, tuy sống ngay trong vùng rốn lũ nhưng chúng tôi ít bị lũ gây thiệt hại. Cùng lắm là ngập úng vài vạt rau. Nhưng cũng hiếm có chuyện như thế lắm, vì chúng tôi canh tác theo thời tiết, thường thì mọi hoạt động nông điền chỉ diễn ra từ cuối tháng 11 năm trước cho đến đầu tháng 9 năm sau là ngưng hẳn. Thời gian từ tháng 9 cho đến cuối tháng 11 thường mưa gió, bão bùng...”
“Trong thời gian mưa gió, cách tốt nhất là ngồi ở nhà, nghĩ đến một việc gì khác không đụng đến nông nghiệp. Và có điểm đặc biệt là chúng tôi không bao giờ gieo xạ hay xuống giống theo lịch hợp tác xã. Vì trên cả nước này, cứ nơi nào nông dân làm theo lịch hợp tác xã thì nơi đó thường hay bị mất mùa do thiên tai”.
“Thường thì bà con xóm đạo ở đây làm nông theo lịch của Chúa, nói thì nghe lạ nhưng không lạ, nghĩa là chúng tôi căn cứ vào cái lạnh đêm Noel để tính thời vụ năm sau. Cứ Noel năm nào ít lạnh thì năm sau cách gì cũng lụt lội, mưa bão. Như năm vừa rồi, Noel ít lạnh, năm nay mưa bão kinh khủng. Còn Noel năm nay, lạnh nhiều, chắc chắc năm sau mưa thuận gió hòa”.
“Các cha nói rằng Ðức Chúa Hải Ðồng sinh ra trong máng cỏ trong một ngày lạnh lẽo. Ngài mang hơi ấm của trái tim yêu thương bao la để sưởi ấm nhân loại. Chính vì thế, năm nào Noel lạnh lẽo, năm đó Chúa sẽ đoái hoài đến các con của ngài mà che chở, bảo bọc”.
“Mà nếu như Noel mà không lạnh thì chẳng còn sự ý vị của nó nữa. Nhưng cái lạnh thì làm nhớ đến những người nghèo thiếu ăn, thiếu mặc, ngủ gầm cầu, hiên nhà... Hằng năm, chúng tôi góp gạo, góp áo quần theo quí tháng, cứ đến mùa Giáng Sinh, cả xóm đạo rủ nhau đi tặng cho người nghèo. Nhưng việc làm của chúng tôi ít phổ biến và tuyệt đối không muốn báo chí đăng tải.”
Nói đến đây, chị Nguyệt ngừng trong giây lát vì nhận ra đã để tiết lộ một chi tiết mà lẽ ra không nên nói, đó là làm từ thiện. Lúc này, chuông nhà thờ buổi chiều cũng đã gióng lên mấy hồi dài, mọi con chiên bắt đầu chuẩn bị cho buổi lễ chiều và đêm đón Giáng Sinh.
Tạm biệt xóm đạo yên bình, nằm khuất sau những lũy tre làng, bên một nhánh sông nhỏ của dòng Thu Bồn hiền hòa. Chúng tôi ghé thăm nhà thờ Trà Kiệu, đây cũng là thánh địa của con chiên mọi miền đất nước. Thánh địa nằm trên ngọn đồi Himshapura, nơi kinh thành Sư Tử của vương quốc Chăm Pa một thuở. Chúa đứng từ trên đồi cao, chìa đôi cánh tay của ngài để che chở những con chiên nơi xóm đạo nhỏ bé, trầm lắng và cổ độ.