"Hồi xưa có ruộng nương, giờ mất hết ruộng nương ở nhà không chứ làm chi. Ở nhà không đâu có tiền tiêu, khổ rứa chứ…"
Những hộ gia đình còn lại tại giáo xứ Cồn Dầu tiếp tục đối diện biện pháp cưỡng chế trong vô vọng.
Dự án đô thị sinh thái
Làng đạo Cồn Dầu được hình thành cách đây hơn một thế kỷ với những thế hệ giáo dân thuần thành chuyên làm nông nghiệp trở thành một mảnh đất vàng trong dự án phát triển khu đô thị sinh thái của Tập đoàn Mặt Trời, Sun Group.
Khi truy cập vào trang chủ của Tập đoàn Mặt trời, người xem được giới thiệu về dự án này với nguyên văn như sau: “Dự án được đặt tại ví trí vô cùng đắc địa về mặt phong thủy cũng như về mặt cảnh quan. Gần Ngũ Hành Sơn và tọa lạc tại ngã ba sông Hàn , sông Cẩm Lệ và sông Cổ Cò với ba mặt giáp sông, hài hòa giữa phong cảnh sông và núi, nằm trong quy hoạch tổng thể của Đà Nẵng nhằm phát triển mạnh đô thị về phía Nam.”
Diện tích của khu này đuợc nhà đầu tư cho biết rộng 450 héc ta. Và làng Cồn Dầu nằm trong số 440 hec ta phải bị giải tỏa trắng để giao đất cho chủ đầu tư theo quyết định của cơ quan chức năng thành phố Đà Nẵng.
Nhà cửa thì đền bù không thỏa đáng mà cứ kêu lên kêu xuống, nói này nói kia miết, cứ hù dọa.
Một giáo dân Cồn Dầu
Dù sau mấy năm triển khai, nhưng đến nay nhiều người dân tại Cồn Dầu vẫn chưa đồng ý để địa phương kiểm định đất và nhà của họ, Một lý do được người dân đưa ra là giá cả đền bù quá thấp; không thỏa đáng. Nếu họ nhận tiền đền bù để lên khu tái định cư thì số tiền đó không đủ để xây dựng lại nhà cửa. Đó là chưa kể đến việc mất nguồn đất làm nông không biết phải làm gì để sống khi lên tại khu vực tái định cư.
Một người trong số 100 hộ dân còn lại vẫn chưa chịu di dời và đang bị chính quyền địa phương thông báo sẽ cưỡng chế trong những ngày tới cho biết thực tế cuộc sống gia đình như sau:
"Nhà cửa thì đền bù không thỏa đáng mà cứ kêu lên kêu xuống, nói này nói kia miết, cứ hù dọa. Đất đai thì ví dụ họ đền bù rẻ quá. Đất thực tế thì chưa có, mà có thì bán không được, không đủ để làm nhà. Mà con thì đông, đứa nào cũng lớn đến tuổi có gia đình hết rồi, Khổ vậy đó."
Trong khi dự án chưa hình thành, nhà đầu tư đã rao bán đất trong khu vực dự án mà Tập đoàn tư nhân Mặt Trời được chính quyền giao 450 hec ta đất tại phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ để thực hiện dự án khu đô thị sinh thái chưa được nhiều người dân địa phương đồng thuận đó. Cụ thể mạng muabannhadat.com.vn đưa ra giá tham khảo cho đất nền là từ 7 đến 8 triệu đồng một mét vuông.
Ước vọng dân bị cưỡng chế
Giáo dân xứ Cồn Dầu - Đà Nẵng. Photo courtesy of giaophandanang.org.
Tin cho biết riêng tại khu vực Cồn Dầu có chừng 350 hộ gia đình, hơn hai phần ba phải chấp nhận về khu tái định cư hay trước đó tự động bán nhà cửa, đất ruộng để đi nơi khác nhằm tránh sự bức bách của chính quyền địa phương. Cuộc sống của họ không khá hơn so với trước như thuật lại của người dân hiện còn lại tại Cồn Dầu như sau:
"Hồi xưa có ruộng nương, giờ mất hết ruộng nương ở nhà không chứ làm chi. Ở nhà không đâu có tiền tiêu, khổ rứa chứ… Họ đổ đất chỗ ni, chỗ kia, lổm chổm - loi coi, làm cho ngập nước thêm. Bây giờ có người lên khu mới rồi mà cực khổ quá, họ trở về họ trồng rau… đó chứ."
Họ ưng nhất là gần nhà thờ để đi ‘lễ’, kinh nguyện. Họ gắn bó với xứ đạo hơn trăm năm nay, họ không ưa đi xa nữa.
Một giáo dân Cồn Dầu
Còn những người cố gắng bám víu lại căn nhà trong giáo xứ thì ngoài lo lắng không có đủ tiền khi nhận khoản bồi thường do Nhà Nước qui định để lên khu tái định cư làm lại cuộc đời mới; họ chỉ mong muốn được tái định cư quanh ngôi nhà thờ mà mấy đời cha ông họ đã góp công, góp sức gây dựng nên. Người dân còn lại của Cồn Dầu bày tỏ:
"Dồn họ vô chỗ mô gần nhà thờ. Họ ưng nhất là gần nhà thờ để đi ‘lễ’, kinh nguyện. Họ gắn bó với xứ đạo hơn trăm năm nay, họ không ưa đi xa nữa. Gia đình tôi cũng thế; chính vì thế mà đập đi hết rồi còn một mình gia đình tôi ‘chóc ngóc’ bên này đây."
Ngoài nhà cửa, ruộng vườn, người dân tại Cồn Dầu còn có khu nghĩa trang chôn cất thân nhân cũng phải bị di dời. Trong vấn đề này, giáo quyền Đà Nẵng đã nhận đất của chính quyền đổi để dời nghĩa trang; thế nhưng người dân vẫn có ý kiến không đồng thuận:
"Nhà thờ để nguyên, nhưng phải dời nghĩa địa đi. Giám mục đứng về phía chính quyền yêu cầu giáo dân dời đi. Nói là của giáo hội nhưng cũng là của giáo dân vì do giáo dân đóng góp xây dựng lên. Bây giờ phải hỏi ý kiến giáo dân, giáo dân không đồng tình."
Chính quyền ra tay
Tuy nhiên ước vọng được người dân Cồn Dầu vừa rồi bày tỏ đã một lần nữa bị chính ông Nguyễn Bá Thanh, bí thư thành ủy Đà Nẵng bác bỏ tại lần cuộc họp mới nhất với người dân tại Cồn Dầu hồi tháng 8 vừa qua. Người dân Cồn Dầu thuật lại một số nội dung cuộc gặp mặt mà chính bà này có tham dự:
"Ông Thanh nói là giải tỏa sẽ khá hơn, bà con đừng lo cực khổ. Ai cực khổ thì đến gặp tôi. Nhưng tôi không biết chắc có ai đến gặp ông Thanh chưa. Còn chuyện ở lại thì ông nói không có vì đất này đã bán rồi…"
Vào chiều ngày 25 tháng 10 vừa qua, chúng tôi gọi đến số điện thoại của ông bí thư Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh để hỏi thăm thông tin liên quan vụ việc giải tỏa nhà của người dân tại xứ đạo Cồn Dầu cho dự án khu du lịch sinh thái Hòa Xuân, thì ông Nguyễn Bá Thanh cho rằng đã chuyển qua cho chính quyền thực hiện, còn ông đang bận họp nên cúp máy: "Anh là ai? Việc đó đã giao cho bên chính quyền rồi. Tôi đang họp."
Theo nhận định của những người dân còn bám trụ lại tại Xứ Đạo Cồn Dầu thì chính quyền đang tiếp tục triển khai việc cưỡng chế bằng cách làm từng nhà một như cách thức ‘bẻ gãy từng chiếc đũa’ như mới nhất đối với căn nhà của gia đình ông Hùynh Ngọc Chạy hồi ngày 2 tháng 10 vừa qua. Người dân Cồn Dầu kể lại ngày hôm đó:
"Như hôm cưỡng chế nhà anh Chạy, công an giữ từ ngoài Đò Xu vô tới trong ni, cấm không cho dân tới. Tôi có nói với họ nếu cưỡng chế thì báo cho tôi trước ít ngày để tôi che cái chòi ở rồi giao cho họ muốn làm gì thì làm."
Những người trong cuộc nhận thấy dù thế nào đi nữa thì cuối cùng sức mạnh của lực lượng cưỡng chế sẽ buộc tất cả phải ra đi.