“Các thầy đã phản đối và tọa kháng niệm kinh Phật một cách ôn hòa. Nhưng họ vẫn cương quyết, họ đưa cảnh sát cơ động áp tải Hòa Thượng Thích Không Tánh và Thượng Tọa Thích Thiện Minh lên một chiếc xe cứu thương, chở đi trước. Còn số còn lại bị họ đưa về địa điểm mới.”
Các dân oan đứng trước chùa Liên Trì lúc chưa bị cưỡng chế. (Hình: Nguyễn Phương)
SÀI GÒN (NV) – Tin từ sư thầy Pháp Viên, một Phật tử đang tu học tại chùa Liên Trì, người chứng kiến toàn bộ vụ việc cho phóng viên Người Việt được biết là “chùa Liên Trì đã bị cưỡng chế vào lúc 7 giờ sáng ngày 8 tháng 9.”
“Sáng nay, lúc 7 giờ sáng chính quyền đã cho rất đông lực lượng công an, cảnh sát cơ động bảo vệ ngoài cổng chùa, sau đó vào bên trong chùa đọc lệnh cưỡng chế. Họ yêu cầu Hòa Thượng Thích Không Tánh chấp nhận lệnh cưỡng chế và yêu cầu tự di dời.”
“Các thầy đã phản đối và tọa kháng niệm kinh Phật một cách ôn hòa. Nhưng họ vẫn cương quyết, họ đưa cảnh sát cơ động áp tải Hòa Thượng Thích Không Tánh và Thượng Tọa Thích Thiện Minh lên một chiếc xe cứu thương, chở đi trước. Còn số còn lại bị họ đưa về địa điểm mới.”
Thầy Pháp Viên cho biết thêm: “Họ còn đem cả Ban Trị Sự Phật Giáo của quận (Phật Giáo quốc doanh) để tiếp nhận các tài sản của chùa. Sau đó thì chúng tôi bị đưa đi về khu Cát Lái, một vùng đất hẻo lánh mà họ cho là nơi ‘tái định cư’ của ngôi chùa.”
Khi được hỏi sức khỏe của thầy Tánh lúc bị bắt đưa đi thế nào? Thầy Pháp Viên cho biết: “Sức khỏe của Hòa Thượng Không Tánh không được khỏe, vì thấy thức suốt đêm qua, lúc bị bắt đưa lên xe cứu thương thầy đã ngất xỉu. Bên chính quyền họ đưa bác sĩ và y tá đến chăm sóc sức khỏe cho hòa thượng.”
Ðường vào khu vực ngôi chùa đã vị phong toả. (Hình: Huyền Trang)
Ðể chuẩn bị cho việc cưỡng chế chùa Liên Trì, thì đã 3 ngày trước đó, chính quyền đã cho phong tỏa ngôi chùa, tất cả các đường vào ngôi chùa đều có công an, cảnh sát cơ động, lập chốt canh gác. Họ dựng lên rất nhiều biển báo “cấm quay phim chụp ảnh” và cấm không cho người dân ra vào khu vực này.
Sáng ngày 8 tháng 9, chúng tôi đã cố liên lạc với thầy Thích Không Tánh qua số điện thoại, nhưng không thể liên lạc được, thầy Pháp Viên đã cho biết là: “Chính quyền đã cho phá sóng điện thoại ở khu vực ngôi chùa từ tối khuya ngày hôm qua.”
Phía bên ngoài, chính quyền đã huy động cả trăm nhân viên công an phong tỏa hai lối chính để vào ngôi chùa là khu vực ngã tư Lương Ðình Của, phía chân cầu Thủ Thiêm và khu vực ngã 3 đại lộ Ðông Tây, chỗ vừa qua chân hầm Thủ Thiêm.
Ðến chiều ngày 8 tháng 9, chúng tôi liên lạc được với thầy Thích Từ Giao, thì được thầy cho biết: “Tôi đang chăm sóc sức khỏe cho thầy Tánh ở bệnh viện quận 2. Phía bên ngoài căn phòng có khoảng 20 nhân viên an ninh quân phục lẫn thường phục canh gác, họ không cho chúng tôi liên lạc hay gặp gỡ ai hết.”
Tối ngày 8 tháng 9, chúng tôi đã cố đi vào lại khu vực ngôi chùa, nhưng rất đông công an cảnh sát vẫn đứng chốt chặn ngay đầu đường, mặc cho đã 9 giờ đêm. Dường như mọi thông tin hình ảnh tiệp cận hiện trạng từ ngôi chùa đã bị ngăn chặn.
Liên quan đến sự việc này, hai hôm nay các nhà hoạt động dân chủ ở Sài Gòn và những tín đồ Phật Giáo thân tín với ngôi chùa Liên Trì đều bị ngăn chặn ở nhà. Cựu tù nhân lương tâm Ðỗ Thị Minh Hạnh cho biết: “Họ huy động cả 10 nhân viên công an, chỉ để canh giữ một phụ nữ chân yếu tay mềm như tôi.”
Hòa Thượng Thích Không Tánh đang phải điều trị ở bệnh viện quận 2. (Hình: Huỳnh Trọng Hiếu)
“Sáng nay vừa bước ra khỏi nhà đã có 5 thanh niên áp tới, yêu cầu tôi phải vào nhà. Họ nói là có lệnh không cho em đi đâu hết. Nhưng khi tôi hỏi là lệnh đâu, đưa xem thì họ không đưa được giấy tờ gì chứng minh hết,” Minh Hạnh cho biết thêm.
Tương tự như trường hợp của Minh Hạnh, các nhà hoạt động dân chủ khác ở Sài Gòn như Luật Sư Lê Công Ðịnh, Bác Sĩ Nguyễn Ðan Quế, Tiến Sĩ Phạm Chí Dũng, Hoàng Dũng… đều bị canh gác ở nhà.
Chùa Liên Trì là cơ sở tôn giáo và là tài sản của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (có từ trước năm 1975) hiện diện được hơn 70 năm tại Thủ Thiêm. Ngôi chùa này nổi tiếng với các hoạt động từ thiện như giúp đỡ cho thương phế binh VNCH, các dân oan bị chính quyền cướp đất và các trẻ em bị bệnh ung thư.
Sau khi có dự án xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm, nhà cầm quyền quyết định bồi thường cho chùa chưa đầy 1 tỷ đồng (khoảng $45,000) để di dời đi nơi khác.Tuy nhiên hòa thượng chủ trì Thích Không Tánh đã cương quyết, mạnh mẽ quyết không di dời với mục đích ở lại Thủ Thiêm để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người dân.
Sau nhiều lần gây áp lực và sách nhiễu cho hòa thượng, quý chư tăng, quý phật tử ở Chùa. Vào tháng 7 năm 2016, nhà cầm quyền gửi giấy quyết định cưỡng chế chùa và hứa sẽ bồi thường cho chùa khoảng hơn 9 tỷ đồng (khoảng $430,000), gấp chín lần so với giá bồi thường cũ. Tuy nhiên, quý chư tăng kiên quyết giữ chùa để cho người dân Thủ Thiêm mới có nơi thực hành đời sống tâm linh.
Trước đây, khi trả lời phỏng vấn báo Người Việt, Hòa Thượng Thích Không Tánh đã cho biết, nếu ngôi chùa bị cưỡng chế thì hòa thượng sẽ cân nhắc việc xin tị nạn chính trị vì “không thể sống với một chế độ vô nhân tính như vậy được nữa.”
Ðến 10 giờ tối ngày 8 tháng 9, chúng tôi đã cố liên lạc với Hòa Thượng Thích Không Tánh nhưng vẫn không thể liên lạc được. Chúng tôi sẽ theo sát vụ việc để có thể cung cấp đến quí bạn đọc những diễn biến tiếp theo của sự kiện này.