Thế mà đùng một cái, dự luật oan khiên có tên RAISE Act tự nhiên được nhắc tới, có thể đẩy giấc mơ đoàn tụ của bà và gia đình đến bờ vực của tan vỡ.
Một gia đình Việt Nam đoàn tụ tại phi trường San Francisco. (Hình minh họa: Monica M. Davey/AFP/Getty Images)
February 16, 2017
LITTLE SAIGON, California (NV) – Như nhiều người Việt khác ở Việt Nam, bà Loan Phạm, một dân cư Sài Gòn có trang Facebook được nhiều người xem, chăm chú theo dõi mọi biến động chính trị tại Mỹ sau khi tỷ phú Donald Trump đắc cử tổng thống.
Ngoài những quan tâm chung như liệu ông tổng thống mới rất “ba gai” này có thực sự cứng rắn với Trung Quốc không, sẽ có giúp được gì Việt Nam trong tranh chấp Biển Ðông với láng giềng phương Bắc không, bà Loan còn có một ưu tư riêng: liệu chính sách di dân của chính phủ ông Trump có ảnh hưởng gì đến đơn xin qua Mỹ định cư theo diện đoàn tụ gia đình của bà hay không.
Vào đầu tuần qua, khi báo chí rầm rộ đưa tin hai thượng nghị sĩ Cộng Hòa, Tom Cotton (Arkansas) và David Perdue (Georgia) công bố sẽ đưa ra dự luật “Reforming American Immigration for Strong Employment Act (RAISE Act),” tạm dịch là “Cải Cách Di Trú Mỹ để tạo Việc Làm Tốt” thì ưu tư của bà trở thành một lo âu thực sự và trĩu nặng.
Không lo âu sao được? Bà Loan và gia đình tất cả năm người được người em trai nộp đơn bảo lãnh theo diện anh em ruột của công dân Mỹ. Ðơn nộp từ đầu năm 2007, bà chờ đợi đã 10 năm, tưởng chỉ cần chờ thêm khoảng ba năm, tất cả mọi người sẽ qua Mỹ sinh sống. Từ hơn bốn năm qua, mọi sinh hoạt và bàn bạc của gia đình bà (và cả gia đình người em bên Mỹ nữa) đều hướng đến việc sẽ sinh sống làm ăn như thế nào khi hai bên đoàn tụ.
Thế mà đùng một cái, dự luật oan khiên có tên RAISE Act tự nhiên được nhắc tới, có thể đẩy giấc mơ đoàn tụ của bà và gia đình đến bờ vực của tan vỡ.
“Không được vào Mỹ nữa? Một viễn ảnh quá khủng khiếp, cho đến giờ tôi vẫn chưa thể tưởng được.” Bà Loan tỏ bày với một số bạn bè qua text chat của Facebook hôm Thứ Ba vừa rồi.
Bà Loan không phải là người duy nhất đang ở trong tình trạng phập phồng lo sợ này. Theo tài liệu của trung tâm National Visa Center (NVC) ở Portsmouth, New Hampshire, tính đến cuối Tháng Mười Một, 2016, số người trên khắp thế giới được thân nhân làm đơn bảo lãnh, đang chờ có visa để vào Mỹ định cư, lên đến 4.5 triệu, trong đó có 1.3 triệu người Mexico, 380,000 người Philippines, 332,000 người Ấn Ðộ, 266,000 người Việt Nam, và 252,000 người Trung Quốc.
Nói về sự lo lắng cao độ này của người làm đơn bảo lãnh cũng như người được bảo lãnh, ông Nam Lộc, một cựu giám đốc cơ quan di trú và tị nạn của Cơ Quan Bác Ái Công Giáo, thuộc Tổng Giáo Phận Los Angeles, kiêm cố vấn về di trú và định cư cho Hội Ðồng Giám Mục Hoa Kỳ, cho biết, mới trong vòng một tuần lễ mà “rất, rất, rất nhiều người, không chỉ ở California, mà còn ở toàn nước Mỹ, thậm chí kể cả ở Việt Nam, đã lo lắng gửi email đến” ông để hỏi về ảnh hưởng của RAISE Act.
“Nếu so sánh về ‘tỷ lệ’ số lượng đơn bảo lãnh gia đình của người Việt không đông hơn các chủng tộc khác như Trung Quốc, Mexico, Philippines, hay Ấn Ðộ. Nhưng về mặt tinh thần thì có lẽ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, bởi vì người Việt rất nặng ‘tình gia đình.’ Trong suốt hơn 40 năm phục vụ trong lãnh vực di trú và tỵ nạn cho nhiều sắc dân khác nhau, những điều mà tôi được nghe chia sẻ về mối tương quan gia đình nhiều nhất thường đến từ cộng đồng Việt Nam của chúng ta,” ông Nam Lộc trình bày.
Thượng Nghị Sĩ Tom Cotton. (Hình: Chris Kleponis/AFP/Getty Images)
Ông giải thích thêm: “Nhiều bậc cha mẹ đi là vì tương lai đàn con, với hy vọng sẽ bảo lãnh cho các con sau này. Hoặc nhiều người lập gia đình vì muốn có cơ hội bảo lãnh cha mẹ già cùng anh chị em sau này khi có quốc tịch Mỹ! Chính vì thế khi mà dự luật RAISE Act được nói tới, với những đề nghị loại bỏ hầu hết các diện bảo lãnh thân nhân, thì thử hỏi vì sao mà họ không hoang mang, và không lo lắng!”
Dự luật RAISE Act nói gì?
Chuyên gia di trú và tỵ nạn Nam Lộc khẳng định: “Ðây có thể xem là một dự luật cải tổ hệ thống di trú có tầm ảnh hưởng sâu đậm nhất đến các diện bảo lãnh gia đình.”
Trong khi đó, Luật Sư Nguyễn Quốc Lân, văn phòng ở Westminster, California, vạch rõ rằng, nếu và sau khi được thông qua, “RAISE Act sẽ ảnh hưởng lớn lên cộng đồng Việt Nam ở chỗ những người có quốc tịch Hoa Kỳ, hay thường trú nhân Hoa Kỳ từ giờ chỉ được làm đơn xin cho vợ chồng và con cái vị thành niên của mình qua Mỹ định cư mà thôi. Còn các diện khác như bố mẹ, anh chị em hay con cái lớn tuổi, cho dầu chưa có gia đình, sẽ không còn được bảo lãnh nữa. Chính sách mới này sẽ giới hạn phần lớn các diện bảo lãnh di trú đến từ Việt Nam.”
Trả lời câu hỏi tại sao RAISE Act ra đời, Luật Sư Lân cho rằng dự luật này “phản ảnh khuynh hướng về chính sách di trú mà đảng Cộng Hòa vẫn có từ trước đến nay, đó là giới hạn chính sách di trú vào quan hệ gia đình trực tiếp như vợ chồng con cái, ưu tiên cho các thành phần có đóng góp cao vào nền kinh tế Hoa Kỳ, giảm thiểu gánh nặng trợ cấp xã hội, và hỗ trợ các diện di trú theo nhu cầu kinh tế như chuyên viên có trình độ hay kiến thức cao hay thâu góp vốn đầu tư vào phát triển kinh tế.”
Trong văn bản công bố ngày 7 Tháng Hai để giới thiệu về dự luật sắp được đệ trình lên Quốc Hội của mình, hai vị dân cử liên bang viết: “Trong hơn một phần tư thế kỷ, nước Mỹ đón nhận trung bình mỗi năm khoảng một triệu người nhập cư, tương đương với việc mỗi năm tăng thêm vào Mỹ nguyên một tiểu bang Montana. Trong số này, chỉ một trong mỗi 15 người đến Mỹ, được đến đây dựa theo khả năng, đa số những người còn lại một là khả năng kém, hai là không có nghề ngỗng gì.”
“Việc đông đảo người lao động có tay nghề thấp ùa vào Mỹ kéo dài suốt một thế hệ là yếu tố quan trọng tạo áp lực giảm mức lương của người Mỹ, với mức lương của những người nhập cư gần đây bị ảnh hưởng nặng nhất. Tiền lương cho người Mỹ có bằng trung học giảm 2% kể từ cuối thập niên 1970, và giảm gần 20% cho những ai không học xong trung học. Tình trạng tiền lương sụt dốc có nguy cơ tạo ra một thành phần nghèo khổ vĩnh viễn trong xã hội, và với những người này, giấc mơ Mỹ luôn luôn là một điều ngoài tầm tay với.”
“Dự Luật RAISE Act sẽ nâng cao mức lương của dân Mỹ bằng cách giảm đi một nửa số người di dân và cân bằng lại hệ thống di trú hướng về việc cấp visa cho người vào Mỹ vì lý do nghề nghiệp cũng như những thân nhân trực hệ.”
“RAISE Act sẽ chỉ cho vợ chồng và con cái vị thành niên của công dân Mỹ và thường trú nhân vào Mỹ. Những trường hợp còn lại sẽ không được phép đến Mỹ định cư.”
Bao nhiêu người Việt bị ảnh hưởng?
Ðể có thể ước lượng số người Việt có thể bị ảnh hưởng, nếu RAISE Act được Quốc Hội thông qua và được tổng thống ký ban hành, chúng ta cần nhìn kỹ hơn những con số (tính đến cuối Tháng Mười Một, 2016) theo tài liệu do trung tâm National Visa Center (NVC) cung cấp:
Tổng số 266,000 người Việt đã có đơn bảo lãnh, nhưng thuộc diện còn phải chờ visa mới được vào Mỹ, được phân loại như sau:
1-Con cái trên 21 tuổi chưa lập gia đình của công dân Mỹ: 6,000 người; Visa đang được cấp cho đơn xin bảo lãnh nộp trước ngày 8 Tháng Giêng, 2010.
2-Con cái trên 21 tuổi chưa lập gia đình của thường trú nhân: 12,000 người; Visa đang được cấp cho đơn xin bảo lãnh nộp trước ngày 8 Tháng Sáu, 2010.
3-Vợ/chồng và con cái dưới 21 tuổi, chưa lập gia đình, của thường trú nhân: 8,000 người; Visa đang được cấp cho đơn xin bảo lãnh nộp trước ngày 22 Tháng Ba, 2015.
4-Con cái đã có gia đình (bất kể tuổi) của công dân Mỹ: 51,000 người; Visa đang được cấp cho đơn xin bảo lãnh nộp trước ngày 1 Tháng Ba, 2005.
5-Anh chị em và vợ chồng (cùng con vị thành niên của người có đơn) của công dân Mỹ: 188,000 người; Visa đang được cấp cho đơn xin bảo lãnh nộp trước ngày 22 Tháng Giêng, 2004.
Thượng Nghị Sĩ David Perdue. (Hình: Riccardo Savi/Getty Images for Concordia Summit)
Như vậy, trong trường hợp tệ nhất, nếu Dự Luật RAISE Act được thông qua, và nếu có hiệu lực ngay, thì trong 266,000 người có đơn đang chờ đáo hạn (đến lượt được cấp visa), chỉ có 8,000 người là vợ/chồng và con cái dưới 21 tuổi, chưa lập gia đình, của thường trú nhân (thuộc nhóm 3 nêu ở trên) sẽ được vào nước Mỹ. Số 258,000 người còn lại có thể sẽ phải ôm giấc mơ đoàn tụ bỗng dưng tan rã.
Cũng cần phải nói ngay là theo luận di trú hiện hành của Mỹ, ngoài những diện phải chờ đơn đáo hạn mới được cấp visa nêu trên, con cái dưới 21 tuổi, chưa có gia đình, và cha mẹ của công dân Mỹ, hiện giờ cứ có đơn và khi mọi thủ tục tiến hành xong là được vào Mỹ không phải chờ đợi. Trong số những người này, chỉ có con cái dưới 21 tuổi, chưa có gia đình, của công dân Mỹ là không bị RAISE Act ảnh hưởng. Dự Luật RAISE Act, nếu được thông qua, sẽ không cho phép cha mẹ của công dân Mỹ được vào Mỹ định cư nữa. Thay vào đó, hai vị thượng nghị sĩ cho biết họ sẽ đề nghị một loại visa ngắn hạn cho cha mẹ già cần được săn sóc của công dân Mỹ, với điều kiện họ không trở thành gánh nặng xã hội này.
Rất có thể tình hình sẽ không đến nỗi tồi tệ như vậy. Trong đoạn cuối của văn bản được phổ biến về RAISE Act, hai nhà làm luật liên bang ước tính rằng trong năm đầu tiên dự luật này sẽ giảm được 40% số người vào Mỹ. Như vậy số người Việt bị ảnh hưởng có thể lên đến hàng trăm ngàn người, nhưng ít ra cũng không phải là con số 258,000 ở trên.
Liệu RAISE Act sẽ được thông qua?
Trả lời câu hỏi này, Luật Sư Nguyễn Quốc Lân cho rằng: “Sau nhiều năm dưới các đời tổng thống như Clinton, Bush và Obama, bây giờ đảng Cộng Hòa mới có cơ hội thực hiện ý muốn giới hạn chính sách di trú, cho nên dự luật này rất có thể được sự hỗ trợ dễ dàng của các vụ dân cử từ cả hai đảng và khó có lý do chống đối từ các vị dân cử từ đảng Dân Chủ.”
Ông Nam Lộc có một nhận định khác: “Thường thường mỗi khi một đạo luật được ban hành thì chỉ ảnh hưởng đến những người chưa nộp đơn mà thôi, vì nó chỉ bắt đầu hiệu lực kể từ ngày đạo luật được ban hành. Tuy nhiên, đôi khi, trong một vài trường hợp cũng áp dụng ngược lại (retroactive). Theo tôi thì dự luật này sẽ gặp phải nhiều sự tranh cãi hoặc chống đối cho nên nếu có thông qua thì thế nào cũng nhẹ hơn nội dụng nguyên thủy. Vì thế nếu nói về ảnh hưởng đơn xin đoàn tụ gia đình trong tương lai của cộng đồng người Việt thì cũng phải tùy theo mức độ nhượng bộ của phe đề nghị. Khó mà tiên đoán được trong lúc này.”
Luật Sư Nguyễn Hoàng Duyên, có văn phòng tại San Jose, nói: “Dù chỉ mới là dự luật, nhưng điều này cũng đáng để chúng ta lưu tâm.”
Ông nói thêm: “Khi luật được ban hành, ngày có hiệu lực sẽ được ấn định. Trong khi chờ đợi, chúng ta tránh hoang mang để không trở thành nạn nhân của những mánh khóe lường gạt. Nếu cần, hãy tham khảo với một luật sư di trú.”
Luật Sư Darren Nguyễn Ngọc Chương, chuyên trách về di trú, có văn phòng tại Irvine, nói: “Vì có nhiều chính khách muốn thắt chặt lại chính sách nhận di dân từ lâu nên tôi nghĩ, ngay tại thời điểm này, dự luật này rất có thể sẽ được thông qua. Ðiều này sẽ ảnh hưởng nhiều đến cộng đồng gốc Việt. Ai sang đây cũng còn thân nhân sót lại ở Việt Nam.”
Ông khuyên: “Tất cả những ai muốn bảo lãnh cho thân nhân nên xúc tiến ngay bây giờ, khi luật cũ còn hiệu lực. Ðừng quan tâm đến chuyện áp dụng ngược lại. Chuyện này khó xảy ra.”
Ông nhắc nhở thêm: “Là công dân Mỹ, dù đồng ý với dự luật này hay không, tôi mong mọi người nên liên lạc với các dân biểu liên bang của mình, hoặc qua điện thoại, hoặc qua email, cho họ hiểu rõ nguyện vọng cũng như ý kiến của mình để họ biết đường mà xử sự tại Quốc Hội.”
Ðể một dự luật thành đạo luật, trước hết, nó phải được lưỡng viện Quốc Hội thông qua, với nội dung thống nhất, rồi chuyển lên tổng thống ký ban hành.
Trong trường hợp Dự Luật RAISE Act, nó phải được Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện thông qua trước, rồi chuyển lên phiên họp khoáng đại Thượng Viện biểu quyết, nếu không có thay đổi nội dung.
Sau đó, dự luật được chuyển sang Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện, và phải được thông qua, rồi phải được phiên khoáng đại Hạ Viện thông qua, nếu nội dung vẫn không thay đổi.
Sau đó, dự luật được chuyển sang tổng thống để ký thành luật.
Sau khi Thượng Viện đã thông qua và được chuyển sang Hạ Viện, nếu nội dung có bất cứ thay đổi nào, dự luật phải được đưa trở lại Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện để thông qua, rồi lại phải thông qua ở phiên khoáng đại, rồi lại phải qua Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện, và phải được phiên khoáng đại Hạ Viện thông qua.
Nói chung, nếu có bất cứ thay đổi nào, dự luật phải trải qua các tiến trình như ban đầu, sau đó mới chuyển qua tổng thống.
Theo luật, tổng thống có thể ký thành luật này, hoặc phủ quyết. Nếu tổng thống không ký hoặc phủ quyết, sau 10 ngày, dự luật sẽ tự động thành đạo luật.
Theo tác giả dự luật này lập luận, những người đến Mỹ định cư theo diện đoàn tụ gia đình đa số không có khả năng hay tay nghề cao, và vì thế tạo ra áp lực lên giới lao động Mỹ, khiến mức lương của giới này ngày càng giảm xuống.
Tuy nhiên, lập luận này đi ngược lại với những nghiên cứu cho thấy giới di dân tạo lợi ích ròng cho nền kinh tế Mỹ, từ người nước ngoài có tay nghề mà các hãng công nghệ cao của Mỹ rất thèm muốn, đến những người lao động làm việc cần cù không đòi hỏi nhiều tại các khách sạn, nhà hàng và trong các nông trại.
Theo trang web của Quốc Hội, Dự Luật RAISE Act đã được chính thức nộp hôm 13 Tháng Hai, và được chuyển qua cho Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện, nhưng cho đến khi bài báo lên khuôn vẫn chưa thấy văn bản chi tiết của dự luật xuất hiện.