"Tôi ăn 80%" là câu nói của người Nhựt Bổn nhắc nhở cách ăn uống hằng ngày để giữ gìn sức khỏe tránh bệnh tật.
Y học đông phương từ ngàn xưa chủ yếu phòng bệnh nên cách ăn uống và thức ăn uống đều nhằm phòng bệnh là quan trọng. Trái lại, Tây phương khi nghành y dược phát triển, y tế chữa bệnh được sử dụng triêt để. Ngân sách bảo hiểm sức khỏe do đó ngày càng bị thâm thụt khó cải thiện. Giới thẩm quyền Y tế lên tiếng kêu gọi phải sớm có chánh sách y tế phòng bệnh tốt hơn là chạy theo con bệnh. Thông thường tránh bệnh là cần và quan trọng, ai cũng biết. Nhưng chẳng mấy ai chịu tránh bệnh đúng theo sự hiểu biết của mình. Đợi tới khi lâm bệnh, thầy nào, thuốc nào, cũng chạy cho bằng được để chữa bịnh. Phải mổ xẻ, cắt thẻo,… cũng chịu. Trong lúc đó, lời thề trước Y Tổ của giới thầy thuôc ngày càng bị phai nhạt. Họ chỉ còn tôn trọng luật pháp xã hội nhưng nếu có kẻ hở, chưa chắc không có kẻ muốn chui qua an toàn!
Tuy nhiên, cùng với đà tiến bộ của ngành Y tế chữa bệnh, thành tựu nghiên cứu tìm cách phòng bệnh phổ biến ngày càng nhiều. Trong gần đầy, những nhà nghiên cứu đưa ra cách phòng bệnh rất hiệu quả, dễ làm ngay trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Đó là thay đổi những thói quen sanh hoạt như ăn uống. Về y khoa phòng bệnh, ở Nam kỳ vào giữa thế kỷ XIX, Cụ Nguyễn Đình Chiểu đã phổ biến để hướng dẩn dân chúng, lúc bấy giờ hãy còn ít thầy, ít thuốc, biết tổ chức cho mình đời sống lành mạnh, tránh bệnh tật, sống thọ. Trong tập Ngư Tiếu Vấn Đáp, Cụ Đồ viết những lời dạy về phòng bệnh, ngày nay vẫn còn giá trị hàng đầu :
« … Người nay ăn ở khác bề,
Rượu đầm trong bụng, sắc kề bên thân.
No say rồi lửa dục tình,
Đốt trong khí huyết tinh thần còn chi!
Chịu đau lấy chứng nan y,
Bốn, năm mươi tuổi chết đi uổng đời ”.
Ăn uống phòng bệnh
Kết quả những nghiên cứu phổ biến gần đây đã khẳng định thực phẩm trong bữa ăn hằng ngày có giá trị ngăn ngừa nhiều bệnh tật hiễm nghèo đang hoành hành con người khắp nơi trên thế giới, nhứt là dân chúng của những nước phát triển mạnh như Âu châu và Huê kỳ. Đó là những bệnh như ung thư, tim mạch, tiểu đường, Alzheimer… Trên Đài RTL ở Pháp, trong buổi phát hình hôm 18 tháng 7/2013, Bác sĩ Richard Béliveau, Giám đốc Phòng ngiên cứu Y khoa Hạt nhân và Phân khoa Giải phẩu thần kinh của Bệnh viện Notre-Dame ở Montréal, Canada, nói về phát minh mới của ông, Khoa Dinh dưởng Phòng bệnh.
Ông quả quyết bữa ăn hằng ngày của chúng ta ảnh hưởng hoàn toàn tới sức khỏe của chúng ta. Nếu biết chọn thức ăn thích hợp sẽ giúp chúng ta tránh được bệnh ung thư, tai nạn tim mạch (ACV), tiểu đường, Alzheimer. Sữa đổi tập quán sanh hoạt hằng ngày sẽ giúp chúng ta tránh được 40% bệnh ung thư về tiền liệt tuyến và tới 60% ung thư vú của phụ nữ. Biết vậy, nhưng người ta khó thay đổi thói quen hằng ngày đã bám sâu vào tâm thức chúng ta. Chẳng những ở hôm nay mà cả ở ngày mai này nữa. Ngoài thiếu sự can đảm thông thường để thay đổi, phần quan trọng do những nhà kỹ nghệ thực phẩm, vì quyền lợi của họ, đã vận dụng tối đa nghành lobby đưa ra những thông tin hấp dẩn dân chúng nhằm làm lung lay ý muốn thay đổi tập quán ăn uống cố hữu, đồng thời đưa ra những kết quả nghiên cứu cũng “ khoa học ” để tuyên truyền nhằm hạn chế sự tác hại của nhiều thực phẩm kỷ nghệ trước giới tiêu dùng. Nhơn đây, Cỏ May nhắc lại một trường hợp điển hình.Tại vùng Đông-Bắc nước Pháp, cách đây không lâu lắm, dân chúng lớn tuổi bị bệnh sưng và ung thư ruột già chiếm một tỷ lệ quá cao so với những vùng khác làm cho Quỹ Bảo hiễm sức khỏe lo ngại. Họ bèn cho mở cuộc điều tra dân chúng. Kết quả cho biết dân chúng ở đây chăn nuôi nhỏ, đủ cung cấp thực phẩm cho gia đình. Mọi người vì đó có xu hướng tiêu thụ sữa, bơ, phó–mác, yaourt vượt nhu cầu bình thường vì không phải mua ở chợ tốn kém. Ruột già bị bệnh vì phải tiêu hóa thêm những thức ăn bằng sữa mà đó không phải chức năng chánh của ruột già.
Kết quả điều tra vừa công bố, các nhà kỷ nghệ thực phẩm lập tức tìm cách phản ứng mạnh để giữ vững thị trường. Từ đó chuyện bệnh ruột già và lý do bệnh không được nhắc tới nữa.
Ai cũng có sẳn những tế bào bệnh
Giám đốc Phòng thí nghiệm Y khoa hạt nhân chuyên về ung thư, Bác sĩ Richard Béliveau nghiên cứu sự công dụng của trà xanh, tỏi, trái cây đỏ, gừng, nghệ và nhiều thứ nữa. Ông làm việc trong nghành này từ ba mươi năm qua. Theo ông ngày nay, không còn ai có thể nghi ngờ vai trò thực phẩm ảnh hưởng sức khỏe con người nữa. Một cuộc khảo cứu thực hiện trên 400 000 người Âu châu đã công nhận. Trên thực tế, biết chọn thức ăn, người ta có thể ngăn ngừa 1 trên 5 trường hợp ung thư không xảy ra. Hơn nữa, nếu không hút thuốc, biết tránh nắng gay gắt của mùa hè hay ở xứ nóng, mỗi ngày hoạt động cơ thể chừng 30 phút như đi bộ, thể dục, thì khả năng xảy ra ung thư có thể giảm tới 70%. Đồng thời, những phòng ngừa này cũng có giá trị đối với những bệnh tiểu đường, tim mặch và ngay cả với Alzheimer.
Bữa ăn hằng ngày ảnh hưởng tới sức khỏe. Nhưng theo Bs Richard Béliveau chỉ có lối hai mươi thứ rau cải, trái cây có tác dụng mạnh phòng bệnh. Đó là rau cải xanh, trái cây nhỏ, trà xanh, nghệ là thứ chống sưng mạnh nhứt trong các thứ thảo mộc, hành, tỏi… Những thứ thực vật này chứa đựng những phân tử có khả năng tạo ra môi trường sinh lý chống lại sự phát triển ung bướu.
Nhưng biết chọn thực phâm trong bữa ăn hằng ngày chỉ giúp phòng bệnh chớ không phải chữa bệnh khi bệnh đã xảy ra. Nên hiểu thực phẩm không có những khả năng mầu nhiệm như tiên dược. Khi biết bị ung thư thì đúng vào lúc ung thư đang phát triển cực nhanh, người bệnh không thể ngồi đó thư thả uống trà xanh, nước tô-mát, ăn bông cải xanh (broccolis có khả năng ngằn ngừa ung thư và nhiều bệnh khác). Thực phẩm là biện pháp tốt phòng bệnh tật mà không có hậu quả xấu như phần nhiều dược phẩm bào chế.
Khoa dinh dưởng phòng bệnh của Bs Richard Béliveau dựa trên những khám phá gần đây. Theo ông, nếu đem giải phẩu một xác chết không vì bị bệnh như ung thư, người ta sẽ thấy 30% phụ nữ trên 40 tuổi có những tế bào ung thư ở vú, 40% đàn ông có những tế bào ung thư ở tiền liệt tuyến, 98% dân chúng có sẳn mầm móng bệnh bướu cổ (thyroide). Thực sự, cơ thể của chúng ta mỗi ngày sản xuất ra 1 triệu tế bào “ tiền ung thư ”. Nhiều thực phẩm có những phân tử chống ung thư khi ta ăn hằng ngày sẽ giúp ngăn chận những tế bào ung thư li ti không phát triển thành bệnh. Khi cơ thể mang nhiều mầm móng bệnh, nhờ ăn những loại thực phẩm có đặc tính chống sưng, thực phẩm sẽ phản ứng sinh hóa tạo thành những thứ diệt sâu bọ, diệt nấm, diệt vi khuẩn bảo vệ cơ thể.
Trên báo chí, người ta khuyên mỗi ngày nên ăn năm loại hoa quả để ngăn ngừa bệnh tật. Chỉ nên ăn có 5 loại thực vật vì đó là bài thuốc tối thiểu mà đại đa số có thể tuân hành. Ở Huê kỳ và Âu châu ngày nay có nhiều người bị phù mập, bị bệnh tim mặch hoặc tiểu đường bởi vì họ ăn thứ thực phẩm không được lành mạnh và có quá nhiều ca-lô-ri.
Người Nhựt Bổn rời bàn ăn, bụng chưa thật sự no để tránh ăn quá nhiều. Nói theo ở Việt nam ngày nay là “ăn quá tải ”. Không phải họ nhịn đói, mà họ chờ nảo bộ sẽ nhận những tín hiệu “ ăn như vậy là no rồi, là đủ rồi ”, do cơ thể gởi thông báo.
Theo Bs Richard Béliveau, trong vòng 5 triệu năm phát triển của con người, một số những “gen” (gène) được tuyển chọn để làm nhiệm vụ tích trữ ca-lô-ri nhờ đó mà chúng ta mới đủ sức tồn tại qua những nạn đói. Ngày nay, thảm trạng của con người không phải là thiếu ăn, mà là sự dư thừa ca-lô-ri. Có ai tưởng tượng hiện có 1, 4 tỷ người mập phì do ăn quá tải và ăn những thứ thực phẩm kỹ nghệ. Những thứ này không thích ứng tốt với cơ thể chúng ta. Nhưng cũng đừng quên, trong lúc đó, có bao nhiêu trẻ em đi ngủ bụng trống rổng!
Sự hấp dẩn của thực phẩm kỹ nghệ
Thực phẩm kỹ nghệ thường phẩm chất kém nhưng nhờ nghành khoa học thực phẩm cho nó 3 chất rẻ tiền, có hại cho sức khỏe, mà làm thay đổi khẩu vị người tiêu dung. Đó là chất béo, đường và muối. Ba chất này, chẳng những thay đổi phẩm chất sản phẩm, làm cho thực phẩm hấp dẩn, ngon, vừa ý người tiêu dùng, mà còn làm cho người ăn ghiền khi ăn lâu dài. Những cuộc khảo sát những con chuột ghiền bạch phiến cho thấy, khi cho chúng nó chọn lựa bạch phiến hay đường, chúng nó sẽ chọn ngay cục đường. Bên ngoài thiên nhiên, đường vẫn là vật hiếm. Nảo động vật cần đường để hoạt động nên phản ứng của con vật là tìm ngay cục đường để thỏa mản nhu cầu sinh lý. Kỹ nghệ thực phẩm khai thác triệt để cái tính ghiền này nhằm phục quyền lợi của mình, giống như những xí nghiệp thuốc lá khai thác chất nicotine để có khách hàng và giữ khách hàng dài hạn.
Cơ thể con người mạnh khỏe nhờ hệ thống năng lượng trong người điều hòa và cân bằng. Khi sự quân bình này mất thì lập tức con người ta ngã bệnh. Ăn nhiều đường hơn nhu cầu của cơ thể sẽ làm cho cơ thể suy yếu và bệnh. Ăn những thứ thực phẩm thiếu phẩm chất tốt lại có nhiều mùi vị giả tạo dần dần làm cho người ta mất đi hương vị quen thuộc đơn thuần và thật như vị đắng. Người ta bỏ mất những thứ quan trọng như bấp cải,hoa quả xanh, trà xanh, …Ăn những thức ăn kém phẩm chất thiên nhiên dễ làm cho người ta mau lên cân, mập phì. Và sự mập phì lại là một trong những nguyên nhơn chủ lực gây ra bệnh ung thư.
Ai cũng có thể sống khỏe và sống lâu nếu biết tự biến bản thân mình thành vừa ông thầy thuốc giỏi, vừa thứ thuốc bổ và trường sanh. Tức biết cải thiện nếp sống. Tránh những thức ăn kém phẩm chất mà xưa nay thường ăn vì thói quen hoặc bị ảnh hưởng bởi quảng cáo, năng hoạt động thể chất, …sẽ làm giảm tiểu đường loại 2 tới 90%, làm giảm nguy cơ tim mạch tới 82%, tránh tai nạn tim mạch (acv) 73%, tránh ung thư tới 70% và tránh bệnh Alzheimer 50%.
Bà con mình ráng sống lâu để chứng kiến cộng sản ở Hà nội sụp đổ. Đó là ta thắng chúng nó ngon lành nhứt!