Dầu olive không giống như rượu càng để lâu càng ngon
Khi bạn mua dầu olive, điều quan trọng nhất nên nhớ là bạn đang mua một loại nước ép, mà nước ép trái cây thì không có tươi mãi. Thử hỏi bạn có dùng nước cam ép từ hai năm qua để mà nấu ăn không? Dầu olive không giống như rượu càng để lâu càng ngon.
Dầu olive không giống như rượu càng để lâu càng ngon. (Hình: kelizabethr.wordpress.com)
Vậy thì làm thế nào để biết dầu olive mình mua là cũ hay mới?
Dưới đây là những kinh nghiệm quý giá mà tác giả thu nhặt được từ cuộc vận động Flavor Your Life với sự hỗ trợ của Liên Minh Âu Châu, Bộ Nông Nghiệp Thực Phẩm Ý và UNAPROL, tập đoàn sản xuất dầu olive lớn nhất của Ý.
1. Trước tiên, hãy nhìn vào chữ “Harvest Date” hoặc “Crop Date” trên chai.
“Harvest Date” nói cho bạn biết chính xác những trái olives này được hái khi nào. Dầu olive ngon nhất nếu như được dùng trong vòng 18 đến 24 tháng sau khi hái.
Quá thời gian đó, dầu olive vẫn còn ăn được nhưng nên dùng để nấu ăn hơn là dùng để trộn salads. Nhiều hãng dầu olive có ghi hạn tốt nhất để dùng (“best if used by”) nhưng điều này không cho biết là dầu olive đó để bao lâu rồi. Thêm vào đó, mỗi công ty có cách nhìn khác nhau về việc dầu olive để được bao lâu thì tốt.
2. Dầu olive mắc tiền không phải hẳn là dầu ngon.
Không phải lúc nào bạn trả thêm tiền thì bạn cũng lấy về được phần ngon hơn. Dầu olive ngon nhất đến từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm cả ở California, Tây Ban Nha, Ý, Ai Cập và đang phát triển ở Úc và Nam Mỹ. Ðất và các yếu tố môi trường khác ảnh hưởng đến sự tăng trưởng, nhưng chất lượng hương vị cũng phụ thuộc nhiều vào việc người nông dân chăm sóc, phát triển, hái lượm, và ép trái olive.
3. Hãy nhìn vào dấu chứng nhận.
Nếu bạn chú tâm vào chuyện phải mua dầu olive từ một vùng nhất định nào đó, thì hãy tìm dấu chứng nhận để biết chắc dầu olive được trồng và ép ở đâu.
Dấu chứng nhận cũng giúp việc ngăn ngừa dầu olive giả, bao gồm cả việc giả mạo về nguồn gốc hoặc thành phần của sản phẩm. Khi nhìn dấu chứng nhận “Toscano” thì người ta biết olive được trồng, ép và đóng gói tại Toscano, Italy. DOP và IGP là con dấu khác đảm bảo việc sản xuất và chế biến dầu olive đã được thực hiện trong một khu vực địa lý cụ thể.
*Phân biệt các loại dầu olive:
- Extra virgin olive oil: đây được xem là loại tinh chất, vì loại dầu olive này được chiết xuất từ những trái olives tươi tốt nhất, không chứa chất bảo quản, chất tẩy như những loại dầu khác. Chất axit của dầu (axit không béo) không được phép vượt quá 0.8% trên 100 gram. Ðây cũng là loại có tỉ lệ chất chống oxy hóa cao nhất.
Các loại dầu olive. (Hình: onlinestore.smucker.com)
- Virgin olive oil: đây là loại ít mùi hơn và không nhẹ như dầu tinh chất Extra Virgin olive oil. Chất axit của dầu không quá 2% trên 100 gram.
- Pure Olive oil: loại dầu này thích hợp với nhiệt độ cao, dùng để chiên, xào.
- Light: dầu nhẹ do lọc lại nhiều lần, hoặc trộn thêm các loại dầu khác. Dầu Extra light có màu sắc nhạt hơn loại nguyên chất. Dầu này thường dùng để đánh bóng đồ vật. (NL)