main billboard

Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người...

nha tho corona

Suốt ba tháng qua, cả thế giới sống trong lo âu, cuộc hoảng loạn mỗi ngày một gia tăng với số bệnh nhân nhiễm và tử vong vì loại virus mới, cho đến hôm nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Khắp nơi phải thi hành lệnh phong tỏa. Thế giới hôm nay mới thật sự sống trong tình trạng khẩn trương theo đúng nghĩa của từ này.

Tôi nhớ đến một lời trong thư Rô-ma:
“Chúng ta biết rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định. (Rm 8,28).

Nhớ lại cách nay đúng 45 năm, cũng vào những ngày tháng 4, tôi cũng mang tâm trạng hoang mang lo sợ không kém khi Miền Nam bị miền Bắc chiếm, mà khi ấy tôi là một quân nhân, đang phục vụ trong Không Lực Việt Nam Cộng Hòa, là một chuyên viên kỹ thuật tôi có điều kiện thuận lợi để ra đi, nhưng chỉ vì còn cha mẹ, anh em mà tôi phải chọn ở lại…

Trải qua bao thăng trầm, những điều hay cũng như bao điều dở, những khó khăn cũng như những thuận lợi, Chúa luôn gìn giữ và dẫn đưa từng bước nên bản thân tôi xác tín câu nói của thánh Phao-lô:
Mọi sự đều sinh ích lợi…và đều theo như ý Người định.
Và như thế, cơn dịch bệnh đang gây bất ổn cho nhân loại hôm nay không nằm ngoài ý định của Thiên Chúa.

Trong trình thuật sa ngã, tác giả cho biết thế giới tốt đẹp mà Thiên Chúa dựng nên đã bị tội lỗi con người làm cho hư hỏng và số phận con người cũng trở nên mong manh tăm tối qua lời tuyên án của Thiên Chúa:
“Vì ngươi ăn trái cây mà Ta đã truyền cho ngươi rằng: ‘Ngươi đừng ăn’, nên đất đai bị nguyền rủa vì ngươi; ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi, mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra. Đất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng. Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất.” (St 3,17-19).

Sau này thánh Phao-lô cũng quả quyết cái chết là hậu quả của tội nguyên tổ (x.Rm 5,12).

Cuộc đời con người là một chuỗi những lo âu phiền muộn, để cuối cùng là cái chết:
“Kể từ khi từ lòng mẹ sinh ra cho đến lúc trở về lòng đất mẹ, mang thân phận con người, ai cũng canh cánh bên lòng một nỗi lo, là con cháu A-đam, nợ phong trần đương nhiên phải trả.

Điều không ngừng ám ảnh khiến lòng người sợ hãi âu lo là cứ phải nghĩ rằng mình đang chờ chết.
Từ bậc vua chúa trên ngai vinh hiển đến kẻ cùng đinh chân lấm tay bùn” (Hc 40,1-3) và luôn bỡ ngỡ trước tính cách bất ngờ và lan rộng nhanh chóng của những cơn đại dịch.

Trong tầm nhìn của con người, thường thì người ta chỉ thấy những nguyên nhân gần và gán cho những tai ương do con người tạo ra, mà không nhận ra ý định của Thiên Chúa qua những tai ương đó.

Đã có nhiều bài viết rất sâu sắc liên quan đến cơn đại dịch này, bài viết này muốn đóng góp thêm một suy nghĩ cá nhân dựa vào Kinh Thánh, khi đặt tựa đề cho bài viết : Tính ngôn sứ của coronavirus, tôi muốn coi cơn đại dịch như một sứ điệp Thiên Chúa muốn gửi cho nhân loại.

Trong ngôn ngữ nhà đạo, có người thường gọi những vị được Thiên Chúa sai đi loan báo một biến cố sẽ xảy đến, như việc Chúa sẽ giáng phạt thành Ni-ni-vê vì tội lỗi của dân (Giô-na), loan báo việc Đấng Em-ma-nu-en được sinh bởi một trinh nữ (x.Is 7,14), việc Đấng Cứu Thế sinh tại Be-lem (x. Mt 2,5-6; Mk 5,1) v.v.. là các tiên tri (biết trước).

Từ tiên tri không diễn tả hết nhiệm vụ của những vị này: không chỉ báo trước tương lai, những vị này còn nói thay Thiên Chúa, nói nhân danh Thiên Chúa, loan báo ý định của Thiên Chúa và thay mặt Thiên Chúa để giáo huấn dân.

Để diễn tả đầy đủ các nhiệm vụ này thì từ ngôn sứ quả là thích hợp hơn.
Kinh Thánh đã cho thấy rất rõ vai trò của ngôn sứ qua đoạn văn này: Thiên Chúa phán với Mô-sê:

“Ngươi sẽ nói với anh ngươi và đặt lời lẽ vào miệng nó. Chính Ta sẽ ngự nơi miệng ngươi và nơi miệng nó.
Ta sẽ chỉ cho các ngươi những gì các ngươi phải làm. Chính anh ngươi sẽ thay ngươi mà nói với dân.
Chính nó sẽ là miệng của ngươi; còn ngươi, ngươi sẽ là một vị thần đối với nó”(Xh 4,15-16).

 

Tiếng Hy-lạp prophetês gồm động từ phêmi = nói và tiền tố pro theo nghĩa thay cho. Vậy ngôn sứ (prophetês) là người được Thiên Chúa sai đi để nói  Lời Chúa.
Coronavirus hay Covid-19 là tên gọi khoa học, trong tiếng Việt để cho dễ hiểu người ta thường gọi là dịch cúm Vũ Hán, vì xuất phát từ thành phố Vũ Hán.

Khi một cơn bệnh lây nhiễm nhanh, lan rộng và gây tử vong nhiều thì người ta gọi là dịch bệnh.
Kinh Thánh nói nhiều đến dịch bệnh (xin giới thiệu bài Kinh Thánh nói gì về ôn dịch của cha Vinh-sơn Phạm Xuân Hưng  https://ktcgkpv.org/articles/get-article?id=264).

Một điều rất thú vị là từ dịch, dịch bệnh, dịch tễ hay ôn dịch được dịch từ danh từ Hip-ri Deber,  bởi động từ Dabar  nghĩa là nói, phán, bảo; và danh từ Dabar nghĩa là lời nói, sự việc, sự kiện (ss Xh 4,30 và 5,3 bản Hip-ri):
‘Ông A-ha-ron nói tất cả những lời ĐỨC CHÚA đã ngỏ cùng ông Mô-sê’. Và: ‘Người sẽ dùng dịch hạch hay gươm giáo mà giết chết chúng tôi’.
 Những từ gạch dưới, trong bản Hip-ri là cùng một từ gốc: ‘dbr’.

 Trong bản dịch Tân Ước sang tiếng Hip-ri, từ Logos trong lời tựa Tin Mừng Gio-an, đã dùng từ Dabar = Lời, hoặc Ngôi Lời.
Những ghi nhận trên đây cho thấy có những mối liên hệ rất mật thiết giữa các từ ngữ và nhất là tất cả đều có tương quan với Lời Chúa.

Đứng trước Lời Chúa, con người phải chọn lựa: hoặc khước từ (x. Cv 13,44-46; 1Pr 2,8) hoặc đón nhận (x. 1Tx 1,6; 2,13).
Những ai đón nhận Lời Chúa thì được trở nên con cái Thiên Chúa và sẽ được lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác (Ga 1,12.16).

Lời Chúa còn được nhân cách hóa, được sai đi để chữa lành và cứu thoát (Tv 107,20), và phải phát sinh hiệu quả và chu toàn sứ mạng được giao phó (Is 55,11), như một chiến sĩ can trường xông pha trận địa (x. Kn 18,14).

Kinh Thánh không chỉ nhân cách hóa Lời Chúa, mà những tai ương gồm bệnh tật hay thiên tai cũng được nhân cách hóa.
Ngôn sứ Kha-ba-cúc nói đến dịch bệnh như một sứ giả đi trước mặt Thiên Chúa: Ôn dịch đi mở lối cho Người (Kb 3,5).
Tác giả Thánh vịnh mô tả dịch bệnh như kẻ thủ ác đi lại (hoành hành) trong đêm tối (x. Tv 91,6).

Giê-rê-mi-a và Ê-dê-ki-en xem dịch bệnh như cơn giận của Thiên Chúa giáng xuống trên con người vì những tội lỗi đã phạm  (x. Gr 14,10-12; Ed 5,17…) để qua đó, con người nhận ra uy quyền của Thiên Chúa (Ed 38,22-23).
Chính trong nghĩa này mà có thể coi dịch bệnh mang tính ngôn sứ, mà cụ thể là cơn dịch cúm Vũ Hán, hay Covid-19.

Vậy Thiên Chúa muốn gửi cho chúng ta những bài học gì khi chúng ta phải đối mặt với cơn dịch bệnh này?

Hầu như mọi tai ương bệnh tật đều có mối tương quan với tội lỗi, như hậu quả của tội lỗi (x. St 3,17-19), và là hình phạt Thiên Chúa đánh phạt con người :
“ĐỨC CHÚA sẽ khiến anh em mắc tai hoạ, phải hoảng sợ, bị đe doạ, trong mọi công việc tay anh em làm, cho đến khi anh em bị tiêu diệt và mau lẹ biến mất, vì sự gian ác anh em làm khi lìa bỏ ĐỨC CHÚA.
ĐỨC CHÚA sẽ cho ôn dịch bám vào anh em, cho đến khi nó tận diệt anh em, khiến anh em không còn trên đất anh em sắp vào chiếm hữu.
 ĐỨC CHÚA sẽ làm cho anh em bị suy mòn, nóng sốt, viêm, phỏng, bị hạn hán, và làm cho lúa mì bị úa vàng, bị sâu đục: các thứ đó sẽ theo sát anh em cho đến khi anh em biến mất.” (Đnl 28,20-22).

Đối với những người có lòng tin, cơn đại dịch Covid-19 này là một lời cảnh tỉnh, nhắc nhở cho con người tính cách mỏng dòn và giới hạn của mình
“Tim hồi hộp, sức con đã kiệt, mắt cũng chẳng còn sáng như xưa. Con bị tai ương, người thân kẻ nghĩa chẳng tới gần, bà con ruột thịt cũng đứng xa (Tv 38,11-12) để nhận ra tội lỗi là nguyên nhân sâu xa của những tai ương, đồng thời đặt niềm tin vào Thiên Chúa là Đấng có thể chữa lành (x.Đnl 32,39; Hs 6,1).

Nếu một ngày gần đây, các nhà khoa học tìm ra được phương thuốc phòng ngừa và chữa trị dịch bệnh này, thì đó là điều đáng mừng và con người phải biết tạ ơn Thiên Chúa:
 “Bấy giờ con sẽ mời thầy thuốc đến, vì cả ông nữa cũng đã được Đức Chúa dựng nên. Đừng để ông ra đi, phải có ông mới được.
Có lúc sức khoẻ con ở trong tay các thầy thuốc, vì chính họ cũng cầu xin Đức Chúa ban cho họ tìm ra phương dược giúp giảm đau, chữa lành (Hc 38,12-14).

Nhưng không phải tất cả đều thức tỉnh để tin vào Thiên Chúa hay vào một Đấng thiêng liêng, vì luôn có những kẻ cứng tin như Kinh Thánh nói:
 “Những người còn lại, những người không bị các tai ương ấy giết, vẫn không chịu hối cải mà từ bỏ các sản phẩm tay chúng làm ra, vẫn cứ thờ lạy ma quỷ và các tượng thần bằng vàng, bạc, đồng, đá, gỗ, là những tượng không thấy, không nghe và không đi được”(Kh 9,20).

Trên khắp thế giới, dù phải vật lộn với cơn dịch bệnh bằng mọi cách, chứng kiến hàng triệu người nhiễm bệnh hoặc chết, dù phải nỗ lực nghiên cứu để mong sớm tìm ra phương thức chữa trị, hay ít là phòng ngừa.

 Con người thuộc mọi dân mọi nước, vẫn không ngừng tranh chấp, giành giật, và lừa dối nhau. Mặc cho có nhiều người vì cơn dịch bệnh mà thất nghiệp, thiếu cả miếng ăn, thì vẫn có những cuộc vui chơi, tiệc tùng. Vẫn có những xúc phạm đến Thiên Chúa cách này cách khác…

Coronavirus tự nó cũng là điều đáng suy nghĩ, những khám phá khoa học đã cho biết coronavirus đã có từ hơn nửa thế kỷ nay, nhưng nay là một loại mới, nguy hiểm hơn với tên gọi Covid-19.
Khoa học đặt tên cho loại virus gây bệnh là corona vì hình dạng của nó giống một vương miện với màu sắc.

Cái tên thật sang trọng quý phái lại gây hậu quả chết người khiến tôi liên tưởng đến tội thờ ngẫu tượng trong Kinh Thánh.
Nó cũng là cám dỗ đầu tiên đưa con người vào chỗ chết chỉ vì : “Trông thì đẹp mắt và đáng quý” và tưởng rằng “ăn thì ngon” (x.St 3,6).
Sau đó không ngừng bị cám dỗ thờ ngẫu tượng đến độ Mô-sê phải than thở với Chúa :
 “Ông Mô-sê trở lại với ĐỨC CHÚA và thưa: “Than ôi, dân này đã phạm một tội lớn! Họ đã làm cho mình một tượng thần bằng vàng! (Xh 32,31).

Những kẻ cai trị còn lừa dân mà làm ra ngẫu tượng rồi bảo đó là Chúa để bắt họ phải tôn thờ : Sau khi quyết định, vua làm hai con bò mộng bằng vàng, rồi nói với dân:
 “Các ngươi lên Giê-ru-sa-lem như thế là đủ rồi! Này, Ít-ra-en, Thiên Chúa của ngươi đây, Đấng đã đưa ngươi lên từ đất Ai-cập” (1V 12,28-33).

Qua mọi thời đại, con người không ngừng bị mê hoặc bởi những chủ thuyết được che đậy bởi những mỹ từ mà bên trong chứa đầy nọc độc như một thứ virus.
 Biết bao người đã bị lây nhiễm để chết trong sự lầm lạc mê muội chỉ vì không nghe lời Chúa đã cảnh cáo để “đừng đem thần lạ về nhà, thần ngoại bang, chớ hề cúng bái” (Tv 81,10)…

Coronavirus cũng cho tôi nhiều suy nghĩ, những ngày qua, không có công việc gì phải ra ngoài, những người thân quen quý mến chỉ có thể thăm hỏi qua điện thoại, có gặp nhau cũng không dám “tay bắt mặt mừng” mà chỉ nói vài câu rồi đi cho nhanh.
Tuy không đến nỗi như lời Thánh vịnh: “Chúa làm cho bạn bè xa lánh và coi con như đồ ghê tởm”(Tv 88,9), nhưng thực sự là rất ái ngại khi phải đến với người khác hay ngược lại.

Những ngày mùa chay, nhất là Tuần Thánh, chỉ tham dự thánh lễ và nghi thức Phụng Vụ bằng trực tuyến (không phải chương trình phát lại).
Biết rằng việc tham dự cách này không thay thế việc tham dự hiện diện thể lý, cũng như không được lãnh nhận Thánh Thể là một thiệt thòi lớn.
 Nhưng cũng tạo cho mọi người trong gia đình tôi một lòng mộ mến sốt sắng, vì chúng tôi tuân theo lời dạy của Giáo Hội, từ y phục đến cử chỉ như thể dự thánh lễ thực, nhất là cả gia đình tập họp vào giờ nhất định để mang tính cộng đồng và hiệp thông với Giáo Hội.

Thiết nghĩ cơn dịch bệnh làm xáo trộn cả thế giới, trùng vào thời gian Giáo Hội cử hành Mùa Chay – Tuần Thánh – Phục Sinh.
Đó là cao điểm của đời sống đạo, người tín hữu phải nuôi dưỡng đức tin thế nào khi nhận ra rằng, đức tin không chỉ dừng lại ở việc đến nhà thờ, những cuộc rước xách hay những nghi thức chỉ mang tính trình diễn.

Hãy nghĩ đến những giai đoạn Giáo Hội sống trong cơn bách hại, hoặc nhiều nơi bị hạn chế mọi hoạt động công khai, đó là những Giáo Hội thầm lặng, để có thể tin rằng “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người (Rm 8,28).


An Lạc ngày 11-4-2020
Thứ Bảy TuầnThánh