main billboard

... khi số người Mỹ xăm mình ngày càng tăng, liệu quan niệm truyền thống cho rằng việc xăm mình và công việc làm không dung hòa được với nhau có còn đúng ở năm 2013 không?


WESTMINSTER (NV) - “Rồi, coi như mày sẽ không bao giờ tìm được việc làm nữa rồi!” Ðó là câu nói mà gần như 14% người Mỹ có xăm mình (tattoo) nghe từ bạn bè hay người thân.

xamminh 1Hình xăm có dòng chữ “Nhớ Má quá!” có thể khiến nhiều người cảm thấy chạnh lòng hơn là gây nên sự phản cảm. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Tuy nhiên, khi số người Mỹ xăm mình ngày càng tăng, liệu quan niệm truyền thống cho rằng việc xăm mình và công việc làm không dung hòa được với nhau có còn đúng ở năm 2013 không?

Câu trả lời cho vấn đề này dường như vẫn còn khá dè dặt ở nhiều người, nhiều tầng lớp và lứa tuổi.

***

Qui định về việc xăm mình tại nơi làm việc có sự khác nhau trong các lãnh vực. Nhưng với công ty chú trọng đến tính đa dạng và tổng thể, việc xăm mình ngày nay không còn là vấn đề khiến các sếp phải bận tâm.

Những quy định dễ dãi về việc xăm mình dành cho giới lao động chân tay và những người làm việc có dính dáng đến nghệ thuật không gây sốc cho nhiều người. “Thế nhưng triển vọng càng ngày người ta càng có cái nhìn khoan dung, độ lượng hơn đối với việc xăm mình trong các tổ chức đoàn thể, trong ngành giáo dục và y tế mới đáng ngạc nhiên hơn.” Một bài báo đăng trên tạp chí Forbes nhận xét.

Ông John Challenger, giám đốc điều hành một công ty tư vấn, giải thích với phóng viên Forbes rằng, phần lớn giới chủ nhân ngày nay đồng ý với việc bề ngoài của một người không quan trọng bằng khả năng chuyên môn của họ. “Các công ty chú trọng nhiều đến quyền lợi họ có được trong việc thuê người nào xuất sắc nhất chứ không phải là vấn đề hình xăm.”

Bà Ferris Morrison, phát ngôn viên ngân hàng Bank of America, khi trả lời phỏng vấn của Forbes cũng cho biết, “Chúng tôi không có qui định chính thức về xăm mình bởi vì chúng tôi coi trọng sự khác biệt và nhận ra rằng tính đa dạng và tổng thể thì tốt cho việc kinh doanh của chúng tôi, và nó làm cho công ty chúng tôi trở nên mạnh hơn.”

xamminh 2Vết xăm hình con bướm trên lưng một phụ nữ. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Thái độ này không phải là thiểu số trong môi trường làm việc hiện đại. Một hình xăm hoa tử đinh hương lớn, đầy màu sắc, có thể nhìn thấy dễ dàng phía trên ngực không làm cho cô Courtney Pecola mất đi vị trí phó giám đốc của công ty chuyên bán lẻ đồ thể thao ZB Sports ở Philadelphia vào năm 2004. “Nếu tôi đánh rớt cô chỉ vì cái hình xăm đó thì tôi đã mất đi một nhân viên xuất chúng rồi.” Người thuê cô Courtney Pecola chia sẻ.

Tuy nhiên, chính sách xăm mình khác nhau ở mỗi nơi. Có ý kiến cho rằng xăm mình - cũng giống như chọn một kiểu tóc khác thường hay mặc quần áo quái lạ, táo bạo - có thể làm rối trí hay có một tác động nào đó đến với đồng nghiệp và khách hàng.

“Tùy thuộc vào thái độ nhìn nhận nó một cách bình thường tự nhiên hay gây khó chịu, chướng mắt, mà việc xăm mình có thể có sự ảnh hưởng tác động đến tính chuyên nghiệp.” Ông Mark Brenner, phó chủ tịch phụ trách đối ngoại của tập đoàn Apollo, nêu ý kiến.

Anh La Quốc Tâm, kỹ sư đang làm việc cho một công ty nghiên cứu, bào chế và sản xuất dược phẩm ở Buena Park, thuộc Orange County, cho biết, “Nơi tôi làm việc có vài người xăm hình trên cơ thể như ở cánh tay, bắp tay, ngực, bờ vai, lưng, bắp chuối chân, có người xăm cả hai cánh tay. Công ty cũng có qui định về trang phục và các quy tắc yêu cầu nhân viên thể hiện tính chuyên nghiệp phù hợp với hình ảnh của công ty.”

“Tôi không thấy có điều ngăn cấm hình xăm trên cơ thể. Nhiều năm đi làm, tôi cũng không thấy có ai bị cho nghỉ việc vì những vết xăm.” Anh Tâm nói thêm.

***

Qui định về xăm mình cho các vị trí trong giới đại học và nghiên cứu cũng khác nhau, tùy thuộc nhiệm vụ công việc.

Ông Bruce Potts, giáo sư trường Ðại Học New Mexico, “chơi” nguyên một hình xăm “bộ lạc” trên mặt. “Tôi không gặp phải vấn đề gì khi đi xin việc bởi vì sự thành công là tất cả những gì toát ra ở con người của họ chứ nó không chỉ phụ thuộc vào vẻ bề ngoài.” Giáo Sư Potts giải thích.

Lý lẽ này của Giáo Sư Potts cũng được một số sinh viên trường Orange Coast College (Costa Mesa) và Golden West College (Huntington Beach), hai nơi rất gần gũi với cộng đồng người Việt tại Little Saigon, chia sẻ.

Cô giáo Felicia Coco dạy môn Communication, cô giáo Lisa Dowling dạy môn tiếng Anh, hay thầy Jeffrey Meriwether dạy môn Lịch Sử, đều là những người có hình xăm đâu đó trên bắp tay, trên cổ chân, hay bên cổ mà sinh viên có thể nhìn thấy một cách dễ dàng. Tuy nhiên, họ lại là những thầy cô giáo được sinh viên đánh giá rất cao về khả năng chuyên môn và công việc giảng dạy.

“Quý vị muốn đòi hỏi gì hơn nữa ở một thầy giáo, cho dù là thầy có mặc áo khoác màu đỏ hay có những hình xăm rất lớn có thể dễ dàng nhìn thấy? Thầy là người hóm hỉnh, xuất sắc, giúp đỡ sinh viên, tôi học được rất nhiều từ thầy.” Một sinh viên ghi nhận xét như thế về thầy giáo Meriwether ở trường Golden West College.

Hay một sinh viên của lớp Public Speaking nêu cảm nghĩ về cô giáo Felicia Coco ở trường Orange Coast College, “Cô có xăm một hình con ong ở cổ chân. Ðiều đó có thể hiểu như một thông điệp: Nếu bạn chăm chỉ, bạn sẽ được thưởng mật ong. Nếu bạn lười biếng, thì đừng hòng có điểm A trong lớp này.”

Thầy Vũ Quí Hạo Nhiên, dạy Toán tại trường Santa Ana College, cho biết, “Chưa bao giờ nghe nói gì về những qui định xăm mình trong trường. Có vài đồng nghiệp cũng có hình xăm dễ dàng nhìn thấy như một cô dạy Toán xăm hình ký hiệu Pi bên cổ, hay có thầy xăm hình vòng kẽm gai vòng quanh bắp tay.”

Với thầy, “chuyện thầy cô giáo xăm mình không gây nên sự phản cảm nào cả.”

“Nếu không sợ đau thì tôi cũng đã đi xăm mình cho đẹp,” thầy giáo dạy Toán này nói.


xamminh 3Hình ca sĩ Jenni Rivera, bị tử nạn trong một vụ rớt máy bay hồi Tháng Mười Hai, 2012, ở Mexico, được xăm trên cánh tay một phụ nữ. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Tuy nhiên, sự chấp nhận của trường Ðại Học New Mexico về vẻ bề ngoài “không điển hình” của Giáo Sư Potts không phải là điều ai cũng chấp nhận được. Ðặc biệt, khi hình ảnh đó có liên quan đến trẻ em, đến thông điệp mà trẻ em nhận được qua dáng vẻ bề ngoài của những người được xem là “hình mẫu” để noi theo.

Ông John Beitner, giám đốc của Tumbleweed Day Camp ở Los Angeles, cảm thấy áp lực từ phụ huynh sau kỳ gửi con em tham gia cắm trại. Họ cho rằng có quá nhiều người giữ vai trò cố vấn cho các em lại là những người có xăm mình.

Ông Beitner phải quyết định giải quyết vấn đề theo từng trường hợp cụ thể để lượng định mức độ phản cảm của mỗi hình xăm. Ông cho rằng nếu áp dụng qui định những người giữ vai trò cố vấn không được xăm mình thì sẽ làm mất đi những ứng cử viên xuất sắc tham gia chương trình.

***

Trong lãnh vực y tế, hình xăm không làm cản trở cơ hội giành vị trí cao của một ai đó, nhưng các qui định về việc che các hình xăm có khuynh hướng ngày càng nghiêm ngặt hơn. Hầu hết các cơ sở đòi hỏi phải che đi các hình xăm trong giờ làm việc bởi vì sự biểu lộ tối đa tính chuyên nghiệp là chìa khóa để đạt được lòng tin của bệnh nhân.

Theo chính sách của hệ thống y tế tại trường đại học UCLA thì, “Bất cứ hình xăm nào có thể bị xem là gây chướng tai gai mắt cho bệnh nhân hoặc khách thăm viếng đều phải được che phủ đi bằng quần áo, băng dán hoặc trang điểm.” Bệnh viện Cleveland cũng có qui định tương tự, “Những hình xăm phải được che phủ trong suốt thời gian làm việc để bảo đảm sự xuất hiện chuyên nghiệp trước sau như một trong lúc làm việc.”

Ông Bryan Anderson, phát ngôn viên của bệnh viện Mayo khẳng định, “ Bệnh viện Mayo nhận ra tầm quan trọng về hình ảnh một người chuyên nghiệp xuất hiện trước bệnh nhân. Theo qui định của chúng tôi, nhân viên được yêu cầu phải che đi cái hình xăm hoặc hình nghệ thuật khác trên cơ thể.”

Cô Xuyến Huỳnh, một y tá làm việc tại bệnh viện Fountain Valley, gần Little Saigon, cho biết, “Bệnh viện Fountain Valley không hề có một qui định nào về việc xăm mình. Tuy nhiên, những người có hình xăm trên mình tự biết phải che đi khi đang làm việc.”

***

Tuy rằng nhiều công ty có cái nhìn cởi mở về việc xăm mình ở thời điểm hiện nay, nhưng một nghiên cứu vào năm 2011 của CareerBuilder chỉ ra rằng có 31% người lao động cho biết nếu ai đó mang trên mình một hình xăm mà ai cũng có thể nhìn thấy sẽ dễ bị cản trở trong vấn đề thăng chức.

Trong khi đó, anh La Quốc Tâm cho rằng, “Khi nhìn thấy một đồng nghiệp hay một ai đó có những hình xăm trên người, tôi nghĩ những hình xăm đó mang một ý nghĩa đặc biệt gì đó với họ, và họ xăm nó vào phần cơ thể với niềm tự hào. Hình xăm không phải chỉ là một tuyên bố thời trang nhất thời. Tôi không nghĩ những người có vết xăm trên mình là phản văn hóa.”