Với quyết định này, Garden Grove sẽ học khu đầu tiên có chương trình song ngữ Việt-Anh đầu tiên tại California.
Ðầu tiên tại California
GARDEN GROVE, California (NV) - Trong buổi họp thường lệ tối Thứ Ba, 18 Tháng Hai, lúc 7 giờ, Hội Ðồng Giáo Dục Học Khu Garden Grove bỏ phiếu chấp thuận tiếng Việt là ngôn ngữ được dạy trong chương trình giáo dục ngôn ngữ hai chiều “Dual Language Immersion” (DLI).
Cô Nguyễn khoa Diệu Quyên trong phần phát biểu trước HÐGD Garden Grove. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)
Với quyết định này, Garden Grove sẽ học khu đầu tiên có chương trình song ngữ Việt-Anh đầu tiên tại California. Hiện nay, chương trình DLI của tiểu bang này chỉ có tiếng Quan Thoại, Triều Tiên, Nhật, Tây Ban Nha và một số ngôn ngữ khác trong trường công lập của Học Khu Garden Grove. Theo thống kê, học sinh Việt Nam chiếm khoảng một phần ba tỷ lệ học sinh tại học khu này.
Sau khi nghe một số phụ huynh, giáo chức gốc Việt và cá nhân bày tỏ sự ủng hộ của họ trong việc dùng tiếng Việt cho chương trình giáo dục ngôn ngữ hai chiều, năm ủy viên giáo dục của Học Khu Garden Grove đều ủng hộ và bỏ phiếu 5/0 trong phần 4A (Dịch Vụ Hỗ Trợ và Chương Trình Giảng Dạy Các Ngôn Ngữ Di Sản và Thế Giới) của nghị trình, thông qua việc chấp thuận tiếng Việt, giữa tiếng vỗ tay của mọi người hiện diện.
Ông Nguyễn Quốc Bảo, ủy viên giáo dục học khu Garden Grove, người tâm huyết với chương trình VELI, và đã bỏ nhiều công sức vận động cho chương trình, có lẽ là một trong những người vui nhất. Trình bày về sự cần thiết của việc gìn giữ tiếng Việt, ông Bảo nói:
“Có hơn 40,000 học sinh ở California hiện được học song ngữ hai chiều bằng nhiều thứ tiếng, nhưng không có tiếng Việt. Ðây là một tin rất vui cho học khu.”
Ủy Viên Linda Reed biểu đồng tình với Ủy Viên Giáo Dục Nguyễn Quốc Bảo, và ghi nhận sự hiện diện đông đảo của phụ huynh học sinh.
Ủy Viên Bob Harden chia sẻ: “Tôi từng đến Trung Quốc, Âu Châu và nhiều nơi khác. Người ta nói nhiều ngôn ngữ ngoài tiếng mẹ đẻ. Người ta nói nhiều ngôn ngữ ngoài tiếng mẹ đẻ.”
Một phụ huynh gốc Hispanic phát biểu. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)
“Sau một thời gian dài vận động và lắng nghe, chương trình này tôi tin tưởng khi áp dụng sẽ đem lại lợi ích, không chỉ riêng cho các em học sinh, cho gia đình, mà còn cho cả cộng đồng,” Ủy Viên Nguyễn Quốc Lân phát biểu.
Trong khi đó, Tiến Sĩ George West, chủ tịch Hội Ðồng Giáo Dục Học Khu Garden Grove, làm không khí của cả hội trường trở nên vui vẻ đầy ắp tiếng cười chia sẻ sự vui mừng với kết quả bỏ phiếu.
“Phần 4A này mà không được chấp thuận thông qua tối nay thì tôi khó vào nhà. Bà xã tôi nói thế!”
Trước đó, trước khi Hội Ðồng Giáo Dục bỏ phiếu, một phụ huynh gốc Hispanic phát biểu. Bà kêu gọi tiếng Tây Ban Nha cũng sẽ được cứu xét cho chương trình DLI.
Cô Nguyễn Khoa Diệu Quyên, một giáo chức của học khu Garden Grove, nói:
“Tôi là cô giáo dạy trường Mỹ và hoạt động trong các sinh hoạt Việt ngữ và có hai con là học sinh của học khu. Tôi nhận xét con tôi, một cháu khá tiếng Việt thì cũng giỏi tiếng Anh. Dù chỉ được học vài giờ một tuần nhưng cái lợi là đem các cháu gần gũi với cộng đồng. Nhưng thời gian như thế chưa đủ để các cháu thành thạo tiếng Việt. Xin ủng hộ tiếng Việt cho chương trình song ngữ.”
Kế đó, cô Trần Nguyễn Trang Ðài phát biểu: “Với tư cách của một học giả Fulbright xin nghiên cứu dự án một năm tại Thụy Ðiển 11 năm trước, tôi ghi trong đơn rằng ngôn ngữ tôi thông thạo là tiếng Việt, chứ không phải là tiếng Thụy Ðiển, dù điều kiện đòi hỏi là phải biết tiếng Thụy Ðiển. Họ nhận ra rằng tiếng Việt là chìa khóa trong đề án nghiên cứu của tôi. Nhờ vào thành tích nghiên cứu và khả năng tiếng Việt của tôi, Chương trình Fulbright đã xếp đề án của tôi vào bậc tối ưu, danh dự cao nhất cho bất cứ học giả Fulbright nào,” cô giải thích.
Cô kêu gọi: “Với cộng đồng Việt hải ngoại ngày càng mở rộng và những ngành học liên quan đến tiếng Việt trên đà nở rộ, tiếng Việt đã trở nên một ngôn ngữ quốc tế. Tôi yêu cầu Học Khu Garden Grove cung cấp những điều kiện cần thiết để giúp các thế hệ tương lai cạnh tranh trên thế giới, trở thành những người lãnh đạo toàn cầu, và trở nên những học giả có khả năng đưa những cái nhìn mới vào chương trình Fulbright. Một cách để đạt đến những mục đích này là chấp thuận và thực hiện Chương Trình Song Ngữ Việt-Anh ngay hôm nay.”
Cô Trần Nguyễn Trang Ðài, sau khi phát biểu. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)
Cô Sophie Trần, một đại diện của Dân Biểu Tiểu Bang Sharon Quirk-Sylva (Dân Chủ), địa hạt 65, đọc lời yêu cầu của vị dân biểu rằng bà “từng là cô giáo và tin tưởng rằng chương trình giáo dục ngôn ngữ hai chiều sẽ mang lại nhiều ích lợi, xin bỏ phiếu ủng hộ!”
Người sau cùng lên phát biểu ủng hộ là ông Joseph Pak, người Mỹ gốc Nam Hàn và là một thân hữu của cộng đồng người Việt ở Garden Grove.
Ông nói: “Với kinh nghiệm hoạt động trong chương trình trao đổi học sinh Nam Hàn và thành phố kết nghĩa Garden Grove, tôi ủng hộ vì tiếng Việt sẽ giúp các em thăng tiến về ngôn ngữ và tham gia vào nền văn hóa đa dạng. Mới đây Học Khu Glendale đề nghị chương trình giáo dục bảy ngôn ngữ, trong đó có tiếng Triều Tiên.”
“Chúng ta cần đào tạo nhân sự cho lực lượng lao động Thế Kỷ 21, ngoại ngữ là cần thiết. Xin bỏ phiếu ủng hộ phần 4A!” ông kết luận.
Bà Loreana Sanchez, giám đốc chương trình học lớp Mẫu Giáo đến lớp 12 của học khu được yêu cầu trình bày kết quả nghiên cứu các lợi ích và các giai đoạn thực hiện việc áp dụng tiếng Việt trong chương trình DLI.
Về phía phụ huynh tham dự, ông Tấn Lương, 47 tuổi, có hai con 11 và 13 tuổi hiện theo học trong học khu, cho biết: “Tôi rất mừng khi nghe kết quả bỏ phiếu và hãnh diện đây là lần đầu tiếng Việt mình được chính thức chấp thuận trong chương trình song ngữ.”
Ông Joseph Pak bày tỏ sự ủng hộ. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)
Một người khác, có quá trình vận động cho chương trình song ngữ Việt-Anh, và hiện là cô giáo dạy Trung Học Santiago được bốn năm, chia sẻ:
“Huyền Vy rất vui vì chương trình song ngữ Việt Anh đã được Hội Ðồng Học Khu Garden Grove thông qua. Còn vui hơn vì cả năm vị ủy viên đểu bỏ phiếu ủng hộ tán thành. Coi như là khổ tâm suốt năm qua của thành viên nhóm VELI đã được toại nguyện. Thế hệ tương lai, com em chúng ta sẽ có một chương trình học thật tốt để gìn giữ ngôn ngữ và văn hóa Việt.”
Cô Huyền Vy kể: “Tôi từng thuyết trình và trưng bày các dẫn chứng khoa học chứng minh sự có lợi của việc học ngôn ngữ khi còn nhỏ, dưới 12 tuổi. Theo nhiều tài liệu, học nhiều ngôn ngữ từ nhỏ không những giúp các em giỏi về ngoại ngữ, mà còn giúp tăng chỉ số thông minh IQ nên dễ thành công hơn trong cuộc sống. Ngoài ra ngôn ngữ còn tạo cảm thông giữa các văn hóa và ảnh hưởng tích cực đến nhân cách của học sinh.”
Cô nói thêm: “Texas hai năm trước có chương trình song ngữ DLI đầu tiên tại Hoa Kỳ. Portland, Oregon đang bắt đầu. Ngoài ra, ở California có khoảng 300 trường công lập có chương trình song ngữ, như tiếng Nhật ở San Francisco, tiếng Triều Tiên ở Korea Town, Los Angeles; tiếng Tây Ban Nha ở Long Beach và Los Angeles.”
Việc cả năm ủy viên giáo dục của Học Khu Garden Grove đều ủng hộ và bỏ phiếu cho chương trình song ngữ Việt-Anh không phải tự nhiên mà có, mà là kết quả của nỗ lực vận động lâu dài.
Phụ huynh và thầy cô giáo ngồi chật hội trường, vỗ tay sau khi nghe kết quả bỏ phiếu. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)
Năm ngoái, nhóm vận động chương trình Song Ngữ Hai Chiều Anh-Việt (Vietnamese English Language Immersion, VELI) tại học khu Garden Grove, tổ chức thảo luận với cộng đồng vào chiều Thứ Bảy, 4 Tháng Năm, 2013, tại Trung Tâm Công Giáo Việt Nam ở Santa Ana, California.
Trong buổi hội thảo này, Giáo Sư Quyên Di kể lại chương trình song ngữ Anh-Việt mà ông giúp thực hiện ở Washington là một minh chứng cho thành công, thì ông Nguyễn Văn Khoa, chủ tịch ban đại diện các trung tâm Việt Ngữ Nam California, nói các thầy cô Việt ngữ sẽ ủng hộ hết lòng.
Tiến Sĩ George West khi ấy bày tỏ sự ủng hộ: “Quý vị có sự ủng hộ của tôi, hãy tiếp tục vận động, và kiên trì.” Ông nhấn mạnh việc xây dựng một chương trình học mới cần nhiều thời gian. Ông nhấn mạnh việc xây dựng một chương trình học mới cần nhiều thời gian.
Theo chương trình song ngữ, học sinh ghi danh vào ngôn ngữ mình muốn. Thí dụ, nếu muốn theo chương trình song ngữ Việt Anh, các em sẽ thi xếp lớp khả năng tiếng Việt. Mỗi lớp học sẽ được sắp xếp để bao gồm học sinh đủ mọi trình độ ngôn ngữ Việt, Anh, có thể học chung với nhau. Khi trường dạy các bộ môn học bằng Anh ngữ, các em giỏi tiếng Việt sẽ học tiếng bản xứ từ những em còn lại. Ngược lại, những em đó sẽ “dạy” lại tiếng Việt cho các bạn khi thầy cô chuyển sang dạy bằng Việt ngữ.