main billboard

Em Kim Huy đánh vần đúng chữ “satiety”, và đúng luôn chữ “quorum” và được ban giám khảo tuyên bố đoạt giải vô địch kỳ thi Spelling Bee năm thứ 27. Cả hội trường đứng lên vỗ tay chúc mừng chiến thắng vinh quang của em học sinh gốc Việt.


GARDEN GROVE, California (NV) – Học Khu Garden Grove hàng năm tổ chức thi đánh vần Spelling Bee, giải nhất năm nay về tay em Kim Huy Ngô, 12 tuổi, lớp 7, trường Irvine Intermediate. Cuộc thi dành cho học sinh lớp 7 và lớp 8, diễn ra lúc 6 giờ chiều Thứ Năm tại phòng hội của Edgar School, Garden Grove.

thidanhvan gardengrove 1
Luật Sư Nguyễn Quốc Lân (trái), đại diện Hội Đồng Giáo Dục Học Khu Garden Grove, trao cúp giải nhất Spelling Bee cho em Kim Huy Ngô sau cuộc thi. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Sau hơn một giờ tranh tài, số thí sinh tiếp tục vào vòng chung kết chỉ còn lại 10 người trong tổng số 40 em xuất sắc nhất (26 em gốc Việt), đại diện cho 40 trường trung học cấp 1 của học khu tham dự.

Đến 8 giờ 10 cuộc thi chung kết chỉ còn lại hai thí sinh là Kim Huy Ngô, trường Irvine và Jorge Sanchez, lớp 7 trường Doig.

Hai em này sẽ phải đánh vần chữ đầu đúng và thêm một chữ thứ hai để được xếp hạng nhất. Em còn lại được xếp hạng nhì.

Em Kim Huy đánh vần đúng chữ “satiety”, và đúng luôn chữ “quorum” và được ban giám khảo tuyên bố đoạt giải vô địch kỳ thi Spelling Bee năm thứ 27. Cả hội trường đứng lên vỗ tay chúc mừng chiến thắng vinh quang của em học sinh gốc Việt.

thidanhvan gardengrove 2
Kim Huy Ngô (trái), giải nhất và Jorge Sanchez, giải nhì. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

“Con rất xúc động và toát mồ hôi lạnh. Con chỉ học ôn vào giờ cuối, mới hôm Thứ Tư thôi,” cậu bé vô địch đánh vần tiết lộ thêm bí quyết rằng “con chỉ học ngữ vựng qua internet chứ không chỉ qua sách vở.”

“Có thời giờ thì con tập với em gái con,” Em Kim Huy nói.
Mẹ của cậu bé đoạt giải nhất, bà Lan Đào, 49 tuổi, cư dân Fountain Valley, không dấu được nỗi vui mừng trước kết quả ngoạn mục, vui vẻ nói: “Tôi qua Mỹ năm 1996, làm nhà hàng và có hai đứa con. Chúng nó học giỏi và đều trong chương trình Gate. Tôi không biết để dành gì cho chúng nó nên chỉ biết 'để dành chữ' cho con thôi!”

Trong khi đó, thí sinh đoạt giải nhì cho biết: “Khi thi con run lắm. Con học thi trong hai tháng để chuẩn bị.”

Mẹ em là bà Maria Sanchez, cư dân Santa Ana, phát biểu ngắn, gọn: “Tôi sung sướng lắm.”

thidanhvan gardengrove 3
Mười thí sinh vào chung kết. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Trước đó, các thí sinh được giới thiệu tên và trường, trước khi lên ngồi vào hai hàng ghế bên trái và bên phải trên sân khấu.

Bên phải sân khấu là bà Susan Posard, phụ trách phối hợp chương trình lớp 7-12, giữ đề thi và đọc quy luật của phòng thi. Ông Peter Parcell, phụ trách phối hợp chương trình lớp 7-12, đứng bên trái sân khấu, là người đọc từng chữ trong đề thi để các em nghe trước khi đánh vần.

Ngay chính giữa là một bục có sẵn tờ giấy để các em viết chữ trước khi đánh vần cho ban giám khảo nghe. Nếu chữ được đánh vần đúng, giám khảo sẽ đánh một tiếng chuông và chữ đúng được chiếu lên màn ảnh lớn phía sau lưng các em. Sau đó thí sinh vừa thi xong sẽ trở về chỗ ngồi trên sân khấu. Nếu đánh vần sai, các em coi như bị loại và đi xuống hàng ghế khán giả để ngồi với gia đình.

Hai giám khảo, ngồi đối diện sân khấu và bục của thí sinh, là  Tiến Sĩ PK Diffenbaugh, giám đốc học vụ lớp 7-12 và bà Julie Kruger, phối hợp viên chương trình lớp 7-12.

Mỗi khi ông Parcell đọc một chữ, thí sinh có quyền hỏi chữ ấy gốc từ ngôn ngữ nào (Latinh, Đức, Pháp, Nhật, Tây Ban Nha...), có cách phát âm khác chấp nhận được không, loại tự là gì (danh từ, động từ...) và có thể yêu cầu chữ cần đánh được vần lặp lại lần thứ hai.

thidanhvan gardengrove 4
Em Kim Huy Ngô khi đánh vần chữ “sateity” và “quorum”, để đoạt giải nhất. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Cứ mỗi lần một chữ được đọc lên là ở dưới, thầy cô giáo và phụ huynh lấy điện thoại để xem lại các chữ thi đánh vần ra sao. Hội trường im lặng và không khí rất khó thở vì áp lực của đề thi không phải là không có lý do. Các chữ được xướng lên, có chữ dễ nhưng cũng có nhiều chữ rất khó cho học sinh lớp 7-8, như “harpsichord”, “sallow”, “knish”, “homburg”, “pitchblend”, “guldon”, “omnipotent”, “umlaut”, “babushka”, “appellate, “schism”, “lingua franca”.

Trong 10 thí sinh vào chung kết, có sáu thí sinh gốc Việt, gồm Kim Huy Ngô (trường Irvine), Ryan Vũ (trường Ralston), Brianna Đỗ (trường Lake), Kacie Nguyễn (trường McGarvin), Marolyn Nguyễn (trường Doig), và Helen Hoàng (trường McGarvin).

Một số phụ huynh khác, tỏ ra rất vui khi con là một trong mười thí sinh vào chung kết.

thidanhvan gardengrove 5
Tiến Sĩ Gabriela Mafi, tổng quản trị Học Khu Garden Grove, khen ngợi tân vô địch. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

“Tụi tôi qua Mỹ năm 1992. Tiếng Anh tiếng U mình đâu biết tới đâu. Cháu Brianna nó tự học,” ông Sén Đỗ, 45 tuổi, cư dân Garden Grove, nói.

“Con cũng vậy!” em Mindy Phan, lớp 8 trường Lake Intermediate, được xếp hạng sáu năm ngoái, đồng tình.

Điểm đặc biệt của kỳ thi năm nay, theo Luật Sư Nguyễn Quốc Lân, ủy viên giáo dục của Học Khu Garden Grove, là lần đầu tiên nỗ lực đưa cuộc thi lên online để phụ huynh có thể theo dõi trực tiếp khi cuộc thi diễn ra.

“Lần đầu tiên, phụ huynh có thể theo dõi trực tiếp truyền hình trên mạng internet tại địa chỉ www.ggusd.us để chứng kiến cuộc thi đua rất gay go, giữa các vô địch đại diện mỗi trường, phản ảnh sự chịu khó của các em cũng như của các thầy cô và phụ huynh.” ông nói.