“Giờ này không lo ra phụ dọn hàng về, cho người ta còn về ăn Tết nữa chứ, chiều giờ này còn ai đi mua giầy nữa mà bắt ngồi bán.”
SÀI GÒN (NV) - Buổi trưa trước lúc 12 giờ (chính ngọ) chúng tôi ghé thăm khu chợ hoa Phú Mỹ Hưng mới biết nơi này có một ít chậu mai vàng miền Trung.
Trò chuyện với chủ hàng mai trạc ngoài 30 tuổi, anh cho biết: “Dân đây kỳ lắm, phải đợi tới sát giờ họ mới chịu mua, vì biết tụi tôi cận giờ giá nào cũng bán. Nên tôi đã đi dặn dò các anh em quanh đây, không bán phá giá, hàng bán không hết mang về, qua sang năm bán tiếp, đừng để khách mua ép mình.”
Một chậu mai được chở về nhà trong chiều 30 Tết.
Anh chủ hàng hoa mai, quê Bình Ðịnh cũng cho chúng tôi biết thêm, trận bão lụt miền Trung vừa rồi tàn phá nặng nề các vườn mai, mười phần hư hết chín, chỉ còn lại có một phần. Thuê xe vô đây, mướn mặt bằng bán, gặp toàn khách trả dưới giá, nản quá, mà hầu hết anh em đi bán ở mấy nơi trong Sài Gòn này đều than trời, sức mua yếu quá.
Trở qua khu vực Bến Bình Ðông đã hơn một giờ trưa mà người vẫn đông nghẹt, một chiếc xe tải bị chết máy nằm chình ình giữa đường. Anh tài xế lấm lem, lui cui dưới gầm cố sửa xe trong cái nóng trưa hầm hập, và dòng người qua lại ken dầy. Một bà ngồi dưới ghe, chắc là chủ của mấy dẫy bông, dẫy tắc trước mặt, nóng ruột quá, nói chổng lên bờ: “Bán ế quá, lại gặp kẹt xe kiểu này, bó tay luôn.”
Hơn ba giờ chiều, quay lại xem cảnh mua bán tại Bến Bình Ðông. Ðường vẫn đông nhưng đã lưu thông chậm được, giá bán tại đây cũng “đảo” 180 độ, chậu tắc 300 ngàn đồng giờ chỉ còn có 150 ngàn đồng, dưa hấu 12 ngàn đồng 1 ký, giờ chỉ còn có 7 ngàn đồng, riêng dưa hấu không hạt bán 15 ngàn đồng 1 ký thì chỉ còn sót lại có mấy trái dưa đèo, nhưng vẫn có giá là 10 ngàn đồng 1 ký.
Lựa mua 'hàng xô' cuối năm trước cổng chợ Bà Chiểu.
Ðến khu vực Lăng Cha Cả, đã 3 giờ rưỡi chiều, trong cái nắng gay gắt, khu công viên Hoàng Văn Thụ vẫn đầy mai, đầy tắc phơi mình “chịu trận” giữa nắng. Mặc dù các chợ hoa, đều có quy định là đúng 12 giờ trưa ngày 30 Tết phải “tan hàng” cho công nhân vệ sinh dọn dẹp sạch đẹp đường phố đế ăn Tết. Trước kia thì hầu như sau 12 giờ không mấy nơi còn bán bông, nhưng năm nay có lẽ bị ế quá nên hầu hết các chợ vẫn cố gắng bán thêm giờ, kéo dài được chừng nào hay chừng đó.
Khu Lăng Cha Cả, không những mai, tắc miền Tây còn ế nhiều trong chiều 30 Tết, mà cả bánh chưng, giò chả của mấy tiệm khu này cũng ế nhệ, dù đã cố gắng “tiếp thị” bằng cách chất bánh, chất giò chả lên đầy những những chiếc bàn to, rồi kéo ra tận mép đường, nhưng thiên hạ cũng chẳng mấy ai thèm ngó ngàng.
Ghé một chỗ bán giầy “đại hạ giá” chất đầy một góc vỉa hè, hỏi giá, cô bán hàng uể oải cho biết: “Giầy Tây 150 ngàn một đôi, khỏi trả giá, muốn lấy đôi nào thì lấy.” Trả lời xong cô gái lấy điện thoại ra, bấm số, rồi nói như quát vào máy: “Giờ này không lo ra phụ dọn hàng về, cho người ta còn về ăn Tết nữa chứ, chiều giờ này còn ai đi mua giầy nữa mà bắt ngồi bán.”
Chúng tôi ngó đồng hồ đã 4 giờ chiều, nắng có vẻ như đang dịu lại.
Hoàng hôn trên chợ hoa bến Bình Ðông, quận 8.
Ði ngang một vựa bông, thấy một cậu thanh niên đang khệ nệ bưng một chậu mai ra xe, chúng tôi hỏi thăm giá. Cậu thanh niên cười như mếu: “Ðâu có mua, gởi nhà vườn cả năm nay, bữa nay tới coi, cả nhà vườn có mấy chục gốc mai, không một gốc nào có bông, bực quá, thấy cây này nở được hai cái bông, ‘xí luôn’ dù gì có còn hơn không!”
Vấn nạn của các nhà vườn mai năm nay là tiết trời trở lạnh kéo dài từ tận trước Giáng Sinh cho tới Tết luôn, do vậy mai “ngậm luôn” không chịu nở. Mặc dù trưa có nắng một cách rất “khó chịu,” nhưng đêm cũng như buổi sáng trời luôn luôn lạnh.
Bốn giờ 30 chiều, khu vực chợ An Nhơn (Gò Vấp) vẫn đông nghẹt người mua kẻ bán, hàng hóa vẫn còn đầy. Bông, bánh trái vẫn còn ê hề ngay phía trước cổng chợ. Dường như càng về chiều thì lượng người mua sắm ở các khu chợ nhỏ càng tăng lên nhộn nhịp.
Ghé một người quen làm nghề sửa giầy ở trước chợ Gò Vấp, anh chỉ đám giầy đã sửa chất cao trên bàn nói: “Cả đống giầy sửa rồi mà vẫn chưa ai chịu tới lấy!” Tôi hỏi: “Nếu họ không tới lấy thì sao.” Anh cười hiền: “Thì mình mất luôn tiền công sửa chớ sao.”
Nhờ đánh giùm đôi giày, lúc tính tiền anh nói: “Vẫn như mọi khi 10 ngàn thôi, Tết nhất cái gì.” Tôi hỏi anh làm tới mấy giờ, anh cho biết ráng chờ khách cho tới 7, có khi 8 giờ tối mới nghỉ.
Tượng Tả quân Lê Văn Duyệt trên điện thờ. Bức tượng được đúc năm 2008 dựa trên hình ảnh tờ giấy bạc VNCH phát hành năm 1966.
Chợ Bà Chiểu hơn 5 giờ vẫn đông người mua sắm “hàng xổ” cuối năm một cách bình thản, thong thả thử, thủng thỉnh trả giá, hầu như chiều 30 Tết cũng không làm cho họ phải bận tâm hối hả hơn.
Hơn 5 giờ rưỡi chiều, qua cầu Chà Và ngó xuống bến Bình Ðông, thấy mặc dù đã có một số ghe trở lui về quê ăn Tết, nhưng cảnh “trên bến dưới thuyền” trong ánh hoàng hôn sắp tàn vẫn tỏ ra tấp nập.
Thời khắc Giao Thừa
10 giờ đêm, Bến Bình Ðông vẫn còn một số ghe “trụ” lại, giá cả bây giờ mới thực sự “chạm đáy.”
Cặp cúc (2 chậu) ba chục ngàn đồng, tắc 70 ngàn đồng 1 cây, riêng mai vẫn “kiên định” giữ giá theo phương châm - Bán không được thì bỏ lên ghe chở về quê.
Ðông đảo người dân Sài Gòn cùng các vị chủ tế dâng hương lên Ðức Tả Quân trong đêm Giao thừa để tưởng nhớ các bậc tiền nhân có công với nước.
10 rưỡi đêm, đi ngang khu vực chùa Bà (Thiên Hậu) của người Hoa (đường Nguyễn Trãi), thấy tấp nập cảnh người ta đi lễ chùa thắp nhang, rồi tự nhiên nhớ ra là đã mấy năm nay không đi thắp nhang ở Lăng Ông-Bà Chiểu.
Ngang qua chùa Vĩnh Nghiêm, mới gần 11 giờ đêm đã thấy đông người tới thắp nhang, mua quẻ tử vi đoan vận mạng (bán trước cổng chùa).
Càng gần giao thừa thì lượng người đổ về Lăng Ông (Tả Quân Lê Văn Duyệt) càng đông.
Thời khắc tống cựu nghênh tân giữa năm Quý Tỵ và năm Giáp Ngọ là khi tiếng pháo bông nổ lụp bụp trên bầu trời Sài Gòn, trong tiếng trống trầm trầm vang lên trong lăng Tả Quân. Nhiều người dân Sài Gòn cùng với các vị chủ tế thành kính dâng hương lên bàn thờ của Ðức Tả Quân Lê Văn Duyệt - bậc tiền nhân có công với nước, với miền Nam, với mảnh đất Sài Gòn-Gia Ðịnh xưa.