“Sự việc cảnh sát Thái Lan bắt giữ nhà báo Ðặng Chí Hùng ngày 12 Tháng Mười Hai theo yêu cầu của nhà cầm quyền CSVN đã gây phẫn nộ và quan ngại trong dư luận khắp nơi. Phẫn nộ vì sự ngang ngược của đảng CSVN, cố vươn tay ra tận hải ngoại để mong bóp nghẹt tiếng nói đối kháng.
SAN JOSE, California (NV) - Ðài phát thanh Ðáp Lời Sông Núi (ÐLSN) hôm 17 Tháng Mười Hai gởi ra một thông cáo báo chí lên tiếng về vụ nhà báo Ðặng Chí Hùng, một cộng tác viên của đài, bị bắt cùng với hai người khác tại Thái Lan mới đây.
Bản thông cáo viết: “Sự việc cảnh sát Thái Lan bắt giữ nhà báo Ðặng Chí Hùng ngày 12 Tháng Mười Hai theo yêu cầu của nhà cầm quyền CSVN đã gây phẫn nộ và quan ngại trong dư luận khắp nơi. Phẫn nộ vì sự ngang ngược của đảng CSVN, cố vươn tay ra tận hải ngoại để mong bóp nghẹt tiếng nói đối kháng. Quan ngại vì lo cho sự an nguy của một nhà báo trẻ, đày tài năng và kiên cường.”
“Vì nhà báo Ðặng Chí Hùng là cộng tác viên toàn thời của đài phát thanh ÐLSN nên nhiều hội đoàn, tổ chức, đồng hương đã liên lạc đài hỏi thăm, tìm hiểu thân thế anh. Có một số cá nhân và đoàn thể đề nghị vận động can thiệp, một số khác ngỏ ý muốn đóng góp tài chánh để lo cho anh,” thông cáo viết tiếp.
Cũng qua bản thông cáo, đài phát thanh ÐLSN thông báo như sau:
1-Trong trách nhiệm đối với một cộng tác viên tận tụy, đã làm việc chung một thời gian dài, đài ÐLSN đã theo dõi sự việc xảy ra với anh Ðặng Chí Hùng ngay từ những phút đầu. Ngoài việc yểm trợ tinh thần trong giờ phút hoạn nạn của anh, đài cũng đã thuê luật sư để can thiệp, bảo vệ anh. Ðại diện đài từ trung ương cũng đang trên đường đến địa phương để thăm hỏi anh và theo dõi tiến trình can thiệp.
2-Về chi tiết cá nhân và hoạt động của nhà báo trẻ Ðặng Chí Hùng, cũng như tình trạng hiện tại của anh, xin xem tóm lược ở phần sau (cần bản Anh ngữ, xin truy cập trên website của đài: http://radiodlsn.com).
3-Về vận động can thiệp, theo hướng dẫn của luật sư, các nỗ lực vận động chính giới ngoại quốc và các tổ chức nhân quyền quốc tế nên chú trọng kêu gọi Phủ Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) mau chóng cấp quy chế tỵ nạn chính trị cho anh Ðặng Chí Hùng. Có quy chế này, anh sẽ không còn sợ bị Thái Lan trục xuất về Việt Nam (UNHRC tại Thái Lan: https://www.unhcr.or.th/).
4-Trường hợp tối hảo là vận động được một quốc gia đồng ý cho anh định cư khẩn cấp. Ðược vậy, sự an nguy của anh được bảo đảm tối đa.
5-Trong hiện tại, đài ÐLSN không nhận các đóng góp tài chính để giúp đỡ anh Ðặng Chí Hùng.
Tóm lược về nhà báo Ðặng Chí Hùng và vụ anh bị bắt giữ
Nhà báo Ðặng Chí Hùng năm nay 31 tuổi. Mặc dù sinh ra trong một gia đình cả cha và mẹ đều là đảng viên trung kiên của đảng CSVN, nhưng ngay từ nhỏ, anh đã có những hoài nghi về chế độ. Năm 1997, lúc đang học lớp 10, anh đã bỏ công tìm đọc nhiều cuốn sách về chiến tranh Việt Nam và về ông Hồ Chí Minh. Việc tìm hiểu này được tiếp tục khi anh vào học Ðại Học Bách Khoa Hà Nội năm 2000. Càng tìm hiểu anh càng thấy mẫu thuẫn giữa những điều sách, báo, loa, đài phát thanh Cộng Sản tuyên truyền và thực tế xã hội.
Trong thời gian học đại học, nhờ có khả năng chuyên môn về kỹ thuật, anh đã tự túc bằng nghề sửa máy tính và điện thoại di động. Tốt nghiệp năm 2006, anh tiếp tục sống bằng nghề này và khá thành công về mặt kinh doanh.
Do tham dự các cuộc biểu tình chống Trung Cộng vào các năm 2007, 2008, cơ sở thương mại của anh bị đóng cửa và anh không thể xin việc làm tại các cơ quan công sở. Ðồng thời, gia đình anh cũng áp lực buộc anh phải thuần phục đảng và nhà nước.
Nhưng thay vì quy thuận, anh đã chuyển qua chống đối bằng ngòi bút với các bài viết phân tách sự tàn hại của đảng CSVN và lột trần mặt nạ của Hồ Chí Minh qua các loạt bài “Những sự thật không thể chối bỏ” và “Những sự thật cần phải biết.” Vì vậy công an cộng sản đã truy lùng và bắt hụt anh nhiều lần. Nhưng cũng vì thái độ và hành động chống đối đảng và chế độ, gia đình và vợ con đã xa lánh anh! Từ đầu năm 2010, anh cũng tham gia hoạt động trong phong trào nghiệp đoàn của Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Ðộng Việt Nam để giúp đỡ công nhân và dân oan. Các bài viết của anh được quảng bá rộng rãi trên nhiều trang mạng, lôi cuốn đông đảo độc giả khắp năm châu.
Năm 2012, bị áp lực từ gia đình, anh phải rời Hà Nội vào Sài Gòn sinh sống. Tại đây, anh đã liên lạc và cộng tác với đài ÐLSN. Vì tình hình an ninh ngày càng tồi tệ, ngày 10 Tháng Hai năm nay, từ Sài Gòn, anh đi theo cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh, đào thoát qua Cambodia. Hai tháng sau, anh đến được Bangkok, Thái Lan.
Tại Bangkok, anh tiếp tục viết bài vạch trần sự thật về chế độ cộng sản. Kể từ Tháng Năm, anh cộng tác toàn thời gian với đài ÐLSN. Ngoài việc phụ trách một số chuyên mục phát thanh, anh còn giúp thực hiện các công tác nghiên cứu cho đài và cho Lực Lượng Cứu Quốc. Anh cũng nạp đơn xin UNHCR cho hưởng quy chế tỵ nạn chính trị. Ngày 3 Tháng Bảy, anh được cơ quan này cấp giấy xác nhận hồ sơ của anh đang được xem xét.
Ngày 12 Tháng Mười Hai, lực lượng cảnh sát Thái Lan đã vây bắt anh tại nơi trú ngụ, theo yêu cầu của nhà cầm quyền CSVN với lý do anh phạm các tội hình sự tại Việt Nam. Trong nhà giam, cán bộ an ninh CSVN giả danh nhân viên sứ quán đến thẩm vấn anh nhiều lần, trước thì hăm dọa, sau thì dụ dỗ anh ký tên vào biên bản và đồng ý trở về Việt Nam. Anh cương quyết phủ nhận các cáo buộc và không ký tên vào các biên bản do nhân viên CSVN soạn thảo.
Chiều Thứ Sáu, 13 Tháng Mười Hai, anh bị đưa ra xét xử tại tòa án Ratchada ở Bangkok, về tội cư trú bất hợp pháp ở Thái Lan. Năm giờ chiều cùng ngày, cảnh sát chuyển anh đến IDC (Immigration Detention Center), nơi giam giữ người nước ngoài cư trú bất hợp pháp tại Thái Lan.
Chiều Thứ Hai, 16 Tháng Mười Hai, luật sư của UNHCR đã đến IDC gặp anh. Luật sư do đài ÐLSN thuê bào chữa cho anh cũng đã tiếp xúc với anh. Việc dẫn độ anh về Việt Nam sẽ không xảy ra nếu UNHCR cấp cho anh quy chế tỵ nạn chính trị. (Ð.D.)