main billboard

Hai tổ chức “Public Law Center” và “O.C. Asian American Bar Association” đã đứng ra thực hiện buổi trợ giúp này


WESTMINSTER, California (NV) - Một buổi trợ giúp pháp lý cho cộng đồng người Việt vừa được tổ chức tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt vào sáng hôm Thứ Bảy, 10 Tháng Tám. Hai tổ chức “Public Law Center” và “O.C. Asian American Bar Association” đã đứng ra thực hiện buổi trợ giúp này.

Theo cô Mai Nguyễn, phụ tá hành chánh của Public Law Center và là thành viên ban tổ chức, cho biết thì “có 15 luật sư đang hành nghề thuộc nhiều sắc tộc Á Châu có mặt ngày hôm nay để trợ giúp pháp lý cho cộng đồng người Việt. Bên cạnh đó còn có 12 thiện nguyện viên là những sinh viên luật học tại các đại học ở Nam California đến phụ giúp các luật sư cũng là để học hỏi thêm kinh nghiệm.”

tochuc phaply a my 1Cô Mai Nguyễn (trái) hướng dẫn đồng hương trước khi vào gặp riêng luật sư. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Ngay từ trước giờ khai mạc lúc 10 giờ, các luật sư và thiện nguyện viên đã có mặt đầy đủ trong khi phía người đến xin trợ giúp pháp lý mới chỉ có 5 người. Lập tức, ban tổ chức và các thiện nguyện viên đã mời họ ghi danh ngay và hướng dẫn những chi tiết cần thiết khi xin trợ giúp pháp lý rồi hướng dẫn đến gặp riêng các luật sư.

Theo sự hướng dẫn này thì chỉ là xin được tư vấn về những vấn đề pháp lý liên quan đến sinh hoạt của mình. Buổi trợ giúp pháp lý này không nhận bất cứ một sự đại diện nào cho ai trước tòa. Tuy nhiên những tổ chức này cũng có thể tìm luật sư thiện nguyện đại diện cho mình sau khi xác định được mình là người hội đủ điều kiện để được giúp đỡ, chẳng hạn như những người có lợi tức thấp, những người tàn tật, những vị cao niên không có ai săn sóc.

Người đến xin trợ giúp pháp lý nếu muốn lập một hồ sơ pháp lý cho mình về một vấn đề nào đó, phải điền vào một mẫu để PLC (Public Law Center) thiết lập hồ sơ cho mình. Trong mẫu, có nhiều chi tiết người xin trợ giúp phải cam kết như cung cấp tin tức chính xác về bản thân mình, chịu trách nhiệm về những điều mình khai trong mẫu và tiếp tục cung cấp tin tức cho PLC, v.v...

Vẫn theo cô Mai Nguyễn, mọi dịch vụ trợ giúp pháp lý này không phải trả bất cứ một lệ phí nào cho luật sư hay tổ chức, ngoại trừ những khoản chi phí cho lệ phí của tòa.

Ðây là một công tác thiện nguyện rất hữu ích cho cộng đồng người Việt. Ðể thiết lập một hồ sơ trước một vấn đề liên quan đến pháp lý, người dân thường không biết hết những thủ tục cần thiết, những chi tiết phải có, những giai đoạn tiến hành... nên một sự trợ giúp pháp lý đã trở nên cần thiết khi chúng ta không có đủ tiền để trả cho các văn phòng luật sư.

tochuc phaply a my 2Các luật sư gốc Á ngồi chờ để trợ giúp pháp lý cho cộng đồng người Việt. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Rất may là đã có nhiều tổ chức trợ giúp pháp lý cho cộng đồng gốc Á thay nhau tổ chức những buổi trợ giúp như thế này. Trong sinh hoạt cộng đồng, cộng đồng người Việt ở Nam California thường được các tổ chức pháp lý tổ chức những buổi giúp đỡ. Lâu lâu lại có Ngày Pháp Luật của Luật Sư Ðoàn gốc Việt. Hàng năm lại có một hai lần tổ chức APALC (Asian American Center for Advancing Justice = Trung Tâm Trợ Giúp Pháp Lý gốc Á Châu-Thái Bình Dương) mở những buổi sinh hoạt giải thích, tư vấn và giúp đỡ về pháp lý cho những ai cần đến.

Một tổ chức mới đây của một số các cựu quân nhân Mỹ gốc Việt là Hiệp Hội Pháp Lý Việt Mỹ (VAJF) cũng được Tiến Sĩ Chris Phan, nghị viên Garden Grove, vận động đồng ngũ và thân hữu trong ngành thành lập để tổ chức những cuộc trợ giúp, giải thích pháp lý cho cộng đồng người Việt. Theo Tiến Sĩ Chris Phan thì hội VAJF đã giúp nhiều vụ chống đuổi nhà, những vụ kiện nhỏ (Small Claim), dịch pháp lý, dịch vụ xã hội cho người già, khuyết tật, vi phạm hợp đồng, những vấn đề về Dân quyền và Nhân quyền.

Trở lại với Public Law Center thì nội dung của buổi trợ giúp pháp lý hôm nay, các luật sư sẽ giúp chuẩn bị giấy tờ pháp lý, cung cấp thông tin và tư vấn về vấn đề liên quan, thương lượng, liên lạc, cố gắng tìm luật sư thiện nguyện giúp đỡ cho hồ sơ của mình, điền đơn các giấy tờ pháp lý, điều tra và những vấn đề liên quan như khai phá sản, thuê nhà, giáo dục, luật lao động, di trú, bảo lãnh.

Thiện nguyện viên Tuyết Mai, sinh viên luật năm cuối của một đại học luật ở Fullerton, cho biết: “Chúng tôi chỉ cho những lời khuyên và tư vấn pháp luật về các vấn đề trên và không nhận đại diện cho ai trước tòa. Việc này nếu cần thiết thì hai tổ chức PLC và OCAABA sẽ cứu xét khi có yêu cầu. Mọi sự trợ giúp trong ngày hôm nay, không phải trả bất cứ một khoản chi phí nào.”

––