Nhiều khi chủ hứa là sang sẽ trả lương 900 cho đến 1.000 đô/ tháng, nhưng khi sang không có việc thì họ bỏ mặc, thế nên họ cứ sống kiểu “chợ người”.
( -Bà Lê Thu Thủy)
Một khu chợ ở Angola, ảnh chụp tháng 5 năm 2013. RFA PHOTO
Gần đây làn sóng người lao động Việt Nam sang Angola tăng mạnh, đặc biệt tập trung trong những lĩnh vực như xây dựng, buôn bán nhỏ hoặc những công việc giản đơn như photocopy và chụp hình... Đã từng là mảnh đất mang lại sự khá giả và sinh lợi cho nhiều gia đình, nhưng giờ đây Angola đang mất đi sự cuốn hút của nó đặc biệt với lực lượng lao động “chui” từ Việt Nam tràn sang. Cuộc sống của người Việt tại đây giờ ra sao?
45.000 lao động Việt
Nhắc đến Angola, một quốc gia ở miền Nam châu Phi, nhiều người nghĩ đến như một quốc gia kém phát triển và là mảnh đất dễ dàng để làm ăn sinh sống bởi ở đó, người ta gần như nhập khẩu “thượng vàng hạ cám.” Và cũng bởi quan niệm trên mà khoảng hơn 10 năm về trước, đã có hàng ngàn người Việt sang đây bằng những con đường khác nhau làm ăn buôn bán, công nhân xây dựng, hoặc thực hiện các công việc như bác sĩ, kỹ sư nông nghiệp và họ đã thực sự làm giàu trên mảnh đất xứ người.
Nhiều khi chủ hứa là sang sẽ trả lương 900 cho đến 1.000 đô/ tháng, nhưng khi sang không có việc thì họ bỏ mặc, thế nên họ cứ sống kiểu “chợ người”.
-Bà Lê Thu Thủy
Song “thời gian vàng son” đã qua đi nhanh chóng, khoảng 1-2 năm trở lại đây, khi lượng lao động Việt Nam tràn sang quá nhiều, nhất là những thông tin mù mờ về điều kiện làm việc và thu nhập từ miền đất hứa này đã đẩy nhiều công nhân vào cảnh màn trời chiếu đất. Gần đây, một loạt những bài viết của truyền thông trong nước cho biết có đến 45.000 lao động Việt Nam sống vật vờ tại Angola, bởi những người lao động này thường đi “chui” một cách bất hợp pháp qua các công ty tư vấn lao động, trong khi cơ quan chính thức quản lý là Bộ LĐ-TB-XH không cho phép các doanh nghiệp đưa lao động sang Angola.
Người lao động sang Angola ngoài bằng con đường visa du lịch rồi trốn ở lại, thì họ còn đi theo đường hạn ngạch do các công ty xây dựng của Trung Quốc có được và “bán” lại cho các thầu nhỏ xây dựng Việt Nam, chi phí trung bình để một công nhân xây dựng đến Angola trót lọt dao động từ 6.000 đến 7.000 đô la và họ được hứa sẽ có trong tay khoảng 1.000 đô la/tháng.
Với mức lương cao gấp cả chục lần so với ở Việt Nam, người dân ở các tỉnh nghèo đã cố gắng vay mượn bằng được để sang Angola với hi vọng đổi đời, thế nhưng, cuộc sống thực sự không hoàn toàn bằng phẳng như họ suy nghĩ. Trao đổi, với chúng tôi, anh Trần Văn Ngọc, một công nhân xây dựng cho biết:
Công nhân Việt Nam tại một sân bay trên đường chờ đến Angola, ảnh chụp trước đây. RFA PHOTO.
“Họ hứa hẹn là sang tháng đầu sẽ trả 700 - 800 đô cho những người làm xây dựng, từ tháng sau thì tùy theo tay nghề, nhưng bên này, có những bọn chỉ trả một tháng lương đầu thôi, tháng thứ hai thì làm theo công nhật, không có việc thì thôi coi như chả được đồng nào, toàn phải tự đi tìm việc thôi, mà sang được đây thì cứ phải mất 140 – 150 triệu.”
Anh Ngọc cho rằng, anh còn may mắn vì có những bạn cùng nghề khi sang đến nơi còn chẳng có việc mà làm, mà điều kiện ăn ở sinh hoạt ở ngay ở ngoại vi thủ đô Luanda cũng rất khó khăn, bẩn thỉu, nhiều khi ngoài chuyện phải sử dụng nước sông hồ vừa làm nước ăn, vừa làm nước tắm giặt, các công nhân xây dựng còn phải đối đầu với những bệnh tật như sốt rét và chi phí cho bệnh viện thì chỉ biết kêu trời vì họ không có bảo hiểm:
“Nguyên nhân chính một phần là do nước sinh hoạt không được vệ sinh và thứ hai là do muỗi, ở thành phố trung tâm thì không bị nhiều, nhưng những người sang làm ở khu vực xa hay ngoại ô, điều kiện sinh hoạt kém hoặc là rác rưởi bẩn thỉu hoặc là muỗi rất dễ bị sốt rét.
Vấn đề hành chính ở đây rất nhiêu khê, dịch vụ y tế cũng rất kém. Dịch vụ y tế thứ nhất là kém thứ hai là đắt đỏ, bị sốt rét bình thường thôi, nhưng vào nằm ở viện thì mỗi một ngày mất từ 300 đến 500 đô la.”
Theo anh Ngọc giải thích thì thường các chủ thầu xây dựng Việt Nam thực hiện các công trình nhỏ lẻ, nên thu nhập cho công nhân thường bấp bênh, không có bảo hiểm y tế và những trường hợp như anh đến được Angola là do phía Việt Nam “mua lại” hạn ngạch xây dựng của Trung Quốc. Có lẽ vì là lao động bất hợp pháp nên những công nhân Việt Nam như anh Ngọc thường bị bắt chẹt, thậm chí nhiều trường hợp bị cảnh sát bắt giữ và phải đút lót tiền hoặc ngồi tù rồi bị trục xuất.
Sống kiểu “chợ người”
Dịch vụ y tế thứ nhất là kém thứ hai là đắt đỏ, bị sốt rét bình thường thôi, nhưng vào nằm ở viện thì mỗi một ngày mất từ 300 đến 500 đô la.
-Anh Trần Văn Ngọc
Bà Lê Thu Thủy, một người bán hàng quần áo đã sống tại thủ đô Luanda trên 10 năm, chứng kiến nhiều cảnh đời éo le, bà chia sẻ:
“Việt Nam mình hiện nay đang khó khăn nên người Việt Nam lao sang theo con đường làm xây dựng rất đông, chính vì thế mà thời gian gần đây, người VN sang nhiều, không phải ai sang cũng có công việc, thế nên nhiều khi chủ hứa là sang sẽ trả lương 900 cho đến 1.000 đô/ tháng, nhưng khi sang không có việc thì họ bỏ mặc, thế nên họ cứ sống kiểu “chợ người”. Khi nào cần họ đến họ lấy và trả theo giờ, chẳng hạn, mỗi giờ 20 đến 25 đô.”
Bà Thủy nói tiếp:
“Ở Angola có bệnh sốt rét, thương hàn cho nên chết rất nhiều người Việt mới sang. Thứ nhất, họ sang rất khó khăn, bởi khi đi đã là 6.000 – 7.000 đô/ người rồi. Họ hi vọng là sau 7 tháng sẽ hoàn trả lại được số tiền ấy, nhưng thực tế không được như thế. Cộng vào, bọn cướp ở Angola lại tập trung nhiều vào những người ấy. Họ ở trong những lán trại xây dựng, họ tụ vào đó để ở cũng chẳng có ai bảo vệ, lúc thì cướp bóc, lúc thì sốt rét, không có tiền để đi bệnh viện vì bệnh viện đắt đỏ.”
Một khu phố ở Angola, nơi có người Việt sinh sống, ảnh chụp tháng 5 năm 2013. RFA PHOTO.
Khi chúng tôi hỏi anh Ngọc liệu đại sứ quán Việt Nam tại Angola có tham gia giúp đỡ gì những công nhân khi gặp phải những tình huống khó khăn, anh Ngọc cho biết, vì Chính phủ 2 nước chưa có hiệp định chính thức về hợp tác lao động nên khi mọi chuyện xảy ra, bản thân người lao động phải tự lo, còn phía đại sứ quán chỉ có thể hỗ trợ trong trường hợp có thương vong:
“Sứ quán chỉ khi nào có vấn đề gì xảy ra như chết chóc thì người ta chỉ lo thủ tục thôi, những người sang đây phải tự mà lo bởi hai nước đã có hiệp định về lao động gì đâu.”
Tuy nhiên, điều làm chúng tôi băn khoăn là liệu ngay cả phía nước sở tại Angola cũng có những biện pháp gì, tối thiểu là hành chính để giúp đỡ người nhập cư lao động nói chung và Việt Nam nói riêng hay không, tuy nhiên, câu trả lời của bà Thủy đã làm rõ thắc mắc:
“Chính phủ Nhà nước Angola bây giờ tham nhũng nhiều, nên giấy tờ cũng tùy lúc, lúc nào họ ăn tiền thì làm rất dễ, còn lúc nào không ăn tiền, giấy tờ lại ách đấy. Cơ quan phụ trách giấy tờ hộ chiếu của Angola thì lộn xộn vô cùng, chẳng kiện được ai, chẳng kêu được ai.”
Báo chí trong nước cho hay Angola là một thị trường lao động đầy tiềm năng song do có nhiều vụ tiêu cực, lừa đảo người lao động sang Angola của các công ty Việt Nam nên Cục quản lý lao động ngoài nước của Bộ LĐ TB XH quyết định không thẩm định bất kỳ hợp đồng nào của các doanh nghiệp đưa lao động sang đây.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa khẳng định phải tiến hành đánh giá, khảo sát kỹ thị trường, hiện tại bộ chưa cho phép đưa lao động sang quốc gia này. Ngược lại, phía các doanh nghiệp lại cho rằng cơ quan chức năng của Việt Nam quá thận trọng, vô tình dẫn đến việc người lao động phải tự tìm đường để mưu sinh một cách bất hợp pháp.
Âu câu chuyện trên là một bài học đắt giá cho những người ảo tưởng kiếm được đồng tiền dễ dàng nơi xứ người, nhưng đó cũng là câu hỏi đặt ra cho các cấp quản lý Việt Nam cần có chính sách và luật lệ nhanh nhạy, phù hợp nhằm tạo điều kiện cho bà con được lao động một cách hợp pháp và chân chính ở Angola.