main billboard

“Anh sống không như người khác, mọi hành động của anh có lúc hơi quá mức tưởng tượng của tôi, nhưng tất cả đều xuất phát từ lòng yêu nước vô biên.

 

 

WESTMINSTER, California (NV) – Trời cuối Tháng Tư vần vũ màu mây xám xịt, trĩu nặng như sắp vào Đông ảm đạm. Hàng xe Jeep phất phới cờ vàng dọc sân nhà quàn Peek Funeral Home, Westminster, đón chào đồng hương đến dự lễ phủ cờ VNCH linh cữu “Ó Đen” Lý Tống lúc 12 giờ trưa Thứ Bảy, 20 Tháng Tư.

Mới hơn 10 giờ mà phòng số 5 đã chật cứng quan khách đủ mọi thành phần, từ cựu quân nhân Hải Lục Không Quân, đến các dân cử địa phương, đến các hiệp hội, đoàn thể, chật đến nỗi người ta phải tràn ra ngoài.

Những thành tích chống cộng không mệt mỏi, không ngừng nghỉ và đầy cá tính hào hùng của ông Lý Tống được nhắc lại qua giọng trầm buồn của cựu Trung Tá Không Quân Phạm Đình Khuông lại càng làm người nghe phải xót xa khi không lâu nữa, mọi người phải gởi đến ông lời chào vĩnh biệt.

Rất nhiều cư dân cũng đến thắp một nén nhang cho một người họ cho là khác thường. Khuôn mặt họ toát ra một nỗi u buồn, thương tiếc. Rõ ràng, người ta như có mặt để chia tay với người thân.
Linh cữu “Ó Đen” Lý Tống chính thức được phủ cờ. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

“Anh sống không như người khác, mọi hành động của anh có lúc hơi quá mức tưởng tượng của tôi, nhưng tất cả đều xuất phát từ lòng yêu nước vô biên. Anh ra đi cũng vào dịp Tháng Tư Đen của chúng ta. Mất anh, từ nay Tháng Tư Đen càng đen hơn,” bà Trần Thúy Diệp, cư dân Santa Ana, nghẹn ngào nói.

Ông Chinh Vũ, ở Huntington Beach, chớp mắt, nhỏ giọng: “Tôi chỉ là một người lính Bộ Binh thuộc Sư Đoàn 1, muốn đến đây để biểu lộ lòng ngưỡng mộ của tôi đối với anh Lý Tống.”

Ngưng một lát, ông hít hơi dài rồi tiếp: “Ngày xưa Không Quân luôn luôn yểm trợ Bộ Binh nên với tôi, anh là một chiến hữu.”

Ông Phạm Trung Kiên, ngụ tại Westminster, đứng một mình bên ngoài, mắt dâng trào cảm xúc. Lắc đầu, thở dài, ông khẽ nói: “Anh ra đi quá sớm, không thấy được ngày quê hương hòa bình. Nhưng tôi biết một ngày nào đó, ở cõi vĩnh hằng, anh cũng sẽ cùng vui với chúng ta khi Việt Nam không còn bóng giặc.”

Bà Cindy Vũ Thị Toán, ở San Diego, cười buồn: “Anh thật là đặc biệt. Chỉ mình anh là vừa có pháp danh (Chính Nhân) và tên thánh (Micae). Từ mai, anh sẽ bay lượn trên trời tôn giáo để tiếp tục đánh phá bọn vô thần.”
Từ sáng đến tối, người ta chen chân vào thắp nén nhang chào hương linh “Ó Đen” Lý Tống. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Có lẽ là người trẻ tuổi nhất tại đây, cô Thư Ngô, ở Westminster, chia sẻ trong lúc đứng chờ đến lượt vào thắp nhang: “Hồi còn ở Sài Gòn, cháu nghe tên Lý Tống lần đầu khi chú rải truyền đơn rồi bị bắt. Lúc đó cháu rất có cảm tình với chú ấy. Qua đây, được đọc thêm về tiểu sử và thành tích của chú, cháu càng ngưỡng mộ hơn. Chú là một vị anh hùng.”

Ông Vũ Minh Hoàng, cựu đại úy Không Quân, một người trong nhóm giữ quốc kỳ cho buổi lễ, kể: “Lý Tống rất ‘ba gai,’ rất gan lỳ. Tôi có vinh dự học cùng lớp Anh Văn để chuẩn bị du học tại Mỹ với anh. Ai dè, anh trong danh sách không được qua Mỹ vì trước đó, anh đánh lộn với anh em đồng ngũ. Sau đó, anh phải chuyển qua Bộ Binh.”

“Vậy mà anh không chịu bỏ cuộc. Tiếp tục nộp đơn xin quay lại Không Quân. Kiên trì vượt bao thử thách, đó chính là tinh thần Lý Tống,” ông tiếp.

Căn phòng lao xao tiếng chuyện trò bỗng trở nên nghiêm trang hẳn lên khi chín cựu quân nhân thuộc Hội Ái Hữu Không Quân VNCH Miền Trung California đem quốc kỳ chuẩn bị làm lễ phủ cờ VNCH lên linh cữu “Ó Đen” Lý Tống.
Thân nhân ông Lý Tống giữa rừng người thăm viếng. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Dưới gốc cây cổ thụ, một người đàn ông đầu tóc phơ phơ, râu ria biếng cạo, mắt đỏ hoe, đứng một mình. Khi được hỏi về cảm tưởng, ông quay phắt đi chỗ khác. Ngực ông phập phồng, môi ông vụng về mím lại, cố giữ riêng tiếng nấc trong lòng. Gương mặt đầy nếp nhăn bản đồ của ông thấp thoáng nỗi buồn sóng triều đang chực chờ thoát tung khỏi lồng ngực.

Giữa rừng hoa trắng, điểm thêm sắc vàng đỏ quốc kỳ, trong không khí bi thống thoang thoảng khói nhang, phòng quàn số 5 uy nghi toát lên vẻ hào hùng của một buổi quốc táng.

Ngoài sân, ông Lê Nghiệp Lương, cựu thiếu tá Bộ Binh ở Cypress, chùng giọng: “Mai anh sẽ vào lòng đất để ở mãi mãi sống trong lòng chúng ta và hòa nhập vào hồn thiêng sông núi.” (Đằng-Giao)