Theo báo cáo này, học sinh gốc Đông Nam Á như Việt Nam và Cambodia có tỷ lệ bị bắt tạm nghỉ học và bị đuổi học cao gấp hai đến ba lần học sinh gốc Nhật Bản hay Trung Quốc.
(Hình minh họa: pri.org)
OAKLAND, California (NV) – Các nhà nghiên cứu xem xét sự chênh lệch về kỷ luật của học sinh ở Hoa Kỳ, những học sinh người gốc Á Châu lúc nào cũng có tỷ lệ bị bắt tạm nghỉ học hay bị đuổi học thấp nhất. Tuy vậy, không phải học sinh gốc Á Châu nào cũng như vậy.
Theo EdSource, học sinh gốc Á Châu ở Hoa Kỳ là những người có gia đình đến từ nhiều quốc gia khác nhau và sự chênh lệch về mức kỷ luật của các em rất lớn. Các nhà điều hành giáo dục chỉ tính tổng thể và gộp chung hết thành “Học sinh gốc Á Châu.”
Vì vậy, nhiều chuyên gia giáo dục ở Washington, Oregon và của UCLA đưa ra một bảng báo cáo cho thấy sự chênh lệch về kỷ luật giữa nhiều học sinh gốc Á Châu và gốc Á Châu Thái Bình Dương. Theo báo cáo này, học sinh gốc Đông Nam Á như Việt Nam và Cambodia có tỷ lệ bị bắt tạm nghỉ học và bị đuổi học cao gấp hai đến ba lần học sinh gốc Nhật Bản hay Trung Quốc.
Nghiên cứu này còn cho biết tỷ lệ bị tạm nghỉ học hay bị đuổi của học sinh gốc Á Châu Thái Bình Dương như người ở các đảo như Hawaii, Guam và Samoa cũng cao hơn so với các học sinh gốc Á Châu khác.
Tỷ lệ học sinh gốc Á Châu bị kỷ luật trong niên khóa 2013-2014. (Hình: EdSource)
Các nhà nghiên cứu của UCLA cho biết sự chênh lệch này không có gì là lạ. Học sinh gốc Đông Nam Á sẽ có nhiều vấn đề kỷ luật hơn so với các bạn ở Đông Á vì gia đình là người tị nạn và có thu nhập thấp. Ngoài thu nhập thấp ra, gia đình là người tị nạn có nhiều ký ức không hay, ảnh hưởng đến việc học của các em. Không chỉ vậy, các em còn sống trong các cộng đồng nghèo và cha mẹ không biết nói tiếng Anh. Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng các nhà điều hành giáo dục nên có thông số phân ra từng nhóm học sinh gốc Á Châu rõ ràng.
Theo nghiên cứu này, số học sinh Á Châu ở mẫu giáo đến lớp 12 trong niên khóa 2013-2014 ở California đông nhất là người gốc Philippines, đứng thứ nhì là người gốc Việt và gốc Hoa với hơn 9,000 học sinh mỗi nhóm. Cứ mỗi 100 học sinh thì có khoảng 2.22 em gốc Phi bị cho tạm nghỉ hay bị đuổi học. Tỷ lệ của người gốc Việt là 1.68, trong khi đó học sinh gốc Hoa chỉ bị tạm nghỉ hay bị đuổi học với tỷ lệ 0.83.
Không chỉ vậy, học sinh gốc Lào từ mẫu giáo đến lớp 12 chỉ có 942, nhưng tỷ lệ bị kỷ luật đến 2.87. Người gốc Cambodia có khoảng 2,300 học sinh và tỷ lệ bị trường kỷ luật cao 2.74. Đúng như các chuyên gia cho hay, học sinh gốc Đông Nam Á gặp nhiều vấn đề về kỷ luật hơn.
Các nhà nghiên cứu cho biết họ lấy thông số từ California vì đây là tiểu bang có 1/3 dân số gốc Á Châu của nước Mỹ, cũng như Washington. Tuy vậy, các nhà nghiên cứu rất ngạc nhiên vì tỷ lệ bị kỷ luật của học sinh gốc Đông Nam Á vẫn thấp hơn học sinh da trắng.
Nhiều thông số cho thấy kết quả học của một số nhóm học sinh gốc Á Châu tốt hơn so với các sắc dân khác, nhưng không phải nhóm nào cũng vậy. Kết quả học giữa các em chênh lệch nhau rất nhiều. Học sinh gốc Nhật và Đài Loan có tỷ lệ tốt nghiệp trung học là 95%, trong khi đó học sinh gốc Cambodia hay Lào chỉ tốt nghiệp dưới 70%. Các nhà điều hành giáo dục không nhận ra sự chênh lệch này và không giải quyết được nhiều vấn đề về sức khỏe tâm lý của các em.
Tỷ lệ học sinh gốc Á Châu Thái Bình Dương bị kỷ luật trong niên khóa 2013-2014. (Hình: EdSource)
Trong những nghiên cứu trước, các tác giả phát hiện ra sự chênh lệch trong tỷ lệ bị kỷ luật giữa học sinh người Mỹ gốc Phi Châu, gốc thổ dân Hoa Kỳ và gốc Latino có thể ảnh hưởng đến thành tích học của các em. Các học sinh này bị cho tạm nghỉ học hay bị đuổi học với tỷ lệ cao hơn nhiều so với học sinh da trắng.
Những học sinh thuộc gia đình tị nạn thường có nhiều vấn đề tâm lý, nhất là học sinh gốc Việt có gia đình phải chạy khỏi chiến tranh và học sinh gốc Cambodia có gia đình phải bỏ xứ vì diệt chủng Khmer Đỏ.
Vì vậy, các nhà nghiên cứu cho rằng giới điều hành giáo dục không thể nào nhìn tổng thể tỷ lệ bị kỷ luật hay kết quả học của học sinh gốc Á Châu. Họ cần phải dựa theo các em là người nước nào và tạo ra nhiều thông số chính xác hơn để có thể tìm cách giúp các em vượt qua những rào cản trong tâm lý hay trong xã hội. (Thiện Lê)