Cuối tuần qua, cộng đồng Việt Nam vùng Little Saigon tổ chức nhiều hoạt động tưởng niệm Tháng Tư Ðen ...
Tưởng niệm Tháng Tư Ðen
WESTMINSTER (NV) - Cuối tuần qua, cộng đồng Việt Nam vùng Little Saigon tổ chức nhiều hoạt động tưởng niệm Tháng Tư Ðen, một phần để đánh dấu sự kiện lịch sử của cộng đồng Việt Nam, đồng thời nhớ đến những người đã khuất, và kỷ niệm 10 năm xây dựng Tượng Ðài Chiến Sĩ Việt-Mỹ, Westminster, nơi ghi ơn hàng trăm ngàn binh sĩ Việt Nam và Hoa Kỳ hy sinh trong cuộc chiến Việt Nam chấm dứt cách đây 38 năm.
Tượng Ðài Chiến Sĩ Việt Mỹ, Westminster, trong ngày kỷ niệm 10 năm thành lập và tưởng niệm Tháng Tư Ðen. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)
Tối Thứ Bảy, hàng ngàn đồng hương tụ tập về Tượng Ðài Chiến Sĩ Việt-Mỹ cùng nhau tổ chức một buổi lễ tưởng niệm và một chương trình văn nghệ đấu tranh.
Tuần trước đó, cộng đồng cũng tổ chức treo cờ VNCH và Hoa Kỳ trên các đại lộ trong vùng Little Saigon.
Tối Thứ Sáu, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, Westminster, câu lạc bộ Sân Khấu Nhỏ tổ chức đêm “Hát và Khóc Cho Quê Hương,” để hát những ca khúc nói về Tháng Tư đau buồn của 38 năm về trước. Cùng lúc đó, tại Thư Viện Việt Nam ở Garden Grove, Biệt Ðội Văn Nghệ QL/VNCH cũng tổ chức một đêm văn nghệ tưởng niệm ngày Quốc Hận.
Sáng hôm Chủ Nhật 28 Tháng Tư, hàng trăm đồng hương người Việt cùng các cựu quân nhân Việt Mỹ đã đến tham dự lễ Kỷ Niệm 10 năm Xây Dựng Tượng Ðài Chiến Sĩ Việt Mỹ và Tưởng Niệm ngày Quốc Hận 30 Tháng Tư tại Tượng Ðài Chiến Sĩ Việt-Mỹ, Westminster, do Ủy Ban Xây Dựng Tượng Ðài tổ chức.
Mở đầu buổi lễ, ban Tù ca Xuân Ðiềm đã hợp ca lại ca khúc “Tượng Ðài” được sáng tác 10 năm trước đây để cổ vũ phong trào gây quỹ đóng góp xây dựng Tượng Ðài Chiến Sĩ Việt-Mỹ trong cộng đồng người Việt hải ngoại.
Một lễ rước Quốc kỳ Mỹ-Việt được các cựu quân nhân Mỹ-Việt long trọng rước hai lá quốc kỳ Mỹ-Việt vào trước tượng đài trong khi đại diện các đoàn thể Quân Cán Chính VNCH cũng bước vào trước tượng đài dàn hàng danh dự. Lễ thượng kỳ được long trọng cử hành trong tiếng hát quốc ca Việt-Mỹ. Phần quốc ca Hoa Kỳ do một cựu trung úy Quân Lực Hoa Kỳ phụ trách . Phút mặc niệm cũng được cử hành đặc biệt. Một hồi kèn truy điệu nổi lên sau phút mặc niệm làm rưng rức con tim mọi người tham dự. Tiếng kèn truy điệu vừa dứt là 21 phát súng đại bác được bắn ra qua tiếng thâu thanh trong CD.
Nghi thức trang trọng chấm dứt, ban tổ chức đã mời quan khách và đồng hương cùng tiếp tục đứng nghiêm chỉnh để cùng cầu nguyện do Mục Sư Frank Orzio, chủ tịch Hội Cựu Quân Nhân Hoa Kỳ chiến đấu tại Việt Nam, đứng chủ lễ.
Hội Ðồng Quản Trị Ủy Ban Xây Dựng Tượng Ðài, từ trái, Nghị Viên Chris Phan, ông Trần Mạnh Ðôn, ông Dannie D. Watkins, ông Hồ Ngọc Minh Ðức và ông Craig Mandeville. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)
Ban tổ chức cũng không quên giới thiệu một chút tiểu sử về vị mục sư này. Ông vốn là một trung sĩ của Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, từng tham chiến tại Việt Nam và đã bị thương tích nặng nề, mất một chân và liệt một cánh tay. Trong lời cầu nguyện Mục Sư Frank Orzio đã phát biểu rằng: “Trong chiến đấu chúng ta đã sát cánh bên nhau, nay chúng ta vẫn còn sát cánh bên nhau để giữ vững tinh thần chiến đấu của người lính.”
Tiếp đó, chủ tịch Ủy Ban Xây Dựng Tượng Ðài, cựu thiếu tá lục quân Craig Mandeville, lên đọc diễn văn nói về ý nghĩa của buổi lễ đồng thời giới thiệu những thành viên hiện tại trong Hội Ðồng Quản Trị của Ủy ban Xây Dựng Tượng Ðài Chiến Sĩ Việt-Mỹ gồm có các ông Hồ Ngọc Minh Ðức, cựu trung úy hải quân VNCH, phó chủ tịch; ông Dannie Watkins, thương binh Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam, thư ký; ông Trần Mạnh Ðôn, cựu sĩ quan Không quân VNCH, thủ quỹ; và Nghị Viên Chris Phan của Garden Grove, cựu thiếu tá trong Quân Lực Hoa Kỳ, ủy viên.
Khoảng 300 cư dân Little Saigon theo sau các vị lãnh đạo tôn giáo cùng thắp nhang cầu nguyện cho thuyền nhân. (Hình: Thiên An/Người Việt)
Trong dịp này, ông Mandeville đã nhắc đến cố Nghị Viên Frank Fry của thành phố Westminster, cũng là một cựu chiến binh Hoa Kỳ là vị chủ tịch đầu tiên của Ủy Ban Xây Dựng Tượng Ðài Chiến Sĩ Việt-Mỹ. Cố Nghị Viên Frank Fry đã đóng góp rất nhiều công sức trong việc hình thành nên tượng đài này từ lúc sơ khởi cho đến khi hình thành và bảo trì sau đó. Ông Craig Mandeville cũng không quên gửi lời cảm ơn đến cộng đồng người Việt đã tích cực đóng góp phần lớn vào quỹ xây dựng tượng đài.
Ðương kim thị trưởng thành phố Westminster, thành phố đầu tiên trên đất Mỹ có tượng đài ghi nhớ đến những hy sinh của các chiến sĩ Việt-Mỹ trong chiến tranh bảo vệ Tự Do ở Việt Nam, ông Trí Tạ, cũng phát biểu rằng: “Chúng ta tin tưởng ở sự bền vững của đất nước Hoa Kỳ cũng như sự bền vững của tượng đài biểu tượng cho tinh thần chiến đấu của những người lính Việt-Mỹ đã chiến đấu cho tự do. Thành phố Westminster xin được vinh danh Ủy Ban Xây Dựng Tượng Ðài và ghi nhận Tượng Ðài Chiến Sĩ Việt-Mỹ được 10 năm trong thành phố này.”
Sau phần phát biểu của một số quan khách Việt Mỹ, ban tổ chức đã mời các đoàn thể lên đặt vòng hoa tưởng niệm trước tượng đài. Chúng tôi ghi nhận được 10 đoàn thể Việt-Mỹ đã đem vòng hoa tới. Ðó là vòng hoa của Ủy Ban Xây Dựng Tượng Ðài, của thành phố Westminster, của hai người con trai và gái cố Chủ Tịch Frank Fry, của Liên Hội Cựu Chiến Sĩ VNCH Nam California, của các cựu SVSQ Ðại Học Chiến Tranh Chính Trị Ðà Lạt, của các cựu nữ sinh Gia Long, của các cựu Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, của anh em Cựu Tù Suối Máu, của các cựu nữ sinh Lê Văn Duyệt, của Hội Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ.
Buổi lễ kết thúc với phần niệm hương trước tượng đài của quan khách gồm khá đông viên chức Mỹ-Việt tại địa phương như Thượng Nghị Sĩ Lou Correa, Giám Sát Viên Janet Nguyễn và các thành phố Westminster, Garden Grove, Santa Ana... cùng là đồng hương người Việt tại Nam California.
Vào lúc 2 giờ chiều cùng ngày, hàng trăm cư dân quanh vùng Little Saigon cùng đến cầu nguyện và tưởng nhớ các thuyền nhân tại Ðài Tưởng Niệm Thuyền Nhân ở tại nghĩa trang Peek Family, Westminster.
Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam, Westminster. (Hình: Thiên An/Người Việt)
Nhà thơ Thái Tú Hạp, đại diện ban tổ chức buổi lễ, phát biểu trong diễn văn khai mạc: “Chúng ta cần phải vinh danh những người đã chết trong các cuộc vượt biển. Họ chính là chiến sĩ đã hy sinh cho tự do của mỗi người chúng ta và của con cháu chúng ta.”
Ông nhấn mạnh giá trị tinh thần của buổi lễ: “Ðể tưởng niệm đến anh linh những thuyền nhân, bộ nhân trong các cuộc vượt biên. Và cũng để nhắc nhở lưu truyền đến các thế hệ mai sau biết đến nguyên nhân hiện hữu của chúng ta tại xứ sở Hoa Kỳ và các xứ sở tự do khác trên thế giới.”
Buổi lễ có sự tham dự đông đủ của các vị lãnh đạo cộng đồng ở Orange County, cũng như lãnh đạo tinh thần phía Phật Giáo, Cao Ðài, Tin Lành...
Nhiều vị dân cử đại diện cơ quan, thành phố của họ để chia sẻ nỗi đau của gia đình các thuyền nhân, nỗi đau mất nước của cộng đồng. Không ít các vị cũng từng lên thuyền vượt biển năm xưa, như Luật Sư Nguyễn Quốc Lân, Ủy Viên Học Khu Garden Grove, hay nhà thơ Thái Tú Hạp, thành viên Ủy Ban Xây Dựng Tượng Ðài Thuyền Nhân. Cảm nghĩ chung của họ, những người thuyền nhân may mắn sống sót, là “không để cái chết của thuyền nhân trở thành vô nghĩa” và “nếu không có ngày Quốc Hận, thì không ai phải chết trên đường vượt biển”.
Bên cạnh các phần phát biểu của những nhân vật cộng đồng, của các thuyền nhân, là phần nhạc kỷ niệm do Ban Tù Ca Xuân Ðiềm và Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ phụ trách. Lời ca của những nghệ sĩ, khi đau đớn tột cùng, lúc da diết niềm chua xót mất mát, làm xúc động tâm cảm từng người tham dự.
Trong số hơn 300 người tham dự có những cư dân ở cách 1, 2 đồng hồ lái xe, đến để cùng Little Saigon thắp nhang cho các thuyền nhân, như một nghi thức tưởng niệm biến cố đau thương của cả dân tộc. Số còn lại, những người phóng viên Người Việt có dịp hỏi chuyện, là cư dân của Little Saigon, đến nguyện cầu cho chính người thân có tên khắc trên bia tưởng niệm. Nhiều người không nén được niềm xúc động khi trả lời phỏng vấn.
“Chồng tôi đi trước, rồi tới phiên con gái tôi. Nó đi rồi mất tích luôn với toàn bộ người trên thuyền,” bà Huệ Trần, cư dân Westminster, nói về lý do đưa bà đến buổi tưởng niệm. “Tôi đến đều lắm, mỗi tuần một lần không chừng, để thăm cháu. Nơi đây giờ là nơi yên nghỉ của cháu nó.”
Bà Huệ Trần cùng chồng đến với buổi tưởng niệm, vừa để cầu cho con, vừa để góp lời nguyện với cộng đồng cho tất cả các thuyền nhân khác.
Ông Tô Tiến Dũng, cư dân Cerritos, tuy không kể cụ thể kỷ niệm thuyền nhân của bản thân, ông nói: “Tôi đến để cầu nguyện chung cho các thuyền nhân.” Những ngày cuối Tháng Tư, với ông là “những lúc tôi nhịn ăn, để nhắc mình nhớ lại biến cố đau thương đó”. Ðến tham dự, ông cầm theo máy hình để ghi lại đầy đủ hình ảnh của buổi lễ.
Tách khỏi đám đông khán giả đang theo dõi chương trình buổi lễ, một người đàn ông vóc dáng gầy gò đi vòng phía sau sân khấu. Ông xưng tên là Lê Khoa, 74 tuổi, cư dân Garden Grove. Ông lặng lẽ đốt ba nén nhang, đến chỗ bia mộ có tên người cháu gái của ông.
Người tham dự trong giây phút mặc niệm để tưởng nhớ các chiến sĩ VNCH và các thuyền nhân đã khuất. (Hình: Thiên An/Người Việt)
Ông Khoa kể: “Nhà chú sống ở miền Trung. Có một đứa cháu đi vượt biên năm 1987 trên một chiếc ghe nhỏ. Ghe đã gần tới Philippines, thì chìm. Nó là một trong 17 người đã chết hôm đó.” Ông nói vẫn thường đến đây cầu nguyện cho cháu. “Nhà tôi có bàn thờ cho nó. Ít lâu nữa, tôi chết rồi tôi cũng đến nghĩa trang này với nó.”
Về tâm trạng của ông trong buổi tưởng niệm thuyền nhân, ông chỉ nói: “Vượt biên mà, một sống hai chết thôi cô.” Tuy ông trả lời như chấp nhận số phận, giọng ông đã run run từ hồi nào. Cặp kiếng mát vừa giấu đôi mắt hằn chân chim khỏi cái nắng gắt giữa trưa, vừa giấu luôn giọt nước mắt nghẹn ngào không kìm được.
Dù là chia sẻ nỗi đau, cảm nghĩ trước cộng đồng như các vị lãnh đạo, hay hòa vào chương trình tưởng niệm trong tư cách khán giả dưới hàng ghế, hay lặng lẽ ra phía sau thắp nén nhang cho người thân, tất cả những ai đến với buổi lễ tưởng niệm thuyền nhân hôm đó đều mang về một tâm trạng riêng cho nỗi đau chung của dân tộc.
“Ðể cứu con mình, em tự cắt thân em. Ánh mắt chết dần, vẫn mớm máu cho con. Rồi em lặng lẽ mất tan vào đại dương...” Câu chuyện của một phụ nữ trên hành trình vượt biển tìm tự do, trong bài hát Ðôi Mắt Phượng của nhạc sĩ Cao Minh Hưng, da diết đến ám ảnh người tham dự trên đường về.
Ðược biết, vào lúc 6 giờ 30 tối Thứ Ba, 30 Tháng Tư, Cộng Ðồng Việt Nam Nam California sẽ tổ chức lễ tưởng niệm Tháng Tư Ðen, tại Tượng Ðài Chiến Sĩ Việt Mỹ, đánh dấu đúng 38 năm người Việt xa quê hương.