main billboard

Càng bất ngờ hơn khi bà Phượng mới sang Mỹ 11 năm, và bà bắt đầu đi học ở tuổi 65.

ba tranthiphuong 1
Bà Trương Thị Phượng chụp hình trước tòa nhà của khoa quản trị kinh doanh. (Hình: Kristy Trịnh cung cấp)

GARDEN GROVE, California (NV) – Tháng Năm vừa qua, những ai tham dự lễ tốt nghiệp ở trường đại học Cal State Long Beach (CSULB) đều bất ngờ khi nhìn thấy cụ bà gốc Việt 75 tuổi Trương Thị Phượng nhận bằng cử nhân ngành quản trị kinh doanh.

Càng bất ngờ hơn khi bà Phượng mới sang Mỹ 11 năm, và bà bắt đầu đi học ở tuổi 65. Nói về sinh viên đặc biệt này của mình, ông Michael Solt, trưởng khoa quản trị kinh doanh của Cal State Long Beach, cho biết: “Bà đi học và học không thua gì những sinh viên trong độ tuổi 20 và tôi nghĩ các sinh viên trẻ rất tôn trọng bà vì điều đó.”

Chuyện học ở Mỹ

Tiếp phóng viên nhật báo Người Việt tại nhà ở thành phố Garden Grove, bà Phượng kể, những năm 1965-1966, bà học ngành Anh Văn ở Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, nhưng chuyện học bị đứt quãng vì thời cuộc.

“Đậu tú tài xong, tôi bắt đầu đi làm để kiếm sống giúp gia đình, nhưng đồng thời tôi cũng bước vào Đại Học Văn Khoa Sài Gòn vì có ý định muốn thành cô giáo dạy tiếng Anh. Nhưng vì chiến tranh đang ác liệt, gia đình cũng neo đơn, tôi là con cả nên phải ngừng học để phụ cha mẹ nuôi bảy đứa em. Tôi thật sự không tiếc là mình phải ngừng học,” bà kể.

ba tranthiphuong 2
Bà Phượng tạm biệt ông Michael Solt, trưởng khoa quản trị kinh doanh. (Hình: Kristy Trịnh cung cấp)

Đến năm 1967, bà thi tuyển đậu vào công ty Điện Lực Việt Nam và được đào tạo thành kế toán viên, làm được một năm thì bà trở thành trưởng phòng kế toán. Đến năm 1979 bà lập gia đình rồi theo chồng về Cần Thơ vì ông là nhân viên của Điện Lực Cần Thơ. Bà sống ở đó cho đến đầu năm 2007 thì sang Mỹ.

“Lúc mới qua, tôi ở nhờ nhà em gái út khoảng một năm rưỡi để giúp em nuôi các cháu. Đến mùa Thu năm 2008, em gái tôi chỉ cách xin đi học có sự tài trợ của chính phủ Mỹ, tức là ‘financial aid.’ Sau đó, tôi ghi danh học trường Coastline Community College ở Westminster. Sau đó, vì trường không đủ lớp, nên tôi học thêm ở đại học Golden West để chuyển tiếp,” bà kể tiếp.

“Sau khi đậu bằng AA ở Coastline, tôi chuyển lên học Cal State Long Beach vào năm 2013 để học quản trị kinh doanh vì từng có kinh nghiệm làm kế toán nhiều năm. Tại buổi giới thiệu trường cho sinh viên mới, ông khoa trưởng thấy làm lạ vì thấy có một người cao tuổi như tôi đi học,” bà kể thêm.

Nhà ở Garden Grove, lại không biết lái xe, nên mỗi ngày bà phải đi xe buýt tổng cộng bốn tiếng đồng hồ để đến trường. Những năm đầu học ở đây, lúc còn khỏe thì bà lấy những lớp buổi sáng, rồi khi sức khỏe xuống thì bà chọn những lớp xế chiều. “Tôi không dám chọn lớp vào buổi tối vì lý do tuổi tác và an toàn,” bà nói.

“Mỗi ngày tôi đều từ nhà đi bộ ra tiệm Lee’s Sandwiches ở góc đường Westminster và đường Brookhurst để lên xe buýt 60 đến trường. Để lên tuyến xe này đi thẳng đến trường như vậy là một duyên may lớn của tôi. Tình cờ tôi gặp được một phụ nữ đồng hương, bà chỉ cho biết tuyến xe này. Từ đó, trong mùa Hè tôi đi thử lên xuống mấy lần để nhớ xe chạy tới con đường nào để quen, rồi biết cách đi xe buýt vào mùa Thu,” bà chia sẻ.


ba tranthiphuong 3
Bà Trương Thị Phượng trò chuyện với phóng viên Người Việt tại nhà. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)

Trở ngại khi đi học

Là một người cao tuổi đi học đại học cùng với nhiều sinh viên trẻ tuổi, tất nhiên là phải có những trở ngại trong việc học. Bà Phượng cho hay, trở ngại lớn nhất với bà là nghe tiếng Anh không nhanh bằng các bạn trẻ, một phần là vì bà từng học ngoại ngữ này ở Việt Nam, nhưng theo cách dạy phát âm của người Anh, nên bà gặp chút khó khăn ở Mỹ.

Trở ngại lớn thứ hai là sử dụng kỹ thuật, nhất là máy tính. Bà cho rằng sinh viên trẻ dễ dàng sử dụng máy tính vì đã quen “vọc” từ nhỏ. Còn một trở ngại nữa với bà là sức khỏe và tuổi tác. Vì cao tuổi và sức khỏe không còn tốt nên bà chỉ lấy hai lớp trong một học kỳ, không như các sinh viên trẻ lấy đến bốn năm lớp.

Tuy vậy, bà Phượng vẫn không nhụt chí và vẫn cố gắng học. Điều gì không biết thì bà đi hỏi riêng các giáo sư, sau khi lớp vừa hết hoặc tại văn phòng của họ. Bà cho rằng, việc mình đi hỏi riêng các giáo sư có lẽ do bà từng có kinh nghiệm đi làm kế toán 32 năm nên bà rất tự tin.

Chính phong cách tự tin đã giúp bà có mặt trong lễ tốt nghiệp Cal State Long Beach vào Tháng Năm vừa qua. Tuy còn phải học thêm hai lớp nữa bà mới nhận được bằng đại học, nhưng vì chỉ tổ chức lễ tốt nghiệp vào mùa Hè nên các trường thuộc hệ thống Cal State cho phép sinh viên dự lễ tốt nghiệp nếu gần hoàn tất chương trình học như bà.

ba tranthiphuong 4
Bà Trương Thị Phượng (giữa), cố vấn học đường Kristy Trịnh (trái), và một bạn học chụp hình lúc lễ tốt nghiệp. (Hình: Kristy Trịnh cung cấp)

Cô Kristy Trịnh, cố vấn của khoa quản trị kinh doanh và là một người giúp đỡ bà Phượng rất nhiều trong khoảng thời gian đi học ở Long Beach, cho biết: “Tôi rất ngưỡng mộ bác, lớn tuổi như vậy mà đi học không bỏ một ngày nào. Bác là một tấm gương tốt cho giới trẻ, nên tôi và anh Charlie Nguyễn cố gắng giúp bác rất nhiều. Chúng tôi sẽ rất nhớ bác.”

Cô Alma Alvarado, sinh viên năm nhất, nói: “Bà đang cho chúng tôi, thế hệ trẻ, thấy được là mình có thể làm được nhiều điều nếu chịu khó và có đủ khát vọng.”

ba tranthiphuong 5
Bà Phượng và các bạn học. (Hình: Kristy Trịnh cung cấp)

Những lời khuyên dành giới trẻ

Chia sẻ về cách học của mình, bà Trương Thị Phượng kể, khi đi học, đặc biệt là khi thuyết trình, bà luôn có nhiều nhận xét về các bài thuyết trình của sinh viên. Bà cho rằng những sinh viên này thường thiếu chuyên nghiệp vì không được học qua các lớp dạy thuyết trình, từ cách nói đến cách ăn mặc.

Bà khuyên những sinh viên trẻ lúc nào cũng nên tìm cách học, học suốt đời để cầu tiến, phát triển bản thân mình vì con đường chữ nghĩa là cách để đi lên và là bổn phận của con người. Bà cho rằng nếu làm được điều đó thì sẽ tìm thấy tự do và hạnh phúc vì sẽ không bị hạn chế trong nhiều mặt.

Vì nhận được sự giúp đỡ của rất nhiều người, bà đã tiếp nhận được nhiều kiến thức, nhiều tiến bộ và khuyên những bạn trẻ nên luôn học hỏi vì điều đó sẽ đem lại cho họ một tấm lòng rộng lượng đối với mọi người trong xã hội, như các giáo sư và cố vấn đã cho bà. (Thiện Lê)