main billboard

Lần đầu là chương trình mang tên “Làn Điệu Ca Bắc”. Lần thứ 2 với “Nhã Nhạc Cung Đình Huế và Thính Phòng miền Trung”. Và lần này, là những giai điệu đẹp của sông nước miền Nam cùng thi nhau hòa điệu trong một chiều cuối tuần đầy thơ mộng.


nhac dantoc lachong 1
Giáo Sư Nguyễn Thị Mai (hàng đầu, giữa) cùng ban nhạc Dân Tôc Lạc Hồng trong hòa khúc “Tứ Đại Oán”. (Hình: Văn Lan/Nguời Việt)

WESTMINSTER, California (NV) – Cảm xúc dâng với bao nỗi niềm thương nhớ quê nhà đọng lại trong lòng người xem sau đêm ca nhạc “Tài Tử Cải Lương” do Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng trình diễn vào tối Thứ Bảy, 26 Tháng Năm, tại Viện Việt Học ở thành phố Westminster.

Đây là buổi trình diễn lần thứ 3 trong cuộc hành trình về quê hương của Giáo Sư Nguyễn Châu, cùng các thân hữu trong Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng và Viện Việt Học. Lần đầu là chương trình mang tên “Làn Điệu Ca Bắc”. Lần thứ 2 với “Nhã Nhạc Cung Đình Huế và Thính Phòng miền Trung”. Và lần này, là những giai điệu đẹp của sông nước miền Nam cùng thi nhau hòa điệu trong một chiều cuối tuần đầy thơ mộng.

Với 13 tiết mục, gồm hòa tấu, đơn ca, tân cổ giao duyên, độc tấu, trích đoạn cải lương, với những loại nhạc cụ dân tộc như đờn cò, tranh, tỳ bà, bầu, sáo, guitar cổ điển lại cùng nhau cất lên những giai điệu của miền Nam sông nước thanh bình.

Trước giờ trình diễn, mọi người cùng lắng lòng trong giây phút tưởng nhớ người vừa vĩnh viễn đi xa, ông Nguyễn Minh Lân, tổng thư ký Viện Việt Học, đã góp công gầy dựng và phát huy Viện cho đến ngày hôm nay.

nhac dantoc lachong 2
Trích đoạn “Trọng Thủy Mỵ Châu” với các nghệ sĩ Thu Hồng, Minh Hùng và Ái Liên. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Nhà văn Nguyễn Quang cho hay: “Với đờn ca tài tử miền Nam trong cộng đồng người Việt hải ngoại, nhất là ở Little Saigon đã hết sức để giữ gìn văn hóa truyền thống ông cha ngày xưa để lại. Chẳng những thế mà còn phát huy hơn nữa để con cháu trong tương lai một ngày nào đó sẽ đem trở về quê hương những gì tinh túy nhất mà trong nước hiện nay đã mai một. Mỗi khi có những buổi trình diễn như thế này, tôi đều ủng hộ và rất mừng khi các cháu nhỏ rất xuất sắc trong các hoạt động, thi thố và biểu diễn tại Hoa Kỳ.”

“Nếu nói đến giới trẻ, trước hết phải cảm ơn các bậc cha mẹ đã hết sức gìn giữ, phát huy vốn quý trong các lãnh vực văn học nghệ thuật, và trong tinh thần dân tộc cao độ, đã khuyến khích con em mình đi học tiếng Việt, học võ hoặc học các nhạc khí cổ truyền Việt Nam, và rất thương các em cháu cũng hăng say luyện tập để trình diễn cùng với các bạn thuộc các nền văn hóa khác, đó là cách bảo tồn văn hóa Việt. Tôi rất mong một ngày gần đây chính các em trẻ hải ngoại sẽ phục hồi những giá trị văn hóa Việt trên xứ sở mình”, nhà văn Nguyễn Quang nói thêm.

Một học trò của Giáo Sư Nguyễn Châu ở môn đờn cò, em Phil Phú Trần, vừa tốt nghiệp đại học UCI, rất hào hứng khi nói: “Lúc trước em không muốn học đàn cò đâu, tại mẹ bắt học một loại nhạc cụ Việt Nam, em bèn chọn loại đàn nào nhỏ nhất mà tiếng kêu to nhức đầu nhất thì học, thế là em chọn đàn cò. Sau khi học xong rồi mới thấy mê những loại đàn cổ truyền Việt Nam và đã trình diễn nhiều nơi, em rất thích. Hiện nay em vẫn thường xuyên luyện tập, bỏ tập là tiếng đàn không hay!”

Tiết mục mở màn là hòa tấu nhạc phẩm “Làng Tôi” sáng tác của Chung Quân, Giáo Sư Nguyễn Châu soạn cho các nhạc cụ dân tộc, được trình bày qua tiếng đàn của các nghệ sĩ Tiến Hùng (bầu); Ngọc Quỳnh, Lâm Dung (tỳ bà, nguyệt); Liên Tâm, Băng Tâm, Hạnh Dung, Vân Anh, Ái Liên (tranh); Quốc Long (nhị); Lê Sơ (sáo). Những nhạc cụ réo rắt hòa cùng nhau trong nỗi nhớ về làng quê thanh bình ngày cũ, với “cây đa cao ngất từng xanh, có sông sâu lờ lững vờn quanh, êm xuôi về Nam,” cùng với “bao mái tranh san sát kề nhau, bóng tre ru bên mấy hàng cau, đồng quê mơ màng…”

Chương trình tiếp nối với những tiết mục khi vui khi buồn với những tiết tấu trong các thể điệu vui buồn, ai oán sầu bi, hùng hồn hoặc nhẹ nhàng vui tươi qua các làn điệu Tây Thi, Tứ Đại Oán, Vọng Cổ, Xàng Xê, Song Phi Hồ Điệp, Tân Cổ Giao Duyên.

nhac dantoc lachong 3
Nghệ Sĩ Thu Hồng trong trích đoạn cải lương “Quan Âm Thị Kính”. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Không khí thay đổi khi những màn bi thương trong các trích đoạn “Trọng Thủy Mỵ Châu”, “Người Tình Trên Chiến Trận”, hoặc “Quan Âm Thị Kính” hoặc bài tân cổ giao duyên “Điệu Buồn Phương Nam” khiến thính giả vui buồn theo lời ca ý nhạc.

Đặc biệt, ngoài nhạc phẩm “Làng Tôi”, Giáo Sư Nguyễn Châu còn trình bày thêm một sáng tác mới “Đất Lành Lúa Trổ”, viết cho độc tấu đàn tranh do nghệ sĩ Liên Tâm biểu diễn. Liên Tâm là một dương cầm thủ tốt nghiệp từ Cal Sate Fulerton, đang giảng dạy về piano, nhưng vẫn gắn bó với đàn tranh và Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng bao năm qua.

Tiếng đàn tranh của Liên Tâm khiến người nghe như cảm nhận được một khung cảnh quê hương thanh bình với những cánh đồng lúa mênh mông bát ngát vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng đất cuối cùng trong hành trình đi về phương Nam của dân tộc.

Ông Cảnh Trần, người gốc Rạch Giá cho biết: “Đêm nay làm tôi rất xúc động nhớ lại người quê chúng tôi ngày xưa ai cũng biết hát vọng cổ và biết đờn các loại nhạc cụ này, nhất là trong những dịp cưới xin hoặc tang ma, cúng đình, lễ Tết, được dịp là ai nấy đều tham gia hát say sưa, và bà con vổ tay hoan hô rần rần vui vẻ lắm. Không khí đêm nay cũng vậy, mọi người ngồi nghe say đắm và tôi nghĩ rằng dòng nhạc tài tử miền Nam này không bao giờ mất!”

Cô Thu Hồng, một nghệ sĩ cổ nhạc cho biết cô là con nhà nòi trong gia đình, cha là nghệ sĩ Hoàng Sương, mẹ là Thu Vân trong gánh hát cùng với Út Trà Ôn, Hoàng Giang, Việt Hùng, Minh Chí.

“Tuy đang làm trong ngành ngân hàng, nhưng tôi rất thương mến bộ môn cải lương và cố gắng duy trì tại hải ngoại, khuyến khích và mời mọi người đến với bộ môn này, trong chương trình ‘Tình Người Viễn Xứ’ trên đài 57.3 hàng tuần,” cô nói.

nhac dantoc lachong 4
Ban Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng trong đêm ‘Đờn Ca Tài Tử và Cải Lương”. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Giáo Sư Đỗ Thị Huê Mỹ tâm sự rằng: “Tôi là người Nam, cũng biết ca vọng cổ nên buổi nhạc hôm nay rất đáng khuyến khích và trân trọng, với sự bảo tồn và phát huy tại hải ngoại trong bao năm nay của hai vị giáo sư Nguyễn Thị Mai và Nguyễn Châu cùng các thân hữu. Thật đáng khâm phục với tài ăn nói lưu loát của Luật Sư Nguyễn Hoàng Dũng, đã dẫn giải cho người nghe từ lịch sử hình thành của đờn ca tài tử cổ nhạc miền Nam, cho đến các trích đoạn, các loại nhạc cụ, làm cho người nghe, cả giới trẻ cũng thích thú khi cảm nhận và thưởng thức được trọn vẹn cả một lịch sử cổ nhạc miền Nam.”

“Giới trẻ tại Mỹ phải được tiếp xúc, được nghe thường xuyên từ những ông bà cha mẹ trong gia đình, thì mới yêu thích được loại âm nhạc này. Tối nay tôi rất vui khi thấy trên sân khấu có những em nhỏ hòa đờn cùng ban nhạc, bên dưới thì có nhiều em nhỏ đi cùng gia đình, ngồi nghe thích thú đến giờ cuối, thật đáng quý trọng!” Cô Mỹ nói.

Phải nói là đêm trình diễn đờn ca tài tử miền Nam đã thật sự chiếm trọn cảm tình người thưởng thức khi mọi người cùng ngồi hết chuơng trình, cùng thổn thức, vui buồn qua những nhạc phẩm được trình bày.