Tuy nhiên, mười mấy năm trước làm tiệm giặt còn có ăn, vì tiền thuê nhà rẻ. Càng về sau tiệm giặt khó ăn vì tiền nhà mắc quá.
Khách giặt đồ tại tiệm giặt ở góc đường Magnolia và Hazard, Westminster. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)
WESTMINSTER, California (NV) – Không còn thời hoàng kim như những thập niên trước, nghề kinh doanh tiệm giặt giờ đây cũng gặp nhiều khó khăn do mọi thứ đều tăng giá, thêm vào đó là khách hàng giảm, nên ảnh hưởng nhiều tới thu nhập của người làm nghề này.
Trước đây, vùng Little Saigon có hơn chục tiệm giặt do người Việt làm chủ, nhưng gần đây co cụm nhiều. Trên các trang quảng cáo, nhiều chủ tiệm bán, sang lại tiệm giặt với muôn vàn lý do: “Bán tiệm giặt (coin laundry) ở Westminster rộng 2,000 sqft. Chủ tiệm làm chủ gần 12 năm. Rent rẻ. Income $2,500 – $3,500/tháng. Giá $210,000. Liên lạc 714-809-xxxx.”
“Sang tiệm coin laundry vùng Anaheim, tiền rent rẻ, lease còn 15 năm. Xin gọi 714-589-xxxx.”
“Tiệm coin laundry, gồm 56 máy giặt, sấy. Lease còn dài, địa điểm tốt Anaheim, rộng 1,600 sqft. Trừ mọi chi phí, thâu vào hơn $4,000/tháng. Giá $245,000. Liên lạc 714-651-xxxx.”
“Sang tiệm coin laundry, có lợi nhuận 60 máy dryer & washer. Địa điểm tốt. Mọi chi tiết xin liên lạc 626-890-xxxx.”
Đó còn là do: “Tiệm giặt (coin laundry) cách Bolsa 15 phút, rất nhiều apartment xung quanh, good income, hùn hạp bất đồng cần bán gấp. Cơ hội tốt cho ai muốn làm chủ. Liên lạc 714-230-xxxx.”
“Cơ hội làm chủ tiệm coin laundry, rộng 2,000 sqft, tại Stanton, 69 máy giặt, sấy. Chung quanh dân cư đông đúc. Chủ về hưu cần bán và sẵn sàng hướng dẫn nếu cần. Giá $219,000.”
“Tiệm coin laundry rộng 1,600 sqft đóng cửa, cần bán 54 máy giặt và sấy hiệu Speed Queen, Continental, Milnor; máy đổi tiền hiệu Rowe. Liên lạc 714-867-xxxx.”
Một thời đếm bạc cắc làm giàu
Bà Theresa Trương, từng làm chủ tiệm giặt ngay góc đường Garden Grove và Gilbert, Garden Grove, kể: “Gia đình tôi có hai tiệm nail và một tiệm giặt. Tiệm giặt nằm ở khu vực rất an ninh, có chỗ đậu xe rộng rãi, có 26 máy giặt, 18 máy sấy, cùng máy bán xà bông, máy đổi tiền, máy camera, máy tính tiền, cân điện tử, ti vi, máy nước nóng, có cả chỗ đặt máy bán nước ngọt và snack.”
“Hồi đó tiền mướn có $1,600 một tháng, nếu ký hợp đồng hơn bốn năm thì còn lại $1,200. Rồi tiền điện, nước, cống, rác chung một hóa đơn khoảng gần $600 hằng tháng, cộng thêm tiền gas xài cho máy nước nóng và máy sấy khoảng $250 mỗi tháng nữa. Thu nhập hằng tháng trong khoảng $5,000 đến $6,500, đó là chưa kể tiền bán hàng lặt vặt như xà bông, nước ngọt…” bà kể tiếp.
“Nghề coin laundry hoàn toàn thu nhập tiền mặt, chủ cũng không phải mất nhiều thời gian, chỉ cần mướn một người trông coi, quét dọn, kiểm soát xem máy móc cái nào hư rồi dán giấy báo cho khách biết để khỏi sử dụng, và báo cho chủ biết để ra sửa chữa. Nhưng vì lớn tuổi, nên tôi sang lại tiệm, chứ bỏ đi cũng tiếc, cả chục năm có đồng ra đồng vào nhờ nó,” bà nói.
Ông Randy Chung (phải), chủ nhân tiệm Launderland Water & Phone Card (trong khu chợ Mỹ Thuận, Westminster), bán vé số cho khách. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)
Ông Randy Chung, chủ nhân tiệm Launderland Water & Phone Card (trong khu chợ Mỹ Thuận, Westminster), cho biết: “Tôi thuê mặt bằng từ năm 2000 tới giờ để mở tiệm này, tới nay cũng tròm trèm 18 năm rồi. Nói đúng ra, hồi đó tôi có nghề làm bánh nhưng cực quá, rồi thấy nghề này cũng dễ nên ‘đút đầu’ vô thôi. Làm thấy cũng tốt, vậy thì cứ làm.”
“Chủ không cần có mặt thường xuyên, chỉ cần một tuần đến vài lần để kiểm soát máy móc, lấy tiền từ máy về, cho thêm hàng hóa vào mấy cái máy tự động bán bột giặt, thuốc tẩy… là xong, bởi vì trong tiệm hầu như tất cả đều sử dụng máy móc tự động, khách cứ thế mà tự giặt lấy đồ của mình,” ông nói.
“Tuy nhiên, mười mấy năm trước làm tiệm giặt còn có ăn, vì tiền thuê nhà rẻ. Càng về sau tiệm giặt khó ăn vì tiền nhà mắc quá. Do đó tôi mới thay đổi chiều hướng làm. Đúng ra tiệm này chỉ là tiệm giặt, nhưng sau đó tôi co hẹp lại, thay đổi chiều hướng thêm bán nước uống, bán báo, bán tạp hóa, bán vé số, bán dược thảo, bán thẻ điện thoại… để có tiền trả tiền phố,” ông nói thêm.
Ông Thiết Nguyễn, một chủ tiệm cũ ở Anaheim, cho hay: “Mở tiệm là phải coi xung quanh vùng đó như thế nào, bởi vì tiệm chỉ sống được ở khu vực dân cư nghèo. Do sống ở chung cư, hoặc thuê nhà mà chủ không cho giặt giũ, nên họ mới đem đồ ra tiệm giặt. Chứ khu vực khá giả, thì nhà nào cũng có máy giặt, đâu ai đi giặt ở ngoài.”
“Muốn giặt đồ thì duy nhất xài tiền xu, vì vậy mà người ta nói làm nghề này kiếm bạc cắc là vậy. Tuy là bạc cắc nhưng cộng lại cả tuần cũng ‘bộn’ lắm. Mà cũng vì phục vụ người có thu nhập thấp, nên đôi khi vì không có chủ hiện diện, lâu lâu gặp khách hàng xấu tính, cũng bị họ quậy phá, làm hư máy móc, hoặc cạy máy, ăn cắp tiền lẻ, cũng phức tạp lắm,” ông nói.
“Bây giờ nghề này cũng gặp nhiều khó khăn, chi phí tăng cao, nhiều luật lệ khắc nghiệt mới, giá tiền nước tăng cao, giá điện cũng lên, nhất là giá thuê nhà tăng nên không còn kiếm tiền dễ dàng như trong quá khứ. Tuy nhiên, nghề này vẫn còn sống được, so với một số nghề khác thì thu nhập vẫn còn tốt,” ông nhận xét.
“Chỉ làm tiệm giặt là lỗ”
Sống bằng nghề kinh doanh tiệm giặt 18 năm nhưng “tôi đã bị dẹp hơn phân nửa rồi, chỉ còn 28 máy thôi. Trước đây tiệm này toàn máy giặt chứ không kinh doanh thêm như bây giờ. Tôi co lại từ năm 2011-2012. Co lại vì tiền nhà cao quá nên máy giặt không thể sống được, phải thay đổi. Tiền nhà từ $2,000 lên đến hơn $6,000 thì không chịu nổi,” ông Randy Chung nói.
“Lúc mở 60 máy thì tiền nhà rẻ, còn bây giờ lên gấp ba lận. Nếu mình tăng giá thì khách sẽ không đến nữa, vì khách đến giặt đồ đa số là người có thu nhập thấp nên họ xài tiền rất kỹ, chi li từng xu một, nên chẳng thà họ đi chỗ khác. Tiền nhà tăng nên giảm máy lại và kinh doanh thêm, chứ tiệm giặt không thì sống không nổi. Nếu chỉ làm tiệm giặt không thì lỗ đó, không cách nào sống được hết,” ông than thở.
Ông cho biết, tuy làm không còn lời nhiều như trước đây nhưng ông vẫn duy trì tiệm vì “gắn bó lâu quá rồi nếu bỏ thì không biết làm gì. Thêm vào đó, tiệm có khách ổn định, đây là những khách hàng sử dụng dịch vụ này hàng chục năm qua. Khách ngoài giặt đồ còn mua thêm này thêm kia, bù qua đắp lại, nói đúng ra thì cũng có đồng ra đồng vào.”
“Một tháng tiền điện, tiền nước cũng hơn $1,000. Ở đây mắc nhất tiền nhà. Chỉ có khu này thì khó khăn vì tiền thuê nhà rất nặng, còn mấy khu khác tiền phố căn bản thôi. Lúc trước tiền phố căn bản thì sống rất dễ, nay thay đổi tiền phố thì chật vật hơn. Thí dụ, lúc trước lời được nhiêu đó, sau này tiền phố lên, mình không chịu đựng nổi thì một là ‘chạy,’ hai là phải thay đổi,” ông nói.
Kể về công việc kinh doanh, ông Randy Chung cho hay năm 1985, lúc 22 tuổi, ông vượt biên sang đây rồi đi học một thời gian thì được người bạn làm nghề làm bánh truyền nghề. “Lúc đó tôi chỉ làm bánh donut và sau đó mở tiệm. Tiệm lúc đó đông khách, người ta thích ăn. Nhưng làm bánh thì quá cực, hầu như làm suốt 24 tiếng, nên tôi muốn đổi nghề để không phải thức khuya, dậy sớm quá nhiều,” ông kể.
“Đến năm 2000 thì tôi chuyển qua nghề kinh doanh tiệm giặt, do thấy người ta làm cũng được nên thử. Vì làm bánh cực quá nên tôi coi nghề nào nhẹ nhàng thì làm, chỉ bấy nhiêu thôi. Nói chứ, chắc cực quen rồi nên thấy nghề giặt không cực lắm,” ông cười nói.
“Lúc tôi mở tiệm giặt thì xung quanh cũng có vài tiệm rồi. Sang cái tiệm này cũng hơn $100,000. Khi chuyển qua thì gia đình vẫn ủng hộ, vì nghề làm bánh cũng mệt mỏi rồi. Do vậy khi đổi nghề thì chỉ một suy nghĩ, cho mình đủ ba bữa cơm mỗi ngày là được, chứ không hy vọng làm giàu,” ông nói thêm.
Ông Randy Chung tự sửa máy giặt bị hư. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)
Vào nghề này, điều khó nhất mà ông gặp phải, là khi máy móc bị hư. “Làm nghề này mà không biết sửa thì cho thợ ăn hết, không có dư, nên phải tự mày mò sửa hết. Không cái nào hư giống cái nào, cả chục máy hết hư cái này đến hư cái khác. Nó hư bất cứ lý do gì, chẳng hạn bà con để đồ nhiều quá cũng bị nghẹt. Cái máy như xe hơi vậy đó, mà xe hơi có một chiếc bảo trì dễ, còn cái này nhiều quá,” ông kể.
Cũng vì giá thuê nhà mỗi năm một cao nên năm 2011 ông bỏ bớt máy, rồi cho một đồng hương thuê một góc làm chỗ sửa quần áo, một góc còn lại ông bán nước uống, bán báo, bán tạp hóa, bán vé số, bán dược thảo, bán thẻ điện thoại, làm chìa khóa… để có tiền trang trải chi phí. “Bán nước uống, bán vé số, hay cái gì cần có giấy phép thì tôi đều có giấy phép cả,” ông nói.
Ông cho hay: “Bất ngờ là hồi 25 Tháng Giêng, 2012, tức mùng Ba Tết Nhâm Thìn, tiệm tôi được đại diện của công ty Xổ Số California Lottery gọi điện thoại thông báo và chúc mừng tiệm bán được tấm vé số Super Lotto trúng giải độc đắc $11 triệu. Lúc đó tôi vui không thể nào tả nổi, nhảy tưng tưng lên luôn.”
“Khi đó tiệm mở cửa gần 12 năm, nhưng mới bán vé số chừng một năm thôi mà đã được ‘thần tài gõ cửa’ nên tôi vui lắm. California Lottery còn cho người xuống để giúp tiệm trang trí lại cho đẹp mắt, cũng như treo banner ‘Millionaire Made Here’ cho biết tiệm đã bán ra vé trúng giải đặc biệt. Tôi treo banner này suốt từ đó đến nay trước cửa tiệm,” ông cười tươi nói.
Do bán được vé trúng giải độc đắc $11 triệu nên theo quy định, tiệm của ông được hưởng 0.5% trị giá vé trúng, và nhận được khoảng $55,000. “Tới giờ tôi cũng không biết người nhận giải tấm vé số trúng này là ai, nhưng tôi nghĩ chắc là người Việt Nam mình thôi, bởi vì khách của tiệm tôi 99% là người Việt Nam,” ông khẳng định.
Từ tiệm giặt này, ông không chỉ “cần ba bữa cơm là vui rồi” như ông nói, mà ông còn tạo cho người thân có công ăn việc làm, cho đồng hương có chỗ thuê để kinh doanh.
“Ngoài tôi và vợ thì tôi có thêm hai người làm giúp. Ba đứa con tôi, hai đứa đã học xong đại học, một đứa học trung học, và tuy đã tốt nghiệp, đi làm rồi nhưng cuối tuần vẫn ra giúp, mỗi đứa giúp nửa buổi. Các cháu làm vì thích, vì đã quen làm từ nhỏ, và thích làm để được học tiếng Việt,” ông kể.
“Tiệm này như gia đình, như cái nhà vậy. Làm việc chưa bao giờ thấy căng thẳng. Nhìn bà con đi ra đi vô là mình vui rồi. Tôi cũng từng nghĩ một ngày sẽ buông, nhưng cũng chưa tới ngày ấy,” ông cười khì, nói. (Quốc Dũng)