Không lớn như Lễ Tạ Ơn hay Giáng Sinh, nhiều sinh viên ở lại trường cho qua ngày Lễ Phục Sinh. Có người nói “cũng như ngày thường,” có người tâm sự “buồn chứ, vì muốn nhưng không về được.”
WESTMINSTER (NV)-Như nhiều ngày lễ khác, phi trường John Wayne của Orange County tấp nập nào người với người, trong đó có nhiều sinh viên gốc Việt từ khắp nơi về thăm nhà nhân dịp Lễ Phục Sinh. Những sinh viên còn lại, quyết định ở lại trường, với nhiều lý do và cảm xúc khác nhau.
Kim Nguyễn, hàng trên, thứ hai từ trái, là một trong các sinh viên từ trường về nhà ăn Lễ Phục Sinh cùng gia đình. (Hình: Thiên An/Người Việt)
Ở lại trường
Không lớn như Lễ Tạ Ơn hay Giáng Sinh, nhiều sinh viên ở lại trường cho qua ngày Lễ Phục Sinh. Có người nói “cũng như ngày thường,” có người tâm sự “buồn chứ, vì muốn nhưng không về được.”
Tuy dậy từ sớm theo thói quen, Chad G., sinh viên năm cuối ngành vật lý, “nằm nướng một chút coi như tự thưởng.” Chad là một trong các sinh viên dự tính về thăm nhà ngày lễ này, “nhưng lại thôi.” Anh cho biết cách rẻ nhất mà anh đi từ trường ở Bắc California về nhà ở Los Angeles là đi xe đò Hoàng, chi phí tổng cộng hết $90. “Nhưng nhà mình ăn lễ vào tối Chủ Nhật, sáng hôm sau mới ra xe về lại thì không kịp mấy lớp Thứ Hai.”
Cũng như những sinh viên khác học xa nhà, Chad nấu hoặc hâm lại những thức ăn mua từ trước để trong tủ lạnh, ăn qua bữa rồi học bài. “Nếu trời tạnh mưa, em sẽ đạp xe đến trường, học ở đó mình dễ tập trung hơn.” Từ tối Thứ Bảy, trời Berkeley mưa nhẹ, nhưng mãi không tạnh. Mây xám phủ đầy không có dấu hiệu gì cho thấy ngày Lễ Phục Sinh năm nay sẽ ấm áp hơn mọi ngày.
Chuyến bay cuối cùng từ Bắc California đáp xuống phi trường John Wayne, Orange County của hãng Southwest vào tối Thứ Bảy, 30 Tháng Ba. (Hình: Thiên An/Người Việt)
Ở một nơi xa hơn, lạnh hơn trường của Chad là tiểu bang New York, nơi anh Vĩ Lê đang học cao học ngành Quan Hệ Quốc Tế. “Gia đình mình sống ở Oakland, phía Tây. Mình ở phía Đông, học thạc sĩ hai năm rồi về luôn. Chứ đi đi về về cũng tốn kém,” anh Vĩ cho biết.
Theo lời anh, những ngày lễ của anh tại New York chỉ khác ngày thường ở chỗ là không phải đến lớp. Nói về ngày Chủ Nhật Phục Sinh này, anh Vĩ cho biết: “Bình thường thì đi học rồi về nhà, cuối tuần thì kiếm tụi bạn thân mới quen để 'nhậu cho vui.' Chắc chiều Chủ Nhật sẽ đi chơi với mấy người trong lớp.”
“Đâu phải cứ buồn là về nhà,” anh Vĩ cười. Tuy sinh tại Mỹ, anh nói tiếng Việt, giọng Đà Nẵng, khá rõ so với các bạn bè gốc Việt khác nhờ hay trò chuyện với gia đình ở California.
Các trường đại học lớn thường có các chương trình nhằm giúp xoá đi cảm giác lẻ loi của các sinh viên phải ở lại trường trong những ngày lễ tết. Những hoạt động tưởng như rất đơn giản như mời các em dùng bữa tại những gia đình bảo trợ, hay cùng trang trí phòng nội trú, có ý nghĩa rất tích cực về mặt tâm lý cho các thanh niên.
Ngược lại, nhiều sinh viên cũng tự tổ chức các sinh hoạt nhỏ với bạn bè, tuy nhiên, các sinh hoạt này không phải lúc nào cũng tích cực. Nếu theo dõi, phụ huynh có thể thấy được nhiều trang mạng được các sinh viên dùng để tường thuật lại các buổi nhậu nhẹt, hút sách, ví dụ như bài bút ký “Easter in Your Twenties” (Lễ Phục Sinh Của Tuổi 20), do một sinh viên năm cuối tên Alexandra Jones viết.
Về thăm nhà
Tuy không lớn như Giáng Sinh hay Lễ Tạ Ơn, Lễ Phục Sinh rơi vào tuần nghỉ giữa kỳ Spring Break của nhiều trường đại học, khiến nhiều sinh viên gốc Việt quyết định về nhà để ăn mừng lễ.
Ba em sinh viên gốc Việt (ngoài cùng bên phải), tuy học ở các đại học khác nhau, cùng trò chuyện trong lúc lấy hành lý và chờ người thân đến đón ở phi trường John Wayne. (Hình: Thiên An/Người Việt)
“Em thích về ngày lễ vì có nhiều người hơn, gặp nhau, nói chuyện để xem tình hình mọi người thế nào,” Kim Nguyễn, sinh viên năm hai ngành Tâm Lý Học tại UC Riverside cho biết. Dù thăm nhà ở Little Saigon đều đặn mỗi tháng, Kim nói Lễ Phục Sinh vẫn là một trong những dịp em thích nhất trong năm.
Với các sinh viên ở xa hơn thì chuyện về thăm nhà mất nhiều thời gian và tiền bạc hơn, cả hai thứ mà các sinh viên thường thiếu.
Ánh Vũ, phụ tá nghiên cứu sinh tại trường UC Berkeley, mua vé cho chuyến bay cuối cùng tối Thứ Bảy của hãng hàng không Southwest, đáp xuống phi trường John Wayne, lấy hành lý xong cũng gần 10 giờ đêm. “Nhớ nhà với lại thèm đồ ăn Việt Nam quá nên về,” cô chia sẻ trong lúc chờ người nhà ra đón. Tranh thủ phút rảnh tay, cô vừa lật vội những trang tài liệu của dự án nghiên cứu cần nộp vào đầu Tháng Tư. Cô cho biết gia đình là người Công Giáo và thường tụ họp đông đủ mỗi Chúa Nhật Phục Sinh.
Trước ngày Lễ Phục Sinh, phi trường John Wayne, phi trường gần khu Litte Saigon nhất, tiếp đón hàng trăm sinh viên gốc Việt về thăm nhà. Áo đồng phục, xanh có, đỏ có, với tên trường in lớn, cùng tiếng nói cười hồn nhiên của các em khiến không khí tại phi trường thêm rộn rã trong ngày lễ.
“Một năm có vài lần thôi, chỉ mong được gặp con gặp cháu những lúc này,” bà Hân Nguyễn, một cư dân 87 tuổi ở thành phố Santa Ana, cho biết. Từ nhiều ngày trước Lễ Phục Sinh, bà đã thúc con dâu làm thật nhiều chả giò, món mà “tụi nhỏ ăn dữ lắm.” Cả gia đình bà Hân lo dọn bữa, ngay sau khi trở về từ thánh lễ Chủ Nhật, để chuẩn bị thức ăn cho gần ba mươi con, cháu ở khắp California về thăm.