... ngày nay đa số mọi người rất quan tâm đến sức khoẻ nên họ đòi hỏi cao hơn về phẩm chất thực phẩm. Thực phẩm phải ngon, sạch, có nguồn gốc rõ ràng.
Khách hàng mua rau quả tại chợ Saigon City. (Hình: Trúc Linh/Người Việt)
WESTMINSTER, California (NV) – Ngày trước, khi đời sống khó khăn, người ta ăn chỉ để cho no. Sau đó, khi đời sống khá hơn, chuyện ăn uống được nâng lên, nghĩa là thức ăn không phải chỉ ngon, mà còn phải đẹp mắt, đa dạng. Còn ngày nay thì sao và điều gì là quan trọng nhất trong chuyện ăn uống của người dân ở Little Saigon?
Chị Kim Yến ở Fountain Valley cho biết, “healthy” là quan trọng nhất trong chuyện ăn uống của chị từ nhiều năm nay. Hiếm khi chị ăn thịt bò, thịt heo hay những thức ăn nhiều đạm khác. Chị ăn thịt gà, đậu hũ, cá và rất nhiều rau củ quả.
“Với cá, tôi thường ăn nướng, thịt gà, đậu hũ thì chế biến thay đổi để đỡ ngán. Còn rau quả, tôi ưu tiên ‘steam’ bởi đây là cách chế biến ‘healthy’ nhất. Loại nào không ‘steam’ được, tôi mới nấu canh,” chị Kim Yến cho biết.
Chị Kim Yến cũng “tuyệt đối tránh xa” những loại thức ăn vặt nhập từ Việt Nam, bởi lo sợ cho sức khỏe, không biết người ta làm thế nào, cho cái gì vào, có dùng chân đạp như trên nhìn thấy trên internet hay không. Chị nói, người quen ở Việt Nam sang chơi, mang quà biếu nhiều lắm nhưng trong nhà chẳng ai ăn. Nhưng đâu thể nói cho người ta biết lý do vì sao mình không ăn, người ta sẽ giận và bảo mình chảnh chọe, học đòi người Mỹ.
Chị Linda Hoàng ở Cinnamon Creek apartment, chủ một tiệm facial trên đường Westminster cho biết, rau xanh chiếm phần lớn trong bữa ăn hằng ngày. Chị gần như không ăn các món kho và tuyệt đối không bao giờ ăn các món ngọt. Chị nói: “Tôi là ‘fan’ của thực phẩm organic và của Costco bởi hoàn toàn yên tâm về phẩm chất. Tôi đi Costco mua đồ ít nhất một lần mỗi tuần. Tôi đặc biệt thích mua rau spinach mà mình hay gọi là rau chân vịt, ở Costco vì rất tươi và rẻ. Ngoài ra, tôi cũng thích Trader Joe’s bởi thực phẩm họ bán, đa số là ‘healthy,’ kể cả những thức ăn đông lạnh.”
Cũng là “fan” của thực phẩm organic, chị Tuyền Nguyễn ở thành phố Garden Grove cho hay, từ sữa, trứng cho đến thịt, rau, đều chọn mua organic bởi theo chị “lo cho sức khỏe là đầu tư khôn ngoan nhất.”
“Ở tuổi tôi, có lẽ hơi muộn trong việc ăn thực phẩm sạch, nhưng các con tôi còn nhỏ, việc ăn uống lành mạnh rất quan trọng cho sự phát triển của các cháu. Tôi không cho các cháu uống nước ngọt, còn đồ ăn nhanh của Mỹ thì hạn chế tối đa. Nhưng khi đi tiệc tùng, chúng tôi cũng ăn uống bình thường như người khác để hòa đồng với mọi người.”
Khách hàng nhận xét rau ở chợ T&K rất tươi. (Hình: Trúc Linh/Người Việt)
Vào các chợ Việt Nam cũng dễ thấy nơi có nhiều khách hàng nhất là khu vực rau củ quả. Đang chọn mua rau ở chợ T&K trên đường Bolsa, bác Hằng Ngô ở thành phố Westminster cho biết, bác rất thích mua rau ở chợ T&K vì rất tươi, mặc dù giá có hơi cao hơn chợ khác chút xíu.
Bác nói: “Hai vợ chồng già, ăn đâu có bao nhiêu cô ơi, mua đồ ngon cho đảm bảo sức khoẻ, chết đâu có mang theo được gì. Chúng tôi ăn uống lành mạnh lắm và cũng nhờ Trời thương, không bị bệnh gì hết. Bạn bè cỡ tuổi chúng tôi, người thì bị tiểu đường, người mỡ máu cao. Khi bị những bệnh này, khổ lắm cô ơi, phải kiêng đủ thứ.”
Bác Hằng cho biết chồng bác là bác sĩ, hiện đã nghỉ hưu. Từ hơn 40 năm trước, khi mới cưới nhau, chồng của bác lập thời khóa biểu ăn uống hằng ngày. Mỗi ngày bác cứ theo đó mà nấu.
Anh Tony Lâm, nhân viên của chợ T&K cho biết, ngày nay đa số mọi người rất quan tâm đến sức khoẻ nên họ đòi hỏi cao hơn về phẩm chất thực phẩm. Thực phẩm phải ngon, sạch, có nguồn gốc rõ ràng. “Tôi dám khẳng định, rau củ ở chợ chúng tôi tươi ngon nhất vùng Little Sài Gòn này, bởi chúng tôi chỉ mua các sản phẩm có phẩm chất loại một. Đi một vòng các chợ chị sẽ nhìn thấy.”
Anh Tony Lâm, nhân viên ở chợ T&K. (Hình: Trúc Linh/Người Việt)
Tại chợ Saigon City, khách hàng tại khu vực rau cũng khá đông. Anh Thành Nguyễn đang đi cùng con trai là bé Johny Nguyễn, 5 tuổi, cho biết: “Bà xã giao hai cha con tôi đi chợ vì cô ấy muốn hai cha con tôi chọn loại rau gì mà chúng tôi có thể ăn được. Cô biết mà, đàn ông con trai đâu có thích ăn rau. Cô ấy cứ cằn nhằn suốt ‘phải ăn uống cho healthy, nếu không sẽ bị bệnh tùm lum như mấy người cô ấy quen biết.’”
Khi được hỏi có bao giờ gia đình anh mua bánh mứt từ Việt Nam xuất sang không, anh Thành Nguyễn cười: “Tôi không ăn vặt, nếu ăn tôi sẽ mua. Nhưng bà xã tôi kỹ lắm à nha, cô ấy không chịu mua đâu vì sợ không sạch sẽ.”
Anh Qưới Phạm, giám đốc chợ Saigon City nhận xét: “Không riêng thế hệ trẻ, phần lớn mọi người ngày nay đều cố gắng ăn uống ‘healthy,’ bởi ai cũng sợ bệnh, sợ chết, sợ nhanh già. Không chỉ thịt, cá, rau, củ, quả,… đến cả gạo, khách hàng cũng quan tâm đến nơi sản xuất. Từ khi gạo Panda có mặt trên thị trường đến nay, những loại gạo từ Châu Á nhập sang giảm doanh số bán. Nếu ai chưa biết gạo Panda, xin hãy google để biết gạo này tốt như thế nào.”
Hỏi về những mặt hàng ăn vặt như bánh, kẹo từ Việt Nam nhập cảng thì sao, có còn bán được như trước đây không, anh Tony Lâm cho biết vẫn bán bình thường như trước. Cùng câu hỏi này, anh Qưới Phạm trả lời: “Một số người nghĩ rằng bánh, kẹo, mứt từ Việt Nam nhập sang không bảo đảm vệ sinh, điều này không đúng bởi tất cả những sản phẩm khi nhập qua thị trường Mỹ đều phải theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm mà phía Mỹ đưa ra. Bởi vậy, chúng tôi vẫn bán tốt bởi đa số khách hàng hiểu chuyện này. Nói chung khách hàng chỉ e dè với những sản phẩm ‘Made in China’ thôi.” (Trúc Linh)