“Chỉ nhích qua bên này một phân nữa thôi thì xương đùi tôi tan tành rồi. Nhích qua bên kia một phân thì trúng động mạch và tôi đã mất máu và chết trong rừng rồi.”
Bộ phim The Vietnam War đang được trình chiếu trên đài PBS. Hình minh họa: Wkar.org)
HOUSTON, Texas (NV) – Trích dẫn từ báo Houston Chronicle là câu chuyện của cựu chiến binh VNCH, ông Trần Ngọc Toàn, khi ông bị thương ở chân vì Việt Cộng bắn trúng ông hai phát ở đùi. Ông phải giả chết và bị Việt Cộng bắn thêm ba phát nữa sau khi đá vào người ông.
“Bốp! Bốp! Bốp!” Ông kể cho phóng viên Houston Chronicle. Ông bị bắn thêm vào bên trái, phía dưới xương ngực. Rồi cả bọn bỏ đi vì tưởng ông chết rồi.
Không đầu hàng, người chiến sĩ kiên cường này bò lên và suốt ba ngày ròng rã, tìm về ngôi làng mà trước đó QLVNCH và đồng minh Thủy Quân Lục Chiến Mỹ bị Việt Cộng phục kích vào cuối năm 1964.
Hơn 50 năm sau, câu chuyện này của ông Toàn trở thành một phần trong bộ phim phóng sự “The Vietnam War” được trình chiếu trên đài truyền hình PBS.
Kể lại câu chuyện, ông Toàn vẫn giữ vẻ lạc quan.
“Tôi quá may mắn, được đưa vào bệnh viện Nam Hàn. Nếu bị đưa về Sài Gòn, chắc họ cưa chân tôi rồi. Bác sĩ bảo tôi đây là một phép lạ.” Ông chỉ vào đùi phải, chỗ viên đạn AK-47 xuyên qua da thịt mình. “Chỉ nhích qua bên này một phân nữa thôi thì xương đùi tôi tan tành rồi. Nhích qua bên kia một phân thì trúng động mạch và tôi đã mất máu và chết trong rừng rồi.”
May quá, viên đạn xuyên qua đùi ông một cách tài tình, chỉ để lại vết thẹo lớn thôi. Sáu tháng sau, ông trở lại chiến trường.
Trận Đồng Xoài, Bình Giã, nắm vai trò quan trọng trong bộ phim “The Vietnam War” của hai đạo diễn Ken Burns và Lynn Novick.
Trung Úy Thủy Quân Lục Chiến Philip Brady, cố vấn quân sự, kể với các nhà làm phim rằng năm 1964, cũng như mọi binh lính Mỹ, ông tin chắc rằng phần thắng đã nằm trong tay họ.
Đến Đồng Xoài, Bình Giã, ông mới vỡ lẽ ra rằng Mỹ đang thua trận.
Để giữ sự trung thực, trận Đồng Xoài, Bình Giã, được thuật lại từ ba góc nhìn, phía Mỹ của Trung Úy Brady, phía Nam Việt Nam của ông Toàn, và phía Việt Cộng của ông Nguyễn Văn Tống.
Trong hàng trăm người được phỏng vấn cho bộ phim, ông Toàn chiếm một vị trí quan trọng, ngay cả xa hơn trận Bình Giã.
Với những điều ông Toàn chia sẻ, ông là một “ngôi sao lớn,” ông Burns nói.
Những gì ông Toàn kể lại làm sáng tỏ câu chuyện về cuộc chiến.
Người Mỹ không thích nói về chiến tranh Việt Nam.
Câu chyện của ông Toàn, do đó cho bộ phim cái nhìn rõ ràng hơn.
Trước khi đi Mỹ, ông ở Đà Lạt, nơi ông học tại Trường Võ Bị Sĩ Quan Đà Lạt.
Năm 22 tuổi, ông tốt nghiệp và trở thành quân nhân Thủy Quân Lục Chiến, Tiểu Đoàn 4 “Kình Ngư.”
Cuối năm 1964, khi Mỹ gởi quân nhân đến Đồng Xoài thì ông Toàn đã dày dạn chiến trường.
Không ai có thể ngờ, Việt Cộng đã di chuyển hàng ngàn quân và đạn được xuyên rừng, vào gần đến Sài Gòn.
Cho dù ông Toàn lãng tai vì tuổi tác và vì bom đạn, ông vẫn nhớ được ngày tháng một cách tinh tường.
Ngày 28 Tháng Mười Hai, 1964, trận Đồng Xoài bắt đầu khi Việt Cộng tấn công. Họ nhanh chóng chiếm đóng tỉnh lỵ và quân viện trợ của Mỹ đổ bộ.
Khi quân Mỹ phải rút lui, QLVNCH bị tấn công.
Ông Toàn bị bắn vào đùi phải. Vì còn đi được, ông tiếp tục chiến đấu. Và ông chiến đấu cho đến 30 Tháng Tư, 1975.
Đời ông khó nhọc hơn xưa. Như bao nhiêu sĩ quan khác, ông bị đi tù cải tạo. Ông gọi thời gian bị giam cầm tại Lào Cai là “trại lao động.”
Mười năm sau, được thả về, ông vượt biên đến Indonesia.
Giữa thập niên 1980, ông đến San Francisco rồi đến Washington, DC. Tại đây ông làm thợ sơn nhà.
Ông về hưu tại Houston năm 2005 vì khí hậu Washington, DC quá lạnh.
Ông hiện sống cùng vợ là bà Kim Quy gần Beltway.
“Khí hậu và đời sống ở đây dễ chịu,” ông nói.
Rời Việt Nam với hai bàn tay trắng, ông chỉ còn giữ được tấm hình vàng úa đầy nếp gấp, những người trong hình đã qua đời hết, trừ Trung Úy Braddy.
Kết quả trận Đồng Xoài, Bình Giã, không phản ánh được toàn bộ cuộc chiến Việt Nam, mặc dù nó nói lên được sự mất mát của cả ba phe. Mỹ mất năm quân nhân, Việt Cộng mất 32 quân và khoảng 200 quân nhân VNCH bỏ mạng.
Nói chung, hơn 58,000 quân nhân Mỹ thiệt mạng tại Việt Nam.
Số quân Việt Công thiệt mạng vì cuộc chiến chưa được rõ ràng, nhưng được ước lượng ở mức hơn 1 triệu.
Quân nhân QLVNCH bỏ mình vì cuộc chiến là khoảng 250,000 người.
Chừng 2 triệu dân lành Việt Nam ở cả hai miền thiệt mạng.
Trận Đồng Xoài, Bình Giã, là điềm xấu cho Mỹ tại chiến trường Việt Nam.
Ở tuổi 77, ông Toàn mong mỏi rằng những câu chuyện chưa được kể sẽ được biết đến tại Hoa Kỳ.
“Tôi vui vì đã làm hết sức mình. Rất nhiều bạn bè tôi đã chết. Tôi may mắn còn kể được chuyện này. Còn 300,000 bạn đồng ngũ của tôi đâu kể được chuyện của họ cho ai. Tôi muốn nước Mỹ biết điều này,” ông Toàn nói. (ĐG)